Những nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu Tri thức bản địa trong sử dụng bảo tồn và phát triển tài nguyên cây thuốc của cộng đồng dân tộc tày tại xã tân an huyện chiêm hóa tỉnh tuyên quang (Trang 20 - 25)

Phần 2. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.2. Tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nuớc

2.2.2. Những nghiên cứu trong nước

Ở Việt Nam, tập quán sử dụng cây thuốc đã có từ lâu. Có thể nói, nó xuất hiện từ buổi đầu sơ khai, khi con người còn sống theo lối nguyên thủy. Trong quá trình tìm kiếm thức ăn, tổ tiên chúng ta đã ngẫu nhiên phát hiện ra công dụng và tác hại của nhiều loại cây. Suốt một thời gian dài như vậy, tổ tiên chúng ta đã dần dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm, biết lợi dụng tính chất của cây rừng để làm thức ăn và làm thuốc chũa bệnh. Từ những buổi đầu dựng nước, dưới thời các vua Hùng, ông cha ta đã biết cử dụng hành, tỏi, gừng, riềng...làm gia vị trong những bữa ăn hàng ngày. Thế kỷ XI (TCN), nhân dân ta có tục ăn trầu cho ấm người, thơm miệng, uống nước chè xanh cho mát, nụ vối cho dễ tiêu... Điều đó nói lên những hiểu biết về dinh dưỡng và sử dụng thuốc của dân tộc. Thế kỷ II (TCN), hàng trăm loại thuốc đã được phát hiện như: sắn dây, khoai lang, mơ, quýt... và trong thời kỳ Bắc thuộc, nhiều vị thuốc của ta đã được xuất sang Trung Quốc (Vũ Văn Chuyên, 1976) [22].

Dưới triều vua nhà Lý (1010 - 1244) có nhiều lương y nổi tiếng, trong đó có nhà sư Minh Không (Nguyễn Chí Thành) ở chùa Giao Thủy đã có công chữa bệnh cho Lý Thần Tông. Nhà Lý đặt quan hệ với Tống Huy Tông (Trung Quốc) trao đổi thuốc Nam lấy thuốc Bắc (Vũ Văn Chuyên, 1976) [22].

Dưới triều Trần (1244 - 1399), đã có kế hoạch tự túc thuốc Nam để kháng chiến. Tướng Phạm Ngũ Lão đã trồng cây thuốc ở Vạn An và Dược Sơn (Hải Dương) để cung cấp cho quân y (Lê Trần Đức, 1970) [6]. Thế kỷ XVIII, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1729 - 1791) đã thừa kế dược học của Tuệ Tĩnh chép vào tâp “Lĩnh Nam bản thảo”, nội dung gồm 496 vị thuốc Nam của

“Nam dược thần hiệu” và phát hiện thêm hơn 300 vị thuốc nữa. Tư liệu vĩ đại nhất của ông là bộ sách “Hải thượng y tông tâm lĩnh” gồm 66 quyển viết về lý luận cơ bản, phương pháp chuẩn đoán, trị bệnh (Lê Trần Đức, 1970) [6].

Ngoài bộ sách trên, còn kể đến tập “Vạn phương thập nghiệm” của Nguyễn Nho và Ngô Văn Tình gồm 8 tập, xuất bản năm 1763. Tập “Nam bang thảo

11

mộc” của Trần Nguyệt Phương mô tả 100 loài cây thuốc Nam, xuất bản năm 1858 [1]. Triều Tây Sơn (1788 - 1808) Nguyễn Hoành đã để lại tập “Nam dược” với 620 vị thuốc, với các phương thuốc kinh nghiệm gia truyền [6].

