4.1. Tình hình tài chính và nắm giữ tiền mặt của doanh nghiệp
4.1.2. Tình hình tài chính và tiền mặt của doanh nghiệp theo thời gian
Tỷ lệ nắm giữ tiền mặt (CASH)
Dòng tiền chính là mạch máu của cơ thể kinh doanh. Lượng tiền mặt có sẵn trong kinh doanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, việc nắm giữ tiền mặt khiến các công ty phải chấp nhận khoản chi phí bao gồm chi phí nắm giữ và chi phí cơ hội. Cụ thể, chi phí nắm giữ phát sinh do tỷ lệ sinh lời trực tiếp trên tiền mặt bằng không cộng với ảnh hưởng của lạm phát; chi phí cơ hội chính là khoản lợi nhuận có thể có được nếu đem tiền mặt đi đầu tư; Chi phí cơ hội có thể được tính bằng khoản lợi tức thông qua lãi suất của chứng khoán ngắn hạn có tính thanh khoản cao. Đối với một doanh nghiệp có ba động cơ để họ nắm giữ tiền mặt. Đó là động cơ hoạt động giao dịch; động cơ dự trữ và động cơ đầu cơ. Thế nên, ta có thể nói rằng, hoạt động của hầu hết doanh nghiệp được bắt đầu bằng tiền mặt. Tiền mặt được chuyển đổi thành những loại tài sản khác nhau, tạo ra đòn bẩy hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh với các khoản đi vay và cuối cùng là biến nó trở lại thành tiền
mặt nhưng với số lượng lớn hơn ban đầu. Nhưng điều hiển nhiên là các doanh nghiệp nắm giữ tiền mặt cần phải cân nhắc những lợi ích và chi phí của việc nắm giữ tiền mặt đem lại. Để đảm bảo cho hoạt động và đón nhận các cơ hội tăng trưởng, doanh nghiệp luôn phải duy trì lượng tiền mặt hợp lý.
Xét theo thời gian, tỷ lệ nắm giữ tiền mặt bình quân của 4 quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Philipines và Inđônêxia biến động nhiều trong giai đoạn 2005- 2013. Cụ thể, tỷ lệ nắm giữ tiền mặt có xu hướng biến động nhẹ từ năm 2005 và đã giảm đến mức thấp nhất là 14,44% (năm 2008). Sau đó, tỷ lệ này dần hồi phục và chạm mốc cao nhất là 40,21% (năm 2011). Tuy nhiên, tỷ lệ nắm giữ tiền mặt bình quân của 4 quốc gia này lại một lần nữa giảm mạnh từ 40,21% năm 2011 xuống còn 19,88% (năm 2013).
Hình 4.1. Đồ thị thể hiện LEV và CASH bình quân theo thời gian
Chẳng những vậy, xét theo từng quốc gia, tỷ lệ nắm giữ tiền mặt cũng khác nhau đáng kể. Philipines có tỷ lệ CASH bình quân cao nhất giai đoạn 2005-2013 ở mức 33,26%, kế đến là Trung Quốc với tỷ lệ CASH là 24,49% và Inđônêxia với 17,13%. Trong khi đó, các công ty Việt Nam có tỷ lệ CASH bình quân thấp nhất giai đoạn này là 14,24%.
Hình 4.2. Đồ thị thể hiện tỷ lệ CASH bình quân theo quốc gia Tỷ phần vốn vay (LEV)
Tỷ phần vốn vay (LEV) bằng tổng nợ chia cho tổng tài sản. Thông thường nếu LEV ở mức cao có nghĩa là công ty thường thông qua các khoản nợ để chi trả cho các hoạt động của mình. Điều này sẽ dẫn đến thu nhập không ổn định, vì công ty thường phải trả các khoản lãi phát sinh. Nếu một công ty vay nợ nhiều để chi trả cho mức chi phí hoạt động cao của mình (tức là có tỷ lệ LEV cao) thì nó có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn so với việc phát hành cổ phiếu. Và nếu lợi nhuận công ty thu được cao hơn nhiều so với chi phí đi vay thì các cổ đông của công ty cũng sẽ thu được nhiều lợi ích. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ các hoạt động đầu tư và kinh doanh bằng khoản tiền đi vay có thể sẽ không bù đắp được các chi phí đi vay dẫn tới việc công ty có thể sẽ bị phá sản. Và tất nhiên khi công ty phá sản thì các cổ đông cũng chẳng còn gì. Vì vậy, vay nợ hay phát hành thêm cổ phiếu là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp, và LEV chính là con số thể hiện hiệu quả về mặt tài chính của công ty.
