CHƯƠNG 2. CƠ SỞ THỰC TIỄN VỀ TÌNH HÌNH THẤT NGHIỆP CỦA VIỆT NAM TRONG 3 NĂM QUA (2020 - 2022)
2.4. Tác động đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam
Từ việc phân tích tình hình thất nghiệp ở Việt Nam trong 3 năm qua, có thể thấy, đây là một hiện tượng kinh tế - xã hội tiêu cực, gây ra nhiều hệ lụy xấu, là rào cản trong phát triển kinh tế. Xem xét dưới góc độ lý thuyết kinh tế vĩ mô, thất nghiệp trong ngắn hạn giúp cho người lao động tìm được công việc ưng ý và phù hợp với nguyện vọng, năng lực của mình. Từ đó là gia tăng hiệu quả xã hội. Bên cạnh đó, lợi ích mà thất nghiệp mang đến còn làm cho việc phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả hơn và góp phần tăng tổng sản lượng của nền kinh tế trong dài hạn. Thất nghiệp trong ngắn hạn còn giúp con người cải thiện các vấn đề về sức khỏe, có thời gian nghỉ ngơi, học hành và trau dồi thêm kỹ năng, tạo nên sự cạnh tranh và gia tăng hiệu quả.
2.4.1. Đối với quốc gia
Thứ nhất, thất nghiệp là nguyên nhân làm giảm tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát. Tỷ lệ thất nghiệp cao gây tổn hại cho nền kinh tế, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp và nguồn lực về con người không được sử dụng. Đặc biệt là, thất nghiệp ở thanh niên gia tăng có nghĩa là một lực lượng lao động xã hội tiềm năng nhất không được huy động vào hoạt động kinh tế tăng lên. Đây là sự lãng phí lao động xã hội nghiêm trọng, trong khi ngân sách nhà nước nói chung và nguồn tài chính của các gia đình nói riêng còn đang rất eo hẹp.
So sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn năm 2017-2021, có thể thấy, hai yếu tố này tỷ lệ nghịch với nhau. Khi tốc độ
128
tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn 7% trong giai đoạn 2018-2019 thì tỉ lệ thất nghiệp chỉ 2%. Còn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, ở mức khoản 2,6% thì tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, khoảng 3% trong giai đoạn 2020-2021. Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế biến động, thì tỷ lệ thất nghiệp cũng biến động theo.
Lý giải dưới góc độ kinh tế học vĩ mô thì điều này là hoàn toàn hợp lý. Bởi, khi sản lượng thực tế thấp hơn sản lượng tiềm năng 2% thì thất nghiệp sẽ tăng thêm 1% và khi tốc độ của sản lượng thực tế cao hơn tốc độ của sản lượng tiềm năng 2,5% thì thất nghiệp sẽ giảm đi 1%. Như vậy, có thể thấy, thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi tăng trưởng kinh tế ở mức cao thì tỷ lệ thất nghiệp giảm và ngược lại. Thất nghiệp tăng lên nghĩa là nền kinh tế đang suy thoái do tổng thu nhập quốc gia thực tế thấp hơn tiềm năng, suy thoái do thiếu vốn đầu tư. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, khi thất nghiệp xảy ra, của cải vật chất không những không tăng thêm mà càng ngày càng tiêu hao thêm nữa, thiệt hại do “cơn bão” thất nghiệp rất lớn, có thể lên tới hàng tỷ USD mỗi năm cho mỗi quốc gia.
Bên cạnh đó, thất nghiệp còn là nguyên nhân gây ra lạm phát. Mức lạm phát cao sẽ dẫn đến sự bất ổn trong nền kinh tế, là rào cản cho sự phát triển của Việt Nam. Bởi vậy, thất nghiệp mang lại nhiều vấn đề tiêu cực cho quốc gia.
Thứ hai, thất nghiệp là điều kiện phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn của cộng đồng.
