CHƯƠNG 5: KIẾN NGHỊ VÀ KẾT LUẬN
5.1. Một số kiến nghị đối với NHTM VN
Những năm gần đây rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng đã được NHNN đưa ra các quy định kiểm tra giám sát chặt chẽ điển hình như thông tư 13/2018/TT-NHNN đã ban hành các quy định chặt chẽ về rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản. Đối với vấn đề thanh khoản NHNN Việt Nam cũng đã xây dựng lộ trình thí điểm áp dụng basel II cho một số NHTM và cũng ấn định đến năm 2020 áp dụng cho tất các các NHTM. Tuy nhiên đến hiện tại gần cuối năm 2018 vẫn chưa có ngân hàng nào hoàn thành basel II. Trên cơ sở thực tiễn và kết quả mô hình, luận văn có một số kiến nghị đối với các ngân hàng thương mại như sau:
5.1.1. Đối với các ngân hàng thương mại
- Thứ 1: Kiểm soát, hạn chế rủi ro tín dụng bằng cách nâng cao chất lượng tín dụng. Thường nói phòng bệnh hơn chữa bệnh, đối với ngân hàng nên phòng rủi ro hơn là xử lý rủi ro. Để thực hiện được điều này, ngân hàng nên xây dựng và hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để đánh giá nhìn nhận các khoản vay có rủi ro ngay từ đầu. Đồng thời chú trọng xây dựng cơ chế giám sát đánh giá khoản vay sau bán để kịp thời phát hiện và xử lý các khoản nợ có vấn đề hoặc khả năng sẽ có vấn đề.
- Thứ 2: Tập trung các nguồn lực xử lý nợ xấu, nợ có vấn đề. Nợ xấu luôn là vấn đề của hoạt động tín dụng, khi nợ xấu chuyển thành nợ có khả năng mất vốn và khi bị chuyển ra ngoại bảng sẽ gây tổn thất đến tài sản của ngân hàng. Sau khi xử lý làm sạch nợ xấu, ngân hàng có thể tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động phát triển kinh doanh.
- Thứ 3: Thực hiện mô hình tập trung hóa như phê duyệt tín dụng tập trung, giải ngân tập trung,… mặc dù mô hình này hiện nay còn một số hạn chế như mất thời gian phê duyệt tín dụng hơn tuy nhiên lại tránh được rủi ro phát sinh từ hoạt động của ngân
hàng như các vấn đề lãnh đạo chi nhánh cấu kết với doanh nghiệp. Ngoài ra phê duyệt tín dụng tập cũng có thể đánh giá chặt chẽ hơn rủi ro tín dụng.
- Thứ 4: Khi thực hiện thu thập dữ liệu tác giả nhận thẩy chuẩn mực kế toán của Việt Nam hiện tại ( Vietnamese Accounting Standards -VAS ) khác với chuẩn mực kế toán của thế giới ( International Finalcial Reporting Interpretations Committee - IFRS ), vì thế những chỉ tiêu theo quy định chung của thế giới khi tính toán tại Việt Nam sẽ có sai khác so với thực tế ví dụ tại BIDV năm 2008 hệ số CAR tính theo VAS đạt 8.94% tuy nhiên khi tính theo IFRS chỉ đạt trên 6.5% ( nguồn báo cáo tài chính của BIDV năm 2008 ). Ở Việt Nam, đa số các ngân hàng chỉ công khai báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn VAS, tiêu chuẩn IFRS nếu có làm thì cũng chỉ có một vài ngân hàng công khai. Vì vậy để hội nhập với quốc tế các NHTM Việt Nam nên áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và điều đầu tiên là áp dụng chuẩn mực kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Thứ 5: Xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn về rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng của basel. Mở rộng áp dụng lộ trình basel với các ngân hàng, tuy nhiên NHNN nên tùy thuộc vào điều kiện của các ngân hàng để xây dựng lộ trình phù hợp với từng ngân hàng hoặc có thể từ đặc điểm của các ngân hàng mà phân thành các nhóm ngân hàng và xây dựng lộ trình phù hợp với các nhóm ngân hàng này.
