Cái “tôi” sống cùng khát vọng cống hiến

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong tuổi thơ im lặng của duy khán (Trang 33 - 37)

CHƯƠNG 2. TUỔI THƠ IM LẶNG – NHỮNG MIỀN HỒI ỨC

2.4. Cái “tôi” sống cùng khát vọng cống hiến

Tuổi thơ nghèo chứng kiến bao cảnh đời khốn cùng, thấu hiểu được nỗi đau gia đình, nỗi đau dân tộc, hơn thế nữa là niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước, nên ngay từ trong trò chơi đánh trận giả nhân vật tôi đã toát lên là một con người có tinh thần yêu nước kiên trung “Một bên dứt khoát là ta.

Ta phải mạnh. Một bên là giặc. Nhưng giặc nào thì không cần biết. - Em là tướng bên ta. Anh Hồ là tướng giặc nhá… Sáng ra anh Hồ bảo: Tao thích đánh trận. Tôi bảo: Em cung thế”[11, tr.191-193]. Tại sao một cậu bé chỉ có mười mấy tuổi mà đã khẳng định được điều bên ta phải mạnh, phải thắng; mà chính cậu là bên ta. Phải chăng niềm tin vào truyền thống dân tộc đánh giặc từ bao đời của dân tộc luôn cháy trong lòng nhân vật tôi “Nước ta có bốn nghìn năm lịch sử. Vụt lớn như Phù Đồng... Dậy sóng Bạch Đằng... Chi Lăng, Đống Đa đẫm máu giặc... Anh hùng áo vải Quang Trung chiến bào ám khói... Ngọn cờ búa liềm như ngọn lửa... Cách mạng Tháng Tám mùa Thu,”[11, tr.196]. Rõ ràng cậu bé Khán đang khát khao cháy được cống hiến chút sức lực của mình trong trận chiến đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều này hiện lên rất rõ từ những suy nghĩ đến hành động của nhân vật “Tôi đứng lặng người một lúc rồi đưa mắt nhìn anh Minh đang đứng dưới. Anh nháy mắt ra hiệu “nói đi”, “bấy lâu im lặng rồi bây giờ mở miệng đi”. “Bấy lâu im lặng bây giờ được quyền mở miệng rồi cơ mà!”... Không ngờ, tôi vừa “mở miệng”, tất cả đều lặng như tờ... Bài sử ran ran đập vào vách núi Dạm. Nó vọng trở lại. Nó được nhắc hai lần.”[11, tr.198], hay “Tôi sung sướng quá vì được dịp trổ tài và tỏ tình cảm…

Tôi hát tốt; tôi hát nổi cả gân cổ, có lúc như gào lên: …Thề phanh thây uống máu quân thù!” [11, tr.204].

Để khắc họa cái “tôi”, nhà văn đã đặt nhân vật trong bối cảnh của đất nước để cho thấy được cái khí thế chung của dân tộc. Trước hết đó là cái tôi trăn trở trước số phận, trước thời cuộc. Hình ảnh người mẹ tảo tần, vượt bao hiểm nguy đưa gạo cho con đi học “Đêm phải vượt qua chỗ địch đóng. Nó biết, nó bắn. Khối người bị chết giữa đường. Nhìn u, tôi rưng rưng. Hạt gạo nhòe ra. May, nó chưa nhuốm máu.”[11, tr.207]. Rồi mẹ mất, anh hi sinh, người cha hốc hác đi trong trong nỗi đau, cảnh “gà trống nuôi con” nhưng vẫn kiên quyết một mực nuôi con ăn học. Trong hoàn cảnh cuộc sống càng ngày càng cơ hàn, hơn thế nữa là thù nhà, nợ nước còn đang nặng đôi vai đã buộc

nhân vật tôi phải ngậm ngùi từ bỏ niềm ước ao của người cha “Đêm ấy tôi vừa khóc vừa nói với thầy: - Con xin thầy nghỉ học đi kiếm ăn nuôi em cùng thầy… Có cuộc tòng quân. Bạn bè đi vãn cả trường: Bạn Đài đi rồi. Bạn Chính đi rồi… Tôi trằn trọc đến quá nửa đêm… Sáng hôm sau tôi xin nghỉ một buổi học để tiếp thầy. - Thầy cho con tòng quân! Con nghĩ mãi rồi… - Con mười lăm tuổi rưỡi, trông lại lớn. Con xin được. Khối đứa bé hơn con...

con còn bé bỏng gì nữa đâu?”[11, tr.208-209]. Làm sao một người thiếu niên sống trong cảnh nô lệ lại có thể ngồi yên được. Phải chăng từ chính những bài học của người cha là người con trai phải có chí lớn, tung hoành bốn phương, dũng cảm, kiên trung đã thôi thúc nhân vật tôi có những quyết định trọng đại là gác nghiên bút ra chiến trường.

