NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH SỐ ĐỐT/HOM KHI NHÂN GIÓNG BẰNG HOM THÂN CÓ XỬ LÝ CHẾ PHẨM SINH HỌC PSEUDOMONAS

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của chế phẩm sinh học pseudomonas đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu tại gia lai (Trang 46 - 54)

Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH SỐ ĐỐT/HOM KHI NHÂN GIÓNG BẰNG HOM THÂN CÓ XỬ LÝ CHẾ PHẨM SINH HỌC PSEUDOMONAS

3.1.1. Tỷ lệ bật mầm

Quá trình sinh trưởng hay sự sống của cây trồng nói chung và cây hồ tiêu nói riêng bao giờ cũng được thể hiện đầu tiên là sự nảy mầm. Đây là quá trình biến đổi sinh lý, sinh hóa của các chất dự trữ trong hom giống để hom bật mầm mới và cây tiêu lúc này bắt đầu bước sang một thời kỳ sinh trưởng mới. Từ chỗ cây chỉ có khả năng huy động dinh dưỡng trong hom, đến khi cây bật mầm, rồi hình thành lá sẽ diễn ra quá trình quang hợp để tổng hợp dinh dưỡng từ bên ngoài vào nuôi cây.

Tỷ lệ nảy mầm thể hiện sự đồng đều trên đồng ruộng và đảm bảo lượng giống đưa ra vườn sản xuất sau khi kết thúc giai đoạn vườn ươm.

Tỷ lệ bật mầm của hồ tiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

- Chất lượng hom giống: Hom giống đồng đều, mập, được lấy từ cành bánh tẻ sẽ còn nhiều dinh dưỡng để nuôi hom nên dễ có khả năng đạt tỷ lệ nảy mầm cao hơn cành già và đồng thời cành bánh tẻ có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất lợi tốt hơn cành non.

- Điều kiện ngoại cảnh: Hồ tiêu ưa ánh sáng tán xạ nên việc che bóng cho vườn ươm sẽ tốt cho cây, tưới nước thường xuyên để đảm bảo đủ ẩm cho cây.

- Tác động của yếu tố vi sinh vật từ chế phẩm: Tỷ lệ bật mầm của hom giống là chỉ tiêu phản ánh khả năng kích thích sinh trưởng của chế phẩm sinh học sử dụng.

Nếu tỷ lệ nảy mầm cao chứng tỏ các yếu tố tác động lên quá trình nảy mầm của hom giống đã tương đối thuận lợi, đảm bảo tốt lượng giống đưa ra vườn sản xuất.

Nhưng ngược lại, tỷ lệ nảy mầm thấp sẽ gây nên sự khuyết mật độ, không đồng đều trên vườn ươm và ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của tiêu sau này.

Đối với hồ tiêu giâm hom, mầm được mọc ra từ các mắt hom. Một hom giống được gọi là nảy mầm kể từ khi tại nách của mắt hom có mầm non nhú ra khỏi vỏ.

40

Bảng 3.1. Tỷ lệ bật mầm sau giâm trên các công thức thí nghiệm

Đơn vị tính: % Công thức

(đốt/hom thân)

Tỷ lệ bật mầm ngày sau giâm (%)

30 45 60 75 90

5 đốt vùi 3 16,67ab 60,00a 76,67a 83,33a 93,33a 4 đốt vùi 3 6,67ab 53,33a 63,33a 73,33a 90,00a 4 đốt vùi 2 3,33b 43,33a 53,33a 66,67a 86,67a 3 đốt vùi 2 26,60a 36,67a 53,33a 66,67a 90,00a

Ghi chú: Các chữ cái khác nhau trong một cột biểu thị sự sai khác có ý nghĩa ở mức p < 0,05.

