Nguyên nhân của thực trạng quản lý hoạt động xây dựng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học ở Học viện Chính trị

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Quản lý Giáo dục Quản lý hoạt động xây dựng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học ở Học viện Chính trị hiện nay (Trang 61 - 67)

8. Kết cấu của luận văn

2.3. Nguyên nhân của thực trạng quản lý hoạt động xây dựng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học ở Học viện Chính trị

2.3.1. Nguyên nhân của những ưu điểm

Thứ nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, của các cơ quan chức năng

Trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ chính trị của Học viện là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện đã thường xuyên quan tâm đến yêu cầu nâng cao chất lượng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học bằng những chủ trương, biện pháp rất cụ thể như lãnh đạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc khâu tuyển chọn đầu vào, tổ chức chặt chẽ các khâu, các bước trong quá trình xây dựng và đánh giá luận văn tốt nghiệp của học viên cao học; tạo điều kiện để học viên học tập, nghiên cứu ngày càng tốt hơn…; việc duy trì, kiểm tra, đôn đốc hoạt

động xây dựng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học luôn được duy trì nghiêm túc ở các khoá học.

Thứ hai, trình độ tổ chức, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và các khoa chuyên ngành, người hướng dẫn khoa học

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên xác định tốt chức trách nhiệm vụ được giao, tâm huyết với nghề nghiệp, có tinh thần khắc phục khó khăn, nhiệt tình say sưa, chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu và giảng dạy; hằng năm đa số hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Luôn rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, có lối sống trong sạch, lành mạnh, tuyệt đại đa số xứng đáng là tấm gương sáng về sự gương mẫu, mô phạm trong sinh hoạt.

Trong hoạt động giảng dạy, bên cạnh thực hiện tốt chức năng là người thầy trên bục giảng truyền đạt kiến thức theo chương trình, kế hoạch đặt ra, đội ngũ giảng viên đã chú trọng đến công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên tạo ra những ấn tượng tốt đẹp đối với học viên. Thông qua hoạt động dạy học, học viên không chỉ tiếp thu, lĩnh hội những kiến thức theo nội dung, chương trình đào mà còn được giáo dục rèn luyện, bồi dưỡng về kỹ năng, kỹ xảo, phương pháp, tác phong trong nghiên cứu khoa học không chỉ đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu giáo dục – đào tạo của Học viện mà còn đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của nghề nghiệp trên cương vị công tác sau khi ra trường.

Thứ ba, nội dung chương trình đào tạo sau đại học từng bước được đổi mới phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo

Trên cơ sở xác định rõ đối tượng, mục tiêu, yêu cầu đào tạo, Học viện đã đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng thiết thực, chuyên sâu trong quá trình bổ túc kiến thức, nhất là kiến thức chuyên ngành, tạo nên nền móng vững chắc cho học viên cao học tìm tòi, khám phá những vấn đề mới.

Nếu những năm đầu nội dung chương trình đào tạo sau đại học ở Học viện chưa có sự khác biệt nhiều so với đào tạo đại học thì nay đã có sự khác biệt căn bản về chiều rộng lẫn chiều sâu. Từng chuyên ngành, từng giảng viên đã

thường xuyên quan tâm đến đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, tạo điều kiện cho học viên luận giải các vấn đề nghiên cứu có sức thuyết phục hơn, do đó quá trình xây dựng luận văn tốt nghiệp trở lên chắc chắn hơn.

Thứ tư, tinh thần, thái độ, ý thức học tập của học viên cao học

Luận văn tốt nghiệp là một hình thức dạy học tích cực, giúp học viên hệ thống hoá tri thức đã học, sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục để giải quyết những nhiệm vụ, mâu thuẫn trong lý luận hoặc thực tiễn, kết quả nghiên cứu góp phần tạo ra chất lượng mới cho giáo dục và đào tạo.

