CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN LÝ THUYẾT VỀ TÁC ĐỘNG CỦA VIỆN TRỢ
2.2. Tổng quan lý thuyết về thuế
Thuế là một khoản nộp bắt buộc mà các thể nhân và pháp nhân có nghĩa vụ phải thực hiện đối với Nhà nước, phát sinh trên cơ sở các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành, không mang tính chất đối giá và hoàn trả trực tiếp cho đối tượng nộp thuế.
Thuế không phải là một hiện tượng tự nhiên mà là một hiện tượng xã hội do chính con người định ra và nó gắn liền với phạm trù Nhà nước và pháp luật.
Trong cuốn từ điển kinh tế của hai tác giả người Anh Chrisopher Pass và Bryan Lowes, đứng trên giác độ đối tượng chịu thuế đã cho rằng: "Thuế là một biện pháp của chính phủ đánh trên thu nhập của cải và vốn nhận được của các cá nhân hay doanh nghiệp (thuế trực thu), trên việc chi tiêu về hàng hoá và dịch vụ (thuế gián thu) và trên tài sản".
Trên giác độ người nộp thuế, thuế được coi là khoản đóng góp bắt buộc mà mỗi tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước theo luật định để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ Nhà nước.
Theo các quan điểm này, thuế chỉ được nhìn nhận trên giác độ các đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế, không nói đến việc sử dụng tiền thuế để làm gì, chỉ thể hiện việc đánh thuế như là một nghĩa vụ công dân của các doanh nghiệp và hộ gia đình với đất nước mà mình đang kinh doanh hoặc đang sinh sống. Các quan điểm này cũng chỉ phù hợp với giai đoạn phát triển của thuế trong thời đoạn lịch sử nhất định lúc đó.
Trên giác độ phân phối thu nhập, người ta định nghĩa: Thuế là hình thức phân phối và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân nhằm hình thành các quỹ tiền tệ tập trung của nhà nước để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu cho việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Nhà nước.
Trên giác độ kinh tế học, thuế là một biện pháp đặc biệt, theo đó, Nhà nước sử dụng quyền lực của mình để chuyển một phần nguồn lực từ khu vực tư sang khu vực công, nhằm thực hiện các chức năng kinh tế – xã hội của Nhà nước.
Những khái niệm về thuế nêu trên dựa theo từng giác độ khác nhau, chưa thật đầy đủ và chính xác được bản chất của thuế. Đến nay, tuy chưa có một định nghĩa về thuế
thống nhất, nhưng các nhà kinh tế đều nhất trí cho rằng, để làm rõ được bản chất của thuế thì định nghĩa về thuế phải nêu bật được các khía cạnh sau đây:
- Nội dung kinh tế của thuế được đặc trưng bởi các quan hệ tiền tệ giữa nhà nước với các pháp nhân và các thể nhân, không mang tính hoàn trả trực tiếp.
- Những mối quan hệ dưới dạng tiền tệ này được nảy sinh một cách khách quan và có ý nghĩa xã hội đặc biệt.
- Việc chuyển giao thu nhập có tính chất bắt buộc theo mệnh lệnh của nhà nước.
- Các các pháp nhân và thể nhân chỉ phải nộp cho Nhà nước các khoản thuế đã được pháp luật quy định.
- Việc sử dụng tiền thuế phải dành cho mục đích chung.
2.2.2. Đặc điểm của thuế
Trong nền kinh tế thị trường, thuế có những đặc điểm cơ bản như sau:
- Thuế là một khoản trích nộp bằng tiền:
Theo phương thức đánh thuế trong nền kinh tế thị trường, về nguyên tắc, thuế là một khoản trích nộp dưới hình thức tiền tệ, khác với hình thức nộp thuế bằng hiện vật đã tồn tại từ thời xa xưa hoặc khác với chế độ giao nộp sản phẩm trong nền kinh tế phi thị trường. Nhiều quan điểm cho rằng, đây chính là sự khác biệt cơ bản và đầu tiên của thuế trong nền kinh tế thị trường và thuế trong các nền kinh tế khác. Chính sự phát triển của hoạt động trao đổi hàng hoá bằng tiền đã làm cho thuế phát triển, và ngược lại, việc bắt buộc nộp các khoản thuế bằng tiền đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường bằng cách đòi hỏi người nộp thuế trong trường hợp không có tiền phải đổi những tài sản hiện vật của mình ra thành tiền để thanh toán nợ thuế.