Hình 4.1 cũng cho thấy, LEV có xu hướng biến động nhiều trong giai đoạn 2006-2013 và ngược chiều với CASH. Cụ thể trong giai đoạn này, LEV có 2 lần sụt giảm mạnh. Cụ thể, giai đoạn 1: tỷ lệ này giảm từ 24,73% năm 2005 xuống còn
22,98% năm 2008 và sau đó tỷ lệ này tăng trở lại 24,20% năm 2009; Giai đoạn 2:
LEV tiếp tục giảm từ 24,20% năm 2009 và dần ổn định, đạt mức 22,60% năm 2013.
Biến động LEV đã phần nào thể hiện hiệu quả tài chính của các công ty trong giai đoạn này.
Xét theo từng quốc gia, các công ty ở Trung Quốc, Việt Nam, Inđônêxia có tỷ lệ vốn vay bình quân cao, lần lượt là 26,57%; 24,66% và 23,82%. Riêng Philipines có tỷ lệ vốn vay bình quân thấp nhất trong mẫu nghiên cứu là 16,48%.
(Hình 4.3)
Hình 4.3. Đồ thị thể hiện tỷ lệ LEV bình quân theo quốc gia Tỷ lệ chi trả cổ tức (DPO)
Tỷ lệ chi trả cổ tức (DPO) bằng cổ tức trên mỗi cổ phần chi cho thu nhập trên mỗi cổ phần. Chỉ tiêu chi trả cổ tức nói lên công ty chi trả phần lớn thu nhập cho cổ đông hay giữ lại để tái đầu tư. Đây là một nhân tố quyết định đến giá trị thị trường của cổ phần. Tỷ lệ chi trả càng cao nghĩa là công ty đó càng trưởng thành và có lượng lợi nhuận giữ lại lớn. Thông thường các công ty đang phát triển có xu hướng tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận nên không chi trả cổ tức.
Ngoài ra, dựa trên cơ sở lý thuyết đánh đổi, nắm giữ tiền mặt thì tốn kém chi phí. Do đó để huy động nguồn tiền, các doanh nghiệp có thể cắt giảm chi trả cổ tức
để tài trợ thay vì nắm giữ tiền mặt. Chi phí của việc nắm giữ tiền mặt có thể được cắt giảm bằng sử dụng nguồn tài trợ nội bộ hoặc giảm chi trả cổ tức. Doanh nghiệp hiện thời chi trả cổ tức có khả năng gia tăng nguồn tài trợ khi cần thiết do đó có xu hướng nắm giữ tiền mặt ít hơn.
Hình 4.4 cho thấy, Tỷ lệ chi trả cổ tức (DPO) bình quân giữa các quốc gia có xu hướng biến động mạnh qua từng năm và gần như ngược chiều với xu hướng biến động CASH. Cụ thể, giai đoạn 2005-2008 DPO có xu hướng tăng dần từ -0,86% lên 61,09% và giảm mạnh trở lại chạm đáy -140,13% năm 2011. Sau đó DPO có xu hướng tăng trở lại và dần ổn định đạt mức 23,77% năm 2013.
