Các kết quả nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên thế giới

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý chất thải bỏ chứa hóa chất bảo vệ thực vật một số (Trang 41 - 45)

1.3. Cơ sở thực tiễn

1.3.2. Các kết quả nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên thế giới

Hoá chất BVTV đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp của tất cả các quốc gia trên thế giới. Các loại HCBVTV được sử dụng ở các nước là rất lớn. Trong đó, nước Mỹ có nền nông nghiệp phát triển, hàng năm lượng HCBVTV được sử dụng lớn nhất, lên tới 1/3 tổng số hoá chất BVTV trên toàn thế giới, chủ yếu là hóa chất diệt cỏ. Châu Âu cũng sử dụng nhiều HCBVTV (30%), trong khi đó con số này ở các nước còn lai là 20% (Pak J.

Weed Sci. Res., 2007).

Đã có rất nhiều quốc gia, tổ chức, nhà khoa học đã đi sâu, nghiên cứu các ảnh hưởng của thuốc BVTV và phát triển các chương trình quản lý, đánh giá các rủi ro này.

Năm 1962, Carson trong cuốn sách Silent spring (Mùa xuân tĩnh lặng) đã đề cập đến những rủi ro môi trường liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ

sâu. Cuốn sách đã thật sự gây sốc cho không ít người khi biết rằng những mối nguy hiểm đó do chính con người tạo ra và song hành trong cuộc sống. Chúng là những chất độc có trong thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và nhiều loại chất khác sử dụng trong nông nghiệp. Từ đất, nước và từ các bộ phận của cây trồng, những chất độc hại đó tham gia vào chuỗi thức ăn và hiện diện trên bàn ăn của các gia đình. Carson cho rằng những hoá chất đó thậm chí còn nguy hiểm hơn cả những chất phóng xạ. Chúng có thể xâm nhập theo đường tiêu hoá (cùng thức ăn, đồ uống); theo đường hô hấp (ví dụ khi ta hít phải) hay qua da (như khi phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ không mang khẩu trang, găng tay v.v.)...Với cách thức xâm nhập đó, con người có nguy cơ mang theo chất độc từ lúc sinh ra đến khi chết và chịu sự tàn phá của chúng.

Tại Mỹ, nơi khoa học môi trường rất phát triển, đã thiết lập nhiều chương trình bảo vệ môi trường do thuốc trừ sâu từ rất sớm như Chương trình thuốc trừ sâu của Đại học Purdue. Chương trình được xây dựng và duy trì với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Năm 2002, Fred Whitford, điều phối viên của chương trình này đã viết cuốn sách Tài liệu hoàn chỉnh về quản lý thuốc BVTV. Tác giả cho rằng cần có chính sách dứt khoát và các yêu cầu xem xét một sản phẩm thuốc trừ sâu trước khi bước vào thị trường, với nhãn mác rõ ràng và chính xác, và với người tiêu dùng có nhận thức tốt. Tuy nhiên, thuốc trừ sâu cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì cuộc sống của chúng ta, bởi chính chúng giúp con người bảo vệ cây trồng, nguồn lương thực, thực phẩm của nhân loại. Cuốn sách mô tả tiến trình mà theo đó công nghiệp và các Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đạt được một sự đồng thuận về các nguy cơ mà thuốc trừ sâu gây cho con người, động vật hoang dã và nước.

Ở Ontario, Canada, theo nghiên cứu về sự nhiễm độc môi trường do sử dụng các chất hóa học đã được Frank et al tiến hành từ năm 1982 tại 11 vùng nông nghiệp đầu nguồn Ontario. Có ít nhất 81 loại thuốc trừ sâu khác nhau đã

được sử dụng trong nông nghiệp dọc theo hành lang an toàn (của các con sông) và nhiều loại thuốc được sử dụng gần nhà. Trung bình, 39% của bề mặt đất nhận 8,3kg/ha/năm. Việc sử dụng nồng độ cao thuốc trừ sâu ở vùng này đã gây ra ô nhiễm bề mặt nguồn nước tại vùng nghiên cứu. Thuốc diệt cỏ atrazine có mặt trong 93% các mẫu nước (với mức sử dụng 2,2kg/ha/năm). Mặc dù DDT đã bị cấm sử dụng từ năm 1972 nhưng vẫn tìm thấy nó trong 41% các mẫu nước.

Để xử lý nước rửa bình xịt, chai, lọ,...từ quá trình sử dụng TBVTV, hạn chế việc xả, đổ nước thải bừa bãi, gây ảnh hưởng đến môi trường, năm 1993 do hai nhà khoa học Thụy Điển là Torsttensson và Castillo đã nghiên cứu và đề xuất mô hình đệm sinh học. Đây là công trình xây dựng đơn giản và rẻ tiền, được áp dụng rộng rãi như là một biện pháp bảo vệ nguồn nước mặt và nước ngầm.

Trên thế giới, thuốc BVTV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm.

Theo tính toán của các chuyên gia, trong những thập kỷ 70, 80, 90 của thế kỷ 20, thuốc BVTV góp phần bảo vệ và tăng năng suất khoảng 20 - 30% đối với các loại cây trồng chủ yếu như lương thực, rau, hoa quả.

