Điều kiện kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của biến động đất trồng lúa đến sinh kế người dân trên địa bàn huyện hòa vang, thành phố đà nẵng (Trang 37 - 42)

CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI HUY ỆN HÒA VANG

3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

3.1.2.1. Tăng trưởng kinh tế và chuyn dịch cơ cấu kinh tế a. Tăng trưởng kinh tế

Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển chung của thành phố, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, được sự giúp đỡ của các ngành, nỗ lực của nhân dân, nền kinh tế của huyện đã có những bước phát triển khá toàn diện, trong đó giá trị sản xuất năm sau luôn cao hơn năm trước, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015 ở mức 10,10%. [19]

b. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Đảng và Nhà nước ta xác định là con đường phát triển kinh tế của đất nước.

Theo đó, nền kinh tế huyện cũng phát triển theo hướng tăng dần tỉ lệ ngành Công nghiệp - Xây dựng và Thương mại, dịch vụ, giảm dần tỉ lệ ngành Nông, lâm, thủy sản trong tổng giá trị sản xuất của huyện.

Tuy nhiên, là một huyện ngoại thành, đóng vai trò là vựa lúa cung cấp một phần lương thực và hàng nông sản cho toàn thành phố nên ngành nông nghiệp của huyện vẫn còn chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế.

3.1.2.2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế a. Khu vực kinh tế nông nghiệp

Tại thời điểm 9 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất Nông, Lâm, Thủy sản đạt 830,897 triệu đồng, đạt 81,1% KHH, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt khá, từng bước phát triển theo hướng hàng hóa phục vụ đô thị, ứng dụng công nghệ cao, toàn huyện có hơn 50 mô hình sản xuất đem lại thu nhập cao cho người dân, chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Kinh tế rừng trở thành nguồn thu nhập chính đối với các xã miền núi, hằng năm trồng mới 1.400ha, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt 64% [20].

Tổng diện tích lúa gieo sạ cả năm đạt 4.838,2 ha, năng suất bình quân cả năm đạt 60,5 tạ/ha, sản lượng 29.274,36 tấn. Toàn huyện có 37 ha rau vùng chuyên canh, trong đó chủ yếu ở các vùng rau Túy Loan, Cẩm Nê, Phú Sơn Nam [20].

Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển, công tác phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm triển khai chủ động, kịp thời. Nuôi trồng thủy sản duy trì ổn định diện tích 400 ha, sản lượng ước đạt 1200 tấn.

Về chăn nuôi, huyện luôn tăng cường các biện pháp phòng ngừa và duy trì được số lượng đàn gia súc, gia cầm.

Công tác quản lý và khai thác 3 loại rừng đã được kiện toàn, mang lại kết quả rõ nét trong ngành lâm nghiệp, góp phần lập lại kỷ cương trong công tác khai thác, chế biến lâm sản, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp có nhiều tiến bộ, đã có nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi.

b. Khu vực kinh tế công nghiệp – xây dựng

Giá trị sản xuất CN-XD đạt 2.954,4 tỷ đồng, bằng 86,2% KHH, tăng 17,7% so với cùng kỳ, trong đó: giá trị Công nghiệp -TTCN đạt 1.604 tỷ đồng, đạt 91,1% KHH, tăng 18% so cùng kỳ. Riêng trong nhóm Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp, thành phần công nghiệp dân doanh đóng vai trò chủ đạo, công nghiệp Nhà nước, công nghiệp

có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng rất thấp. Một số sản phẩm công nghiệp lợi thế của huyện là hàng may mặc, sản phẩm từ gỗ, gạch Tuynen, đá xây dựng [20].

Là khu vực ngoại thành có diện tích lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch các khu công nghiệp, khu dân cư mới của thành phố. Hiện trên địa bàn huyện đang triển khai xây dựng cở sở hạ tầng các khu dân cư.

Hòa theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp hiện nay chỉ còn sót lại làng đan lát Yến Nê, làng dệt chiếu Cẩm Nê, bánh tráng Túy Loan, bánh khô mè Quang Châu.

c. Khu vực thương mại - dịch vụ

Giá trị thương mại - dịch vụ đạt 2.515,1 tỷ đồng, bằng 82,5% KHH, tăng 17,5%

so với cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn đạt 2.241 tỷ đồng, giảm 0,9% so với cùng kỳ.

