Xây dựng mô hình thu gom chất thải chứa HCBVTV

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý chất thải bỏ chứa hóa chất bảo vệ thực vật một số (Trang 71 - 75)

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.3. Một số giải pháp quản lý và thu gom, xử lý chất thải chứa HCBVTV

3.3.1. Xây dựng mô hình thu gom chất thải chứa HCBVTV

Để quản lý tốt việc thu gom chất thải chứa HCBVTV, tại các xóm cần thành lập các tổ thu gom từ các bể về nhà lưu chứa chất thải HCBVTV theo mô hình xã hội hóa với sự chủ trì của các tổ chức đoàn thể chính trị và sự tham gia của bà con nông dân.Việc thành lập và duy trì hoạt động của tổ thu gom chất thải chứa HCBVTV nên giao Hội Nông dân xã chủ trì, trên cơ sở đó Hội Nông dân xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã triển khai xây dựng, huy động nguồn lực kinh phí phục vụ công tác thu gom và duy trì hoạt động của tổ, đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể - chính trị, các cơ quan, đơn vị liên quan của xã, xóm tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham gia thực hiện.

* Nhiệm vụ của tổ thu gom như sau:

- Có trách nhiệm tổ chức thu gom, vận chuyển đến các nhà lưu chứa tập trung theo địa bàn. Định kỳ 1 tháng/lần hoặc vào thời gian cao điểm sử dụng thuốc BVTV của các hộ nông dân tiến hành thu gom chất thải từ các bể chứa.

- Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định việc thu gom chất thải chứa HCBVTV, tuyên truyền để nhân dân ủng hộ việc xây dựng các địa điểm thu gom chất thải chứa HCBVTV, ủng hộ việc thực hiện quy trình thu gom.

* Hoạt động của các tổ thu gom:

- Tổ thu gom hoạt động theo phương thức xã hội hóa với vai trò chủ đạo của các đoàn thể chính trị - xã hội trong các xóm, có sự hỗ trợ kinh phí của chính quyền xã, kinh phí xã hội hóa hoặc từ sự đóng góp của các hộ sản xuất, kinh doanh chè, lúa, rau, trên địa bàn.

- Thành viên của tổ thu gom bao gồm các hội viên hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên… Tùy theo điều kiện địa hình và diện tích của mỗi xóm để các tổ quyết định số lượng thành viên tổ thu gom cho phù hợp.

* Yêu cầu của hoạt động thu gom: Việc thu gom chất thải chứa HCBVTV phải huy động được sự tham gia của cộng đồng, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong các xóm để hạn chế chi phí công thu gom. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thu gom, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát, các xã có thể tổ chức hình thức thu gom tập trung khi tính tự giác của người dân chưa cao, sau đó sẽ chuyển dần sang hình thức thu gom phân tán khi nhận thức và kỹ năng của người dân đã được nâng lên.

* Yêu cầu kỹ thuật về trang bị các thiết bị thu gom phải đảm bảo các quy định của Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, cụ thể:

- Đối với bao bì chứa:

+ Phải bảo đảm lưu giữ an toàn, không bị hư hỏng, rách vỏ.

+ Bao bì được buộc kín để bảo đảm ngăn chất thải rò rỉ hoặc rơi vãi.

+ Bên ngoài có ghi dòng chữ “Rác thải bao gói thuốc BVTV sau sử dụng” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về Chất thải nguy hại - Dấu hiệu cảnh báo.

Trên cơ sở các yêu cầu kỹ thuật đối với bao bì chứa, lựa chọn loại bao bì bằng nhựa mềm (nhựa PP) để chứa các loại chất thải bỏ chứa HCBVTV trong quá trình thu gom, vận chuyển từ bể chứa về các nhà lưu chứa.

- Đối với bể chứa:

+ Bể chứa được bố trí tại các vị trí thích hợp, dễ nhận biết ven đường, trục giao thông nội đồng, bờ ruộng lớn, không bị ngập lụt, gần điểm pha chế thuốc trước khi đem đi phun để thuận tiện cho việc thu nhặt vỏ bao gói thuốc sau sử dụng bỏ vào các bể chứa. Không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, khu dân cư, giao thông và mỹ quan nông thôn.

