TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU BỆNH CARE

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ: Nghiên cứu một số đặc điểm của bệnh care ở chó nuôi tại Hà Nội và chế kháng thể phòng trị bệnh (Trang 20 - 25)

Care là một bệnh truyền nhiễm cấp tính trên chó do Canine distemper virus (CDV) gây ra. Bệnh lây lan rất nhanh, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở chó non với các các triệu chứng sốt, viêm phổi, viêm ruột và cuối cùng thường có hội chứng thần kinh (Greene & cs., 2006; Appel & cs., 1978). Đặc biệt bệnh gây chết với tỷ lệ rất cao.

Bệnh Care được báo cáo lần đầu tiên ở châu Âu vào năm 1760 (Appel Max Jg

& cs., 1972). Bệnh cũng xuất hiện ở một số nước châu Á và Nam Mỹ từ giữa thế kỷ 18 (Timothy, 2008; Woma & cs., 2009). Các triệu chứng lâm sàng và tiến triển của bệnh đã được mô tả từ năm 1809 bởi Edward Jenner (Shell, 1990). Năm 1905, bác sĩ thú y người Pháp Henri Carré đã phân lập được virus Care từ nước mũi của chó bị bệnh. Sau đó năm 1923, Putoni lần đầu tiên chế Vaccine nhược độc, tuy nhiên virus Vaccine này độc tính vẫn còn cao. Từ năm 1948 về sau, với sự phát triển mạnh mẽ của virus học, nhiều Vaccine phòng bệnh Care có hiệu quả đã ra đời. Các công trình nghiên cứu về sự liên quan kháng nguyên giữa virus Care và virus sởi, giữa virus Care và virus dịch tả trâu bò đã mở rộng ra được nhiều triển vọng cho việc phòng bệnh Care bằng cách dùng virus dịch tả trâu bò và virus sởi theo nghiên cứu của Merchant trong giai đoạn 1961 - 1969.

Một ổ dịch bệnh Care cũng đã được nghiên cứu vào năm 1991 ở chó cảnh vùng Copenhagen (Đan Mạch). Khi kiểm tra 49 trong số 66 mẫu huyết thanh từ chó nghi mắc bệnh Care bằng phản ứng ELISA, đều xác định sự có mặt của kháng thể IgM khỏng virus Care (Blixenkrone-Mứller, 1993).

Một nghiên cứu về bệnh Care tại một vùng nông thôn ở Nam Phi, có 5,5%

trong số chó được kiểm tra thấy có nhiễm virus Care (Eckersley & cs., 1992). Một nghiên cứu khác so sánh trạng thái bệnh của những con chó nhiễm bệnh Care có biểu hiện lâm sàng giữa những vùng đã phát triển với những vùng đang phát triển trong khoảng thời gian hơn 3 năm cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm.

Trong khi ở vùng đang phát triển số chó bị nhiễm bệnh có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh Care là 43,6%. Còn ở vùng phát triển số chó bị nhiễm bệnh có triệu chứng lâm sàng của bệnh Care là 8,2% (Eckersley & cs., 1992). Chó nhiễm

bệnh Care cũng có liên quan đến việc lây nhiễm bệnh trên sư tử (Roelke-Parker &

cs., 1996) và cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của giống chó hoang dã châu Phi (Lycaon pictus) ở vùng sinh thái Serengeti (Woodroffe &

Ginsberg, 1999).

Butler & cs. (2004) đã xác nhận rằng việc ăn thịt chó nhiễm bệnh là một phương thức lây nhiễm rộng rãi cho các loài thú ăn thịt ở Zimbabwe. Ước tính khoảng 4 triệu con chó trong những năm 1999 - 2000 ở Nam Phi và trong đó đã xác nhận rằng khoảng 1 triệu con phải đưa đến bác sỹ thú y khám bệnh ít nhất 1 lần trong năm (Leisewitz & cs., 2001). Tính tổng hàng năm, số chó ở Tanzania tăng 5% (Cleaveland & cs., 2006) và ở Zimbabwe là 6,5% (Butler & Bingham, 2000). Ở Nam Phi có thể có 6 triệu con trong những năm 2007 - 2008, trong đó khoảng 1,5 triệu con phải đưa đến bác sỹ thú y khám ít nhất 1 lần trong năm.

Điều này cho thấy rằng chó ở Nam Phi đã không được tiêm phòng Vaccine và có khả năng bị tái nhiễm bệnh, có thể tồn tại virus Care trong môi trường, và đã xác định rằng có ít nhất 300.000 cá thể được ghi nhận có mang virus giống Morbillivirus trong quần thể. Từ đó cho thấy chó nuôi và chó hoang dã là nguồn lây bệnh trong tự nhiên.