Triều Nguyễn (1802 - 1845) có quyển “Nam dược tập nghiệm quốc âm” của Nguyễn Quang Lượng về phương thuốc dân gian [6]. Sau cách mạng tháng 8 – 1945, y dược học cổ truyền đạt được những thành tựu to lớn. Dưới sự lãnh đạo của Bộ Y tế cùng y học hiện đại, sức khỏe của người dân được quan tâm và chăm lo chu đáo hơn [6]. Sau khi nước nhà thống nhất (năm 1975), việc nghiên cứu cây thuốc ở nước ta được quan tâm nhiều. Có nhiều tác giả đi sâu vào nghiên cứu, tìm tòi và phát hiện thêm nhiều loài cây thuốc mới [6]. Trần Đình Lý (1995) đã xuất bản “1900 loài cây có ích” cho biết trong số các loài thực vật bậc cao có mạch đã biết ở Việt Nam, có 76 loài cho nhựa thơm, 160 loài có tinh dầu, 260 loài cho dầu béo, 600 loài chứa tanin, 50 loài cây gỗ có giá trị, 40 loài tre nứa, 40 loài song mây[6]. Lương y lão thành, thầy thuốc ưu tú Lê Trần Đức với tác phẩm “Cây thuốc Việt Nam” (1995) đã mô tả hơn 830 loài cây thuốc và giới thiệu cách trồng, hái, chế biến, trị bệnh ban đầu (Lê Trần Đức, 1995) [7]. Võ Văn Chi (1996) với bộ sách “Từ điển cây thuốc Việt Nam” đã giới thiệu 3.200 loài cây mọc hoang và trồng ở Việt Nam. Tác giả đã mô tả khá chi tiết từng loài, bộ phận dùng, nơi sống và thu hái, tính vị, công dụng của chúng. Ngoài ra, sách còn có hình vẽ và ảnh chụp một số loài cây nên thuận lợi cho việc tra cứu [21].

Lê Ngọc Công, Nguyễn Văn Hoàn (2006), nghiên cứu đa dạng các loài cây thuốc ở khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (Bắc Giang) đã thống kê được 152 loài, 133 chi thuộc 72 họ, có tác dụng chữa trị 19 nhóm bệnh khác nhau. Các tác giả chưa mô tả được đặc điểm hình thái từng loài cũng như nơi sống của chúng [5]. Lê Ngọc Công, Bùi thị Dậu, Đinh Thị Phượng (2007), nghiên cứu sự đa dạng các loài cây có ích ở Phú Lương (Yên Bái ), trong đó nhóm cây làm thuốc có 269 loài, 90 họ thuộc 4 ngành thực vật bậc cao có mạch [4].

12

Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về y học cổ truyền bản địa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam còn ít đề cập đến, có thể nói công trình đầu tiên của Võ Thị Thường (1986) đã nghiên cứu các loài cây ăn được của đồng bào Mường. trong đó tác giả đã giới thiệu 89 loài thuộc 38 họ, đồng thời đưa ra một số nhận xét về mối quan hệ giữa việc sử dụng cây thuốc của đồng bào Mường với điều kiện sống và nơi ở của họ. Công trình nghiên cứu của Nguyễn Nghĩa Thìn và cs. (2001) về vấn đề Thực vật học dân tộc: Cây thuốc của đồng bào Thái ở Con Cuông – Nghệ An. Trong đó các tác giả đã đánh giá tính đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc, vấn đề sử dụng cây thuốc và đặc biệt là đánh giá tính hiệu quả của cây thuốc mà đồng bào dân tộc Thái sử dụng [9] Năm 2003, Trần Văn Ơn trong luận án Tiến sĩ dược học “Góp phần nghiên cứu bảo tồn cây thuốc ở Vườn Quốc gia Ba Vì”, ông đã điều tra được 503 loài cây thuốc được người Dao sử dụng thuộc 321 chi, 118 họ của 5 ngành thực vật [16].

