Tình hình phát triển các mô hình sản xuất trang trại Việt Nam qua các thời kỳ

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế trang trại tại huyện thạch hà, tỉnh hà tĩnh (Trang 26 - 30)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN

1.2.4. Tình hình phát triển các mô hình sản xuất trang trại Việt Nam qua các thời kỳ

* Thời kỳ phong kiến

Dưới chế độ phong kiến, nền nông nghiệp nước ta tồn tại một số hình thức tổ chức sản xuất là điền trang và thái ấp. Đất đai do các cuộc chiến tranh phong kiến giành được đều là của nhà vua nên khi đất nước thanh bình, nhà vua ban sắc phong quan kèm theo việc ban thưởng bổng lộc bằng đất đai và nông nô để lập điền trang, thái ấp. Hình thức tổ chức này thịnh hành trong thời đại phong kiến Lý, Trần, Lê.

Song, với sản xuất của các điền trang, thái ấp là khép kín, phát canh thu tô, kinh tế hiện vật chi phối quá trình sản xuất, kinh doanh. Kinh tế hàng hóa chưa phát triển, vì kinh tế trang trại thời kì này chưa có.

Đến thời nhà Nguyễn và thời thực dân Pháp thống trị, do có kinh nghiệm tổ chức sản xuất nông nghiệp theo kiểu trang trại ở chính quốc, nên thực dân Pháp tổ chức ra hình thức tư bản tư nhân (đồn điền) để bóc lột nhân công rẻ mạt của nước thuộc địa. Theo số liệu thống kê của Pháp thì từ năm 1859 đến năm 1943, người Pháp đã chiếm trên 1.000.000 ha đất nông nghiệp của Việt Nam để lập ra 3.928 đồn điền chuyên canh lúa, cao su, chè, cà phê, tiêu,… Các chủ đồn điền Pháp đã đưa lao động quản lý từ Pháp sang, kết hợp với việc thuê mướn lao động tay chân và sử dụng công cụ thô sơ để thu lợi tối đa. Nếu xem xét vấn đề ở góc độ kinh tế thì kinh tế trang trại tư bản tư nhân kiểu đồn điền của thực dân Pháp cũng đã góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp hàng hóa và thị trường nông sản Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, sản phẩm hàng hóa do các đồn điền này tạo ra chủ yếu được đưa ra thị trường thế giới và về Pháp, đem lại lợi nhuận kếch xù cho giới tư bản Pháp đương thời mà ít có đóng góp thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam.[5], [9], [ 17]

* Thời kỳ từ 1945 - 1975

Ở thời kỳ này, nền nông nghiệp miền Bắc mang nặng tính tự cung tự cấp. Sau cải cách ruộng đất, những người nông dân đã gia nhập vào hợp tác xã nông nghiệp.

Nhà nước lập ra một số nông trường nông, lâm nghiệp quốc doanh nhưng hoạt động theo chế độ kế hoạch hóa tập trung chứ không phải sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Khi đó kinh tế thị trường còn là cái gì đó trừu tượng và được coi là tính chất cơ bản của chủ nghĩa tư bản, rất xa lạ và đối lập với xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, kinh tế trang trại ở miền Bắc trong thời kỳ này chưa xuất hiện.

Ở miền Nam, vì chiến tranh liên miên nên sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp cũng chậm phát triển, các trang trại tư bản tư nhân của Pháp dưới dạng đồn điền vẫn tồn tại, một số tướng tá ngụy cũng lập một số trang trại tư bản tư nhân. Đặc biệt, trong thời kỳ này kinh tế nông hộ sản xuất hàng hóa đã xuất hiện và phát triển dần lên thành kinh tế trang trại gia đình. [5], [17]

* Thời kỳ từ 1975 - 1986

Sau khi giải phóng, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ trương cải tạo nông nghiệp, Nhà nước quốc hữu hóa các đồn điền thành các nông trường quốc doanh. Các điền trang, trang trại tư nhân lớn của địa chủ, phú nông, tư sản nông thôn cũng bị cải tạo và phần lớn ruộng đất được chia cho nông dân không ruộng hoặc ít ruộng. Đồng thời, tuyệt đại đa số ruộng đất của nông dân đều đưa vào hợp tác xã hay tập đoàn sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, nông nghiệp thời kỳ này là kinh tế hợp tác, kinh tế quốc doanh phát triển nhanh. Trong Kinh tế đồn điền thực dân và điền trang, trang trại của địa chủ, phú nông, tư sản nông thôn và của cả trung nông lớp trên không còn. Kinh tế tiểu chủ, kinh tế hộ gia đình sản xuất hàng hóa giảm bớt.

Kinh tế quốc doanh và kinh tế hợp tác đã làm mất đi vai trò của kinh tế hộ, biến kinh tế hộ thành kinh tế tập thể. Kinh tế hợp tác ngày càng phát triển thì kinh tế hộ gia đình ngày càng bị thu hẹp lại, kinh tế hộ sản xuất hàng hóa (kinh tế trang trại) bị xóa bỏ dần. Có thể nói, trong giai đoạn này kinh tế trang trại tồn tại không nhiều. Tuy nhiên, trong thực tế có những hộ gia đình không đủ điều kiện vào hợp tác xã do nhiều nguyên nhân, chính vì vậy, ở thời kỳ phát triển cao của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất vẫn còn một số ít hộ gia đình cá thể hoạt động và phát triển thành những hộ trang trại nhỏ, sau này có điều kiện mở rộng ra.

