Giới thiệu các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ tác động của cạnh tranh đến hiệu quả hoạt động kinh doanh tại các ngân hàng TMCP việt nam (Trang 34 - 37)

CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG CẠNH TRANH VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

3.1. Giới thiệu các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam

Tháng 5/1990, yêu cầu về đổi mới hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thúc đẩy việc ra đời hai Pháp lệnh Ngân hàng là Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính.

Hai pháp lệnh này đã chính thức chuyển cơ chế hoạt động của hệ thống Ngân hàng Việt Nam từ 1 cấp sang 2 cấp. Trong đó, cấp 1 là Ngân hàng Nhà nước thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và ngân hàng. Và cấp 2 là các ngân hàng kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu thông tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và dịch vụ ngân hàng trong toàn nền kinh tế quốc dân do các định chế tài chính ngân hàng và phi ngân hàng thực hiện như ngân hàng cổ phần, liên doanh, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài, hợp tác xã tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân và công ty tài chính. Đây là bước ngoặc lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam và cũng là thời điểm đánh dấu sự hình thành của các ngân hàng TMCP Việt Nam.

Trải qua hơn 27 năm hình thành và phát triển, với xu hướng quốc tế hóa kinh tế - tài chính cũng như sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, số lượng các ngân hàng TMCP gia tăng đáng kể, tính đến năm 2017 là 31 ngân hàng. Cùng với sự gia tăng về số lượng, các ngân hàng TMCP ngày càng mở rộng quy mô, các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, phong phú, đồng thời, việc tăng cường chất lượng các dịch vụ cũng được các ngân hàng rất chú trọng. Sự phát triển của các ngân hàng này đã góp phần đa dạng hóa các chủ thể cung cấp dịch vụ ngân hàng, tăng tính cạnh tranh và HQHĐKD của hệ thống NHTM Việt Nam.

3.1.2. Các hoạt động kinh doanh chủ yếu

Các hoạt động kinh doanh của ngân hàng TMCP ngày càng đa dạng cả về chất lượng lẫn số lượng. Các hoạt động kinh doanh chủ yếu bao gồm: huy động vốn, hoạt động tín dụng, dịch vụ thanh toán quốc tế, dịch vụ thẻ.

Huy động vốn được coi là hoạt động cơ bản có tính chất sống còn đối với bất kỳ một NHTM nào, vì hoạt động này tạo ra nguồn vốn chủ yếu của các NHTM. Các ngân hàng TMCP huy động vốn dưới các hình thức sau: Nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân và các tổ chức tín dụng khác dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và các loại tiền gửi khác. Phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và giấy tờ có giá khác để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Vay vốn của các tổ chức tín dụng khác hoạt động tại Việt Nam và của tổ chức tín dụng nước ngoài. Vay vốn ngắn hạn của NHNN và các tổ chức tín dụng khác.

Hoạt động tín dụng: các ngân hàng TMCP được cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân dưới các hình thức cho vay, chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá khác, bảo lãnh, cho thuê tài chính và các hình thức khác theo quy định của NHNN. Trong các hoạt động cấp tín dụng, cho vay là hoạt động quan trọng và chiếm tỷ lệ cao nhất.

Dịch vụ thanh toán quốc tế: dich vụ này bao gồm mở tài khoản, cung ứng các dịch vụ thanh toán quốc tế, thực hiện dịch vụ thu hộ, chi hộ, thực hiện dịch vụ thu và phát tiền mặt, ngân phiếu thanh toán cho khách hàng.

Dịch vụ thẻ: Các ngân hàng TMCP phát hành và thanh toán các loại thẻ ngân hàng thông dụng trên thế giới mang thương hiệu American Express, Visa, MasterCard, JCB, Diners Club, … đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh các hoạt động chủ yếu trên, một số các hoạt động khác của các ngân hàng TMCP cũng rất phát triển và mang lại lợi nhuận cao. Đó là dịch vụ mở và sử dụng tài khoản, các dịch vụ ngân hàng bán buôn, bán lẻ trong và ngoài nước, dịch vụ tư vấn tài chính tiền tệ, dịch vụ thanh toán, ngân quỹ, dịch vụ ngân hàng điện tử internet banking, phone banking, mobile banking, SMS banking; hoạt động ngân hàng đại lý, dịch vụ chiết khấu và tái chiết khấu,… kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ ngân

hàng bán lẻ, hoạt động góp vốn, mua cổ phần, tham gia thị trường tiền tệ, thực hiện các nghiệp vụ mua bán giấy tờ có giá bằng ngoại tệ và Việt Nam đồng, kinh doanh ngoại hối và vàng, nghiệp vụ ủy thác và đại lý, cung ứng dịch vụ bảo hiểm, kinh doanh các nghiệp vụ chứng khoán thông qua công ty trực thuộc, cung ứng dịch vụ tư vấn tài chính.