Theo nguồn thông tin Viện Dược liệu (2004) [20] thì Việt Nam có đến 3.948 loài cây làm thuốc, thuộc 1.572 chi và 307 họ thực vật (kể cả rêu và nấm) có công dụng làm thuốc. Trong số đó có trên 90% tổng số loài cây thuốc mọc tự nhiên. Nhưng qua điều tra thì con số này có thể được nâng lên vì kiến thức sử dụng cây thuốc của một số đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta nghiên cứu chưa được đầy đủ hay còn bỡ ngỡ, trong đó có cộng đồng dân tộc Tày ở xã Tân An, Huyện Chiêm Hóa, Tỉnh Tuyên Quang. Những năm qua, chỉ riêng ngành Y học dân tộc cổ truyền nước ta đã khai thác một lượng dược liệu khá lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ thì năm 1995, chỉ riêng ngành Đông dược cổ truyền tư nhân đã sử dụng 20.000 tấn dược liệu khô đã chế biến từ khoảng 200 loài cây. Ngoài ra còn xuất khẩu khoảng trên 10.000 tấn nguyên liệu thô (Viện Dược Liệu, 2002) [18].

Kết quả nghiên cứu của Phạm Thanh Huyền tại xã Địch Quả- huyên

13

Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ về việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn cây thuốc của cộng đồng dân tộc cho thấy kiến thức về việc sử dụng nguồn cây thuốc của đồng bào dân tộc Dao ở đây. Tác giả đã chỉ rõ những loài thực vật rừng được người dân sử dụng làm thuốc, nơi phân bố, công dụng, cách thu hái chúng (Phạm Thanh Huyền, 2000) [12].

Ở nước ta số loài cây thuốc được ghi nhận trong thời gian gần đây không ngừng tăng lên, theo báo cáo kết quả điều tra nghiên cứu về dược liệu và tài nguyên cây thuốc (Viện dược liệu, 2003) [19].

- Năm 1952 toàn Đông Dương có 1.350 loài.

- Năm 1986 Việt Nam đã biết có 1.863 loài.

- Năm 1996 Việt Nam đã biết có 3.200 loài.

- Năm 2000 Việt Nam đã biết có 3.800 loài

Trong công trình cây thuốc – nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ đang có nguy cơ cạn kiệt, Trần Khắc Bảo đã đưa ra một số nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn tài nguyên cây thuốc như: diện tích rừng bị thu hẹp, chất lượng rừng suy thoái hay quản lý rừng còn nhiều bất cập, trồng chéo kém hiệu quả.

Từ đó tác giả cho rằng chiến lược bảo tồn tài nguyên cây thuốc là bảo tồn các hệ sinh thái, sự đa dạng các loài và di truyền. Bảo tồn cây thuốc phải gắn liền với bảo tồn và phát huy trí thức Y học cổ truyền và Y học dân gian gắn với sử dụng bền vững và phát triển cây thuốc (Trần Khắc Bảo, 2003) [14].

Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc Dân tộc cổ truyền (CREDEP) từ trước đến nay khá nhiều địa phương trong nước đã có truyền thống trồng cây thuốc và có nhiều nghiên cứu về cây thuốc, bài thuốc chữa các bệnh thường gặp hàng ngày. Trong 2 năm gần đây, Ngô Qúy Công đã tiến hành điều tra việc khai thác, sử dụng cây thuốc Nam tại vùng đệm của Vườn quốc gia Tam Đảo, nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, gây trồng một số loài cây thuốc quý nhằm bảo tồn và phát triển cho mục đích gây trồng thương mại. Họ chỉ rõ

14

phương pháp thu hái cũng là vấn đề cần quan tâm, việc thu hái bằng cách đào cả cây do bộ phận dùng chủ yếu là rễ, củ làm cho số lượng loài suy giảm nhanh chóng và đây cũng là nguy cơ dẫn đến sự khan hiếm, thậm chí là sự tuyệt chủng của một số lớn các cây thuốc. Vì vậy việc nhân giống nhằm mục đích hỗ trợ cây giống cho người dân có thể trồng tại vườn nhà cũng như xây dựng các vườn cây thuốc tại địa phương đều giảm áp lực thu hái cây thuốc trong rừng tự nhiên là việc làm rất cần thiết và đưa ra những giải pháp, đề xuất hợp lý để bảo tồn và phát triển (Ngô Quý Công, 2005) [8].

