CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. TÌNH HÌNH CƠ BẢN KHU VỰC NGHIÊN CỨU
3.1.3. Đặc điểm Văn hóa
Dân cư sống tập trung ở 80 thôn, tổ dân phố thuộc các xã, thị trấn, toàn huyện có 20 thành phần dân tộc anh em sinh sống hoà thuận cụ thể: Dân tộc Kinh chiếm 49,03%, Cadong 35,91%, Cor 11,25%, Mơ nông 1,84%, Xê đăng 0,29% và dân tộc thiểu số khác chiếm 1,68% trong tổng số dân cư của huyện. Trong đó, các dân tộc:
Cadong, Cor, Mơ nông, Xê đăng là người bản địa. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở 10 xã: Trà Ka, Trà Giáp, Trà Giác, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Nú, Trà Kót, Trà Giang, Trà Sơn và Trà Tân. Đồng bào Cor sống tập trung 02 xã Trà Nú, Trà Kót và một ít ở Trà Giáp, Trà Ka; đồng bào Mơ Nông sống tập trung ở thôn 4 và thôn 5 Trà Bui; đồng bào Cadong cư trú ở các xã và thị trấn Trà My. Sau 1975 đến nay, một số ít người dân tộc thiểu số như: dân tộc Tày, Nùng, Thái...ở các tỉnh phía Bắc đến định cư, làm ăn sinh sống trên địa bàn huyện chủ yếu ở thôn 5 và thôn 6 xã Trà Giang.
- Những nét Văn hóa độc đáo của các Dân tộc huyện:
+ Người Kinh:
Do có nhiều người dân từ các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh đến sinh sống lập nghiệp, vì vậy nhiều nét văn hóa có sự khác biệt, nhưng cũng chủ yếu dựa trên những nét văn hóa của Người Việt.
Hôn nhân: Ngày xưa, Người Kinh rất coi trọng tình yêu chung thủy, thường là
"cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", ngày nay nam nữ tự tìm hiểu để đi đến hôn nhân tự nguyện, có sự chấp thuận của hai bên gia đình và trên cơ sở có đăng ký giấy kết hôn được xem là có sự đồng ý của chính quyền địa phương. Nghi lễ cưới xin truyền thống của người Việt phải trải qua mấy bước cơ bản như sau:
Dạm ngõ: Nhờ một người làm mối đến nhà gái ướm hỏi trước.
Hỏi: Nhà trai sắp lễ vật sang thưa chuyện chính thức với gia đình và họ hàng nhà gái.
Cưới: Tổ chức lễ trình tổ tiên, ra mắt họ hàng làng xóm, tổ chức rước dâu về nhà trai.
Lại mặt: Cô dâu, chú rể về thăm lại nhà bố mẹ đẻ (nhà gái).
Qua các bước này và dĩ nhiên trước đó phải qua đăng ký kết hôn thì đôi trai gái chính thức trở thành cặp vợ chồng mới.
Ma chay: Việc tổ chức tang ma của người Việt rất trang nghiêm, chu tất và thường được thực hiện qua các bước sau: liệm, nhập quan, hạ huyệt, cúng cơm, cúng tuần "tứ cửu", cúng "bách mật", để tang, giỗ đầu...và cứ mỗi độ Thanh minh, mỗi kỳ giỗ tết, các gia đình lại đi đắp lại mộ và dọn dẹp vệ sinh, tổ chức cúng lễ.
Thờ cúng: Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng quan trọng nhất của người Việt. Bàn thờ được đặt ở nơi quan trọng nhất trong nhà: được cúng lễ vào các ngày giỗ, tết và các dịp tuần tiết trong năm. Tục thờ thổ công, ông địa phổ biến ở các nơi.
Lễ tết: Lễ tết Nguyên Đán là cái tết lớn nhất trong một năm. Ngoài ra còn có nhiều lễ tết truyền thống khác trong một năm: Rằm tháng giêng, tết Đoan Ngọ, rằm tháng bảy, tết Trung thu...mỗi tết có một ý nghĩa riêng và lễ thức tiến hành cũng khác nhau.
- Người Xơ đăng:
Hôn nhân: Phong tục cưới xin của người Xơ đăng phổ biến là cư trú luân chuyển mỗi bên mấy năm, thường khi cha mẹ qua đời mới ở hẳn một chỗ. Đám cưới có lễ thức là cô dâu chú rễ đưa đùi gà cho nhau ăn, đưa rượu cho nhau uống, cùng ăn một mâm cơm...để tượng trưng sự kết gắn hai người. Không có tính chất mua bán trong hôn nhân.