Sau khi giâm 30 ngày, hom tiêu bắt đầu bật mầm, tỷ lệ bật mầm biến động từ 3,33 - 26,60 %. Công thức 3 đốt vùi 2 bật mầm khá sớm (26,60 %) có sự sai khác có ý nghĩa với công thức 4 đốt vùi 2 và không sai khác với các công thức còn lại.

Tuy nhiên, sau giâm 45 - 90 ngày tỷ lệ bật mầm của hom 3 đốt, 4 đốt và 5 đốt không có sự sai khác có ý nghĩa. Sau khi giâm 90 ngày, tỷ lệ bật mầm của hom tiêu đạt khá cao khi có xử lý chế phẩm Pseudomonas (86,67 - 93,33 %). Hom thân 5 đốt vùi 3 có tỷ lệ bật mầm cao nhất (93,33 %).

3.1.2. Động thái ra lá

Cũng như nhiều loài thực vật khác, cây hồ tiêu thuộc loại sinh vật tự dưỡng, chúng có khả năng quang hợp, tổng hợp các chất hữu cơ cho cây thông qua diệp lục lá và dưới sự góp mặt của ánh sáng mặt trời, CO2 và nước.

Sau quá trình nảy mầm là sự dài ra của chồi và bắt đầu hình thành lá thật. Từ đây, cây hoàn toàn sử dụng dinh dưỡng tổng hợp từ bên ngoài vào. Cây ra lá càng sớm thì sức sinh trưởng càng mạnh, phát triển càng tốt. Đồng thời, số lá/cây nhiều thì cường độ và hiệu suất quang hợp cao, khả năng tích lũy vật chất cho cây lớn nên năng suất cao. Ngược lại, nếu lá phát triển kém hoặc hư hại thì sẽ làm giảm quá trình quang hợp gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của cây. Vì vậy, chuẩn bị đất tốt, phân bón và chăm sóc cây trồng đảm bảo nhiệt độ, ẩm độ thích hợp để thúc đẩy quá trình ra lá sớm, nhiều lá là những biện pháp kỹ thuật cần thiết đối với hồ tiêu giâm hom.

41

Trên bề mặt lá còn có các lỗ khí khổng giúp cây hút nước và thoát hơi nước để điều hòa thân nhiệt cho cây và xúc tiến các quá trình sinh lí, sinh hóa xảy ra trong cơ thể. Như vậy cây có thể làm giảm sức nóng, chịu được nhiệt độ cao trong mùa Hè và tăng nhiệt độ để chống rét trong mùa Đông.

Trong trường hợp do yếu tố bất thuận nào đó có thể là điều kiện khí hậu, cây bị tổn thương hoặc vào giai đoạn cảm nhiễm dẫn đến sâu, bệnh hại xâm nhập vào cây trồng thì lá là bộ phận dễ bị tổn thương nhất. Do đó, bên cạnh các biện pháp canh tác cũng cần chú ý đến công tác phòng trừ sâu bệnh, kích thích sinh trưởng cho cây nhờ tác nhân vi sinh vật.

Bảng 3.2. Động thái ra lá trên từng công thức thí nghiệm

Đơn vị: lá

Công thức (đốt/hom thân)

Số lá/hom ngày sau giâm (lá)

45 60 75 90

5 đốt vùi 3 1,20a 6,40a 11,67a 16,40a 4 đốt vùi 3 1,07a 5,47a 9,87a 13,93ab 4 đốt vùi 2 0,60a 3,33a 6,33a 10,40b 3 đốt vùi 2 0,60a 4,53a 9,53a 13,47ab

Ghi chú: Các chữ cái khác nhau trong một cột biểu thị sự sai khác có ý nghĩa ở mức p < 0,05.