Các điểm du lịch tiếp tục thu hút nhiều khách du lịch như: KDL Bà Nà, KDL sinh thái suối Hoa, Ngầm Đôi, trượt thác Hòa Phú Thành, tắm khoáng nóng Phước Nhơn, DHC Núi Thần Tài tiếp tục khởi sắc, bước đầu kích cầu hoạt động thương mại, lưu thông sản phẩm vùng miền nông thôn với quy mô nhỏ, góp phần mang lại thu nhập cho nhân dân các xã Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Khương.

Hiện nay, huyện Hòa Vang đang triển khai Đề án Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại văn minh giai đoạn 2016- 2020. Phối hợp thực hiện 30 ha bố trí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện trong Khu Công nghiệp Hòa Nhơn, quy hoạch khu tiểu thủ công nghiệp Cẩm Toại Tây, Hòa Phong, tiếp tục đề xuất bố trí vốn đầu tư giai đoạn 3 và xây dựng phương án bố trí sản xuất làng đá chẻ Hòa Sơn [20].

3.1.2.3. Dân số, lao động, việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân a. Dân số

Dân cư trên địa bàn huyện được phân bổ chưa đồng đều giữa các xã, chủ yếu tập tại các xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Phong và các xã gần khu công nghiệp trong khi đó diện tích đất tự nhiên và đất ở của các xã cánh tây bắc của huyện rất rộng nhưng dân số chiếm tỷ lệ thấp, chênh lệnh giữa các xã có quy mô dân số cao nhất so với xã có quy mô dân số thấp nhất đã giảm dần so với các năm trước.

b. Lao động và việc làm

Giải quyết việc làm, đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ chính trị, có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân, trong đó huyện chú trọng thu hút, tạo thêm nhiều việc làm mới, việc làm tại chỗ ổn định cho người lao động trên địa bàn huyện. Trong giai đoạn 2010 – 2015, Huyện đã tập trung

giải quyết việc làm cho 12.607 lượt người lao động, tập trung ở các các khu công nghiệp lớn của thành phố Đà Nẵng tiếp giáp với huyện Hòa Vang như: Khu công nghiệp Liên Chiểu, Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Hòa Cầm, cùng với đó là các cụm công nghiệp nhỏ và vừa ở các xã Hòa Châu, Hòa Phước. Cùng với việc giải quyết việc làm nông thôn thông qua việc đầu tư phát triển các mô hình sản xuất trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương như: mô hình hoa, nấm, cá trê lai, dê, thỏ, bồ câu pháp, gà thả vườn, thanh long ruột đỏ, lúa giống, trồng cỏ nuôi bò đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động trên địa bàn huyện.

Đến thời điểm 9 tháng đầu năm 2017, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 1.670/2100 lao động [20].

c. Thu nhập và mức sống

Trong những năm gần đây, đời sống của người dân trong toàn huyện đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người năm sau luôn cao hơn năm trước.

Đến thời điểm 9 tháng đầu năm 2017, toàn huyện đã giảm 810 hộ nghèo, giảm 220 hộ cận nghèo theo chuẩn mới của thành phố.

3.1.2.4. Thực trạng phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn

Hòa Vang là huyện ngoại thành duy nhất của thành phố Đà Nẵng, có điều kiện thuận lợi để phát triển mọi mặt về đời sống kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Quá trình đô thị hóa đã tạo ra nhiều nét khởi sắc trong sự phát triển kinh tế xã hội của huyện, trong các năm qua nhờ các chính sách vĩ mô và định hướng phát triển không gian đô thị của thành phố, Hòa Vang đã có những bước tiến dài trên con đường đô thị hóa, các cơ sở hạ tầng mới được xây dựng, các khu dân cư dần mọc lên, nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng tạo điểm nhấn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các khu dân cư nông thôn ngày càng được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, các tuyến đường liên thôn, liên xã được mở rộng và bê tông hóa, nhiều nhà cao tầng mọc lên, hiện nay trên địa bàn huyện không có nhà tạm, nhà dột nát; 98,7% nhà ở kiên cố và bán kiên cố, vấn đề về môi trường trong khu dân cư cũng được quan tâm đem lại cho huyện dáng dấp của một đô thị mới.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết. Các khu dân cư nông thôn chủ yếu sống nhờ sản xuất nông lâm nghiệp, việc xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật còn chưa đồng bộ, chưa có sự quản lý chặt chẽ về mặt kiến trúc xây dựng nên tình trạng xây dựng và cơi nới vẫn còn, gây mất mỹ quan đô thị.