Ma chay: Cả làng chia buồn với tang chủ và giúp việc đám ma. Quan tài gỗ đẽo độc mộc. Những người chết bình thường được chôn trong bãi mộ chung của làng. Lệ tục cụ thể không hoàn toàn thống nhất giữa các nhóm. Tục "chia của" cho người chết (đồ mặc, tư trang, công cụ, đồ gia dụng...) phổ biến.
Thờ cúng: Người Xơ Ðăng tin vào sức mạnh siêu nhiên, các "thần" hay "ma"
được gọi là Kiak (Kia) hoặc "Ông", "Bà", chỉ một số nơi gọi là "Yàng". Các thần quan trọng như thần sấm sét, thần mặt trời, thần núi, thần lúa, thần nước... Thần nước hiện thân là thuồng luồng, hoặc con "lươn" khổng lồ, hoặc con lợn mũi trắng. Thần lúa có dạng bà già xấu xí, tốt bụng, thường biến thành cóc. Trong đời sống và canh tác rẫy có rất nhiều lễ thức cúng bái đối với các lực lượng siêu nhiên, tập trung vào mục đích cầu mùa, cầu an, tránh sự rủi ro cho cộng đồng và cá nhân
Văn nghệ: Người Xơ Ðăng có nhiều loại nhạc cụ (đàn, nhị, sáo dọc, trống, chiêng...). Có loại dùng giải trí thông thường, có loại dùng trong lễ hội. Các loại nhạc cụ cụ thể và điệu tấu nhạc có sự khác nhau ít nhiều giữa các nhóm. Những điệu hát phổ biến là: hát đối đáp của trai gái, hát của người lớn tuổi, hát ru. Trong một số dịp lễ hội, đồng bào trình diễn múa: có điệu múa riêng cho nam, riêng cho nữ, cũng có điệu múa cả nam, nữ cùng tham gia. Truyện cổ Xơ Ðăng phong phú và đặc sắc.
Lễ tết: Quan trọng nhất là lễ cúng thần nước vào dịp sửa máng nước hàng năm, các lễ cúng vào dịp mở đầu năm làm ăn mới, mở đầu vụ trỉa lúa, khi lúa đến kỳ con gái, khi thu hoạch, các lễ cúng khi ốm đau, dựng nhà rông, làm nhà mới, khi con cái trưởng thành... Nhiều dịp sinh hoạt tôn giáo đồng thời có tính chất hội hè của cộng đồng làng, tiêu biểu là lễ trước ngày trỉa, lễ cúng thần nước, lễ đâm trâu của làng cũng như gia đình. Tết dân tộc tổ chức trước sau tuỳ làng, nhưng thường trong tháng Giêng (dương lịch), kéo dài 3-4 ngày.
- Người M’nông:
Hôn nhân: Việc cưới xin của người M'nông rất đơn giản chỉ có lễ hỏi. Hai người yêu thương nhau sẽ tự mình về trình với gia đình hai bên. Khi đã được sự nhất trí của 2 bên gia đình thì nhà trai sẽ mang trầu, cau qua nhà gái, đoàn lễ rước có cha mẹ, cô chú, anh chị em... qua đến nhà gái cô dâu, chú rễ sẽ dâng trầu cau lên cho cha mẹ hai bên. Sau đó,cô dâu sẽ về nhà chú rễ sinh sống và làm ăn suốt đời.
Ma chay: Người sống sau khi qua đời sẽ được chôn trong rừng ma. Sau khi được chôn cất người mất sẽ được người thân trong gia đình cúng 3 lần, mỗi lần cúng là mỗi lần cầu cho linh hồn người mất không quay về quấy rối nữa. Người chết điều được chia tài sản để đem về thế giới bên kia.
Văn nghệ: Nhạc cụ của người M'nông có trống, chiêng lớn nhỏ khác nhau, Đàn
"K tóc", Ống thổi "K lách". Điệu hát đối đáp và hát "Ca cheo" là làn điệu dân ca mà người M'nông thường hát trong lễ hội, trong lao động sản xuất hay trong tình yêu.
Lễ tết: Lễ hội đâm trâu là lễ hội cổ truyền được coi trọng nhất, được diễn ra tháng 2 đến tháng 3 dương lịch, lễ hội cầu xin sự giàu có và sức khỏe. Hằng năm, cứ đến tháng 9 dương lịch khi chuẩn bị đi xúc lúa, người dân trong làng sẽ tổ chức lễ cúng máng nước và già làng sẽ la người cúng và bắt máng nước đầu tiên. vào tháng 10 tháng 11, khi lúa trên nương đã chín thì làng tưng bừng tổ chức lễ ăn mừng lúa mới để tạ ơn trời đất, thần lúa và cầu cho năm sau làm ăn tốt hơn và tránh khỏi bệnh tật.