3.1.3. Kết quả hoạt động kinh doanh

Thời gian qua, các ngân hàng TMCP Việt Nam đã phát triển mạnh hệ thống mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch. Đây là một bước đi khá tốt nhằm chiếm lĩnh thị phần. Nguyên nhân là do qui mô vốn của các ngân hàng TMCP Việt Nam tăng lên. Mạng lưới từ hàng trăm đến hàng nghìn chi nhánh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và phòng giao dịch. Tuy nhiên, việc mở rộng mạng lưới chi nhánh chỉ tập trung mạnh ở các ngân hàng TMCP có qui mô khá, còn các ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ thì số chi nhánh lại còn rất ít. Như vậy, khả năng cạnh tranh của các ngân hàng này sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Trong giai đoạn trước năm 2004, nhóm các NHTM Nhà nước luôn được xem là có vị thế thống lĩnh với thị phần cho vay và huy động vốn trung bình luôn trên 78%. Đến năm 2008, đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhóm các ngân hàng TMCP, và đặc biệt là việc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam thực hiện thành công kế hoạch cổ phần hóa thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, từ thị phần cho vay chỉ chiếm khoảng 6- 11% tổng thị phần của tất cả các ngân hàng, và 7-11% ở thị phần huy động vốn giai đoạn trước năm 2004, các ngân hàng TMCP đã vươn lên đạt mức 32% ở thị phần cho vay và 29% thị phần huy động vốn vào năm 2008. Đây là thời kỳ mà các ngân hàng TMCP có những tăng trưởng mạnh mẽ về mạng lưới, qui mô vốn, quy mô tổng tài sản, tăng cường các hình thức huy động vốn, đa dạng hoá sản phẩm và tạo tiện ích thu hút khách hàng với làn sóng cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các ngân hàng trong nước với nhau. Đến cuối 2016, thị phần huy động của khối ngân hàng TMCP đã tăng đến 42,9%, thị phần cho vay ở mức khoảng 40,1%.

Trên lĩnh vực ngoại hối với cơ chế chính sách ngày càng thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các ngân hàng TMCP đã có những điều chỉnh, thay đổi linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế như: thay đổi trong hoạt động xác nhận vay trả nợ, chuyển tiền cá nhân, kinh doanh mua bán ngoại tệ, ... tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong và ngoài nước.

Quy mô vốn điều lệ, quy mô tổng tài sản nhóm các ngân hàng TMCP Việt Nam đã gia tăng đáng kể, tuy nhiên lại có sự chênh lệch nhau khá lớn. Đến cuối năm 2017, tổng tài sản của 3 ngân hàng TMCP lớn là: VCB, CTG, BID đều trên 1.000.000 tỷ đồng, trong khi các ngân hàng TMCP khác thấp hơn rất nhiều, chỉ từ 100.000- 300.000 tỷ đồng. Việc tăng trưởng tổng tài sản chưa dựa trên nền tảng của tăng trưởng vốn điều lệ.

Đồng thời, ngoại trừ một số thương hiệu lớn có chi nhánh ở nước ngoài thuộc về các ngân hàng TMCP thuộc các vị trí dẫn đầu như VCB, CTG, BID thì đa số các ngân hàng TMCP khác tại Việt Nam chỉ có danh tiếng trong nước như SCB, ACB, EAB, … Nguyên nhân của việc thương hiệu của các ngân hàng TMCP Việt Nam chỉ hạn hẹp trong phạm vi nội địa là do thời gian hình thành và phát triển của các ngân hàng TMCP Việt Nam còn quá ngắn, hơn nữa với những hạn hẹp về năng lực tài chính nên các ngân hàng TMCP Việt Nam không thể vươn mình ra nước ngoài. Vì vậy nhiệm vụ không kém phần quan trọng của các ngân hàng TMCP Việt Nam trong thời gian đến là phải xây dựng một thương hiệu vững mạnh không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra thế giới.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ tác động của cạnh tranh đến hiệu quả hoạt động kinh doanh tại các ngân hàng TMCP việt nam (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)