+ Bể chứa nên lựa chọn vật liệu bằng bê tông có độ bền chắc, có khả năng chống sự ăn mòn, không bị rò rỉ, không phản ứng hoá học với chất thải chứa bên trong; có khả năng chống thấm, không thẩm thấu chất thải ra bên ngoài; đảm bảo không bị gió, nước làm xê dịch.

+ Bể chứa có hình ống để thuận tiện cho việc di chuyển, thay đổi vị trí khi cần thiết hoặc hình khối chữ nhật phù hợp với nơi xây dựng bể chứa. Dung tích bể chứa khoảng 0,5-1 m3, có đáy và nắp đậy kín. Nắp bể chắc chắn, không bị gió, mưa làm xê dịch và rộng hơn thành bể tối thiểu 5cm để tránh nước mưa chảy vào; bên thành đứng của bể chứa có ô cửa nhỏ gần nắp đậy có thể bỏ vỏ bao thuốc BVTV vào dễ dàng; bể có chiều cao thích hợp để phòng ngừa nước lũ tràn vào bên trong;

+ Bên ngoài bể chứa có ghi dòng chữ “Bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về Chất thải nguy hại - Dấu hiệu cảnh báo;

- Đối với xe thu gom:

Xe đẩy chất thải chứa HCBVTV cần đáp ứng các yêu cầu sau đây:

+ Có bánh lớn, đảm bảo có thể di chuyển được trên các địa hình không bằng phẳng như đường đất liên xóm, liên xã.

+ Có nắp đậy kín hạn chế phát tán mùi, chất ô nhiễm. Có màu sắc dễ nhận biết, thông thường là màu da cam hoặc màu vàng sáng.

+ Có dung tích đủ chứa từ 2 đến 3 thùng beton chứa đầy chất thải, không nên quá nhỏ sẽ phải tăng số lần di chuyển.

+ Có khối lượng vừa đủ để một người vận hành.

Theo quy định quản lý chất thải chứa HCBVTV, việc tập kết các loại chất thải bỏ chứa HCBVTV từ các bể chứa đến khu vực lưu chứa phải đảm bảo không để rơi vãi, phát tán các loại chất thải chứa HCBVTV trên đường vận chuyển đảm bảo ngăn ngừa phát tán ô nhiễm đảm bảo đáp ứng yêu cầu quy định theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Hiện nay, có một số sản phẩm xe đẩy tay có thể đáp ứng được các yêu cầu nêu trên, xe được chế tạo bằng nhựa compossite, nhẹ và bền chắc, có nắp đậy, có bánh hơi vận hành nhẹ nhàng, màu đặc trưng dễ nhận biết và có thể khớp nối với các loại xe máy, ô tô phục vụ quá trình vận chuyển.

- Đối với nhà lưu chứa

Nhà lưu chứa chất thải chứa HCBVTV phải đảm bảo yêu cầu sau:

- Bố trí tại địa điểm xa khu dân cư, nguồn nước, chợ, bệnh viện, trường học. Khu vực lưu chứa phải kín không bị khuyếch tán mùi ra bên ngoài, có độ cao nền đảm bảo không bị ngập lụt, được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, mặt sàn trong khu vực lưu chứa được làm bằng vật liệu chống thấm. Có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu chứa bằng vật liệu không cháy, có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong. Có rãnh thu chất lỏng về một hố ga thấp hơn sàn để đảm bảo không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi vệ sinh, chữa cháy hoặc sự cố rò rỉ;

+ Bên ngoài khu vực lưu chứa có ghi dòng chữ “Khu vực lưu chứa bao

gói thuốc BVTV sau sử dụng” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về Chất thải nguy hại - Dấu hiệu cảnh báo;

+ Nhà lưu chứa phải đảm bảo đủ diện tích để xếp cách các bao chứa chất thải chứa HCBVTV cách tường bao quanh của khu vực lưu chứa ít nhất 50cm, không cao quá 300cm, chừa lối đi chính thẳng hàng và rộng ít nhất 150cm.

+ Đảm bảo không để rơi vãi, phát tán các loại chất thải chứa HCBVTV trong quá trình tập kết từ các bể chứa về lưu chứa tại nhà lưu chứa.

+ Nhà lưu chứa phải có đường vào thuận tiện và đảm bảo khoảng cách thu gom các loại chất thải chứa HCBVTV từ các bể chứa trên toàn địa bàn xã về lưu chứa tại nhà lưu chứa.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý chất thải bỏ chứa hóa chất bảo vệ thực vật một số (Trang 71 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)