Quá trình xây dựng luận văn tốt nghiệp đồng thời cũng là quá trình người học tự đào tạo mình trên mọi phương diện, không chỉ về kiến thức, trình độ nhận thức lý luận, phương pháp tư duy khoa học, mà quan trọng hơn thông qua đó để rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, củng cố thế giới quan khoa họcMác – Lênin và có phương pháp tiếp cận khoa học khi nghiên cứu và giải quyết những vấn đề cụ thể.

Qua tiếp xúc với các nhà khoa học ngoài Học viện và Quân đội đã từng tham gia đào tạo sau đại học tại Học viện, có thể nhận thấy phần lớn các ý kiến nhận xét đều có cảm nhận giống nhau. Chẳng hạn, về mặt kiến thức do đặc thù nguồn đào tạo trong quân đội, song tinh thần thái độ học tập nghiêm túc, đức tính kiên trì và khiêm tốn học hỏi, tính kỷ luật là những phẩm chất quý giá mà học viên cao học của Học viện có được là đáng trân trọng. Chất lượng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học cũng được nhiều nhà khoa học có uy tín đánh giá cao. Có thầy đã nhận xét, thông qua hướng dẫn và chấm luận văn tốt nghiệp ở Học viện Chính trị mà bản thân thầy được bổ sung thêm nhận thức mới, làm thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá trước đây của mình về quân đội và những vấn đề xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

2.3.2. Nguyên nhân hạn chế, bất cập

Thực trạng những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, có nguyên nhân trực tiếp, có nguyên nhân gián tiếp. Trong đó chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Một là, sự phát triển của sự nghiệp giáo dục và đào tạo đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước hiện nay đặt ra những yêu cầu mới về quản lý, quản lý chất lượng hoạt động xây dựng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học.

Nghị quyết số 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo đã đặt ra những yêu cầu mới cho công tác quản lý nói chung và quản lý đào tạo sau đại học nói riêng. Theo đó, đòi hỏi các hoạt động quản lý phải đổi mới căn bản, toàn diện từ tư duy quản lý đến cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý. Những yêu cầu này phải có một lộ trình lâu dài, không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Điều đó đã tác động không nhỏ đến các hoạt động quản lý hoạt động xây dựng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học ở Học viện Chính trị hiện nay.

Hai là, cơ chế quản lý đào tạo sau đại học còn bất cập

Cơ chế quản lý đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị cũng giống như cơ chế quản lý giáo dục – đào tạo chung trong toàn quốc, còn thiếu sự đồng bộ, thiếu hệ thống, chậm đổi mới. Mặc dù Học viện Chính trị đã nhận thức được tầm quan trọng của cơ chế quản lý, đã thường xuyên đặt vấn đề đổi mới cơ chế quản lý đào tạo sau đại học, nhưng trong thực tiễn vấn đề đổi mới cơ chế quản lý đào tạo còn nhiều khuynh hướng, quan điểm khác nhau. Việc đổi mới tư duy quản lý giáo dục của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý diễn ra chậm, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu vận động, phát triển của thực tiễn. Chưa có những bước đột phá trong đổi mới tư duy về quản lý giáo dục – đào tạo sau đại học.

Trong thực tiễn, các hoạt động quản lý đào tạo sau đại học còn mang tính quản lý bao cấp, hành chính, quyền uy, những biện pháp quản lý mang tính dân chủ chưa được khai thác, sử dụng triệt để. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số không ít giáo viên, cán bộ quản lý chỉ làm việc theo trách nhiệm pháp lý, mà chưa phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm lương tâm nghề nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo chức trách của mình.

Mặt khác, cơ chế quản lý hiện nay chưa khai thác triệt để các nguồn nhân lực, vật lực và tài lực của Học viện tham gia vào quá trình đào tạo sau đại học. Dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong khai thác, sử dụng các nguồn lực trong đào tạo sau đại học. Đôi khi các thủ tục hành chính còn rườm rà, mất nhiều thời gian, công sức của cả người dạy, người học và người quản lý.