Thời điểm 45 - 75 ngày sau giâm, số lá/hom giữa các công thức không có sự sai khác có ý nghĩa. Tuy nhiên, sau 90 ngày giâm số lá/hom giữa các công thức có sự sai khác có ý nghĩa, chia thành 2 nhóm sai khác. Hai công thức vùi 3 đốt và công thức 3 đốt vùi 2 có số lá/hom không có sự sai khác nhau. Số lá/hom ở công thức 5 đốt vùi 3 (16,40 lá) cao hơn hẳn có ý nghĩa với công thức có số lá/hom thấp nhất là 4 đốt vùi 2 (10,40 lá). Như vậy, các công thức loại hom vùi 3 đốt có động thái ra lá tốt hơn so với các công thức vùi 2 đốt.

42

3.1.3. Động thái tăng trưởng chiều cao hom tiêu

Cùng với sự bật mầm, ra lá của hom lá sự hình thành đốt thân và làm tăng chiều cao cây. Khi lá hình thành, đầu tiên cuống lá bao toàn bộ phần thân phía ngọn sau đó cuống lá thu hẹp dần và phía trên lá hình thành một đốt mới. Điều này, có nghĩa cây bật mầm và ra lá sớm sẽ góp phần tăng chiều cao cây nhanh.

Số lá/cây tăng tỷ lệ thuận với thời gian sinh trưởng và tốc độ sinh trưởng của cây, theo đó số lượng đốt thân tăng. Đồng thời, chiều dài đốt cũng tỷ lệ thuận với quá trình sinh trưởng nên đây cũng là yếu tố góp phần tăng chiều cao cây.

Tốc độ, động thái tăng trưởng chiều cao cây là chỉ tiêu phản ánh khả năng hấp thu, sử dụng chất dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây. Cây hấp thu dinh dưỡng càng nhiều, tận dụng dinh dưỡng cho các hoạt động sống càng tốt thì khả năng tăng trưởng chiều cao càng mạnh.

Do đó, thúc đẩy quá trình bật mầm, ra lá sớm và tăng cường dinh dưỡng tốt cho cây là động lực giúp tăng chiều cao cây có hiệu quả.

Bảng 3.3. Động thái tăng trưởng chiều cao thân chính Đơn vị: cm

Công thức (đốt/hom)

Chiều cao thân chính ngày sau giâm (cm)

45 60 75 90

5 đốt vùi 3 6,75a 17,93a 27,37a 41,20a 4 đốt vùi 3 4,07bc 12,57a 21,00a 30,60ab 4 đốt vùi 2 2,52c 11,47a 24,23a 29,53ab 3 đốt vùi 2 5,90ab 12,20a 18,80a 24,53b

Ghi chú: Các chữ cái khác nhau trong một cột biểu thị sự sai khác có ý nghĩa ở mức p < 0,05.

Sau giâm 45 ngày, chiều cao cây dao động từ 2,52 - 6,75 cm. Trong đó, công thức 5 đốt vùi 3 có chiều cao cây cao nhất, không sai khác có ý nghĩa so với công thức 3 đốt vùi 2 nhưng có sai khác có ý nghĩa với các công thức còn lại.

Sau giâm 60 - 75 ngày, chiều cao cây giữa các công thức không có sự sai khác có ý nghĩa. Tuy nhiên, chiều cao cây công thức 4 đốt vùi 2 tăng nhanh nhất (12,76 cm) gần 2 lần so với công thức 3 đốt vùi 2.

43

Sau giâm 90 ngày, chiều cao thân chính ở công thức 5 đốt vùi 3 (41,20 cm) cao hơn hẳn có ý nghĩa so với công thức 3 đốt vùi 2 nhưng không có sự sai khác có ý nghĩa với các công thức loại hom 4 đốt. Như vậy, so sánh chiều cao thân chính của các loại hom giâm khác nhau cho thấy các loại hom 4 đốt và 5 đốt có khuynh hướng tốt hơn loại hom 3 đốt.

