GIÁ THỂ TRỒNG HOA LAN MOKARA

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của giá thể đến sinh trưởng, phát triển của một số giống lan mokara tại thành phố tam kỳ, quảng nam (Trang 25 - 29)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.7. GIÁ THỂ TRỒNG HOA LAN MOKARA

Theo Dương Hoa Xô, (2016), kỹ thuật trồng lan Mokara Giá thể trồng hoa lan Mokara có rất nhiều loại, mỗi loại đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Quan trọng nhất là sử dụng thế nào cho phù hợp với từng loại lan, từng tiểu vùng khí hậu và điều kiện chăm sóc. Ví dụ như những vùng tiểu khí hậu nóng thì phải dùng loại giá thể nào đó tạo ra điểm mát cục bộ để duy trì nhiệt độ trong ngưỡng sinh trưởng của cây;

hoặc vùng mưa nhiều phải sử dụng loại có thể thoát nước nhanh chóng nhưng không

mất nước quá nhanh trong những ngày không có mưa; và tất nhiên chẳng có một loại giá thể nào lý tưởng 100% có thể dùng cho tất cả các loại lan. Nhiều loại vật liệu được sử dụng làm giá thể như vỏ cây, vỏ đậu phụng, than, đá, xơ dừa, rong, gỗ, … . Nhưng mỗi chất liệu có những đặc tính khác nhau cho nên có những ưu, khuyết điểm khác nhau. Ngoài ra còn có những vấn đề phụ thuộc liên quan đến như: Tưới nước, sẵn có trên thị trường, giá cả, tiện dụng hay không, …

Sau đây là các loại giá thể được sử dụng phổ biến trong kỹ thuật trồng các loại hoa phong lan và có thể sử dụng trồng hoa Lan Mokara:

1.7.1. Dớn

Dớn có dạng sợi được sản xuất từ thân và rễ cây dương xỉ (Cybotium baronletz) là một loại cây mọc nhiều ở các vùng thung lũng đồi núi Đà Lạt.

- Ưu điểm: Dớn có đặc tính dễ thoát nước, trồng lan bằng dớn cọng lâu mục, ít đọng muối, trọng lượng chậu lan nhẹ hơn so với than, ít đóng rêu, ít bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh, tạo thông thoáng cho hệ rễ.

- Nhược điểm: Ở vùng trồng nóng, nắng nhiều cây dễ bị sock do mau khô, hút ẩm và hấp thu phân bón kém.

1.7.2. Rêu

Rêu làm giá thể (dớn mềm) trồng lan thường sử dụng là loại rêu nhập từ New Zealand, Brasil, Chile, … có màu vàng rơm có khả năng kháng nấm mốc, không nên dùng loại rêu màu nâu đen hoặc nâu xanh vì trong những loại này có nhiều chất ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của cây hoa lan. Khi trồng giá thể bằng rêu không nên nén quá chặt.

- Ưu điểm: giá thể rêu mềm, giữ ẩm rất tốt và rất thích hợp cho hệ rễ lan phát triển.

- Nhược điểm: giá thể rêu có giá thành cao, chóng hư mục và giữ muối cho nên cứ vài tháng phải xả nước cho nhiều hay ngâm trong nước.

1.7.3. Rễ cây dương sỉ

Giá thể sử dụng rễ cây dương sỉ có đặc tính là mau khô, bền (trên 3 năm mới mục) và nhẹ. Vì vậy giá thể rễ cây dương sỉ thường được sử dụng trồng lan chậu treo.

1.7.4. Xơ dừa, vỏ trái dừa

Xơ dừa có nhiều muối ở trong, nên cần phải ngâm nước vài ngày, xả cho sạch rồi mới trồng được. Vỏ trái dừa cắt nhỏ có hai loại vừa và nhỏ được sử dụng sau khi xử lý bằng nước vôi 5% hoặc NaOH 2%.

- Ưu điểm: xơ dừa và vỏ trái dừa giữ ẩm, giữ chất dinh dưỡng tốt, số lượng nhiều và rất rẻ, dễ trồng thành băng nên vỏ dừa thường được sử dụng trong sản xuất lan và ươm cây giống lan nuôi cấy mô với quy mô lớn, quy mô công nghiệp.

- Nhược điểm: nhanh bị mục nát, dễ bị nấm bệnh, ốc sên, dễ bị mọc rêu... và làm hư rễ lan dẫn đến cây suy yếu do không hấp thụ được dinh dưỡng. Khi thay giá thể bằng xơ dừa rất cực và do mau khô, nhẹ cho nên chậu hay bị đổ.

Nếu dùng xơ dừa trồng chậu phải hạn chế tưới nước. Đối với chất trồng này phải phun thuốc ngừa sâu bệnh thường xuyên. Tuy nhiên xơ dừa lại là môi trường rất tốt cho đa số các loài lan thuộc giống Dendrobium. Nên chọn xơ của những quả dừa già và khô, sau đó xé từng mảnh để trồng lan và nên thay mới sau 2 – 3 năm sử dụng.