Một số văn bản quản lý còn thiếu tính đồng bộ, thiếu tính khoa học.

Chẳng hạn, văn bản quy định về cấu trúc của luận văn cao học và luận án tiến sĩ ở Học viện Chính trị khác với cấu trúc luận văn, luận án ở các cơ sở đào tạo sau đại học khác trong toàn quốc. Điều đó không những gây khó khăn cho học viên trong quá trình viết luận văn, luận án mà còn tạo ra sự thiếu thống nhất trong nhận xét, đánh giá chất lượng luận văn, luận án của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Ba là, đội ngũ giảng viên sau đại học hiện nay của Học viện còn thiếu các chuyên gia đầu ngành, công tác quản lý đào tạo còn bất cập

Đội ngũ giảng viên không chỉ là người dạy, trang bị tri thức mà còn là những thành viên trong các Hội đồng thông qua đề cương, thẩm định luận văn, chấm luận văn tốt nghiệp. Trình độ, kinh nghiệm của lực lượng này luôn là tác nhân cực kỳ quan trọng trong hoạt động xây dựng và bảo vệ luận văn tốt nghiệp của học viên cao học. Trình độ đó phản ánh năng lực phát hiện vấn đề trong luận văn, luận án ở cả những nội dung đạt được và những hạn chế,

thiếu sót. Những ý kiến đóng góp, phản biện có tác dụng rất lớn đến định hướng cho học viên về nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện đáp ứng yêu cầu mọi mặt của luận văn. Trong điều kiện chất lượng đội ngũ giảng viên không đồng đều, thiếu các chuyên gia đầu ngành, theo đó chất lượng các Hội đồng thẩm định sẽ không cao và sẽ kéo theo sự hạn chế về quản lý chất lượng hoạt động xây dựng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học.

Đội ngũ quản lý và hoạt động quản lý đào tạo sau đại học nói chung, đào tạo trình độ thạc sĩ nói riêng ở các cấp còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa tương xứng với quy mô và yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay.

Trong quá trình quản lý, chưa đề xuất được nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực, tầm nhìn còn bị bó hẹp trong phạm vi Học viện, chưa mạnh dạn đổi mới quy trình quản lý để đạt hiệu quả cao nhất. Công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện quá trình đào tạo, đặc biệt là giai đoạn xây dựng và bảo vệ luận văn tốt nghiệp của học viên cao học còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Nghiên cứu các nguyên nhân dẫn đến quá trình quản lý hoạt động xây dựng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học ở Học viện Chính trị hiện nay là cơ sở để xác định yêu cầu, biện pháp quản lý hoạt động xây dựng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học trong thời gian tới.

*

* *

Đánh giá một cách tổng thể về thực trạng quản lý hoạt động xây dựng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học ở Học viện Chính trị trong những năm qua về cơ bản được thực hiện tốt, đã góp phần nâng cao chất lượng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng – an ninh và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Các luận văn đều có định hướng chính trị rõ ràng, luôn giữ vững lập trường quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối chủ trương, chính sách của Đảng. Hoạt động

xây dựng luận văn tốt nghiệp ở Học viện thể hiện tính công phu, nghiêm túc trong chấp hành quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch đã được xác định, có chất lượng tốt.

Tuy nhiên, xét trên nhiều mặt, tiến độ, chất lượng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học ở Học viện Chính trị so với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà nước và Quân đội vẫn còn nhiều bất cập.

Để khắc phục hạn chế trên, cần phải chủ động tìm biện pháp nâng cao chất lượng quản lý hoạt động xây dựng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học ở Học viện Chính trị thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học nói riêng, nâng cao vị thế Học viện Chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung.

Chương 3

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Quản lý Giáo dục Quản lý hoạt động xây dựng luận văn tốt nghiệp của học viên cao học ở Học viện Chính trị hiện nay (Trang 61 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)