Bàn luận kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Kinh tế Tác động của đầu tư công và đầu tư tư nhân đến tăng trưởng kinh tế Bằng chứng thực nghiệm ở các quốc gia đang phát triển ở Châu Á (Trang 58 - 61)

CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM

4.5. Bàn luận kết quả nghiên cứu

Mục đích của bài nghiên cứu thực nghiệm này là tìm ra mối quan hệ giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân tác động như thế nào đến tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, kiểm tra sự tác động của đầu tư công đến FDI và đầu tư tư nhân trong nước từ thực nghiệm của dữ liệu nghiên cứu từ 15 quốc gia đang phát triển ở Châu Á. Bài nghiên cứu dựa trên mô hình nghiên cứu của Le và Suruga (2005). Trong nghiên cứu của Le và Suruga, họ đã đưa ra kết luận rằng cả đầu tư công và đầu tư tư nhân đều tác động dương đến tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, kết quả của họ cũng chỉ ra rằng khi mức độ của đầu tư công vượt quá 8-9% GDP thì sự tác động dương của FDI lên tăng trưởng kinh tế sẽ giảm dần. Hay nói cách khác, nếu tỷ lệ đầu tư công vượt quá 8-9% GDP thì nó sẽ có tác động “lấn át” đầu tư FDI, kiềm hãm sự phát triển kinh tế. Với nghiên cứu của tác giả, ngoài FDI, thì đầu tư tư nhân trong nước thì cũng là một trong những yếu tố có tác động đến tăng trưởng kinh tế. Chính phủ có thể sử dụng chính sách tài khóa hoặc đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đầu tư công quá mức có thể tạo ra những ngoại ứng tác động tiêu cực đến các khu vực kinh tế khác đó là FDI và đầu tư tư nhân trong nước. Bài nghiên cứu sẽ cung cấp một cái nhìn sâu sắc về sự tác động của đầu tư công lên tăng trưởng kinh tế thông qua mối quan hệ giữa các yếu tố đầu tư công, FDI, đầu tư tư nhân trong nước và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Dựa theo kết quả nghiên cứu trong bảng 3.4, mô hình đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế có R2 hiệu chỉnh bằng 0.1235, tức là mô hình giải thích 12.35% sự biến động của chỉ số tăng trưởng kinh tế theo các thành phần vốn và lao động. Hơn nữa, nếu so sánh hệ số của các biến hồi qui, thì mức độ tác động của thành phần vốn đầu tư khu vực FDI tác động lên tăng trưởng kinh tế là tốt nhất so với các thành phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước và khu vực công. Như vậy, có thể thấy FDI là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đang phát triển. FDI bổ sung cho nguồn vốn đầu tư,

cung cấp công nghệ mới, giải quyết việc làm phát triển nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mở rộng thị trường xuất khẩu.3

Kết quả nghiên cứu cho thấy đầu tư công có tác động dương đến tăng trưởng kinh tế. Biến dummy được đưa vào trong mô hình nhằm kiểm tra mức độ đầu tư công mà tại đó nó có tác động âm đến FDI và đầu tư tư nhân trong nước. Hệ số của biến If*dm là âm có nghĩa là sự tác động dương của FDI lên tăng trưởng kinh tế sẽ giảm dần khi tỷ lệ đầu tư công vượt quá một mức nào đó so với GDP. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu, đầu tư công không có gây tác động lên FDI bởi hệ số của biến If*dm không có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu được trình bày trong bảng 3.4, hệ số của biến Ip*dm là âm và có ý nghĩa thống kê, có nghĩa là sự tác động dương của đầu tư tư nhân trong nước lên tăng trưởng kinh tế sẽ giảm dần khi tỷ lệ đầu tư công vượt quá 4% – 6,5% GDP. Ví dụ, theo kết quả được trình bày trong bảng 3.4, hệ số của biến Ip là 0.1875 trong khi đó, hệ số của biến Ip*dm là -0.0364. Nó có nghĩa là sự tác động của Ip lên tăng trưởng kinh tế sẽ giảm từ 0.1875 xuống còn 0.1511 khi khi mức độ đầu tư công là bằng hoặc lớn hơn 4% so với GDP. Hệ số của Ip*dm âm có thể được giải thích do sự không hiệu quả của đầu tư công gây hiệu ứng lấn át của đầu tư tư nhân trong nước khi đầu tư công quá mức.

Mặc dù bài nghiên cứu này không thể tìm ra mức độ tối ưu của đầu tư công như đã nói ở chương trước. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, đầu tư công sẽ có tác động âm đầu tư tư nhân trong nước khi đầu tư công vượt quá một giới hạn nào đó. Theo đó, ở bất kỳ một tỷ lệ đầu tư công ít hơn 4% GDP sẽ không có tác động lấn át đầu tư tư nhân trong nước. Điều đó có nghĩa là, nếu chính phủ các nước đầu tư ít hơn 4% so với GDP, nền kinh tế sẽ tăng trưởng tốt mà không cản trở sự phát triển ở hai khu vực FDI và đầu tư tư nhân trong nước. So sánh với kết quả nghiên cứu trước đây của Kongphet và Masaru (2009) ở 15 quốc gia đang phát triển ở Châu Á, họ đưa ra kết luận rằng, chính phủ nên đầu tư ít hơn 4.9% sẽ tránh sự lấn át của đầu tư công lên đầu tư nhân, thúc đẩy gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế.

3 Theo nghiên cứu của Đào Trung Kiên, Nguyễn Văn Duy, Bùi Quang Tuyến về Ảnh hưởng của FDI lên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, giai đoạn 1990-2013 bằng mô hình ARDL.

Một nghiên cứu khác của Lê và Suruga (2005) thì đưa ra kết luận rằng, đầu tư công nên ít hơn 8%. Như vậy, tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia, không gian và thời gian nghiên cứu khác nhau, có thể sẽ ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu của mỗi tác giả. Tuy nhiên, điểm chung từ các kết quả của các nghiên cứu này là tìm thấy một mối quan hệ ngược chiều giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân, đây sẽ là bằng chứng để củng cố lý thuyết về quan điểm đầu tư công sẽ có tát động lấn át vào đầu tư tư nhân khi nó vượt quá một giới hạn nào đó.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 4

Kết quả hồi qui bằng mô hình REM ở 15 quốc gia đang phát triển ở Châu Á cho thấy rằng đầu tư công và đầu tư tư nhân có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và có ý nghĩa thống kê, trong đó: đầu tư tư nhân có tác động mạnh hơn so với đầu tư công. Kết quả này là phù hợp với cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiêm trước đây. Hơn nữa, bài nghiên cứu cũng tìm thấy rằng, khi đầu tư công bằng hoặc vượt mức 4% so với GDP, nó sẽ có tác động lấn át vào đầu tư tư nhân trong nước, làm cho sự tác động dương của đầu tư tư nhân trong nước lên tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm dần. Đây là cơ sở để kết luận và hàm ý một số chính sách nhằm nâng cao hiệu quả tác động của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế ở Chương 4

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Kinh tế Tác động của đầu tư công và đầu tư tư nhân đến tăng trưởng kinh tế Bằng chứng thực nghiệm ở các quốc gia đang phát triển ở Châu Á (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)