Tình hình nuôi cá chim trắng vây vàng ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của thức ăn bổ sung kemzyme v dry đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá chim trắng vây vàng trachinotus blochii (lacepède, 1801) nuôi tại quảng bình (Trang 21 - 24)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu cá chim trắng vây vàng

1.2.2. Tình hình nuôi cá chim trắng vây vàng ở Việt Nam

Cá chim trắng vây vàng bắt đầu được nghiên cứu tại Việt Nam từ năm 2003, thông qua một số chương trình thử nghiệm nhập đàn cá hậu bị từ Đài Loan của Viện Nghiên cứu thủy sản I (Viện I). Đến năm 2005, Viện I cũng đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học, kỹ thuật nuôi thương phẩm và tạo đàn cá hậu bị của 5 loài cá biển kinh tế” trong đó có nghiên cứu, thử nghiệm nuôi cá chim trắng vây vàng. Kết quả của đề tài cho thấy sau 6 tháng nuôi, cho ăn bằng thức ăn Proconco và cá tạp, cá chim vây vàng sinh trưởng từ 22 g lên 450 g. Sau khi đạt 120 g, cá cho ăn thức ăn tổng hợp Proconco có xu thế sinh trưởng chậm hơn so với cá ăn cá tạp (Lê Xân, 2007) [18].

Để chủ động trong việc sản xuất con giống, năm 2006 Trường Cao đẳng Thủy sản Bắc Ninh đã thực hiện thành công dự án “Nhập công nghệ sản xuất giống cá chim trắng vây vàng”. Cá bố mẹ đã thành thục có khối lượng từ 2 - 6 kg/con được nhập từ Trung Quốc (nước chuyển giao công nghệ) về nuôi vỗ bằng thức ăn là cá tạp. Qua 2 lần nhập cá bố mẹ cho thấy tỷ lệ sống của cá rất thấp sau 1 tháng nuôi (đợt 1: chết 39/40 con, đợt 2: chết 30/40 con) do thời gian vận chuyển lâu và thay đổi môi trường nuôi. Những cá bố mẹ còn lại khi thành thục được kích thích sinh sản bằng hormone HCG 1000 IU và 20 μg LRHa/kg cá. Ấu trùng được ương trong bể xi măng với mật độ từ 10 - 15 con/L, cho ăn bằng luân trùng và ấu trùng copepoda nuôi từ ao, khi cá đạt cỡ cá hương thì đưa ra ao ương thành cá giống lớn hơn. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống của cá bố mẹ từ 2,5 - 25%, tỷ lệ thành thục trên 63,5%, tỷ lệ đẻ trên 73,3%, tỷ lệ thụ tinh 15,3 - 80%, tỷ lệ nở 28 - 56%, tỷ lệ sống của cá hương 31 - 35% và cá giống là 50 - 62,5%; khi kết thúc dự án đã thu được 104.486 con cá giống cỡ 4 - 6 cm [6].

Tuy nhiên, công nghệ nhập cũng có những hạn chế như: tỷ lệ sống cá bố mẹ thấp, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở không ổn định, nguồn giống tạo ra khó thích ứng với điều kiện nuôi ở các tỉnh phía Nam nước ta,… Năm 2011, Lại Văn Hùng và Ngô Văn Mạnh [8] đã cho sinh sản nhân tạo thành công cá chim trắng vây vàng Trachinotus blochii (Lacepède, 1801) tại Khánh Hòa. Điều này đã mở ra những triển vọng mới cho nghề nuôi cá Chim trắng vây vàng thương phẩm ở các tỉnh Nam Trung Bộ cũng như cả nước do nguồn cá giống này thích ứng rất tốt với điều kiện nuôi thương phẩm ở nước ta.

Lại Văn Hùng, Trần Thị Lệ Trang (2011), đã thực hiện thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của hàm lượng lipid lên sinh trưởng, tỷ lệ sống của cá chim trắng vây vàng giai

đoạn giống. Trong nghiên cứu này, cá được cho ăn 03 mức lipid (10, 12 và 14%) được thử nghiệm trong 30 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy cá được cho ăn khẩu phần chứa hàm lượng lipid 12% cho tốc độ tăng trưởng đặc trưng về chiều dài cao hơn so với hàm lượng 10% (0,95 so với 0,42%/ngày). Tuy nhiên, không có sự khác biệt thống kê về các chỉ tiêu giữa mức lipid 14% so với 10 và 12% (p>0,05). Tương tự, cá được cho ăn chứa hàm lượng lipid 12% cho khối lượng cuối (10,67g/con) cao hơn và hệ số FCR (1,16) thấp hơn so với hàm lượng 10% (8,7g/con, 1,38). Tuy nhiên, không có sự khác biệt thống kê về các chỉ tiêu giữa mức lipid 14% so với 10 và 12% (p>0,05). Từ kết quả thí nghiệm, có thể thấy hàm lượng lipid 12% trong thức ăn là tốt nhất cho sinh trưởng và hệ số chuyển đổi thức ăn của cá chim trắng vây vàng giai đoạn giống [9].

