Vai trò của hoạt động du lịch quốc tế trong sự phát triển của mỗi quốc gia

Một phần của tài liệu Hoạt động du lịch quốc tế ở việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 20 - 26)

Chương 3: Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch quốc tế ở Việt Nam

1.2. Vai trò của hoạt động du lịch quốc tế trong sự phát triển của mỗi quốc gia

1.2.1. Về mặt kinh tế

Hội đồng Lữ hành và du lịch quốc tế - WTTC (World Travel and Tourism Council) đã công bố du lịch là một ngành kinh tế lớn nhất thế giới, vượt trên cả ngành sản xuất ôtô, thép, điện tử và nông nghiệp. Đối với một số quốc gia, du lịch quốc tế là nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất của đất nước. Tại nhiều quốc gia khác, du lịch là một trong ba ngành quan trọng hàng đầu. Nhiều chính phủ đã nhận ra ảnh hưởng và tiềm năng to lớn của ngành du lịch và đặc biệt là của du lịch quốc tế, đã hợp tác để xây dựng những chính sách phát triển du lịch và du lịch quốc tế nhằm tăng cường tính cạnh tranh, khuyến khích sử dụng lao động và tăng thu cho ngân sách quốc gia, đặc biệt là tăng thu ngoại tệ.

Xét một cách cụ thể, vai trò của du lịch quốc tế đối với sự phát triển kinh tế được thể hiện trên những khía cạnh cơ bản sau:

Thứ nhất, ngành du lịch quốc tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại.

Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, những lợi ích kinh tế mà du lịch quốc tế mang lại là điều không thể phủ nhận. Trong phạm vi một quốc gia, sự phát triển của du lịch sẽ góp phần thúc đẩy sự phân phối lại thu nhập quốc dân, cân đối cấu trúc và chi tiêu của nhân dân. Mặt khác, sự phát triển của du lịch quốc tế sẽ tác động tích cực đến việc tăng thu nhập quốc dân thông qua thu nhập ngoại tệ, góp phần cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập, du lịch cũng là hoạt động

“xuất khẩu tại chỗ” có hiệu quả rất cao. Những hàng hoá phục vụ du khách có giá bán cao hơn nhiều so với những hàng hoá đưa đi xuất khẩu. Hơn nữa, những hàng hoá khi được trao đổi thông qua con đường du lịch không gặp phải hàng rào thuế quan mậu dịch quốc tế. Không chỉ có lợi thế “xuất khẩu tại chỗ”, du lịch còn là ngành “xuất khẩu hàng hoá vô hình”, đó là giá trị các cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hoá, phong tục tập quán… của vùng đất mà du khách đến thăm quan. Đây là cách giới thiệu tốt nhất đến thế giới về một quốc gia giàu đẹp.

Trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, du lịch quốc tế là ngành có khả năng hấp dẫn các nhà đầu tư. Đặc biệt, đối với các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển và ít có cơ hội để thu hút đầu tư, du lịch quốc tế sẽ góp phần tạo khả năng hội nhập và cải thiện tình hình kinh tế của đất nước.

Sự phát triển của du lịch quốc tế góp phần củng cố và phát triển các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Trong kinh doanh du lịch quốc tế, khách du lịch có thể là thương nhân, chuyến du lịch cũng là dịp để họ có thể tìm hiểu môi trường đầu tư, tìm hiểu thị trường. Vì thế, thông qua hoạt động du lịch sẽ góp phần thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế quốc tế.

Thứ hai, du lịch quốc tế thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế khác.

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Vì vậy, trước hết, hoạt động kinh doanh du lịch đòi hỏi sự hỗ trợ liên ngành hay nói cách khác là sự hợp tác cùng phát triển với các ngành kinh tế khác. Nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch khi đến các điểm du lịch là rất lớn và đa dạng. Các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của du khách cần có sự tham

gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế. Thông qua du lịch, một số lượng lớn sản phẩm của các ngành: nông nghiệp, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, xây dựng, giao thông vận tải… được tiêu thụ. Du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế luôn đòi hỏi những hàng hoá có chất lượng cao, phong phú về chủng loại và đó là động lực thúc đẩy nhiều ngành kinh tế phát triển, làm cho sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách quốc tế.

Qua phân tích cho thấy du lịch có tác dụng tích cực làm thay đổi bộ mặt kinh tế khu vực. Nhiều nước trên thế giới coi du lịch nói chung, du lịch quốc tế nói riêng là cứu cánh để mong muốn vực dậy nền kinh tế ốm yếu của mình. Người Pháp coi du lịch là con gà đẻ trứng vàng cũng chính vì các tác động này. Tuy nhiên, về mặt kinh tế, du lịch quốc tế cũng có một số ảnh hưởng tiêu cực. Rõ ràng nhất là tình trạng lạm phát cục bộ hay giá cả hàng hóa tăng cao, nhiều khi vượt quá khả năng chi tiêu của người dân địa phương, nhất là của những người mà thu nhập của họ không liên quan đến du lịch.