Ở những vùng đang phát triển ở ven đô thị của Nam Phi, tỷ lệ nhiễm bệnh Care cao nhất vào mùa xuân và những tháng đầu của mùa hè, từ tháng 8 đến tháng 11 (Eckersley & cs., 1992). Tuy nhiên ở một số vùng đô thị lại cho thấy tỷ lệ nhiễm cao hơn vào mùa đông, chó nhiễm virus Care có tỷ lệ cao hơn 25-75% mà không có biểu hiện bệnh về mặt lâm sàng (Leisewitz & cs., 2001).

Theo nghiên cứu của tác giả Timothy (2008), khi phân lập virus Care trên tế bào Vero.DogSLAM từ các con chó bị nhiễm bệnh trong tự nhiên ở Nam Phi đã cho kết quả là một số những đặc tính cơ bản của virus Care.

Nhiều nghiên cứu kiểm tra huyết thanh học và những nghiên cứu dịch tễ học ở nhiều nơi trên thế giới đã chỉ ra rằng bệnh Care xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Ở châu Phi, bệnh Care đã được xác nhận xuất hiện ở các chó nuôi tại Nam Phi và Nigeria cũng như ở các châu lục khác (Leisewitz & cs., 2001). Nhiều dẫn chứng của việc nhiễm virus Care đã được xác định ở các loài động vật hoang dã ở Botswana, Zimbabwe, Nam Phi, Tanzania và nhiều vùng khác ở châu Phi (Butler

& cs., 2004; Woodroffe & Ginsberg, 1999).

Hiện nay bệnh có ở khắp nơi trên thế giới, không những xảy ra ở chó

nuôi mà còn ở nhiều quần thể động vật hoang dã. Giới nghiên cứu cho rằng những chó mắc bệnh Care không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng là mối đe dọa nghiêm trọng cho việc bảo tồn nhiều loài thú ăn thịt và thú có túi. Thống kê từ các nghiên cứu cho thấy, bệnh Care là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tuyệt chủng của chồn chân đen, hổ Tasmania và là nguyên nhân gây tử vong định kỳ của chó hoang dã châu Phi (Assessment, 2005). Năm 1991, bệnh xảy ra trên quần thể sư tử Serengeti ở Tanzania làm giảm 20% số lượng toàn đàn (Woma

& Van Vuuren, 2009). Đặc biệt virus Care đã biến đổi và có khả năng gây bệnh cho một số động vật biển (Kennedy & cs., 1989).

Bệnh Care xuất hiện nhiều ở các loài vật nuôi và động vật hoang dã ở Mỹ (Pardo & cs., 2005). Hơn 300 con chó đã được ghi nhận là bị chết khi bị nhiễm bệnh Care ở Alaska (Maes & cs., 2003) và minh chứng của việc nhiễm virus Care đã được xác định ở những con chó đã được tiêm phòng Vaccine ở Mexico (Simon-Martinez & cs., 2008). Bệnh Care xuất hiện ở Brazil (Headley & Graỗa, 2000). Bệnh Care cũng được phát hiện thấy trên cả hai loại chó đã được tiêm phòng Vaccine và chó chưa được tiêm phòng Vaccine ở Argentina (Calderon

& cs., 2007). Dịch bệnh còn xuất hiện ở gấu trúc ở Chicago vào năm 1998 (Lednicky & cs., 2004).

Ở châu Âu, đã có những dẫn chứng của việc nhiễm virus Care ở Ý (Martella

& cs., 2006), Đức (Frisk & cs., 1999), Hungary (Demeter & cs., 2007) và Bắc Irelend (Harder & Osterhaus, 1997). Một đợt dịch bệnh xuất hiện ở chó đã được tiêm phòng Vaccine cũng xuất hiện ở Phần Lan. Ở Ba Lan, virus Care gây nhiễm trên 71% số chó đã được tiêm Vaccine phòng bệnh (Jóžwik & Frymus, 2002), và ở Úc dịch bệnh Care xuất hiện ở các trang trại chăn nuôi chó (Norris & cs., 2006).

Bệnh Care cũng thường thấy ở châu Á. Như tài liệu của các tác giả đã mô tả: Dịch bệnh diễn ra ở các vùng khác nhau của Nhật Bản, (Lan & cs., 2006);

Thái Lan (Keawcharoen & cs., 2005); Hàn Quốc (An & cs., 2008); Ấn Độ (Latha & cs., 2007).