Lại Văn Hùng, Huỳnh Thư Thư (2011), đã thực hiện thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của hàm lượng protein lên sinh trưởng, tỷ lệ sống của cá chim trắng vây vàng giai đoạn giống. Trong nghiên cứu này, cá được cho ăn 05 mức protein (40,43, 46, 49, 52%) được thử nghiệm trong 30 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng potein trong thức ăn có ảnh hưởng lớn đến tốc độ sinh trưởng và hệ số chuyển đổi thức ăn của cá giai đoạn giống. Cá được cho ăn khẩu phần chứa hàm lượng protein 46, 49 và 52%

cho tốc độ tăng trưởng đặc trưng về chiều dài, khối lượng, khối lượng cuối và hệ số chuyển đổi thức ăn thấp hơn so với hàm lượng protein 40, 43%. Nhìn chung, không có sự khác biệt thống kê về tốc độ sinh trưởng và hệ số chuyển đổi thức ăn giữa cá được cho ăn ở mức protein 46, 49 và 52% hay 40 và 43% (p>0,05). Hàm lượng protein trong thức ăn không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá (94-98%) (p<0,05) . Từ kết quả thí nghiệm, có thể thấy hàm lượng protein 46% trong thức ăn là tốt nhất cho sinh trưởng và hệ số chuyển đổi thức ăn của cá chim trắng vây vàng giai đoạn giống [10].

Theo Huỳnh Thư Thư (2011), Hàm lượng vitamin D3 bổ sung vào thức ăn có ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ sinh trưởng của cá chim trắng vây vàng giai đoạn giống.

Cá được cho ăn thức ăn có bổ sung hàm lượng vitamin D3 130 mg/kg thức ăn cho khối lượng cuối, tốc độ sinh trưởng đặc trưng về chiều dài và khối lượng (11,18g , 0,89%/ngày, 11,29%/ngày) cao hơn so với 2 nghiệm thức còn lại (100 và 115 mg/kg thức ăn) (p < 0,05). Tuy nhiên, không có sự khác biệt thống kê về tốc độ sinh trưởng và khối lượng cuối đạt được giữa 2 nghiệm thức 110 và 115 mg vitamin D3/kg thức ăn (p > 0,05). Đồng thời, việc bổ sung vitamin vào thức ăn không ảnh hưởng đến hệ số FCR cũng như tỷ lệ sống của cá (p > 0,05) [10].

Năm 2008, Trường Cao đẳng Thuỷ sản đã thực hiện đề tài nghiên cứu quy trình công nghệ nuôi thâm canh cá chim trắng vây vàng trong ao bằng thức ăn công nghiệp tại Quảng Ninh. Cá được nuôi trong ao với hai mật độ 1,5 và 2,5 con/m2, bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein chiếm 43%, lipit chiếm 10%. Cá giống có khối lượng trung bình 21,1±1,7 g và chiều dài 9,8±2,1 cm. Ao nuôi có độ mặn trung bình 18‰, pH 7,6, hàm lượng ôxy hoà tan 4,7 mg/l, nhiệt độ nước 28,30C. Sau 12 tháng, cá nuôi ở mật

độ 1,5 con/m2 chiều dài đạt 32,63±0,12 cm, khối lượng đạt 621,23±2,55 g và ở mật độ 2,5 con/m2, cá có chiều dài trung bình đạt 29,24±0,142 cm, khối lượng đạt 593,37±2,6 g. Kết quả ban đầu cho thấy không có sự khác biệt về sinh trưởng và tỷ lệ sống giữa hai mật độ nuôi (p>0,05). Cá chim trắng vây vàng phàm ăn, sống thành bầy đàn trong ao, sinh trưởng nhanh, ít bị bệnh và tỷ lệ sống cao (Thái Thanh Bình, 2009) [1].

Năm 2009, Trường Cao đẳng Thủy sản tiến hành nuôi cá chim trắng vây vàng thương phẩm trong lồng có kích thước 3 x 3 x 2 m, cỡ cá giống thả 8 - 10 cm (18,21g) mật độ cá thả 25con/m3. Thức ăn cho cá là thức ăn công nghiệp do công ty thức ăn chăn nuôi Kinh Bắc sản xuất với hàm lượng đạm là 45%, lipit 15%. Sau 12 tháng nuôi cá chim đạt trung bình 500 - 600g. Tỷ lệ sống trung bình đạt 79,3%. Hệ số thức ăn là 2,1. Kết quả nuôi thử nghiệm cá chim trắng vây vàng của Trường có tỷ lệ sống và tăng trưởng cao hơn so với kết quả của Lê Xân (2007) [18].