- Thứ 6: Ngăn chặn lợi ích nhóm thông qua việc sở hữu chéo. Thực tế cho thấy có khá nhiều ngân hàng và doanh nghiệp có sỡ hữu chéo với nhau, như ngân hàng với ngân hàng, ngân hàng với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó các cá nhân, nhóm cá nhân này có thể vay và cho vay lòng vòng ví dụ như thành lập công ty A để vay tiền của ngân hàng B, rồi sử dụng chính số tiền đó cộng thêm cổ phần ở ngân hàng C công ty D để tạo thành khoản thế chấp cho ngân hàng B… từ đó tạo lợi ích cho nhóm cá nhân mà không tạo ra giá trị thực tế. Để tránh tìn trạng sở hữu chéo này thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã ra đời tuy nhiên vẫn còn tình trạng qua mặt các cơ quan chức năng khi cố tình nhờ người khác đứng tên hộ. Chính vì vậy để xử lý triệt để NHNN nên ra soát lại vấn đề
sở hữu chéo trong các ngân hàng và các doanh nghiệp thông qua công tác thanh tra, giám sát nghiêm túc, mạnh tay.
5.1.2. Đối với Ngân hàng có quy mô lớn
Theo kết quả nghiên cứu cho thấy đối với ngân hàng lớn rủi ro tín dụng có ảnh hưởng ngược chiều trễ 3 kỳ lên rủi ro thanh khoản, tức là khi rủi ro tín dụng năm t tăng thì năm t + 3 rủi ro thanh khoản lại giảm hay khi rủi ro tín dụng (ở đây cụ thể nợ xấu ) năm t giảm thì đến năm t + 3 rủi ro thanh khoản tăng. Vì vậy khi nợ xấu có dấu hiệu giảm, các ngân hàng lớn nên tập trung theo dõi, kiểm soát vấn đề thanh khoản.
Để làm giảm rủi ro thanh khoản các ngân hàng có thể giảm dư nợ cho vay khách hàng hoặc tăng tiền gửi của khách hàng, tuy nhiên nếu tỷ lệ này thấp thì ngân hàng hoạt động không hiệu quả, vì vậy nên duy trì tỷ lệ này ở mức 80 – 90 % theo thông tư 36/2014/TT-NHNN.
5.1.3. Đối với Ngân hàng có quy mô nhỏ
Ngược lại với các ngân hàng lớn thì rủi ro thanh khoản lại có ảnh hưởng cùng chiều trễ 1 kỳ lên rủi ro tín dụng tức là rủi ro thanh khoản của năm t tăng làm cho rủi ro tín dụng năm t+1 tăng.
Thứ nhất dựa trên kết quả này các nhà quản lý có thể kiểm soát rủi ro tín dụng bằng cách kiểm soát rủi ro thanh khoản ( duy trì thanh khoản trong mức ổn định theo quy định của NHNN ), hoặc có thể lường trước rủi ro tín dụng khi rủi ro thanh khoản có dấu hiệu tăng nhằm đưa ra chính sách, giải pháp ngăn chặn trước đối với rủi ro tín dụng.
Thứ hai, hiện nay đa số các ngân hàng nhỏ hệ thống xếp hạng tín dụng còn nhiều hạn chế, chưa hoàn chỉnh vì vậy cơ chế xác định đánh giá xếp hạng tín dụng của các ngân hàng này còn yếu, chưa đánh giá chính xác các khoản vay có rủi ro hay thậm chí một số ngân hàng vẫn phê duyệt các khoản vay có rủi ro cao, đối với riêng các ngân hàng nhỏ nên tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng theo
tiêu chuẩn đồng thời nên ban hành các cơ chế phê duyệt tín dụng ngoại lệ đối với các khoản vay có rủi ro cao và kiểm soát chặt chẽ khoản vay sau bán.
Nhìn chung, kết quả cho thấy dù rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản có ảnh hưởng cùng chiều hay ngược chiều lên nhau nhưng ảnh hưởng này đều có độ trễ. Như vậy có thể giúp các nhà kinh tế, quản trị ngân hàng có thời gian nhìn nhận đánh giá, ngăn ngừa rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản phát sinh khi có dấu hiệu rủi ro của một trong hai rủi ro xảy ra.