Pawar & cs. (2011) đã phân lập thành công virus Care tại Ấn Độ và đã ứng dụng kỹ thuật Realtime PCR, miễn dịch huỳnh quang để chẩn đoán phát hiện bệnh Care. Gần đây các nhà khoa học của Trung Quốc đã phát hiện ra ổ dịch Care trên loài khỉ Rhesus với tỷ lệ chết rất cao, với các triệu chứng như ho, sốt cao, gan bàn chân bị dày lên, các triệu chứng này kéo dài trong một tháng. Nhóm nghiên cứu

của Sun & cs. (2010) cũng cảnh báo loài vượn và một số loài động vật ăn thịt quý hiếm khác cũng có thể có nguy cơ nhiễm bệnh Care.

Kubo & cs. (2007) đã nghiên cứu về sự phân bố của các thể bao hàm trên các cơ quan khác nhau của 100 chó được chẩn đoán dương tính với bệnh Care. Thể bao hàm được tìm thấy ở các cơ quan như: phổi (70 chó), não (20 chó), bàng quang (73 chó), dạ dày (78 chó), lách (77 chó), và hạch lympho (81 chó). Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra hạch amidan là cơ quan phù hợp nhất để phát hiện thể bao hàm ở bệnh Care.

Del Puerto & cs. (2010) đã nghiên cứu cơ chế apoptosis của tế bào lympho và não bằng cách đánh giá hàm lượng mRNA trong máu ngoại vi, hạch lympho và não của chó mắc bệnh Care và chó khỏe mạnh bằng phương pháp rRT-PCR. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra cơ chế apoptosis tế bào của virus Care ở não và hạch lympho của chó mắc bệnh Care là theo các cách thức khác nhau.

2.1.2. Tình hình nghiên cứu bệnh Care ở Việt Nam

Bệnh Care được phát hiện tại Việt Nam từ năm 1920. Nghiên cứu của Hồ Đình Chúc. (1993) đã chỉ ra thời kỳ ủ bệnh Care thường là 3 - 6 ngày (dài nhất là 17 - 21 ngày) và có thể kéo dài trong khoảng thời gian trên dưới 1 tháng. Chó phát bệnh thường chết với tỷ lệ 50 - 80%, thậm chí lên đến 100% nếu không điều trị kịp thời. Cho đến nay, bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh và gây thiệt hại lớn do tỷ lệ tử vong của bệnh rất cao (Lê Thị Tài, 2006). Tất cả các loài chó đều cảm thụ bệnh, nhưng mẫn cảm ở là loài chó lai, chó cảnh, chó nội ít mẫn cảm hơn (Tô Du & Xuân Giao, 2006).

Lan & cs. (2005) đã nghiên cứu thành công đặc tính sinh trưởng cụ thể của một số chủng CDV trên dòng tế bào Vero có gắn receptor tương ứng với virus Care (Vero-DogSLAMtag hay Vero-DST). Qua đó tác giả cũng chỉ ra tế bào Vero- DST là dòng tế bào thích hợp có thể sử dụng để phân lập và xác định hiệu giá virus.

Để chẩn đoán bệnh Care, có rất nhiều phương pháp đã được các nhà nghiên cứu sử dụng như: Miễn dịch gắn với enzyme (ELISA), phản ứng hóa mô miễn dịch (Immunohistochemistry), phản ứng Reverse Transcription - Polymerase Chain Reaction (RT-PCR) để chẩn đoán bệnh Care ở Việt Nam (Lan & cs., 2006).

Lan & cs. (2008) đã phân lập thành công chủng virus gây bệnh trên chó mắc bệnh tại Việt Nam. Virus Care được phân lập trên dòng tế bào Vero-DST, sau đó

được kiểm tra bằng phản ứng RT-PCR. Chủng CDV-HN1 có hiệu giá virus đạt 3,16 × 105 TCID50/25 l. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra đàn chó ở Hà Nội đã lây nhiễm với virus Care.

Trong nghiên cứu của Lan & cs. (2009), hai chủng virus Care là Vn86 và Vn99 đã được phân lập từ chó 4 tháng tuổi có đặc điểm là viêm não không mưng mủ, viêm phổi, suy giảm tế bào lympho và viêm dạ dày ruột. Kết quả phân tích sinh học phân tử đã chỉ ra 2 chủng phân lập được này đều thuộc nhóm cổ điển (Classic type), khác xa với nhóm Asia 1 và Asia 2.