Tuy nhiên, hình thức trả thuế bằng hiện vật cũng không hoàn toàn mất đi trong hệ thống chính sách thuế đương đại. Một số quốc gia vẫn duy trì hình thức này dưới dạng thanh toán thuế bằng tặng vật với một số hiện vật qúy, như khi đào được cổ vật phải nộp thuế cho nhà nước với một tỷ lệ hiện vật tùy theo quy định cụ thể. Kỹ thuật này giúp Nhà nước sưu tập được những di sản quốc gia quý giá từ dân chúng để bảo tồn tập trung những giá trị văn hoá của dân tộc, nhân loại.
- Luôn gắn liền với quyền lực nhà nước:
Đặc điểm này thể hiện tính pháp lý tối cao của thuế. Thuế là nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến Pháp - Đạo luật gốc của một quốc gia. Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, hay bãi bỏ bất kỳ một thứ thuế nào cũng chỉ có một cơ quan duy nhất có thẩm quyền, đó là Quốc Hội - Cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao. Mặt khác tính quyền lực Nhà nước cũng thể hiện ở chỗ Nhà nước không thể thực hiện thu thuế một cách tuỳ tiện mà phải dựa trên những cơ sở pháp luật nhất định đã được xác định trong các văn bản pháp luật do các cơ quan quyền lực Nhà nước ban hành. Ở các
quốc gia, do vai trò quan trọng của thuế đối với việc hình thành qũy ngân sách Nhà nước và những ảnh hưởng của nó đối với đời sống kinh tế - xã hội nên thẩm quyền quy định, sửa đổi, bãi bỏ các Luật thuế đều thuộc cơ quan lập pháp. Ðây là nguyên tắc sớm được ghi nhận trong pháp luật của các nước. Chẳng hạn ở nước Anh đạo Luật về dân quyền năm 1688 quy định: cấm mọi sự thu thuế để dùng vào việc chi tiêu của Nhà nước nếu không được Quốc hội chấp thuận. ở Pháp, Quốc hội Pháp quy định: bất cứ
một khoản thuế nào nếu không được Quốc hội chấp thuận thì không được áp dụng.
Hiến pháp của nước Cộng hòa Pháp năm 1791 quy định Quốc hội Pháp có quyền biểu quyết và định đoạt các Luật thuế. Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các Luật thuế. Tuy vậy, do yêu cầu điều chỉnh các quan hệ pháp luật về thuế, Quốc hội có thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ một số loại thuế thông qua hình thức ban hành Pháp lệnh hoặc Nghị quyết về thuế. Công dân không phải nộp bất kỳ loại thuế nào nếu loại thuế đó chưa được ban hành dưới dạng Luật.
Theo quan điểm này, công dân không có quyền từ chối trả thuế, cũng không có quyền tự ấn định hay thỏa thuận mức đóng góp của mình, mà chỉ có quyền chấp hành.
Trường hợp đối tượng nộp thuế nào cố tình không chấp hành sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật để buộc họ phải làm tròn nghĩa vụ nộp thuế của mình theo luật định.Đây là đặc trưng cơ bản nhất của thuế nhằm phân biệt với tất cả các hình thức động viên tài chính cho Ngân sách Nhà nước khác.
- Luôn gắn liền với thu nhập:
Đặc điểm này thể hiện rõ nội dung kinh tế của thuế. Nhà nước thực hiện thu thuế
thông qua quá trình phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, mà kết quả của nó là một bộ phận thu nhập của người nộp thuế được chuyển giao bắt buộc cho Nhà nước mà không kèm theo bất kỳ một sự cấp phát hoặc những quyền lợi nào khác cho người nộp thuế. Thuế dưới bất kỳ hình thức nào đều buộc người trả thuế phải lấy một khoản thu nhập của mình ra thanh toán cho Nhà nước mà không cần biết mình đã chuẩn bị được khoản thu nhập đó hay chưa.Với đặc điểm này, thuế không giống
như các hình thức huy động tài chính tự nguyện hoặc hình thức phạt tiền tuy có tính chất bắt buộc, nhưng chỉ áp dụng đối với những tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.
- Không hoàn trả trực tiếp và được sử dụng để đáp ứng chi tiêu công cộng:
Tính chất không hoàn trả trực tiếp được thể hiện trên các khía cạnh:
Thứ nhất, Sự chuyển giao thu nhập thông qua thuế không mang tính chất đối giá.