3.1.2.5. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng a. Giao thông

Huyện Hoà Vang nằm ở vị trí có nhiều đường giao thông quan trọng đi qua, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá cũng như đi lại của người dân và khách du lịch. Mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Hòa Vang đến nay đảm bảo việc lưu thông thuận tiện từ trung tâm Huyện đến tất cả các xã và ngược lại.

- Đường bộ: Chiều dài đường Quốc lộ [QL]1A, 14B, 14G đi qua địa bàn huyện Hoà Vang là 49 km, tổng chiều dài đường giao thông tỉnh lộ [DT] 601, 602, 605 và đường tránh Nam Hải Vân là 86 km, đường huyện [DH] 54,4 km, đường liên xã 45,09 km, đường liên thôn 250 km và đường giao thông kiệt hẻm 717 km.

Triển khai danh mục công trình đầu tư từ nguồn vốn thực hiện chương trình nông thôn mới 2016, đến nay, huyện Hòa Vang đã hoàn thành 19,6 km đường giao thông nông thôn, 05 km kênh mương nội đồng.

- Đường thủy: Huyện Hòa Vang có tổng số 34,5km đường sông có thể tham gia vận tải được đó là: sông Cu Đê dài 13,5km, sông Yên dài 4,5km, sông Túy Loan dài 9,2km, sông cầu Đỏ dài 5,3km, sông Tứ Câu dài 2,0km.

- Đường sắt: Tổng chiều dài 6,0 km đi qua địa phận huyện Hòa Vang, điểm đầu từ cầu Đỏ (Km 800), điểm cuối (Km 806) kết thúc tại xã Điện Hòa, tỉnh Quảng Nam, có 01 ga đường sắt: Ga Lệ Trạch.

b. Thủy lợi

Trong những năm qua, huyện đã tập trung đầu tư, nâng cấp, sữa chữa hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, con vật nuôi, đảm bảo an toàn hồ, đập trên địa bàn huyện, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh.

Trên địa bàn huyện hiện nay có 18 hồ chứa, 2 hồ lớn là Hòa Trung và Đồng Nghệ, 16 hồ còn lại do các HTX nông nghiệp các xã quản lý.

Hàng năm thành phố, huyện đều quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình để đảm bảo an toàn hồ chứa nước, bảo vệ dân cư sinh sống ở hạ lưu công trình; giữ ổn định nguồn nước để cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan môi trường nông thôn. Ngoài ra, đầu tư xây dựng 6 trạm bơm điện phục vụ sản xuất và chống hạn. Hỗ trợ khoan 99 giếng khơi ở 2 xã Hòa Bắc và Hòa Ninh, hỗ trợ hàng trăm giếng khoan và máy bơm cho các vùng chuyên canh rau, hoa trên địa bàn huyện.

c. Năng lượng

Huyện Hòa Vang nằm trong hệ thống điện của thành phố Đà Nẵng, được cung cấp từ hệ thống đường dây 550KV nguồn điện lưới quốc gia. Hệ thống điện đảm bảo đúng theo yêu cầu của ngành điện. Đến nay, 100% số hộ trên địa bàn huyện dùng điện lưới quốc gia. Đối với điện chiếu sáng: Từ năm 2010 đến nay, bằng nhiều nguồn lực đã đầu tư hơn 50,29km điện chiếu sáng, với tổng số kinh phí là 14,65 tỷ đồng.

d. Chợ nông thôn

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang có 16 chợ được quy hoạch theo Quyết định phê duyệt tổng thể xây dựng nông thôn mới, Huyện có 02 chợ loại I, 03 chợ loại II, 11 chợ loại III. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã triển khai xây mới, mở rộng 07 chợ (Túy Loan, Miếu Bông, Đông Hòa, Quan Nam 3, Hòa Khương, An Ngãi Đông, An Ngãi Tây 2) để phục vụ nhu cầu kinh doanh, buôn bán của tiểu thương và phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn huyện, với tổng kinh phí huy động thực hiện là 21,0 tỷ đồng.

Hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì ổn định, nhất là các chợ Túy Loan, Miếu Bông. Triển khai thi công công trình chợ Lệ Trạch, chợ mới ba xã, đầu tư nâng cấp chợ Hòa Ninh, xây dựng chợ Hòa Bắc. Triển khai phương án xóa 15 chợ cóc, 04 chợ tạm trên địa bàn huyện.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của biến động đất trồng lúa đến sinh kế người dân trên địa bàn huyện hòa vang, thành phố đà nẵng (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)