Nguyễn Thị Lan & Keonam Kheo (2012) đã chỉ ra đặc điểm bệnh lý của chó Phú Quốc mắc bệnh Care và ứng dụng kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang để chẩn đoán bệnh. Các dấu hiệu lâm sàng đầu tiên khi mắc bệnh Care là sốt cao, biếng ăn hoặc không ăn, nôn mửa đối với chó con, ho ở chó trưởng thành, có nốt sài tại vùng da mỏng ở vùng bụng, tiêu chảy và có triệu chứng thần kinh như đi vòng tròn. Bệnh tích đại thể tập trung chủ yếu ở phổi và ruột. Mặt cắt phổi có nhiều dịch chảy ra; ruột có hiện tượng sung huyết, xuất huyết; đại não bị sung huyết. Các dấu hiệu bệnh tích khác là: lách sưng, mặt cắt lồi, hạch lympho sưng, gan thoái hóa, túi mật sưng to. Các bệnh tích vi thể gồm có xuất hiện nhiều hồng cầu trong lòng phế nang, vách phế nang đứt nát, thoái hóa tế bào nhu mô, lông nhung ruột bị đứt nát, thâm nhiễm tế bào viêm ở não.

Nguyễn Thị Lan & cs. (2015) đã nghiên cứu một số đặc điểm bệnh lý của chó được gây bệnh thực nghiệm bằng chủng virus Care (CDV-768). Kết quả gây nhiễm chủng virus Care (CDV-768) cho 3 chó lai Becgie 2 tháng tuổi với liều 106 TCID50/25l qua đường mắt, khí dung và miệng cho thấy chó có triệu chứng ủ rũ, mệt mỏi, bỏ ăn, sốt, nôn mửa, tiêu chảy, ỉa ra máu, có nốt sài trên da, sừng hóa gan bàn chân. Các bệnh tích đại thể chủ yếu ở phổi (mặt cắt phổi có dịch, phổi nhục hóa), ruột có hiện tượng sung huyết, xuất huyết, đại não bị sung huyết, hạch lympho sưng, gan thoái hóa, túi mật sưng to. Các bệnh tích vi thể như xuất hiện nhiều hồng cầu trong lòng phế nang, vách phế nang đứt nát, thoái hóa tế bào nhu mô, lông nhung ruột bị đứt nát, thâm nhiễm tế bào viêm ở não. Virus tập trung chủ yếu ở các cơ quan như phổi, hạch lympho, ruột. Các kết quả thí nghiệm cho thấy chủng virus Care (CDV-768) có độc lực và có khả năng gây bệnh cho chó.

Theo Trần Văn Nên & cs. (2017), vaccine vô hoạt Care được chế từ chủng

CDV-VNUA-768 đã được đánh giá có khả năng bảo hộ trên chó bằng công cường độc với chủng CDV-HUA-04H. Thí nghiệm tiêm vaccine vô hoạt Care chế từ chủng CDV-VNUA-768 cho những chó becgie cái 6 tuần tuổi, sau đó 3 tuần công cường độc bằng chủng virus CDV-HUA-04H. Đáp ứng miễn dịch kháng thể của chó thí nghiệm sau khi tiêm vaccine vô hoạt Care gây ra được khảo sát bằng phản ứng ELISA phát hiện kháng thể. Hiệu giá kháng thể đạt ngưỡng trên giá trị tới hạn sau 21 ngày tiêm vaccine, sau đó đạt cực đại sau 35-42 ngày tiêm (với hiệu giá trung bình đạt 1,54). Ở các ngày 42 tới 49 ngày sau khi tiêm, hiệu giá kháng thể giảm dần nhưng vẫn đạt trên ngưỡng giá trị tới hạn ở 49 ngày với giá trị hiệu giá trung bình đạt 1,35. Sau 21 ngày tiêm vaccine lần hai, các chó thí nghiệm và đối chứng được công cường độc với chủng CDV-HUA-04H. Kết quả theo dõi hiệu giá kháng thể đã chỉ ra ở lô tiêm vaccin đã tạo ra kháng thể đặc hiệu với virus Care với giá trị hiệu giá trung bình đạt 0,69 lớn hơn giá trị tới hạn. Kết quả nghiên cứu này cho thấy chó được tiêm vaccine vô hoạt Care chế từ chủng CDV-VNUA-768 được bảo hộ 100%.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ: Nghiên cứu một số đặc điểm của bệnh care ở chó nuôi tại Hà Nội và chế kháng thể phòng trị bệnh (Trang 20 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)