Quyết tâm lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhưng trong lòng của Khán cuộc đấu tranh tư tưởng vẫn còn đang diễn ra: “lên đường sao mà vui!...

Được các thầy bắt tay, chúc tụng; được con gái tặng hoa, hát mừng và bao nhiêu sổ có chữ lưu niệm… Buổi học cuối cùng của tôi buồn lắm”[11, tr.221], đó là nỗi buồn vì phải xa trường, xa thầy, xa bạn bè, xa người cha thân yêu của mình “Đêm đã khuya, tôi soạn ít sách mang theo để tiếp tục học. Mấy giọt nước mắt rỏ xuống những quyển sách để lại. Những dòng chữ như níu tôi...Vượt khỏi cánh rừng, đến đồi thông Sơn Ca, tôi đứng lại nhìn. Tôi bất ngờ thấy bóng thầy ở cửa rừng, mờ trong mưa im như một pho tượng.”[11, tr.222]. Tất cả như muốn níu chân nhân vật tôi ở lại. Nhưng câu nói của thầy giáo già trong trường thi“…Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi.

Mà khó vì lòng người ngại núi e sông…”[11, tr. 202] lại vang lên trong tâm trí nhân vật tôi, thôi thúc ý chí quyết tâm ra trận của cậu “Tôi tiếp tục đi để kịp chuyển quân”. “Ngày hai-mươi-bảy-tháng Giêng, năm một nghìn-chín-trăm- năm-mươi…”, đây là mốc thời gian quan trọng ghi dấu trong cuộc đời nhân vật tôi, nó là thời điểm cái tôi cá nhân hòa nhập vào cái ta chung của đất nước. Có lẽ những bom đạn hiểm nguy không tài nào có thể ngăn được ý chí

của cậu bé mười lăm tuổi rưỡi. Bởi vì trong cái tuổi đẹp nhất này cậu đã phải trải qua quá nhiều gian khổ, đau thương, và chỉ có trực tiếp đối diện với quân thù, dũng cảm chiến đấu mới có thể vơi đi những gì mà cậu đã kìm nén từ lâu.

Nhà văn đã kể lại hết sức chân thật cuộc đời, cảnh ngộ của nhân vật tôi và đó cũng là chính mình. Tác giả đã tập trung khắc họa nhân vật từ suy nghĩ, lời nói, hành động rồi từ đó khái quát lên tính cách. Qua đó làm nổi bật lên quá trình nhận thức, giác ngộ lí tưởng cách mạng và hành động quyết mình ra đi rửa hận nước, trả thù nhà của nhân vật tôi.

Với việc xây dựng cái “tôi” sống cùng khát vọng cống hiến, nhà văn đã khéo léo dựng lại cả một thời kì hào hùng, sục sôi ý chí chiến đấu của hàng vạn người dân Việt Nam. Họ hiện thân cho lẽ sống cao đẹp, với tinh thần

“quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” biết bao thế hệ thanh niên đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc. Bước chân ra đi họ đâu có nghĩ gì, Tổ quốc cần, họ nguyện hiến dâng tuổi trẻ và cuộc đời. Đó là sự dấn thân, cống hiến hoàn toàn tự nguyện, khi bản thân đã thấu hiểu thế nào là lẽ sống của một “đấng nam nhi”.

Họ có niềm tin tuyệt đối vào độc lập, tự do, vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng. Đó là những tấm gương hi sinh lớn lao, biểu trưng của những nhân cách cao đẹp. Qua đây, nhà văn cũng muốn nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải biết sống có ước mơ, có hoài bão, niềm tin vào tương lai và không ngừng đóng góp sức lực của mình vào công cuộc xây dựng đất nước, tiếp nối những truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Bằng việc tái tạo hồi ức thông qua cái tôi nhà văn đã vẽ lên một bức tranh về cuộc sống với nhiều màu sắc và chiều kích khác nhau: có cả cái bi, cái cao cả và cái thấp hèn, cái đẹp xen lẫn cái xấu. Tất cả như một bản hợp âm xướng lên khúc nhạc cuộc đời. Đọc Tuổi thơ im lặng của Duy Khán ta thấy thật xúc động với bao cảnh đời hiện lên thật thiêng liêng tha thiết vừa buồn, vừa vui đan xen thể hiện rất chân thực cuộc sống đời thường. Tác giả tiếp đối tượng từ “cự li” rất gần đã làm cho hiện thực cuộc sống như mới diễn ra ngày

hôm qua. Nói hôm qua cũng chính là để hôm nay tự bản thân mỗi con người nhìn lại, suy ngẫm và chiêm nghiệm.

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong tuổi thơ im lặng của duy khán (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)