CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Thực trạng quản lý và sử dụng HCBVTV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
3.1.2. Thực trạng quản lý chất thải chứa HCBVTV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Hàng năm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sử dụng khoảng 298 tấn hoá chất BVTV. Việc bao gói thuốc BVTV hiện nay chủ yếu là sử dụng chai nhựa và túi nilon là những vật liệu rất bền vững trong môi trường. Theo nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam tại Dự án Nghiên cứu mô hình thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV phát thải trong sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội năm 2010 -2012 cho thấy, lượng HCBVTV dính vào vỏ bao bì chiếm khoảng 1,85% tổng khối lượng hóa chất.
Hiện chưa có điều tra, thống kê chính thức về khối lượng chất thải chứa HCBVTV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu được công bố nêu trên, đối với các loại thuốc đóng chai bằng nhựa khối lượng bao bì thường chiếm tỷ lệ khoảng 12-15% tổng khối lượng, đối với các loại thuốc đóng trong túi nilon, khối lượng bao bì chiếm khoảng 3-5%. Theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khối lượng các chủng loại thuốc chứa trong chai nhựa chiếm 70-80%, chứa trong gói và loại khác chiếm 20- 30% tổng khối lượng thuốc tiêu thụ. Do vậy khối lượng chất thải chứa hóa chất bảo vệ thực vật phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 360 đến 450 tấn/năm, khối lượng chất thải chứa HCBVTV phát sinh trên địa bàn thành phố Thái Nguyên khoảng 25 đến 30 tấn/năm.
3.1.2.2. Công tác quản lý chất thải chứa HCBVTV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên a. Tình hình thu gom chất thải chứa HCBVTV
Việc quản lý chất thải bỏ chứa HCBVTV hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc lắp đặt các bể thu gom trên các cánh đồng tại các khu vực canh tác nông nghiệp, tổ chức tuyên truyền, vận động bà con nông dân thu gom các loại chất thải chứa HCBVTV vào các bể chứa theo quy định. Ở một số địa phương áp dụng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, như sản xuất chè sạch tại
các xã ở huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ thành phố Thái Nguyên, đã hình thành các điểm thu gom thứ cấp. Tại đây, các hộ gia đình đã tự giác thu gom chất thải bỏ chứa HCBVTV ngay sau khi sử dụng, tập trung tại bể lưu chứa tại khu vực sản xuất nông nghiệp của gia đình; định kỳ sẽ thực hiện thu gom, sau đó tập trung về nhà lưu chứa chất thải bỏ chứa HCBVTV để lưu chứa.
Mặc dù vậy, do thiếu kinh phí và chế tài nên việc tổ chức thực hiện còn manh mún và gặp khó khăn như: thiếu các xe thu gom chuyên dụng, bể chứa, nhà lưu chứa tạm thời... Đồng thời ý thức của người nông dân còn hạn chế dẫn tới việc thải bỏ cả rác thải sinh hoạt vào bể chứa bỏ chứa HCBVTV phát sinh khối lượng chất thải lớn cần phải xử lý.
Hình 3.1. Hình ảnh chất thải chứa HCBVTV b. Hiện trạng xử lý chất thải chứa HCBVTV
Việc xử lý hợp vệ sinh chất thải chứa HCBVTV chưa được thực hiện ở
hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Do thiếu hướng dẫn kỹ thuật nên một số địa phương sau khi thu gom các loại chất thải chứa HCBVTV vào các bể chứa đã cho đốt tại chỗ để tiêu hủy, phát sinh khí thải độc hại hình thành lên các điểm ô nhiễm cục bộ. Một số địa phương đã xây dựng nhà trung chuyển, các loại chất thải bỏ chứa HCBVTV được vận chuyển về các nhà lưu chứa ngày càng gia tăng nhưng chưa có phương án xử lý triệt để. Ở các huyện hiện mới chỉ được đầu tư bãi chôn lấp chất thải rắn chủ yếu để xử lý rác thải sinh hoạt; không có chức năng xử lý đối với chất thải nguy hại, đặc biệt là chất thải chứa HCBVTV.
Hình 3.2. Hiện trạng thu gom, xử lý chất thải chứa HCBVTV
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay có 4 đơn vị được cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, gồm:
- Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Anh Đăng được cấp phép xử lý CTNH tại cơ sở có địa chỉ xóm Quyết Tiến 2, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, khối lượng CTNH được cấp phép xử lý là 38.580 tấn/năm.
- Công ty Liên doanh Kim loại màu Việt Bắc được cấp phép hành nghề xử lý CTNH tại cơ sở có địa chỉ: cụm công nghiệp Điềm Thụy, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Tổng số lượng CTNH được phép xử lý là 30.000 tấn/năm.
- Công ty cổ phần Môi trường Việt Xuân Mới được cấp phép xử lý CTNH tại cơ sở có địa chỉ xóm 2, xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, khối lượng CTNH được cấp phép xử lý là 222.150 tấn/năm.