Về mặt pháp lý, thuế không là giá cả của dịch vụ cung cấp. Vì vậy, người nộp thuế
không thể phản đối việc thực hiện nghĩa vụ thuế bằng cách viện cớ là Nhà nước sử dụng tiền thuế không có hiệu quả. Họ cũng không thể đòi hỏi số tiền thuế do họ nộp phải phân bổ cho dịch vụ công này hay hoạt động khác. Mặt khác, họ cũng không thể từ chối nộp thuế với lý do số thuế thu được tài trợ cho các khoản chi tiêu trái với những nguyên tắc của nó.
Thứ hai, các khoản thuế đã nộp cho Nhà nước sẽ không được dùng phục vụ trực tiếp cho người nộp thuế, nghĩa là mức thuế mà các tầng lớp trong xã hội chuyển giao cho Nhà nước không hoàn toàn dựa trên mức độ người nộp thuế thừa hưởng những dịch vụ và hàng hoá công cộng do Nhà nước cung cấp. Người nộp thuế không có quyền đòi hỏi Nhà nước cung cấp hàng hoá, dịch vụ công cộng trực tiếp cho mình.
Người nộp thuế sẽ nhận được một phần các hàng hoá, dịch vụ công cộng mà Nhà nước đã cung cấp cho cả cộng đồng, phần giá trị mà người nộp thuế được hưởng thụ không nhất thiết tương đồng với khoản thuế mà họ đã nộp cho Nhà nước. Đặc điểm này của thuế giúp ta phân định rõ thuế với các khoản phí, lệ phí và giá cả.
2.2.3. Phân biệt thuế và phí, lệ phí
- Thuế là khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của pháp luật của các cá nhân và pháp nhân đối với Nhà nước không mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp.
- Lệ phí là khoản thu vừa mang tính chất phục vụ cho đối tượng nộp lệ phí về việc thực hiện một số thủ tục hành chính vừa mang tính chất động viên sự đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
- Phí là khoản thu mang tính chất bù đắp chi phí thường xuyên hoặc bất thường như phí về xây dựng, bảo dưỡng, duy tu của Nhà nước đối với những hoạt động phục vụ người nộp phí.
Thuế và lệ phí, phí đều là nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và đều mang tính pháp lý nhưng giữa chúng có sự khác biệt trên một số mặtcụ thể như sau:
- Về mặt giá trị pháp lý: Thuế có giá trị pháp lý cao hơn lệ phí, phí. Thuế được ban hành dưới dạng văn bản pháp luật như: Luật, Pháp lệnh do Quốc hội và ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Trình tự ban hành một Luật thuế phải tuân theo một trình tự chặt chẽ. Trong khi đó lệ phí, phí được ban hành đưới dạng Nghị định, Quyết định của chính phủ; Quyết định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
-Về mục đích và mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế - xã hội: thuế có 3 tác dụng lớn: Tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước; Ðiều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và định hướng phát triển kinh tế; Ðảm bảo sự bình đẳng giữa những chủ thể kinh doanh và công bằng xã hội. Trong khi đó lệ phí, phí không có những tác dụng nói trên, nó chỉ có tác dụng tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Hơn nữa, việc tạo nguồn này không phải dùng đáp ứng nhu cầu chi tiêu mọi mặt của Nhà nước, mà trước hết dùng để bù đắp các chi phí hoạt động của các cơ quan cung cấp cho xã hội một số dịch vụ công cộng như: dịch vụ công chứng, dịch vụ đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản, dịch vụ hải quan...
-Về tên gọi và mục đích: Mục đích của từng loại lệ phí rất rõ ràng, thường phù hợp với tên gọi của nó. Nói một cách chính xác hơn, tên gọi của loại lệ phí nào phản ánh khá đầy đủ mục đích sử dụng loại lệ phí đó. Mỗi một Luật thuế đều có mục đích riêng.
Tuy nhiên, đa số các sắc thuế có tên gọi không phản ánh đúng mục đích sử dụng, mà thường phản ánh đối tượng tính thuế.
2.2.4. Chức năng và vai trò của thuế 2.2.4.1. Chức năng của thuế
Thuế có hai chức năng cơ bản đó là phân phối và điều tiết với nội dung cụ thể như sau:
- Chức năng phân phối và phân phối lại: là chức năng cơ bản, đặc thù của thuế. Ngay từ lúc ra đời thuế là phương tiện dùng để động viên nguồn tài chính vào ngân sách Nhà nước (có ở tất cả các kiểu Nhà nước). Về mặt lịch sử, chức năng huy động nguồn tài chính là chức năng đầu tiên, phản ánh nguyên nhân nảy sinh ra thuế.Thông qua chức năng này, các quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước được hình thành để đảm bảo cơ sở vật chất cho sự hoạt động thường xuyên và tồn tại của Nhà nước.
