Phương pháp phân tích hiệu quả dự án

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phương pháp đánh giá hiệu quả các dự án sản xuất chế biến khoáng sản, áp dụng đánh giá lại hiệu quả dự án nhà máy sản xuất alumin nhân cơ (Trang 94 - 97)

CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH HIỆN TRẠNG DỰ ÁN NHÀ MÁY SẢN XUẤT

2.2 Phân tích hiện trạng đánh giá hiệu quả Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ

2.2.1 Phương pháp phân tích hiệu quả dự án

Như đã nêu trong Chương 1, hiệu quả của dự án đầu tư được tính toán, phân tích trên hai giác độ:

(1) Giác độ dự án (doanh nghiệp): Gọi là hiệu quả thương mại hoặc hiệu quả tài chính. Căn cứ tính toán hoàn toàn theo thị trường (giá thị trường, tỉ suất chiết khấu thị trường và tỉ giá hối đoái thị trường); các lợi ích và chi phí chỉ bao gồm các lợi ích và chi phí trực tiếp phát sinh trong phạm vi dự án; nội dung phân tích bao gồm: hiệu quả vốn đầu tư; phân tích tài chính (khả năng thanh toán và cơ cấu vốn hay còn gọi là đòn bẩy tài chính); phân tích bất định.

(2) Giác độ nền kinh tế: Gọi là hiệu quả kinh tế - xã hội. Căn cứ tính toán và nội dung các lợi ích và chi phí khác cơ bản so với phân tích hiệu quả thương mại. Khi phân tích hiệu quả kinh tế quốc dân không sử dụng giá thị trường quốc tế mà sử dụng giá điều chỉnh (còn gọi là giá kinh tế) gần giống như giá xã hội (chi phí xã hội cần thiết). Tương tự, tỷ giá hối đoái chính thức cũng được thay bằng tỷ giá điều chỉnh (tỷ giá thực) và tỷ lệ lãi suất thực tế trên thị trường vốn được thay bằng tỷ suất chiết khấu xã hội. Các lợi ích và chi phí không chỉ phát sinh trực tiếp trong dự án mà còn phát sinh gián tiếp bên ngoài dự án.

Như vậy, dự án chưa nêu khái quát được phương pháp đánh giá hiệu quả. Từ đó dẫn đến tình trạng dự án mới chỉ đề cập đến hiệu quả tài chính của tổng vốn đầu tư (còn hiệu quả của riêng vốn góp, vốn trong nước chưa đề cập đến, chưa thực hiện phân tích khả năng thanh toán và cơ cấu nguồn vốn) còn hiệu quả kinh tế - xã hội không những còn đề cập quá sơ sài mà còn chưa đúng về phương pháp luận (đang sử dụng giá thị trường, tỷ suất chiết khấu và tỷ giá hối đoái thị trường như khi tính hiệu quả thương mại, mà lẽ ra phải sử dụng giá kinh tế, tỷ suất chiết khấu xã hội, tỷ giá hối đoái xã hội, nội dung các dòng tiền thu và chi của dự án xét trên giác độ nền kinh tế, hiệu quả gián tiếp được tạo ra trong các dự án có liên quan và các hiệu quả khác về xã hội, văn hoá, môi trường cũng chưa được phân biệt và làm rõ.

Khi tính hiệu quả xã hội của dự án đã liệt kê cả phí môi trường và chi phí phục hồi hoàn nguyên và coi đó là khoản thu cho xã hội là không đúng. Đây là các khoản chi bắt buộc để tái tạo, phục hồi tình trạng ban đầu của khu vực khai thác, chứ không phải là khoản thu của xã hội.

Để trả lời bức xúc của dư luận hiện nay rằng liệu có phương án phát triển nào hay hơn phương án khai thác bauxit, sản xuất alumin hay không trong Báo cáo cũng chưa đề xuất được cách thức giải quyết vấn đề để trả lời câu hỏi này. Thêm vào đó, tư duy và cách tiếp cận phân tích hiệu quả đang áp dụng đối với dự án hoàn toàn là tư duy và cách tiếp cận đối với một dự án khai thác, chế biến khoáng sản mang tính thương mại thông thường (thuần túy chỉ là khai thác bauxite để sản xuất Alumin trước mắt để xuất khẩu, về sau để luyện nhôm và dành một phần xuất khẩu).

Vì vậy, để có tư duy và cách tiếp cận phân tích hiệu quả của Dự án một cách hợp lý, đúng đắn cần phải làm rõ những vấn đề sau đây của vùng Tây Nguyên nói chung và vùng dự án nói riêng là vùng có nhiều vấn đề nhạy cảm:

(1) Tình hình đặc điểm và thực trạng bối cảnh kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường: Trình độ phát triển kinh tế còn thấp; Trình độ dân trí thấp; Còn có sự bất ổn chính trị và xã hội; Văn hóa buôn làng, văn hóa dân tộc đang dần bị mai một đi; Môi trường rừng bị tàn phá nặng nề; Năng suất và chất lượng cây trồng trên diện tích trong khu vực mỏ rất thấp …

(2) Các tiềm năng để phát triển kinh tế: Đất lâm nghiệp và trồng cây công nghiệp; Tiềm năng phát triển thủy điện; Khoáng sản; Kinh tế cửa khấu; Cảnh quan du lịch.