- Người Cor:
Hôn nhân: Hình thức hôn nhân cư trú bên nhà chồng là chủ yếu, phong tục cho phép nếu vợ chết có thể lấy tiếp em hoặc chị vợ, nhưng góa chồng không thể lấy em chồng; nếu 2 anh em trai lấy 2 chị em gái thì phải anh lấy chị, em lấy em; nếu con gái nhà này làm dâu nhà kia thì 2-3 đời sau nhà kia mới gả con gái cho nhà này. Con có chung cha mẹ đều không được lấy nhau, song nếu là chị em gái hay một gái một bên trai thì cháu hoặc chắt của họ có thể lấy nhau, nhưng phải trên 3 đời đối với ngoại và 5 đời đối với nội.
Ma chay: Quan tài gỗ, đẽo theo kiểu độc mộc. Người chết được chôn trong bãi mộ của làng, đặt không xa chỗ ở. Tang gia "chia của" cho người mới chết, đưa ra mộ không chỉ vật dụng và tư trang của người ấy, mà cả chiêng, ché...
Thờ cúng: Những đỉnh núi cao được người Cor gọi là núi Ông núi Bà hoặc tên địa danh ở đó và họ cho rằng có "thần linh" trú ngụ ở đó. Hệ thống "ma", "thần" rất đông: ma quế, ma người chết, thần bếp, thần rừng, thần suối...Bởi vậy, người Cor có rất nhiều kiêng cữ và cúng quẩy gắn với sản xuất và đời sống.
Lễ tết: Người Cor có nhiều lễ tết, tết lớn nhất là lễ hội đâm trâu tế thần diễn ra vào tháng 3, tháng 4 âm lịch, lễ hội này được cho là có vai trò quan trọng trong các chuỗi hoạt động, có ý nghĩa đặc biệt về tâm linh đối với người Cor. Tết mùa thường
được tổ chức trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch năm, Tết gắn với sự kết thúc một mùa lúa rẫy là dịp sinh hoạt nhộn nhịp. Trong hai dịp đó, các món ăn, nghệ thuật và các trang phục dân tộc truyền thống được thể hiện tập trung, khơi đạy văn hóa truyền thống.
Văn nghệ: Người Cor thích múa hát, thích chơi chiêng, cồng, trống. Người cor dùng bộ chiêng 3 chiếc là phổ biến, ngoài ra còn có các nhạc cụ như: trống, a máp, Ka đlóc, Vơro, Talía, Phauteng (Đàn đá)... Các điệu dân ca phổ biến của người Cor là Xru, Klu và Agiới. Múa chỉ xuất hiện trong lễ hội đâm trâu. Nghệ thuật trang trí tập trung nhất ở cây "nêu" trong lễ hội đâm trâu.
Các truyện cổ của người Cor truyền miệng từ đời này sang đời khác luôn làm say lòng cả người kể và người nghe. Vốn truyện cổ khá phong phú, có huyền thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn...
- Người Cadong:
Cưới xin: Cưới xin của người Cadong nói chung là đơn giản. Người con gái đến tuổi mười tám, đôi mươi thì bắt đầu lo việc tìm hiểu, kiếm cho mình một người chồng.
Sau khi đã tìm được ý trung nhân, cô gái báo cho người con trai về nói với bố mẹ tìm người mối, người này chọn trong số bạn bè đàn ông hay anh em họ hàng am hiểu phong tục tập quán.
Trong lễ dặm hỏi, lễ vật mang theo chỉ có trầu cau và một con gà cúng trình ở nhà gái. Ít ngày sau khi đã được phép nhà gái, nhà trai tổ chức lễ ăn hỏi. Đoàn nhà trai gồm có ông mối, cha mẹ, anh em, chú bác và chàng rể mang theo rượu, trầu, cau, chè, thịt khô và cá sang nhà gái, nhà trai tổ chức lễ ăn hỏi. Sau khi thăm hỏi và trình tổ tiên nhà gái xong, hai bên tổ chức cho đôi trai gái trao trầu cau, thề nguyền không bỏ nhau, ăn uống xong, cô dâu theo đoàn nhà trai về thăm gia đình chồng và ở lại đó một hai ngày đi làm nương. Khi cô dâu trở về lại nhà mình, rể về theo và ở đó từ 3 đến 6 ngày rồi về. Sau hai tháng đến một năm đi lại như vậy mới làm lễ cưới.