Hình 4.4. Đồ thị thể hiện DPO và CASH bình quân theo thời gian
Xét theo từng quốc gia, tỷ lệ chi trả cổ tức cũng có sự khác biệt lớn. Đặc biệt nhất là các công ty Việt Nam có tỷ lệ chi trả cổ tức bình quân thấp nhất giai đoạn 2005-2013 ở mức -23,37%. Các nước Trung Quốc, Philipines và Inđônêxia có tỷ lệ chi trả cổ tức bình quân cao, lần lượt là 19,80%, 18,87% và 15,43%. (Hình 4.5)
Hình 4.5. Đồ thị thể hiện tỷ lệ DPO bình quân theo quốc gia Tỷ lệ thanh khoản (LIQ)
LIQ là tỷ lệ thanh khoản được tính bằng tài sản có tính thanh khoản cao nhất trên nợ ngắn hạn. Tỷ lệ thanh khoản đo lường khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty, đây chính là tỷ số thanh toán nhanh (Nguyễn Minh Kiều, 2011). Tầm quan trọng của khả năng thanh khoản được đánh giá bằng việc xem xét hậu quả khi công ty không có khả năng thanh toán nợ trong ngắn hạn. Việc thiếu khả năng thanh khoản làm cho công ty mất đi cơ hội nhận được các khoản chiết khấu ưu đãi hay cơ hội kiếm thêm lợi nhuận. Đồng thời, thanh khoản gặp khó khăn cũng khiến cho khả năng điều hành bị hạn chế. Việc mất khả năng thanh khoản còn có thể dẫn đến việc công ty phải bán đi các dự án đầu tư, tài sản, huy động vốn với chi phí cao và tình trạng xấu nhất là phá sản. Bên cạnh đó, thanh khoản giúp doanh nghiệp linh hoạt và có được các lợi thế khi điều kiện thị trường thay đổi và ứng phó được với những chiến lược của các công ty cạnh tranh (Brigham và Houston, 2003).
Hình 4.6 cho thấy, tỷ lệ thanh khoản (LIQ) của các công ty có xu hướng biến đổi cùng chiều với tỷ lệ nắm giữ tiền mặt (CASH) qua các năm. Giai đoạn 2005- 2008, tỷ lệ thanh khoản biến động nhỏ và giữ ở mức ổn định. LIQ đạt mức thấp
nhất là 3,66% (năm 2009) và LIQ đạt mức cao nhất là 6,91% (năm 2010). Từ năm 2010, LIQ có xu hướng giảm dần và chạm mốc 4,50% năm 2013.
Hình 4.6. Đồ thị thể hiện LIQ và CASH bình quân theo thời gian
Xét theo từng quốc gia, Philipines có tỷ lệ thanh khoản (LIQ) bình quân cao nhất giai đoạn 2006 – 2013 ở mức 14,89%, kế đến là Inđônêxia và Việt Nam. Trung Quốc có tỷ lệ thanh khoản bình quân thấp nhất giai đoạn này với 1,59%. (Hình 4.7)
Hình 4.7. Đồ thị thể hiện tỷ lệ LIQ bình quân theo quốc gia
Tỷ lệ thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE)
ROE đo lường thu nhập của các cổ đông của công ty. Nó thể hiện thu nhập mà các cổ đông nhận được từ việc đầu tư vốn vào công ty. Chỉ số này là thước đo chính xác nhất để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy được tạo ra bao nhiêu đồng lời. Hệ số này thường được các nhà đầu tư phân tích để so sánh với các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường, từ đó tham khảo khi quyết định mua cổ phiếu của công ty nào. Tỷ lệ ROE càng cao càng chứng tỏ công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, có nghĩa là công ty đã cân đối một cách hài hòa giữa vốn cổ đông với vốn đi vay để khai thác lợi thế cạnh tranh của mình trong quá trình huy động vốn, mở rộng quy mô. Cho nên hệ số ROE càng cao thì các cổ phiếu càng hấp dẫn các nhà đầu tư hơn. Khi tính toán được tỷ lệ này, các nhà đầu tư có thể đánh giá ở các góc độ cụ thể như sau: ROE nhỏ hơn hoặc bằng lãi vay ngân hàng, vậy nếu công ty có khoản vay ngân hàng tương đương hoặc cao hơn vốn cổ đông, thì lợi nhuận tạo ra cũng chỉ để trả lãi vay ngân hàng. ROE cao hơn lãi vay ngân hàng thì chúng ta phải đánh giá xem công ty đã vay ngân hàng và khai thác hết lợi thế cạnh tranh trên thị trường chưa để có thể đánh giá công ty này có thể tăng tỷ lệ ROE trong tương lai hay không.