Đỗ Hoàng Sơn và cộng sự đã tiến hành đánh giá thực trạng khai thác, sử dụng về tiềm năng gây trồng cây thuốc tại Vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm. Qua điều tra họ thống kê được tại Vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm có 459 loài cây thuốc thuộc 346 chi và 119 họ trong 4 ngành thực vật. Người dân thuộc vùng đệm ở đây chủ yếu là cộng đồng dân tộc Sán Dìu sử dụng cây thuốc để chữa 16 nhóm bệnh khác nhau. Trong đó trên 90% số loài được sử dụng trong rừng tự nhiên. Mỗi năm có khoảng hơn 700 tấn thuốc tươi từ Vườn quốc gia Tam Đảo được thu hái để buôn bán. Nguồn tài nguyên cây thuốc ở đây đang bị suy giảm khoảng 40% so với 5 năm trước đây. Trên cơ sở các nghiên cứu các tác giả đã đề xuất 26 loài cây thuốc cần được ưu tiên và bảo tồn (Đỗ Hoàng Sơn, 2008) [2].

Theo Nguyễn Văn Tập trong nguồn Lâm sản ngoài gỗ ở Việt Nam, cây thuốc chiếm một vị trí quan trọng về thành phần loài cũng như về giá trị sử dụng và kinh tế. Theo điều tra cơ bản của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đến năm 2004 đã phát hiện được ở nước ta có 3.948 loài thuộc 1.572 chi và 307 họ thực vật (kể cả Rêu và Nấm) có công dụng làm thuốc. Trong số đó trên 90% tổng số loài là cây thuốc mọc tự nhiên chủ yếu trong các quần thể rừng (Nguyễn Văn Tập, 2006) [10].

Việt Nam là một nước có tài nguyên rừng rất đa dạng và phong phú nhưng vì ở trong những khu rừng hay gần rừng lại thường tập trung nhiều

15

thành phần dân tộc sinh sống, có nhiều nền văn hóa đặc sắc khác nhau, kiến thức bản địa trong việc sử dụng cây làm thuốc cũng rất đa dạng và phong phú, mỗi dân tộc có các cây thuốc và bài thuốc riêng biệt, cách pha chế và sử dụng khác nhau. Nên hiện nay nguồn tài nguyên rừng của chúng ta đang bị giảm sút nghiêm trọng, kéo theo sự đa dạng sinh học cũng bị suy giảm trong đó có cả một số cây thuốc bản địa có giá trị chưa kịp nghiên cứu cũng đã mất dần, vậy việc nghiên cứu phát hiện và bảo tồn sử dụng tài nguyên cây thuốc bản địa là một việc rất cần thiết. Đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số, họ có những bài thuốc kinh nghiệm rất hay, đơn giản nhưng chữa bệnh lại hiệu quả rất cao. Tuyên Quang cũng là một tỉnh tập trung nhiều dân tộc thiểu số sinh sống đặc biệt là huyện Chiêm Hóa nơi có khá nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống trong rừng và gần rừng, trong đó có dân tộc Tày. Chính vì vậy, đây là một nơi lý tưởng cho nghiên cứu kiến thức bản địa về khai thác và sử dụng tài nguyên cây thuốc, các bài thuốc dân gian từ thiên nhiên cuả cộng đồng dân tộc địa phương nơi đây.

Một phần của tài liệu Tri thức bản địa trong sử dụng bảo tồn và phát triển tài nguyên cây thuốc của cộng đồng dân tộc tày tại xã tân an huyện chiêm hóa tỉnh tuyên quang (Trang 20 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)