1.2.2. Về mặt văn hoá - xã hội

Mục đích của sự phát triển kinh tế của bất cứ ngành nào trong xã hội suy cho cùng là nhằm đạt đến một hiệu quả xã hội nhất định.

Đối với xã hội, du lịch có vai trò giữ gìn, phục hồi sức khoẻ và tăng cường sức sống cho người dân. Trong một chừng mực nào đó, du lịch có tác dụng hạn chế bệnh tật, kéo dài tuổi thọ và khả năng lao động của con người.

Khi đi du lịch, mọi người có điều kiện tiếp xúc với nhau, gần gũi nhau hơn, từ đó làm tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng. Những chuyến du lịch, tham quan tại các di tích lịch sử, các công trình văn hoá có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Kết quả thu được sau mỗi chuyến đi là sự hiểu biết về lịch sử,

“khám phá” mới về địa lý, có thêm kinh nghiệm trong cuộc sống, mở mang kiến thức văn hoá.

Khi đi du lịch, khách du lịch quốc tế thường có nhu cầu mua sắm các mặt hàng lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương hay quốc gia nơi họ đến.

Nhờ đó, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho nhân dân.

Ngoài ra, du lịch quốc tế còn là yếu tố góp phần làm giảm quá trình đô thị hoá, là phương tiện tuyên truyền quảng cáo có hiệu quả cho mảnh đất mà du khách đặt chân

tới, cũng như làm tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị, mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các vùng miền và du khách đến từ các quốc gia với các nền văn hoá khác nhau.

Hơn nữa, phát triển du lịch quốc tế góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với nền văn hoá của các dân tộc khác trên thế giới.

Muốn thu hút khách du lịch quốc tế, trước hết các điểm có tiềm năng về du lịch phải nhanh chóng khôi phục và phát triển những di sản văn hoá vốn có của địa phương, quốc gia đó. Bởi lẽ, khi đến thăm quan một địa danh nào, du khách đều có nhu cầu tìm hiểu về phong tục tập quán, những nét văn hoá riêng có của nơi đến. Vì vậy, phát triển du lịch là động lực rất lớn cho việc khôi phục những nét văn hoá bản địa trước đây chưa được chú ý, đã bị mai một đi, góp phần quan trọng vào việc khôi phục, bảo tồn và phát triển những di sản văn hoá của các địa phương, quốc gia. Thông qua du lịch quốc tế, người dân có thể hiểu và tiếp cận được với nền văn hoá của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Cũng chính nhờ có du lịch, cuộc sống cộng đồng trở nên sôi động hơn, các nền văn hoá có điều kiện hoà nhập với nhau, làm cho đời sống văn hoá tinh thần của con người trở nên phong phú hơn.

Trong thời đại hiện nay, việc làm là một trong những vấn đề vướng mắc nhất của các quốc gia. Phát triển du lịch quốc tế được coi là một lối thoát lý tưởng để giảm bớt tình trạng thất nghiệp, nâng cao mức sống cho người dân.

Đối với nhiều người, du lịch quốc tế được nhìn nhận như một ngành kinh doanh dễ làm, dễ đem lại lợi nhuận. Vì vậy, xu hướng chuyển đổi hay chuyển hướng sang kinh doanh du lịch là một động cơ tốt để mọi người trau dồi, bổ sung các kiến thức cần thiết như ngoại ngữ, giao tiếp, văn hoá…

Bản chất của hoạt động du lịch là giao lưu, tiếp xúc giữa các cá thể, các cộng đồng có thế giới quan không phải luôn luôn đồng nhất. Quá trình giao tiếp này cũng là môi trường để các ảnh hưởng tiêu cực thâm nhập vào xã hội một cách nhanh chóng.

Nạn nghiện hút, mại dâm, trộm cướp không phải có nguồn gốc từ du lịch, trước khi du lịch phát triển, nó đã tồn tại với các mức độ khác nhau, nhưng không thể phủ nhận rằng hoạt động du lịch làm cho các tệ nạn xã hội này gia tăng đáng kể. Hơn nữa, do có những dị biệt về tôn giáo, văn hoá, chính trị nên có thể xảy ra sự hiểu lầm, thậm chí dẫn đến hiềm khích, tạo sự căng thẳng giữa chủ và khách. Theo thời gian, quan hệ tình

cảm giữa du khách và người dân địa phương ngày càng trở nên nguội lạnh, thay vào đó là quan hệ buôn bán. Bên cạnh đó, du lịch là con đường mà các thế lực phản động thường hay sử dụng để tuyên truyền, kích động, đội lốt du khách để thâm nhập sâu vào nước đến để móc nối, xây dựng cơ sở.