85

(3) Tính cấp thiết, vai trò, mục tiêu và tầm quan trọng của Dự án cũng như mối quan hệ của Dự án với việc phát triển các tiềm năng khác.

Để có thể làm rõ được những vấn đề này của Dự án cần phải đánh giá đúng đắn thực trạng điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội - môi trường của Tây Nguyên và của vùng dự án với mục đích để xác định nhiệm vụ cho việc khai thác bauxite nói riêng và cho bất kỳ dự án đầu tư phát triển khác nói chung như phải hoàn trả, phục hồi gì, phải bảo tồn bảo vệ gì, phải làm gì cho phát triển Tây Nguyên/vùng dự án?

Khẳng định sự bức bách phải khẩn trương hành động để ngăn chặn, khắc phục, cải thiện thực trạng hiện nay của Tây Nguyên/vùng dự án. Đánh giá đúng, đầy đủ các tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên/vùng dự án với mục đích trả lời câu hỏi là nếu không làm bauxite thì phải làm gì khác để ngăn chặn, khắc phục, cải thiện thực trạng hiện nay của Tây Nguyên/vùng dự án.

Mối quan hệ giữa làm bauxite và phương án khác: Hai phương án này có loại trừ nhau không hay có thể kết hợp với nhau, lồng ghép trong nhau? Khó khăn, thách thức và thuận lợi đối với từng phương án? Các tác động kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và hiệu quả của từng phương án?

Ngoài ra, cũng cần phân tích, minh chứng làm rõ một trong những điều rằng có thực là đất trong vùng có quặng bauxite không trồng trọt được hay trồng được nhưng cho năng suất, chất lượng cây trồng và hiệu quả thấp hay không?

b) Thời gian phân tích đánh giá dự án:

Không phải là 30 năm kể từ khi dự án đi vào vận hành (từ 2011 đến 2040), mà là từ khi khởi công xây dựng cho đến khi kết thúc Dự án (từ 2009 đến 2040), tức bao gồm cả thời gian xây dựng cơ bản.

c) Phân tích bất định:

Như đã biết, nội dung phân tích bất định gồm 3 vấn đề: Phân tích hòa vốn;

Phân tích độ nhạy và Phân tích xác xuất. Khi phân tích bất định phải xem xét các yếu tố biến động cả chiều lên và chiều xuống, cả chiều tốt và chiều xấu.

- Phân tích hòa vốn: Nhằm xác định mức sản lượng hòa vốn, tại mức sản lượng hòa vốn này doanh thu bằng tổng chi phí, tức là không có lãi và cũng không lỗ.

Cơ sở kinh tế và khoa học của nó là cơ cấu chi phí kinh doanh gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi.

- Phân tích độ nhạy: Nhằm xác định mức độ biến động của các chỉ tiêu hiệu quả do sự biến động của thị trường và điều kiện sản xuất kinh doanh.

- Phân tích xác xuất: Nhằm xác định khả năng xảy ra các biến động trong phần phân tích độ nhạy. Khi phân tích độ nhạy mới chỉ xem xét các biến động và biên độ biến động mà chưa xác định tần suất xảy ra các biến động đó.

Trong Thuyết minh, nội dung phân tích bất định còn thiếu, mới chỉ phân tích độ nhạy và ngay cả vấn đề này còn có bất cập. Phân tích độ nhạy của dự án theo các yếu tố biến động về giá bán Alumin, về vốn đầu tư, về chi phí sản xuất và về mức thuế suất thuế xuất khẩu Alumin. Về nguyên tắc các sắc thuế, phí do Nhà nước quy định là phải ổn định, không thể thay đổi thường xuyên được nên không thể phân tích độ nhạy trong mối quan hệ với sự biến động các chính sách thuế, phí của Nhà nước.

Nếu hiệu quả tài chính của dự án thấp thì sau khi đã áp dụng các giải pháp khác mà vẫn thấp, khi đó tính toán mức thuế, phí đảm bảo cho dự án có hiệu quả tài chính và đó là căn cứ để đề xuất Nhà nước miễn giảm thuế.

Vì vậy, cần phân tích độ nhạy theo sự biến động của từng yếu tố: giá đầu ra, giá đầu vào, vốn đầu tư. Bổ sung thêm phần phân tích hòa vốn và phân tích xác suất.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phương pháp đánh giá hiệu quả các dự án sản xuất chế biến khoáng sản, áp dụng đánh giá lại hiệu quả dự án nhà máy sản xuất alumin nhân cơ (Trang 94 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)