Hình 4.8 cho thấy ROE công ty có xu hướng biến động mạnh qua các năm và gần như cùng chiều với tỷ lệ nắm giữ tiền mặt (CASH). Cụ thể, giai đoạn 2005- 2007, tỷ lệ ROE tăng dần và đạt mức cao nhất là 13,31% (năm 2007). Sau đó ROE lại tiếp tục giảm và tăng trở lại năm 2009 với 14,41% (cao nhất toàn giai đoạn). Tuy nhiên sau đó thu nhập cả các cổ đông công ty lại tiếp tục giảm mạnh và chạm mức thấp nhất của toàn giai đoạn là 2,61% (năm 2013).
Hình 4.8. Đồ thị thể hiện ROE và CASH bình quân theo thời gian
Xét theo từng quốc gia, các công ty ở Việt Nam và Inđônêxia có tỷ lệ ROE cao, lần lượt là 16,47% và 14,29%. Philipines và Trung Quốc có tỷ lệ ROE thấp nhất trong mẫu nghiên cứu với ROE lần lượt là 7,21% và 4,64%. (Hình 4.9)
Hình 4.9. Đồ thị thể hiện tỷ lệ ROE bình quân theo quốc gia Qui mô công ty (SIZE)
Qui mô công ty (SIZE) được tính bằng cách lấy logarit tự nhiên của Tổng tài sản. Vấn đề bất cân xứng thông tin xảy ra đối với các công ty nhỏ nhiều hơn, do đó chi phí huy động nguồn vốn bên ngoài rất tốn kém, thế nên những công ty có qui mô nhỏ thường có xu hướng nắm giữ tiền mặt nhiều hơn. Ngược lại, các công ty qui
mô lớn xảy ra bất cân xứng thông tin ít hơn và các nhà quản lý của họ có sự linh hoạt hơn trong chính sách tài chính. Do đó, các công ty quy mô lớn sẽ dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn từ bên ngoài và nắm giữ tiền mặt ít hơn.
Bên cạnh đó, các công ty qui mô lớn được cho rằng đa dạng hóa hơn các đối tác nhỏ hơn và do đó gánh chịu chi phí phá sản ít hơn và có khả năng là họ sẽ nắm giữ tiền mặt ít hơn. Nếu xét về kiệt quệ tài chính, thì các công ty nhỏ sẽ có khả năng được thanh lý nhiều hơn nếu phải đối mặt với kiệt quệ tài chính, vì vậy những công ty quy mô nhỏ có xu hướng nắm giữ tiền mặt nhiều hơn.
Hình 4.10 cho thấy, qui mô công ty (SIZE) bình quân giữa 4 nước: Trung Quốc, Philipines, Inđônêxia và Việt Nam tăng đều và ổn định qua các năm, từ 11.262,38 nghìn VNĐmm (năm 2005) lên đến 38.552,57 nghìn VNĐmm (năm 2013). Trung bình cho cả giai đoạn là 22.335,41 nghìn VNĐmm. Ngoài ra, mức biến động qui mô công ty lại có chiều hướng biến động ngược chiều với tỷ lệ dự trữ tiền mặt (CASH).
Hình 4.10. Đồ thị thể hiện SIZE và CASH bình quân theo thời gian
Xét theo từng quốc gia, Trung Quốc và Inđônêxia có qui mô công ty lớn, lần lượt là 48.652,30 nghìn VNĐmm và 33.958,75 nghìn VNĐmm. Philipines và Việt Nam có qui mô công ty thấp nhất trong mẫu nghiên cứu với SIZE lần lượt là 11.248,80 nghìn VNĐmm và 1.743,29 nghìn VNĐmm. (Hình 4.11)
Hình 4.11. Đồ thị thể hiện tỷ lệ SIZE bình quân theo quốc gia
Đồ thị mối quan hệ giữa các biến độc lập một lần nữa cho thấy các xu hướng biến động của các biến số theo thời gian giai đoạn 2005-2013. Các biến tỷ phần vốn vay (LEV), Tỷ lệ chi trả cổ tức (DPO), Tỷ lệ thanh khoản (LEV), Tỷ lệ thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) có mức biến động mạnh và không ổn định trong thời gian qua.
Riêng qui mô công ty (SIZE) có xu hướng tăng dần trong suốt giai đoạn này.
Hình 4.12. Đồ thị thể hiện tình hình tài chính và nắm giữ tiền mặt của DN theo thời gian