Bảng 3.4. Số mầm và chiều dài trung bình của mầm hom tiêu sau giâm 120 ngày Công thức

(đốt/hom)

Số mầm (mầm/hom)

Chiều dài trung bình của mầm (cm)

5 đốt vùi 3 3,00a 66,28a

4 đốt vùi 3 1,33ab 77,67 a

4 đốt vùi 2 1,33ab 77,83a

3 đốt vùi 2 1,00b 101,33a

Ghi chú: Các chữ cái khác nhau trong một cột biểu thị sự sai khác có ý nghĩa ở mức p < 0,05.

Sau 120 ngày giâm, số mầm/hom của công thức 5 đốt vùi 3 (3,00 mầm) cao hơn so với ba công thức còn lại, có sự sai khác ý nghĩa với công thức 3 đốt vùi 2 nhưng không sai khác với các công thức loại hom 4 đốt. Các hom tiêu 3 đốt chỉ có 1 mầm, chiều dài trung bình mầm rất tốt (101,33 cm) nhưng không có sự sai khác có ý nghĩa so với các công thức còn lại. Như vậy, hom 5 đốt và 4 đốt có nhiều mầm nhưng chiều dài mầm vẫn tốt.

3.1.4. Khả năng ra rễ của hom tiêu và tỷ lệ hom chết

Hệ thống rễ dưới mặt đất phát triển từ đốt của hom tiêu và từ vết cắt tận cùng để hình thành nên bộ rễ cây tiêu. Vai trò của hệ thống rễ đối với quá trình sinh trưởng phát triển của cây rất lớn, chúng hút nước và chất dinh dưỡng trong đất để nuôi cây.

Ngoài ra, cây tiêu còn có các rễ bám mọc ra từ các đốt trên thân ở trên không, làm nhiệm vụ chính là giúp cây tiêu bám vào choái, vách tường... để vươn cao. Tuy nhiên, ở giai đoạn vườn ươm rễ bám của tiêu là hầu như chưa có và vai trò của chúng là chưa cần thiết nên chúng tôi chỉ theo dõi sự phát triển của hệ thống rễ dưới mặt đất.

Số lượng rễ dưới mặt đất càng nhiều, phát triển càng mạnh thì khả năng hút nước, dinh dưỡng nuôi cây càng tốt đảm bảo cho quá trình sinh trưởng của cây được thuận lợi hơn. Nếu vì điều kiện bất thuận như: Úng nước, sâu bệnh xâm nhập... làm cho bộ rễ bị tổn thương thì tiến trình hút nước và dinh dưỡng nuôi cây bị đình trệ dẫn đến làm chậm quá trình sinh trưởng của cây.

Như vậy, sự phát triển của bộ rễ có quan hệ chặt chẽ với sự sinh trưởng của cây trong quá trình chăm sóc cần có chế độ tưới nước hợp lý để ra rễ nhiều và mạnh.

44

Chúng tôi cũng đã tiến hành theo dõi sự ra rễ, thu được kết quả ở bảng 3.5:

Bảng 3.5. Ảnh hưởng của chế phẩm đến sự ra rễ của hom tiêu sau giâm 90 ngày

Công thức (đốt/hom)

Số rễ/hom (rễ)

Rễ dài nhất (mm)

Chiều dài rễ trung bình

5 đốt vùi 3 51,33a 314,33a 285,67a

4 đốt vùi 3 42,67b 231,00bc 214,33b

4 đốt vùi 2 42,33b 243,00b 218,00b

3 đốt vùi 2 31,33c 197,00c 186,00c

Ghi chú: Các chữ cái khác nhau trong một cột biểu thị sự sai khác có ý nghĩa ở mức p < 0,05.

Công thức 5 đốt vùi 3 có số rễ/hom cao nhất, rễ dài nhất và chiều dài rễ trung bình dài nhất. Các công thức 4 đốt vùi 3 và 4 đốt vùi 2 có số rễ/hom không sai khác nhau và công thức 3 đốt vùi 2 thấp nhất (31,33 rễ). Như vậy, có thể nhận định số đốt/hom tiêu có ảnh hưởng đến sự ra rễ và chất lượng bộ rễ tiêu. Hom 5 đốt có bộ rễ tốt hơn các loại hom ngắn ít đốt. Điều này có thể là do các hom thân ở các đốt đều có rễ nhú ra nên sau khi giâm bộ rễ ở các hom có đốt nhiều hơn sẽ phát triển tốt hơn so với hom ít đốt.