1.7.5. Bột dừa

Chất trồng này và phải ngâm nước có pha thêm một ít vôi sau đó vắt khô và xã lại bằng nước thường. (không cần phải xử lý thuốc gì nhiều trước khi trồng). Bột dừa giữ được đổ ẩm tốt (nhất là cây con), rễ phát triển rất tốt không bị hư thối rễ, ít sâu bệnh so với xơ dừa, ít có ốc sên và cuốn chiếu và dễ thay chậu, tách chiết…

1.7.6. Than

Than làm giá thể trồng lan là than đốt từ củi dùng cho viêc trồng trọt (Agriculture charcoal). Than được dùng ở đây là loại than gỗ rừng, được nung (hun) thật chín. Tránh tuyệt đối dùng các loại than gỗ rừng sác (như than đước) vì hàm lượng NaCl trong than cao, dễ làm chết lan. Than được chặt nhỏ vừa (kích thước 1 x 3 x 2 cm), không nên chặt quá nhỏ sẽ làm cản trở hô hấp của rễ.

- Ưu điểm: Giá thể than bền từ 5-6 năm mới phải thay chậu, không mầm bệnh, có khả năng giữ nước tạo thông thoáng cho hệ rễ lan phát triển và chỉ dùng một cỡ cho đủ thứ cây lớn nhỏ. Sên không vỏ (Slug) không ưa sống trong than. Than sẽ hấp thụ dinh dưỡng qua quá trình bón phân và cung cấp dưỡng chất qua sức hút rất mạnh của rễ lan.

- Nhược điểm: Giá thành tương đối cao và giá thể than giữ chất muối cho nên sau 1 năm phải xả thật nhiều nước cho sạch để khỏi ảnh hưởng đến sự phát triển của rễ.

1.7.7. Vỏ cây

Có nhiều loại vỏ cây dùng để trồng lan rất tốt, tuy nhiên nên chọn loại vỏ cây bền, lâu mục. Cây lan được trồng bằng vỏ cây thời gian đầu phát triển rất tốt. Sau 1 năm vỏ bị phân hủy thành mùn, gây úng nước, thối rễ và cũng là môi trường thích hợp cho sự xuất hiện một số loài sâu cắn phá rễ.

Vì vậy với chất trồng bằng vỏ cây, cây lan phải được thay chậu luôn. Trong các loại vỏ cây sau: vú sữa, sao, me, trai, thông... thì vỏ thông là loại vỏ cây được ưa chuộng nhất, vì vỏ thông có chứa resin nên có tính sát khuẩn cao, lâu mục, không đóng rêu, ít có mầm bệnh các nấm hại. Vỏ thông có thể được lấy từ cây Thông 2 lá hoặc cây thông 3 lá có nhiều ở Bảo Lộc và Đà Lạt. Tuy nhiên vỏ thông cũng rất bí bít, nên cần có lớp than độn dưới đáy chậu cho thông thoáng.

a) Vỏ thông: Giá thể này giá thành thấp, dễ mua từ Đà Lạt hoặc nhập về, có khả năng giữ ẩm tốt, thích hợp với nhiều giống hoa lan cho nên được sử dụng phổ biến.

Nhược điểm là vỏ thông giữ chất muối có sẵn trong nước và trong phân bón, chỉ giữ được chừng 2/3 số Nitrogene trong phân bón và thông thường sẽ bị mục nát trong khoảng 2-3 năm. Không dùng vỏ thông có lẫn gỗ vì loại này mau mục, úng nước, phát sinh mốc trắng và dầu thông trong gỗ sẽ làm hại rễ hoa lan.

b) Gỗ thông đỏ: Thứ này cũng không quá đắt, giữ nước nhiều nước và độ ẩm, lại nhiều acide cho nên chỉ dùng dưới 50%, trừ được nấm men trắng. Sên không vỏ (slug) không ưa thứ này. Điều bất tiện là thứ này trồng không chặt cho nên phải cột cây vào chậu và khó tìm loại gỗ tốt.

1.7.8. Mùn cưa

Mùn cưa là phế phẩm của các quá trình chế biến gỗ, loại giá thể này rẻ, dễ kiếm, khả năng giữ nước tốt, tạo độ ẩm. Khi trồng không được nén chặt mùn cưa vì như vậy sẽ làm giảm sự thông thoáng và khả năng giữ ẩm quá cao. Mùn cưa cần để thật mục rồi mới cho vào chậu trồng, mùn cưa còn tươi có nhựa sẽ làm ảnh hưởng đến rễ cây non. Mùn cưa từ cây vú sữa làm giá thể trồng lan vũ nữ và lan hài rất tốt.

1.7.9. Vỏ đậu phụng

Hiện nay, vỏ trái đậu phụng thường được sử dụng trồng lan Mokara, lan Dendro và một số loại khác. Trong các vườn trồng lan Mokara cắt cành tại các tỉnh phía Nam giá thể được sử dụng chủ yếu là vỏ trái đậu phụng. Vỏ trái đậu phụng được sử dụng trong trồng các loại hoa phong lan là từ đậu phụng được trồng tại các vùng đất cát pha không bị nhiễm mặn.

Mokara thường được trồng thành luống dưới đất, chất trồng thường bằng vỏ đậu phộng khô với độ dày khoảng 10 - 15 cm ban đầu, sau thời gian vỏ đậu phộng xẹp xuống có thể bổ sung thêm vỏ đậu phộng để tạo lớp nền cho rễ lan bám xuống.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của giá thể đến sinh trưởng, phát triển của một số giống lan mokara tại thành phố tam kỳ, quảng nam (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)