Thái Thanh Bình (2010), nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ nuôi đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá chim trắng vây vàng nuôi trong ao bằng thức ăn công nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy cá chim trắng vây vàng là loài có thể nuôi trong ao đầm nước lợ và sử dụng được thức ăn công nghiệp. Sau 12 tháng thí nghiệm nuôi cá với 03 mật độ: 1,5 con/m2 (MD1), 2,5 con/m2 (MD2), 3,5 con/m2 (MD3) cho thấy cá chim trắng vây vàng nuôi ở mật độ 1,5 con/m2 có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao nhất. Tốc độ tăng trưởng của cá đạt 616,98±2,56 g/con (1,870 gam/ngày/con) và tỷ lệ sống đạt 91,9±1,13%. Cá chim trắng vây vàng nuôi ở mật độ 3,5 con/m2 có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống thấp nhất. Tốc độ tăng trưởng của cá đạt 483,97±26,03 g/con (1,463 gam/ngày/con) và tỷ lệ sống đạt 69,54±2,82%. Không có sai khác có ý nghĩa thống kê về tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống giữa mật độ nuôi 2,5 con/m2 và1,5 con/m2 (p>0,05), nhưng có sai khác có ý nghĩa giữa MD1, MD2 và MD3 (p<0,05) [1].

Theo Nguyễn Văn Quyền (2010), cá chim trắng vây vàng được nuôi trong ao đất tại cơ sở 2 - Trường Cao đẳng thủy sản - Quảng Yên - Quảng Ninh với mật độ 03con/m2, sử dụng 03 loại thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein 35%, 40% và 45%, hàm lượng lipid cố định 10%. Cá chim trắng vây vàng nuôi trong ao sau 220 ngày, nuôi ở nghiệm thức 1 (35% hàm lượng protein) có khối lượng đạt 413,28 ± 1,34 g/con, ở nghiệm thức 2 (40% hàm lượng protein) cá có khối lượng 477,28 ± 3,63 g/con và ở nghiệm thức 3 (45% hàm lượng protein) cá có khối lượng 527,28 ± 1,21 g/con, khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê ở 03 nghiệm thức (p<0,05). Năng suất cá nuôi ở nghiệm thức thức ăn có hàm lượng 45% protein cho năng suất cao nhất 12,68 tấn/ha, tiếp đến là nghiệm thức 40% đạt 11,10 tấn/ha và cuối cùng nghiệm thức có hàm lượng 45% protein cho năng suất 7,89 tấn/ha. Trong đó nghiệm thức 40% protein cho hiệu quả kinh tế cao nhất, có thể thu lãi 69-107 triệu đồng/ha/vụ [16].

Lại Văn Hùng và ctv (2013), đã tiến hành thử nghiệm 5 mức protein khác nhau (40, 43, 46, 49 và 52%) nhằm đánh giá ảnh hưởng của hàm lượng protein trong thức ăn lên tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống và hệ số thức ăn ở cá chim trắng vây vàng giai đoạn giống. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng protein trong thức ăn có ảnh hưởng lớn đến tốc độ sinh trưởng và hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của cá chim trắng vây vàng giai đoạn giống. Trong đó, cá được cho ăn thức ăn có hàm lượng protein 46, 49 và 52% cho tốc độ sinh trưởng đặc trưng về chiều dài, khối lượng, khối lượng cuối cao hơn và hệ số chuyển đổi thức ăn thấp hơn so với hàm lượng protein 40 và 43% (p< 0,05). Nhìn chung, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tốc độ sinh trưởng và hệ số chuyển đổi thức ăn giữa cá được cho ăn ở mức protein 46, 49 và 52% hay 40 và 43% (p> 0,05). Hàm lượng protein trong thức ăn không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá (94 –98%) (p > 0,05). Từ nghiên cứu này có thể nhận thấy rằng, hàm lượng protein 46% trong thức ăn là tốt nhất cho sinh trưởng và hệ số thức ăn của cá chim trắng vây vàng, đồng thời, giúp tiết kiệm chi phí thức ăn cũng như hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường bể nuôi [8].

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của thức ăn bổ sung kemzyme v dry đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá chim trắng vây vàng trachinotus blochii (lacepède, 1801) nuôi tại quảng bình (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)