Lễ cưới chỉ được tổ chức vào nửa đầu tháng, tốt nhất là vào ngày rằm. Đoàn đi đón dâu thường đông người gồm có bố mẹ, họ hàng, bạn bè và chàng rể, đoàn đi đón dâu nếu trên đường đi gặp điềm xấu thì phải quay trở lại tìm ngày khác hoặc phải làm lễ giải điềm. Lễ vật mang theo phải có hai con heo (một con đực, một con cái), hai con gà (một con trống, một con mái), một bó trầu, một buồng cau, hai đốc rượu và một trăm cái bánh "ben-ca-giô", "ben-chai". Ở nhà gái sau khi làm xong các thủ tục dâng lễ vật trình tổ tiên...tối đến tổ chức ăn uống. Trong dịp này lại tổ chức một lần nữa lễ ăn thề không bỏ nhau của vợ chồng. Hai vợ chồng trao nhau 9 miếng trầu, 9 miếng cau, ý chúc nhau sức khỏe và sum họp mãi mãi. Tiếp đó, nam trao cho nữ cườm và ngược lại, nữ trao cho nam vòng đồng với ý công nhận nhau là vợ chồng. Vợ chồng còn vắt cơm nắm bôi lên đầu nhau, ý muốn hồn hai người hòa nhập vào nhau và bôi máu gà lên trán, ý xua đuổi hồn dữ khỏi thể xác.
Đêm hôm đó, toàn nhà trai nghỉ lại. Hôm sau làm lễ đưa dâu, đến nhà trai, rể lên trước, dâu theo sau cùng họ hàng. Nghi lễ diễn lại như ở nhà gái.
Ma chay: Người Cadong bằng lòng với cái chết về già. Người chết được đặt nằm, chân hướng ra phía cửa ra vào nhà, Quan tài được làm bằng gỗ, đẽo bằng rìu và để ở ngoài rừng. Nếu chồng chết thì vợ phải bó xác chồng và ngược lại. Khi hạ huyệt, lấp đất xong, trên mặt lại phủ một lớp đá rồi đắp đất lên cao. Chiêng ché chia cho người chết được đập thủng và đặt lên mặt đất. Tiếp sau, mộ được đánh dấu bằng hai hòn đá kê ở hai đầu; một chiếc nhà sàn nhỏ bằng lá chuối được lợp lên trên mộ và tất cả được rào lại chỉ để một cửa ra vào. Người Cadong không có tục giữ mả, cũng không có tục cúng ma thường kỳ trừ ngày giỗ đầu.
Văn nghệ: Hát "CaGiới" là kiểu hát đối đáp trong lao động sản xuất, tình yêu...hát "Cacheo" thường được mọi người hát trong lễ hội đâm trâu. Bên cạnh các điệu dân ca thì các loại nhạc cụ cũng đóng vai trò làm phong phú thêm văn hóa của người Cadong như cây "lách"; đàn "Kchóp" làm từ tre, nứa, dây đàn được làm bằng dây "pã" ; "Sáo" được làm từ cây nứa.
Lễ tết: Người Cadong có nhiều lễ tết. Trong một năm thường thì lễ hội đâm trâu sẽ diễn ra trước vào độ tháng 2, tháng 3 dương lịch để tạ ơn trời, tạ ơn thần linh và cầu xin thần linh ban cho gia đình mình bước qua một năm mới làm ăn khá giả, con cháu mạnh khỏe, được sống lâu. Lễ cúng máng nước thường được tổ chức vào ngày đầu năm mới sau khi đã kết thúc lễ hội đâm trâu, tết máng nước là một trong những phong tục giúp cho dân làng sống đoàn kết, hòa thuận, luôn hướng đến những việc tốt đẹp.
Sau đó sẽ là lễ ăn mừng lúa mới được diễn ra vào tháng 11 tháng 12 dương lịch khi những đám lúa trên rẫy đã chín vàng, lễ ăn mừng lúa mới của đồng bào đã thể hiện được một phần nào đó sự tôn kính của mình đối với thần lúa.
+ Đánh giá chung về giá trị văn hóa bản địa
Với đa thành phần dân tộc như trên đã tạo nên bức tranh văn hóa sống động, đa sắc màu góp phần làm giàu bản sắc văn hóa trên địa bàn huyện. Biểu trưng truyền thống quí báu của các đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My thể hiện ở tinh thần đoàn kết lâu đời trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tô quôc, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, luôn bám đất, giữ rừng cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước trong tình hình mới hiện nay.