Về tỷ lệ hom chết: Tỷ lệ hom chết cũng chịu sự ảnh hưởng của chế phẩm sinh học, chế phẩm đã có tác dụng làm giảm tỷ lệ hom chết. Tỷ lệ hom chết của hom tiêu sau 90 ngày tương đối thấp khi có xử lý chế phẩm Pseudomonas dao động từ 6,67 - 10,00 %. Trong khoảng thời gian 30 - 45 ngày, tỷ lệ hom chết cao do thời gian mưa dầm tiêu giâm trong bầu rất dễ bị đọng nước. Sau giâm 60 - 90 ngày tỷ lệ hom chết không thay đổi và không có sự sai khác có ý nghĩa giữa các công thức.

Bảng 3.6. Tỷ lệ hom chết của các công thức thí nghiệm sau 90 ngày giâm Công thức

(đốt/hom)

Tỷ lệ hom chết (%)

30 45 60 75 90

5 đốt vùi 3 0,00a 6,67a 6,67a 6,67a 6,67a 4 đốt vùi 3 6,67a 10,00a 10,00a 10,00a 10,00a 4 đốt vùi 2 6,67a 10,00a 10,00a 10,00a 10,00a 3 đốt vùi 2 0,00a 6,67a 6,67a 6,67a 6,67a

Ghi chú: Các chữ cái khác nhau trong một cột biểu thị sự sai khác có ý nghĩa ở mức p < 0,05.

45

3.1.5. Khả năng tích lũy vật chất của cây sau khi giâm 90 ngày

Chế phẩm sinh học ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây không chỉ biểu hiện bên ngoài như sự bật mầm, sự ra lá, tăng trưởng chiều cao, khả năng ra rễ và tỷ lệ hom chết mà nó còn ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý, sinh hóa bên trong cây từ đó thể hiện ở chỉ tiêu khả năng tích lũy vật chất trong cây.

Khả năng tích lũy vật chất của hom tiêu là chỉ tiêu phản ánh khả năng hút nước, sử dụng dinh dưỡng, thực hiện quá trình quang hợp và sự vận chuyển các chất trong cây để tích lũy vật chất vào các bộ phận sinh trưởng cành và rễ.

Theo chỉ tiêu nghiên cứu này thì công thức nào có khối lượng cành và rễ cao chứng tỏ khả năng huy động chất dinh dưỡng, tổng hợp các chất hữu cơ để tích lũy vào cây tốt.

Chúng tôi đã tiến hành cân khối lượng cành và rễ sau giâm 90 ngày (cả khối lượng tươi và khối lượng khô) thu được kết quả sau:

Bảng 3.7. Khối lượng tươi, khối lượng khô của cành và rễ cây sau giâm 90 ngày

Công thức (đốt/hom)

Khối lượng cành (g/cành)

Khối lượng rễ (g/rễ)

Tươi Khô Tươi Khô

5 đốt vùi 3 5,9373a 0,9805a 0,8835a 0,4017a 4 đốt vùi 3 4,9417bc 0,8269b 0,7289ab 0,3447b 4 đốt vùi 2 5,2303b 0,8043b 0,7333ab 0,3380bc 3 đốt vùi 2 4,5537c 0,7605c 0,5965b 0,2843c Ghi chú: Các chữ cái khác nhau trong một cột biểu thị sự sai khác có ý nghĩa ở mức p < 0,05.

Kết quả bảng 3.7 cho ta thấy: Nhìn chung khối lượng cành và rễ của các công thức có sự sai khác có ý nghĩa.