- Công ty Cổ phần Vương Anh được cấp phép hành nghề xử lý CTNH tại cơ sở có địa chỉ tại xã Sơn Cẩm, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Tổng số lượng CTNH được phép xử lý là 90.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, do chưa có cơ chế tài chính, chưa có quy định trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, xử lý chất thải bỏ chứa HCBVTV nên việc thuê các đơn vị trên xử lý chất thải bỏ chứa HCBVTV mới được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện 1 lần năm 2017, với khối lượng xử lý khoảng 6 tấn tại Công ty Công ty cổ phần Môi trường Việt Xuân Mới (tuy nhiên, chưa thu gom xử lý tại 03 xã/ phường nghiên cứu).
Hình 3.3. Chứng từ CTNH c. Nguồn lực thực hiện thu gom chất thải chứa HCBVTV
- Về nhân lực: Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên việc thu gom chất thải chứa HCBVTV chủ yếu do người dân tự thực hiện. Một số địa phương đã hình thành các tổ tự quản huy động sự tham gia của cộng đồng (thông qua các tổ chức chính trị xã hội) để tổ chức thu gom tập trung. Mặc dù vậy, việc xử lý sau thu gom còn gặp khó khăn do thiếu cơ quan chuyên trách và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể.
- Về tài chính: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã được hỗ trợ bước đầu cho công tác thu gom chất thải bỏ chứa HCBVTV bằng việc đầu tư lắp đặt các bể thu gom trên cánh đồng. Trong một số trường hợp vận chuyển tới các nhà lưu chứa. Tuy nhiên, mức đóng góp của người dân để thực hiện công việc này được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, chưa được quy định cụ thể thống nhất trên địa bàn tỉnh.
Hiện các huyện cũng chưa bố trí kinh phí cho việc xử lý chất thải bỏ chứa chứa HCBVTV sau khi được thu gom.
d. Đánh giá chung
Công tác quản lý chất thải chứa HCBVTV của tỉnh Thái Nguyên mặc dù đã được quan tâm song chưa đầy đủ. Phần lớn các xã chưa chủ động trong việc thu gom quản lý chất thải chứa HCBVTV.
Do ảnh hưởng của hệ thống sản xuất nhỏ, manh mún và thiếu quản lý tập trung, lượng bao bì HCBVTV sau sử dụng này hiện chưa được quản lý mà chủ yếu bị bỏ lại trên đồng ruộng, rơi xuống các mương nước nội đồng hoặc nông dân đốt tại chỗ. Việc này gây ô nhiễm đất do các loại bao, túi khó phân hủy; gây ô nhiễm nước do hóa chất còn bám dính trên vỏ bao bì, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nông sản tại các vùng sản xuất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Mới tổ chức dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, chưa tổ chức thu gom, xử lý chất thải chứa HCBVTV. Hoạt động thu gom, xử lý chất thải chứa HCBVTV mới mang tính tự phát, chưa có sự quan tâm của các cấp chính quyền, thiếu quy hoạch, thiếu nguồn vốn đầu tư, chưa có các giải pháp kỹ thuật phù hợp và đúng quy định trong khi nhu cầu về xử lý chất thải chứa HCBVTV ngày càng bức xúc.
Chưa có cơ chế bắt buộc tái thu hồi vỏ bao bì chứa HCBVTV đối với các nhà sản xuất thuốc BVTV, đồng thời chưa làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thu gom.
Thiếu kinh phí đầu tư xây dựng các bể chứa, khu vực lưu chứa và trang thiết bị thu gom, vận chuyển và duy trì hoạt động trong công tác thu gom và xử lý bao bì chất thải chứa HCBVTV. Chưa có cơ chế thực hiện xã hội hóa để khuyến khích sự tham gia của người dân trong thu gom xử lý triệt để chất thải chứa HCBVTV.
Chưa xây dựng được mô hình điển hình tổ chức trên cơ sở có sự tham gia của chính quyền, người dân và tổ chức/cá nhân thực hiện hoạt động thu gom và ban hành quy chế để xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của mỗi chủ thể tham gia.
Do thiếu công nghệ làm sạch và tiêu hủy bao bì sau thu gom, đa số
lượng bao bì sau thu gom đều được chôn lấp hoặc đốt chung với rác thải sinh hoạt khi chưa được làm sạch thuốc BVTV.
Chưa có những chính sách cụ thể hỗ trợ các địa phương áp dụng các mô hình sản xuất sạch hơn, đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ, năng lực về quản lý. Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong quy hoạch chiến lược và ban hành các văn bản pháp luật về quản lý chất thải chứa HCBVTV.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên chưa xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về hỗ trợ hoạt động quản lý chất thải bỏ HCBVTV;
định mức cho công tác quản lý chất thải bỏ HCBVTV do vậy các địa phương còn rất lúng túng, chưa định hướng cụ thể cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải bỏ HCBVTV.