Những năm gần đây theo ý kiến và nghiên cứu của nhiều tổ chức khoa học, chuyên gia về nông nghiệp, bảo vệ thực vật, sinh thái quá trình sử dụng thuốc BVTV ở thế giới trải qua 3 giai đoạn là: 1 - Cân bằng sử dụng (Balance use): yêu cầu cao, sử dụng có hiệu quả. 2 - Dư thừa sử dụng (Excessise use):

bắt đầu sử dụng quá mức, lạm dụng thuốc BVTV, ảnh hưởng đến môi trường, giảm hiệu quả. 3 - Khủng hoảng sử dụng (Pesticide Crisis): quá lạm dụng thuốc BVTV, tạo nguy cơ tác hại đến cây trồng, môi trường, sức khỏe cộng đồng, giảm hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn dư thừa sử dụng từ những năm 80 - 90 và giai đoạn khủng hoảng từ những năm đầu thế kỷ 21. Với những nước đang phát triển, sử dụng thuốc BVTV chậm hơn (trong đó có Việt Nam) thì các giai đoạn trên lùi lại khoảng 10 - 15 năm.

Việc sử dụng thuốc BVTV ở thế giới hơn nửa thế kỷ luôn luôn tăng, đặc biệt ở những thập kỷ 70 - 80 - 90. Theo Gifap, giá trị tiêu thụ thuốc BVTV trên thế giới năm 1992 là 22,4 tỷ USD, năm 2000 là 29,2 tỷ USD và năm 2010 khoảng 30 tỷ USD, trong 10 năm gần đây ở 6 nước châu Á trồng lúa, nông dân sử dụng thuốc BVTV tăng 200 - 300% mà năng suất không tăng.

Hiện danh mục các hoạt chất BVTV trên thế giới đã là hàng ngàn loại, ở các nước thường từ 400 - 700 loại. (Trung Quốc 630, Thái Lan 600 loại). Tăng trưởng thuốc BVTV những năm gần đây từ 2 - 3%. Trung Quốc tiêu thụ hằng năm 1,5 - 1,7 triệu tấn thuốc BVTV (2010).

* Bên cạnh những đóng góp tích cực với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp (SXNN) trên thế giới cũng đem lại những hệ lụy xấu, đặc biệt trong vòng hơn 20 năm trở lại đây.

Sự đóng góp của thuốc BVTV vào quá trình tăng năng suất ngày càng giảm.

Theo Sarazy, Kenmor (2008 - 2011), ở các nước châu Á trồng nhiều lúa, 10 năm qua (2000 - 2010) sử dụng phân bón tăng 100%, sử dụng thuốc BVTV tăng 200 - 300% nhưng năng suất hầu như không tăng, số lần phun thuốc trừ sâu không tương quan hoặc thậm chí tương quan nghịch với năng suất. Lạm dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật còn tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng phá vỡ sự bền vững của phát triển nông nghiệp. Lạm dụng HCBVTV làm tăng tính kháng thuốc, suy giảm hệ ký sinh - thiên địch để lại dư lượng độc trên nông sản, đất và nước, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, nhiễm độc người tiêu dùng nông sản. Trong giai đoạn 1996 - 2000, ở các nước đã phát triển, rất nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, vẫn có tình trạng tồn tại dư lượng HCBVTV trên nông sản như: Hoa Kỳ có 4,8% mẫu trên mức cho phép, cộng đồng châu Âu - EU là 1,4%, Úc là 0,9%. Hàn Quốc và Đài Loan là 0,8 - 1,3%. Do những hệ lụy và tác động xấu của việc lạm dụng thuốc BVTV cho nên ở nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện việc đổi mới chiến lược sử dụng thuốc BVTV. Từ “Chiến lược sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và an toàn”

sang “Chiến lược giảm nguy cơ của thuốc BVTV”.

Trên thực tế việc sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và an toàn mới mang tính kinh doanh và kỹ thuật vì chưa đề cập nhiều đến vấn đề quản lý, đặc biệt là mục tiêu giảm sử dụng thuốc BVTV, còn việc giảm nguy cơ của thuốc BVTV đã thể hiện tính đồng bộ, hệ thống, của nhiều biện pháp quản lý, kinh tế, kỹ thuật, nó bao gồm các nội dung:

- Thắt chặt quản lý đăng ký, xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh thuốc BVTV, - Giảm lượng thuốc sử dụng,

- Thay đổi cơ cấu và loại thuốc, - Sử dụng an toàn và hiệu quả,

- Giảm lệ thuộc vào thuốc hóa học BVTV thông qua việc áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.

Chiến lược sử dụng thuốc BVTV mới này đã mang lại hiệu quả ở nhiều nước, đặc biệt là các nước Bắc Âu, đã thành công trong việc giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV mà vẫn quản lý được dịch hại tốt. Trong vòng 20 năm (1980 - 2000) Thụy Điển giảm lượng thuốc BVTV sử dụng đến 60%, Đan Mạch và Hà Lan giảm 50%. Tốc độc gia tăng mức tiêu thụ thuốc BVTV trên thế giới trong 10 năm lại đây đã giảm dần, cơ cấu thuốc BVTV có nhiều thay đổi theo hướng gia tăng thuốc sinh học, thuốc thân thiện với môi trường, thuốc ít độc hại,…

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý chất thải bỏ chứa hóa chất bảo vệ thực vật một số (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)