1.2.3. Một số tác động khác

Trước hết, phải khẳng định du lịch quốc tế là chiếc cầu nối hoà bình giữa các dân tộc trên thế giới. Hoạt động du lịch quốc tế giúp cho các dân tộc xích lại gần nhau hơn, hiểu hơn về giá trị văn hoá của đất nước bạn. Một ví dụ tiêu biểu về giá trị của du lịch quốc tế đối với hoà bình là các chuyến du lịch thăm lại chiến trường xưa của các cựu chiến binh Pháp, Mỹ. Khi quay trở lại chiến trường xưa, tận mắt nhìn thấy những người dân vô tội, trực tiếp gặp gỡ những người họ từng coi là kẻ thù, họ đã hiểu rằng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ năm nào của dân tộc Việt Nam là hoàn toàn chính đáng. Từ chỗ mặc cảm, nghi kỵ, ngại ngùng trong chuyến du lịch, họ đã cởi mở hơn, mối thiện cảm và sự lưu luyến thường được bày tỏ trước khi lên đường về nước. Nhiều cựu chiến binh sau chuyến du lịch như vậy đã trở thành thành viên tích cực tuyên truyền, xây dựng và vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Những người quan tâm đến chính trị và đường lối của các quốc gia khác thường tìm hiểu hệ thống chính quyền sở tại trong các chuyến du lịch, họ tìm ra những điểm khác biệt, xem xét cách giải quyết các vấn đề, các thủ tục tiến hành giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội nhằm tìm hướng cho việc tạo dựng một thị trường mới.

Việc tiếp xúc với thiên nhiên, được cảm nhận một cách trực giác sự hùng vĩ, trong lành của các cảnh quan tự nhiên có ý nghĩa to lớn đối với du khách. Qua đó, họ hiểu biết sâu sắc và thấy được giá trị của thiên nhiên đối với đời sống con người.

Điều này có nghĩa là bằng thực tiễn phong phú, du lịch sẽ góp phần rất tích cực vào sự nghiệp giáo dục môi trường, một vấn đề toàn thế giới đang hết sức quan tâm. Nhu cầu du lịch nghỉ ngơi tại những khu vực có nhiều cảnh quan thiên nhiên đã kích thích việc tôn tạo, bảo vệ môi trường. Để đáp ứng nhu cầu du lịch phải dành những khoảnh đất có môi trường ít bị xâm hại, xây dựng các công viên bao quanh thành phố, thi hành các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, không khí nhằm tạo môi trường sống phù hợp với nhu cầu của khách. Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động du lịch làm tăng mức tập trung người vào vùng du lịch. Việc đó đòi hỏi phải tối ưu hoá

quá trình sử dụng tự nhiên. Để gia tăng thu nhập từ du khách phải có chính sách marketing, chính sách tu bổ bảo vệ tự nhiên để điểm du lịch ngày càng hẫp dẫn khách.

Hiện nay, có ít người làm du lịch thực sự quan tâm đến vấn đề này. Có thể do không thấy rõ những ảnh hưởng tiêu cực của du lịch đến môi trường, cũng có thể do lợi ích trước mắt mà họ cố tình không quan tâm đến nguy cơ của hiểm hoạ này. Hoạt động du lịch ồ ạt có nguy cơ làm suy thoái tài nguyên du lịch tự nhiên. Sự tập trung quá nhiều người và thường xuyên tại địa điểm du lịch làm cho thiên nhiên không kịp phục hồi, đi đến chỗ bị huỷ hoại và hơn nữa, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống một số loài vật hoang dã, đẩy chúng ra khỏi nơi cư trú yên ổn trước đây để đi tìm nơi ở mới.

Sau gần 30 năm đổi mới, ngành du lịch Việt Nam đã vượt qua khó khăn, huy động nội lực và tranh thủ nguồn lực quốc tế để nâng cao năng lực hoạt động, thay đổi diện mạo và từng bước khẳng định tầm vóc của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục môi trường, xu hướng hoà bình trên thế giới.

Trong tiến trình hội nhập, du lịch Việt Nam đã thiết lập quan hệ và mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức du lịch quốc tế, tích cực tham gia các diễn đàn, các chương trình hợp tác trong và ngoài khu vực. Kết quả hoạt động hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế đa phương và song phương trong du lịch đã góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã mở thêm nhiều cơ hội cho du lịch phát triển. Hoạt động du lịch rất sôi động, có bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn giữ được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Du lịch Việt Nam đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực, mang lại hiệu quả nhiều mặt, thu hút lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nguồn giá trị mới và nguồn thu cho đất nước, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, hội nhập khu vực và thế giới. Với những thành tựu đã đạt được, có thể khẳng định du lịch Việt Nam xứng đáng với vị trí là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Một phần của tài liệu Hoạt động du lịch quốc tế ở việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 20 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)