CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN VIỆC THU HỒI ĐẤT, BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ
1.2.2. Tình hình thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở tỉnh Quảng Ngãi
1.2.2.1 Thực trạng công tác bồi thường, GPMB tại tỉnh Quảng Ngãi
Tính từ năm 2005 đến tháng 12 năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng 717 dự án, với 987 phương án bồi thường được phê duyệt; tổng diện tích đất phải thu hồi là 3.938,0 ha; tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ hơn 1.821 tỷ đồng; số hộ gia đình bị ảnh hưởng là 43.479 hộ (có 3.610 hộ di chuyển, 39.869 hộ không di chuyển) và số tổ chức bị ảnh hưởng là 526 tổ chức (có 178 tổ chức di chuyển, 348 tổ chức không di chuyển); tổng số mồ mả di dời là 63.438 mồ mả.
- Công tác tái định cư và giải quyết an sinh xã hội: Gồm 32 dự án, với diện tích là 93,7 ha, quy hoạch xây dựng 3.410 lô đất tái định cư, trong đó đã đưa vào sử dụng là 1.760 lô.
Mặc dù nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nhưng trong những năm qua UBND tỉnh và các địa phương đã cố gắng bố trí kinh phí đầu tư, xây dựng các khu tái định cư bảo đảm phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt của nhân dân; các công trình hạ tầng được xây dựng đã và đang đưa vào sử dụng, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng, tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi từ các dự án; một bộ phận nhân dân có đất bị thu hồi có cuộc sống ổn định, an tâm sản xuất; các hộ chuyển vào khu tái định cư đều xây dựng nhà ở tương đối khang trang, được sử dụng cơ sở hạ tầng tốt hơn, đời sống, tinh thần được nâng cao.
• Nhận xét về một số dự án thực hiện tại Quảng Ngãi
Những phương án bồi thường, GPMB khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực mà chưa thực hiện xong gặp rất nhiều khó khăn vì: Phương án bồi thường, GPMB đã được lập, trình, duyệt theo quy định tại Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ; Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định “các dự án đã có Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, GPMB mà đang thực hiện dở dang thì vẫn thực hiện theo phương án đã được phê duyệt”. Tuy nhiên, nếu áp dụng các quy định tại
Nghị định 197 thì người dân có lợi hơn nên đã liên tục khiếu kiện đông người, kéo dài, đòi được bồi thường theo quy định mới.
1.2.2.2. Một số khó khăn, tồn tại trong GPMB tại tỉnh Quảng Ngãi a) Về cơ chế, chính sách:
- Cơ chế, chính sách thường xuyên thay đổi theo xu hướng có lợi cho người bị thu hồi đất, nên xảy ra tình trạng người có đất bị thu hồi trước nghĩ là mình bị thiệt hơn người có đất bị thu hồi sau. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người dân đã nhận tiền quay về cản trở, đòi quyền lợi.
- Việc cụ thể hóa một số văn bản của Trung ương còn lúng túng, chưa cụ thể; đơn giá một số loại cây trồng và hoa màu, nhà cửa, vật kiến trúc còn những điểm bất hợp lý, thiếu sót nhưng chậm điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế; đơn giá đất do UBND tỉnh quy định cho từng năm, phần lớn năm sau cao hơn năm trước, trong khi các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thường được duyệt vào cuối năm nên khó thực hiện, vì người dân không nhận tiền, có tâm lý chờ Nhà nước ban hành giá mới. Chính sự thay đổi này là một trong các nguyên nhân gây khiếu kiện, làm lợi cho người cố tình chây ỳ, thiệt cho người chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.
- Một số quy định của các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn bất cập, mâu thuẫn như: Xác định đất ở khi bồi thường thì căn cứ vào quy định hiện hành của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế ở Quảng Ngãi hầu hết các hộ đang sử dụng đất không có giấy tờ về đất nhưng thực tế họ sử dụng đất ổn định trước ngày 18/12/1980, nay xác định bồi thường theo hạn mức giao, do đó người dân chưa thống nhất; Quy định về việc tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất (đối với những trường hợp nhà nước không thu hồi đất theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP), bộc lộ những hạn chế, mâu thuẫn do giá thỏa thuận thường cao hơn giá bồi thường, gây khó khăn trong công tác thu hồi đất; Về bố trí tái định cư: Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT: “Hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi hết đất ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân không có nhu cầu tái định cư)”. Trong thực tế, một hộ gia đình, cá nhân có nhiều ngôi nhà trong cùng địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi, khi bị giải toả 01 trong số các ngôi nhà thì không được bố trí tái định cư (vì vẫn còn nhà ở khác), hầu hết người dân không đồng tình vì cho rằng không công bằng, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đây cũng là vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án,...
b) Về lập thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:
- Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền, vận động, giải thích chính sách, pháp luật; việc công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện
bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ, chặt chẽ. Trình tự, thủ tục thu hồi đất có dự án còn chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật, một số dự án chưa có Quyết định thu hồi đất nhưng đã tiến hành giải phóng mặt bằng.
- Cơ chế phối hợp giữa Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố chưa đồng bộ, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
c) Công tác quản lý đất đai, lập hồ sơ địa chính:
- Việc theo dõi, chỉnh lý hồ sơ địa chính đối với những biến động trong quá trình sử dụng đất là chưa kịp thời; bên cạnh đó, cán bộ địa chính thường xuyên thay đổi nên việc nắm bắt hồ sơ, nguồn gốc đất để xác nhận làm cơ sở tính bồi thường, hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, phức tạp; công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương cấp xã còn nhiều hạn chế, bất cập; bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức còn tư tưởng chủ quan, chưa nắm bắt và hiểu đúng quy định của pháp luật nên dẫn đến việc lập hồ sơ chưa đầy đủ, một số trường hợp sai với quy định và chưa sát thực tế.
- Tình trạng lấn, chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép vẫn còn diễn ra phổ biến nhưng chưa được xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Có một số trường hợp đã lập hồ sơ xử lý đúng quy định nhưng khi thực hiện lại chưa nghiêm, để kéo dài gây khó khăn, phức tạp và vướng mắc trong công tác bồi thường, gây lãng phí rất lớn tiền của, công sức của Nhà nước và người có đất, có tài sản hợp pháp bị thu hồi.
d) Về công tác tái định cư:
Việc bố trí vốn để xây dựng các khu, điểm tái định cư đến nay luôn bị động, lúng túng; chưa thống nhất về tiêu chí và quy mô đầu tư; việc xây dựng chưa đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của người dân theo quan điểm “nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”; có nhiều khu tái định cư còn thiếu những hạng mục hạ tầng xã hội thiết yếu như chưa có nơi sinh hoạt, vui chơi cho cộng đồng, thiếu cơ sở dịch vụ thương mại; hạ tầng kỹ thuật yếu kém, xuống cấp. Người dân tái định cư chưa được giải quyết việc làm phù hợp, công tác đào tạo và giải quyết việc làm chưa được quan tâm đúng mức.
e) Về Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:
Trong một thời gian dài, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường của các huyện là cán bộ các ngành của huyện, thực hiện chế độ kiêm nhiệm theo từng dự án nên còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dẫn đến kéo dài thời gian. Mặt khác, đội ngũ công chức làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở một số địa phương còn thiếu về số lượng, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; một bộ phận không an tâm công tác; có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu gây mất lòng tin trong nhân dân [31].