- Chức năng điều tiết đối với nền kinh tế:được thực hiện thông qua việc quy định các hình thức thu thuế khác nhau, xác định đúng đắn đối tượng chịu thuế và đối tượng nộp thuế; xây dựng chính xác, hợp lý các mức thuế phải nộp có tính đến khả
năng của người nộp thuế. Trên cơ sở đó Nhà nước kích thích các hoạt động kinh tế đi vào quỹ đạo chung của nền kinh tế quốc dân, phù hợp với lợi ích của toàn xã hội.
Trong điều kiện chuyển sang cơ chế thị trường, vai trò kích thích kinh tế thông qua thuế ngay càng được nâng cao. Nhà nước sử dụng thuế để tác động lên lợi ích kinh tế
của các chủ thể vì lợi ích của nền kinh tế quốc dân. Với công cụ thuế, sự can thiệp của Nhà nước không mang tính chất mệnh lệnh, bắt buộc các chủ thể phải kinh doanh hay không kinh doanh mà chủ yếu tạo ra sự lựa chọn đối với các chủ thể kinh doanh.
2.2.4.2. Vai trò của thuế
Vai trò của thuế là sự biểu hiện cụ thể các chức năng của thuế trong những điều kiện kinh tế, xã hội nhất định. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, với sự thay đổi phương thức can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh tế, vai trò của thuế được thể hiện trên các khía cạnh sau đây:
- Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước:
Với chức năng phân phối lại thu nhập quốc dân, thuế bằng nhiều cách hình thành nên nguồn tài chính tập trung lớn nhất phục vụ cho chi tiêu công cộng, đó là ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước được tập hợp từ nhiều nguồn thu khác nhau, nhằm đảm bảo yêu cầu chi tiêu chung cho nhu cầu công cộng. Trong tất cả các nguồn, thông thường số thu về thuế chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số thu ngân sách nhà nước. Đây là nguồn thu ổn định nhất được kế hoạch hoá tốt trên cơ sở dự báo kế hoạch
và tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước trong một năm. Hầu như mọi khoản chi tiêu của ngân sách nhà nước đều dựa vào sự đóng thuế của người dân. Vì vậy, xã hội có trách nhiệm phải tôn trọng người nộp thuế, những người thông qua hành vi của mình đóng góp tài chính cho nhà nước một cách trực tiếp và gián tiếp.
- Thuế là công cụ điều hoà thu nhập, thực hiện công bằng xã hội:
Một trong những khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường là có sự chênh lệch lớn về mức sống, về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội. Kinh tế thị trường càng phát triển thì khoảng cách giàu - nghèo giữa các tầng lớp dân cư ngày càng có xu hướng gia tăng. Sự phát triển mọi mặt của một đất nước là thành quả của sự nỗ lực của cả cộng đồng, mỗi thành viên trong xã hội đều có những đóng góp nhất định. Nếu không chia sẻ thành quả phát triển kinh tế cho mọi thành viên sẽ thiếu công bằng và tạo nên sự đối lập về quyền lợi và của cải giữa các tầng lớp dân cư và gây ra bất ổn xã hội. Chính vì vây, Nhà nước cần phải can thiệp vào quá trình phân phối thu nhập, của cải của xã hội. Thuế là công cụ quan trọng mà Nhà nước sử dụng để tác động trực tiếp vào quá trình này.
Việc điều hoà thu nhập giữa các tầng lớp dân cư được thực hiện một phần thông qua thuế gián thu mà đặc biệt là hình thức thuế tiêu thụ đặc biệt. Loại thuế này có đối tượng chịu thuế chủ yếu là các hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng cao cấp, đắt tiền.
Các hàng hoá, dịch vụ này thông thường chỉ có những người có thu nhập cao trong xã hội mới có thể sử dụng và hoặc sử dụng nhiều, qua đó điều tiết bớt một phần thu nhập của họ.Các sắc thuế trực thu, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân với việc sử dụng thuế
suất luỹ tiến là loại thuế có tác dụng rất lớn trong vấn đề điều tiết thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội.
- Thuế là công cụ để thực hiện kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh:
Vai trò này được xuất hiện trong quá trình tổ chức thực hiện các luật thuế trong thực tế. Để đảm bảo thu được thuế và thực hiện đúng các quy định của các luật thuế đã ban hành, cơ quan thuế và các cơ quan liên quan phải bằng mọi biện pháp nắm vững số lượng, quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh,