1.2.1. Đặc điểm thực vật học
• Tên khoa học: Stephania cepharantha Hayata
• Tên gọi khác:
- Tên Việt Nam: Bình vôi hoa đầu, Hán phòng kỷ [24].
- Tên Thái Lan: Panhuadiburong
- Tên Trung Quốc: Kim tuyến điếu ô qui, Kim tuyến cáp mô, Độc cước ô cữu, Thiết bình đà, Ngọc quan cát đằng, Bạch dược (Trung Quốc).
• Phân bố: Ở Việt Nam phân bố tại Quảng Ninh (Cẩm Phả, Hòn Gai, Uông Bí), Hòa Bình (Kỳ Sơn) [6], [9], [24], [30], [31]; là loài đặc hữu tại Trung Quốc phân bố tại nhiều tỉnh: Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Thiểm Tây, Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Đài Loan.
Sinh trưởng ở rừng thứ sinh, trên núi đá vôi, các khu vực rừng núi có độ cao tới trên 1000 m; mọc trong các hốc đá, khe đá, ưa sáng và ẩm. Ở nước ta hiện nay loài Bình vôi hoa đầu rất hiếm, là nguồn gen quý cần được bảo tồn và đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam [31].
Hình 1.9. Mô tả thực vật loài Stephania cepharantha Hayata
• Đặc điểm thực vật: Cây thân thảo sống lâu năm; thân phình to thành củ; rễ củ dạng cầu. Lá đơn nguyên, mọc cách, cuống lá dài xấp xỉ phiến lá; phiến lá dạng tam giác đến gần tròn, dài và rộng khoảng 0,5÷1cm, chóp lá có đỉnh tròn hoặc nhọn sắc, thường có một gai rất nhỏ, ngắn; gốc lá bằng hoặc hơi lõm, gân 9÷11 xuất phát từ chỗ đính của cuống lá thành hình chân vịt [31].
Hoa đơn tính khác gốc; cụm hoa đực và hoa cái đều dạng đầu, do nhiều xim tán có cuống rất ngắn hợp thành, đỉnh cuống cụm hoa phồng to hoặc có đế dạng đĩa; hoa nhỏ gần như không cuống. Hoa đực có 6 lá đài xếp 2 vòng, mỗi vòng 3, đều, hình thìa, cánh hoa màu vàng cam, hình quạt tròn cong dạng vỏ hến; nhị dính thành cột nhỏ, cao khoảng 3 mm, bao phấn dính thành đĩa, 6 ngăn [6]. Hoa cái nhỏ có một đài, 2 cánh hoa, đính cùng một phía của hoa, lá đài hình ô van tròn hoặc hình trứng, cánh hoa màu vàng cam, hình quạt tròn, cong dạng vỏ hến; bầu hình trứng, núm nhụy 4÷5 thùy dạng sợi hoặc hình dùi [6].
Quả hình trứng ngược, dài 0,7cm, rộng 0,5cm, hơi dẹt 2 bên; hạt hình móng ngựa tròn dẹt, không có lỗ thủng ở giữa, trên lưng hạt có 4 hàng vân hạt, mỗi hàng 15 - 16 vân dạng hạt; giá noãn không có lỗ [24].
Ra hoa vào cuối mùa xuân, khoảng từ tháng 2 tới tháng 4, mùa quả chín tháng 6÷8. Cây tái sinh chồi vào mùa xuân và trồng được bằng rễ củ [18].
Hình 1.10. Hình củ loài Stephania cepharantha Hayata tươi và sấy khô
Hình 1.11. Hình lá và quả loài Stephania cepharantha Hayata
1.2.2. Công dụng của loài Stephania cepharantha Hayata
• Tác dụng chữa bệnh: loài Bình vôi đã được sử dụng như một vị thuốc từ lâu. Rễ dùng làm thuốc an thần, gây ngủ, làm thuốc thanh nhiệt, giải độc, tiêu phù, giảm đau [31]. Bình vôi hoa đầu còn được dùng ngoài trị rắn độc, đau họng, ho, thổ huyết, chảy máu cam, nhiệt độc ung thũng và tràng nhạc [6]. Người ta sử dụng phần củ, thái nhỏ, phơi khô, được dùng dưới dạng sắc, ngâm rượu chữa hen, ho lao, lỵ, sốt, đau bụng, ngày uống 3÷6 g. Có thể tán bột ngâm rượu 40o tỉ lệ 1 phần bột 5 phần rượu rồi uống với liều lượng 5÷15 ml rượu một ngày, có thể thêm đường cho dễ uống [21].
• Tác dụng lâm sàng: Rotudine chiết xuất từ loài Bình vôi được sử dụng như một vị thuốc an thần, trấn kinh, mất ngủ, sốt nóng, nhức đầu, đau tim, đau dạ dày, hen. Tác dụng rõ rệt nhất của Rotudine là ngủ và an thần, do có nguồn gốc tự nhiên nên có những ưu điểm nổi bật là độc tính rất thấp, dung nạp thuốc tốt, mang lại giấc ngủ sinh lý, sau khi ngủ không mệt mỏi và nhức đầu như một số thuốc tổng hợp từ hóa chất [21].
• Liều dùng:
- Dạng thuốc bột, thuốc viên: 0,05÷0,1g/ngày.
- Dạng tiêm: 0,05g Rotudine chlorhydrate hay sulfat trong ống 5 ml (do muối Rotudine ít tan trong nước).
- Trẻ em: 0,02÷0,025 g đối với trẻ 1÷5 tuổi, 0,03÷0,05 g đối với trẻ 5÷10 tuổi [21].
• Tác dụng dược lý: Rotudine tìm thấy trong loài Bình vôi có tác dụng trấn kinh rõ rệt trên nhu động vị tràng, gây hiện tượng giảm khuẩn rõ rệt mà vẫn duy trì sự co bóp điều hòa và kéo dài, có thể dùng cho trường hợp tăng nhu động và ống tiêu hóa bị giật. Rotudine rất lành tính và có tác dụng điều hòa và bổ tim nhẹ, điều hòa hô hấp nên dùng chữa hen, suyễn [21].