Thất nghiệp là một vấn đề lớn, khi hàng triệu người không có việc làm hoặc thiếu việc làm thì họ sẽ phải trở về sống phụ thuộc vào cha mẹ, gia đình và sự trợ cấp thất nghiệp của nhà nước. Việc làm và thu nhập không ổn định sẽ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự bất ổn trong xã hội. Những khó khăn về mặt tài chính sẽ khiến cho một vài người nảy sinh ý định trộm cắp, mại dâm, nghiện hút,... Những tệ nạn xã hội như vậy có thể sẽ gia tăng nếu như tình trạng thất nghiệp của thanh niên bị kéo dài, bởi ở vào thế “nhàn cư vi bất thiện” thì những hành động của giới trẻ là rất khó lường.
Vấn đề an sinh xã hội cho những người thất nghiệp cũng là bài toán lớn đặt ra cho Việt Nam. Nếu không thực hiện tốt chính sách giải quyết việc làm thì mức sống, chất lượng sống của người dân sẽ bị giảm sút.
Thứ ba, thất nghiệp làm giảm nguồn thu thuế và chi tiêu công của Chính phủ.
Khi người lao động thất nghiệp, lượng thuế thu nhập cá nhân bị giảm sút, người dân có xu hướng chi tiêu ít lại để tiết kiệm rồi kết quả là nguồn thu từ thuế cũng giảm theo. Thu nhập và lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm đi. Do đó, doanh thu từ thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp không ổn định và khó tránh khỏi tình trạng thâm hụt. Ngoài việc giảm doanh thu từ thuế, thất nghiệp cũng gây áp lực lên chi tiêu công của chính phủ. Nguồn chi cho trợ cấp thất nghiệp sẽ tự động tăng lên khi người lao động thất nghiệp nhiều. Nếu người thất nghiệp có tình trạng sức khỏe xấu, chính phủ có thể phải chi nhiều hơn cho việc chăm sóc y tế.
2.4.2. Đối với các doanh nghiệp
Thất nghiệp gia tăng trong khi nguồn nhân lực cần cho doanh nghiệp phát triển lại rơi vào tình trạng thiếu hụt, đó chính là nguyên nhân ngăn cản sự phát triển của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thất nghiệp tăng lên cho thấy nền kinh tế đang ở ngưỡng cửa của suy thoái, các vấn đề kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực, thị trường biến động khiến cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp giảm hiệu quả.
Thất nghiệp khiến cho người dân thu hẹp mức tiêu dùng, từ đó cầu giảm khiến cho công việc sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Giảm năng suất và tính hiệu quả của các hoạt động sản xuất hàng hóa theo quy mô.
2.4.3. Đối với cá nhân người lao động
Trước hết, thất nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống của người lao động cũng như gia đình của họ. Người lao động bị thất nghiệp, tức sẽ mất việc làm và nguồn thu nhập thường xuyên nuôi sống họ và cả gia đình. Do đó, cuộc sống của bản thân người lao động và gia đình họ ắt sẽ trở nên khó khăn hơn.
Eo hẹp về tài chính, nhiều nhu cầu thiết yếu của gia đình sẽ bị cắt giảm; mức sống
130
và điều kiện sống của người lao động bị thu hẹp. Đặc biệt khi người thất nghiệp là thanh niên, nhu cầu học tập, tự đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp là rất lớn.
Tuy nhiên, khó khăn về tài chính đã thủ tiêu các cơ hội học tập của thanh niên để họ có thể nhanh chóng trở lại thị trường lao động.
Thứ hai, thất nghiệp khiến cho sức khỏe và thể chất của người lao động giảm sút. Khi tình trạng thất nghiệp kéo dài thì nguồn thu nhập bị hạn chế, từ đó giảm nguồn dinh dưỡng đối với cơ thể và gia tăng tâm lý bất an. Vì thế, thất nghiệp làm suy giảm sức khỏe của người lao động. Trong số các bệnh nhân bị tâm thần phải vào Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai điều trị, có tới 47% là người trẻ tuổi (dưới 30 tuổi). Còn trong điều kiện bình thường, tỷ lệ người mắc các bệnh tâm thần Việt Nam chiếm khoảng 1%. Tuy nhiên, trong giai đoạn thất nghiệp ở người trẻ tuổi tăng cao vừa qua, tỷ lệ này trở nên cao đột biến trên cả nước. Hiện tượng này đặc biệt cao ở đối tượng là các chủ doanh nghiệp trẻ tuổi, những người làm việc trong các lĩnh vực kinh doanh và những cử nhân đại học lâu năm không tìm được việc làm.