Như vậy, trong thời kỳ những năm 1975 – 1986, song song với phong trào hợp tác hóa và kinh tế quốc doanh phát triển, kinh tế hộ gia đình tiểu nông và kinh tế hộ gia đình sản xuất hàng hóa vẫn còn tồn tại và hoạt động.

* Thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay)

Sau Đại hội lần thứ VI của đảng (12/1986), đường lối đổi mới toàn diện với sự vận dụng sáng tạo của từng địa phương đã tạo ra những chuyển động mới trong nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (1988) và Nghị quyết hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa VI) đã khẳng định vai trò của kinh tế hộ nông dân, thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh doanh tự chủ, nông dân chỉ còn một nghĩa vụ nộp thuế. Nhà nước thực hiện chính sách giá thỏa thuận với nông dân khi mua nông sản và thực hiện thương mại hóa vật tư… Đến Đại hội Đảng lần thứ VII lại ghi rõ thêm: "Ở nông thôn trên cơ sở tăng cường vai trò đơn vị kinh tế tự chủ của hội xã viên, hợp tác xã hướng vào những khâu và lĩnh vực mà hội xã viên không có điều kiện tự làm hoặc làm không có hiệu quả và các hộ nông dân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất lâu dài và cấp giấy chứng nhận. Luật pháp quy định cụ thể việc thừa kế và chuyển quyền sử dụng đất”. Như vậy, sau 30 năm tổ chức phong trào hợp tác xã hóa, đến nay đã có những quan niệm đúng đắn về kinh tế hộ và kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Do việc coi hộ gia đình nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ nên các hộ được giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài và có quyền sở hữu các tư liệu sản xuất khác. Các hộ gia đình hoạt động theo cơ chế thị trường, tự hoạch toán, tự trang trải, lấy thu bù chi và làm ăn có lãi… Đây chính là động lực cho các hộ gia đình hoạt động theo phương thức sản xuất hàng hóa để trở thành các trang trại gia đình. Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện chương trình 327 về phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chủ trương giao đất, giao rừng cho dân. Nhiều hộ gia đình nhất là vùng Đông Nam Bộ đã mượn đất trồng rừng để trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, bạch đàn, cây ăn quả… và đã hình thành các hộ gia đình có diện tích canh tác lớn theo mô hình kinh tế trang trại hộ gia đình. Như vậy, kinh tế trang trại hộ gia đình ra đời và phát triển là nhờ những chính sách của Đảng và Nhà nước.[5], [17]

Đặc biệt, ngày 02/02/2000 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/2000/NQ – CP về kinh tế trang trại. Toàn bộ Nghị quyết nêu rất đầy đủ về sự đánh giá của Nhà nước đối với những mặt tích cực cũng như những mặt hạn chế của kinh tế trang trại.

Đồng thời, cũng nêu ra những quan điểm và những chính sách của Nhà nước đối với việc phát triển kinh tế trang trại.

Bảng 1.5. Thống kê tổng số trang trại của các vùng qua các năm

Vùng 2006 2007 2008 2009 2010

Đồng bằng sông Hồng 15.222 16.085 17.318 20.581 23.574 Trung du miền núi phía Bắc 3.85 3.835 4.423 4.68 6.108 Bắc Trung Bộ và Duyên hải

miền Trung 17.378 18.015 18.202 20.42 21.491

Tây Nguyên 8.73 9.24 9.481 8.835 8.932

Đông Nam Bộ 14.077 14.024 13.792 15.174 15.945

Đồng bằng Sông Cửu Long 54.442 55.023 57.483 65.747 69.83 Cả nước 113.7 116.22 120.7 135.44 145.88

Nguồn: [19]

Cả nước hiện nay có hơn 146.000 trang trại với diện tích khoảng hơn 1,1 triệu ha trong đó vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long chiếm hơn 47,78% tổng số trang trại của cả nước, đa số trang trại đều có quy mô nhỏ. Các trang trại chuyên trồng cây hàng năm chiếm 29,21%, trồng cây lâu năm chiếm 17,59%, chăn nuôi chiếm 16,15%, nuôi trồng thủy sản chiếm 25,46%. Hàng năm, việc sản xuất trang trại tạo khoảng 340 ngàn việc làm thường xuyên và 7,20 triệu ngày công lao động thời vụ, đóng góp cho nền kinh tế gần 16.000 tỷ đồng giá trị sản lượng. Việc phát triển nhanh cả số lượng và chất lượng trang trại đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Sản xuất trang trại trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp của cả nước ta đã kêu gọi được một lượng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài; đã khai thác được khoảng 1.000 ha đất trống đồi núi trọc; sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo ra một lượng hàng hóa nông sản có giá trị cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra ngoài nước. Chính vì vậy, kinh tế trang trại đã có chỗ đứng và luôn phát triển một cách tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn, nâng cao năng suất lao động xã hội cải tạo được đời sống của nông dân cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.[9], [12]

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế trang trại tại huyện thạch hà, tỉnh hà tĩnh (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)