Khối lượng cành của công thức 5 đốt vùi 3 là cao nhất, có sự sai khác với các công thức còn lại. Công thức 4 đốt vùi 2 có khối lượng cành tươi nặng hơn công thức 4 đốt vùi 3 nhưng sau khi khô khối lượng cành của công thức 4 đốt vùi 3 lại cao hơn, chứng tỏ khả năng tích lũy chất khô của cành ở công thức 4 đốt vùi 3 là tốt hơn công thức 4 đốt vùi 2.

46

Khối lượng rễ tươi ở công thức 5 đốt vùi 3 là cao nhất, có sự sai khác có ý nghĩa so với công thức 3 đốt vùi 2. Như vậy, các công thức loại hom 4 đốt và 5 đốt có khả năng tích lũy vật chất tốt hơn công thức 3 đốt vùi 2. Qua đây có thể giải thích nguyên nhân các công thức loại hom 4 đốt và 5 đốt có khả năng sinh trưởng tốt hơn công thức hom 3 đốt.

3.1.6. Hiệu quả kinh tế

Hiệu quả kinh tế mục tiêu của mong muốn của mỗi người sản xuất, nó phản ánh một cách toàn diện tính hợp lý giữa quá trình đầu tư với quá trình sinh trưởng của cây trồng.

Trong thí nghiệm này, chúng tôi đã tiến hành hạch toán hiệu quả kinh tế khi sản xuất hom giống trồng cho 1 ha (3200 hom) để so sánh hiệu quả sản xuất giữa các công thức với số đốt/hom khác nhau.

Bảng 3.8. Hạch toán hiệu quả kinh tế trên từng công thức thí nghiệm (Đơn vị: triệu đồng)

Hạng mục 5 đốt vùi 3 4 đốt vùi 3 4 đốt vùi 2 3 đốt vùi 2

Giống 96 76,8 76,8 57,6

Phân chuồng 0,93 0,93 0,93 0,93

Lân + Vôi 0,45 0,45 0,45 0,45

Bì PE 0,315 0,315 0,315 0,315

Chi phí khác 3,25 3,25 3,25 3,25

Chế phẩm 0,2 0,2 0,2 0,2

Tổng chi (A) 101,145 81,945 81,945 62,745

Tổng thu (B) 149,328 144,000 144,000 149,328 Lợi nhuận (C= B - A) 48,183 62,055 62,055 86,583

Qua kết quả hạch toán hiệu quả kinh tế ở bảng 3.8 cho thấy:

Công thức 5 đốt vùi 3 có tổng chi phí đầu tư cao nhất là 101,145 triệu đồng so với 81,945 triệu đồng ở các công thức loại hom 4 đốt và 62,745 triệu đồng ở công thức 3 đốt vùi 2. Tuy nhiên tỷ lệ hom chết của hom tiêu giữa các công thức thí nghiệm không có sự sai khác có ý nghĩa, do đó lợi nhuận thu được ở các công thức loại hom 4 đốt (62,055 triệu đồng) và 3 đốt vùi 2 (86,583 triệu đồng) cao hơn hẳn so với công thức 5 đốt vùi 3 (48,183 triệu đồng) lần lượt là 13,872 triệu đồng và 38,400 triệu đồng.

Bên cạnh đánh giá về hiệu quả kinh tế, việc sản xuất cây hồ tiêu giâm hom khoẻ ra vườn trồng và vườn sản xuất đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng bệnh chết nhanh trên đồng ruộng. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của tác giả Trần Thị Thu Hà (2007) thì cây hồ tiêu giâm hom khoẻ và được xử lý bệnh trước khi giâm có tác dụng phòng bệnh chết nhanh ở giai đoạn hồ tiêu kinh doanh.

47

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của chế phẩm sinh học pseudomonas đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu tại gia lai (Trang 46 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)