Chương 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LÚA CẠN VÀ LÚA CHỊU HẠN TRÊN THẾ GIỚI VÀ Ở VIỆT NAM
1.2.1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu và phát triển lúa chịu hạn
Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay thì nước và lương thực là rất cần thiết và quan trọng nhất cho sự tồn tại của con người, trong khi nhu cầu về lương thực ngày càng tăng và nguy cơ khủng hoảng về nước đã được cảnh báo trong tương lai gần. Sự thiếu cả hai sẽ xảy ra, nếu chúng ta không biết sáng tạo và phát triển công nghệ thích hợp. Nước cũng sẽ sớm trở thành hàng hóa quý giá bởi con người sử dụng nước cho ngành công nghiệp, nông nghiệp và gia đình với số lượng ngày càng lớn.
Hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 3% nước ngọt và con người mới chỉ dùng được khoảng 1 % còn lại 2 % khác bị đóng băng. Trong 1% đó thì khoảng 70 % dùng cho nông nghiệp, 20 % cho công nghiệp và 10% không dùng được do con người gây ra ô nhiễm (Flexing muscles for aerobic rice in RIPPLE rice, Vol.3, No.3- 2008) [70].
Với xu thế dân số thế giới ngày càng tăng trong khi quỹ đất đai có hạn. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang gây nên nhiều hạn hán, bão lũ thất thường, gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp… Năm 2011, hạn hán tại Nga khiến các loại lương thực, lúa mì, hoa màu mất mùa, giá các loại nông sản tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu lúa mì trên thị trường thế giới. Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài kỷ lục từ 60 năm qua. Có tới 5 triệu hecta đất canh tác từ Hà Nam đến Sơn Đông không nhận được một giọt mưa nào trong nhiều tháng liền. .. [69].
Có thể nói rằng trong năm 2011, tình trạng hạn hán kéo dài ở nhiều khu vực, suy giảm nguồn tài nguyên ở nhiều quốc gia, mực nước ở nhiều con sông lớn cạn kiệt dần. Các chuyên gia nhận định, tình trạng ấm lên của trái đất cũng đang đe dọa đến việc sản xuất lúa gạo toàn cầu. Theo một nghiên cứu khoa học, nhiệt độ trái đất ấm lên 10C thì sản lượng trên ruộng lúa giảm 10 %...
Bởi vậy, việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp khoa học-công nghệ thích hợp là con đường tất yếu để bảo đảm an ninh lương thực cho con người và chung sống bền vững với thiên nhiên. Dự báo đến năm 2025 nhiều nước Châu Á sẽ gặp vấn đề thiếu nước nghiêm trọng và các giống lúa chịu hạn sẽ đem lại niềm hy vọng cho nông dân, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho con người.
1.2.2. Nguồn gốc và sự phân bố của cây lúa cạn, lúa chịu hạn 1.2.2.1. Nguồn gốc của cây lúa cạn, lúa chịu hạn
Lúa nói chung và lúa cạn nói riêng là một trong những cây trồng cổ xưa nhất của loài người. Có nhiều ý kiến khác nhau về sự xuất hiện của lúa trồng. Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng lúa trồng xuất hiện ở châu Á cách đây 8000 năm. Tổ tiên trực tiếp của lúa trồng châu Á (Oryza Sativa L.) vẫn còn chưa có kết luận chắc chắn (Lu.B.R và cộng sự, 1996 ) [65].
Hầu hết các giống lúa cạn ở châu Á đều có dạng Indica. Cấu trúc của lúa cạn ở vùng Đông Nam Á là một nhóm hình thái địa lý đặc trưng. Các giống lúa Ấn Độ có dạng trung gian giữa các giống lúa nước và giống lúa cạn Đông Nam Á. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các giống lúa cạn Đông Nam Á có quan hệ gần gũi với dạng Javanica của Indonesia hơn là dạng Indica, [41].
Theo các nghiên cứu của Nguyễn Văn Hiển và Trần Thị Nhàn (1982) [11], lúa cạn được phát triển từ lúa nước, quá trình hình thành lúa cạn bắt đầu từ dạng hình Indica, phát triển theo hướng rút ngắn thời gian sinh trưởng và chịu được hạn hán. Sự khác nhau giữa lúa nước và lúa cạn là khả năng chịu hạn. Các giống lúa cạn trồng trong điều kiện ruộng cạn vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường như trong điều kiện ruộng nước và lúa cạn phát triển từ lúa nước mà thành.
Trần Văn Minh, Lê Tiến Dũng, 2005 [32], cho rằng quá trình thuần hóa lâu dài các nhóm lúa thích ứng với từng điều kiện canh tác khác nhau được hình thành và xuất hiện những biến dị khác biệt đáng kể do điều kiện sống gây nên. Theo quan điểm này lúa trồng Oryza sativa được chia thành 4 loại là: lúa cạn, lúa có tưới, lúa nước sâu và lúa nổi. Trong đó lúa cạn là lúa trồng trên đất cao thoát nước, không có bờ ngăn để dự trữ nước trên mặt đất, gieo hạt khô trong đất khô chờ nước mưa tự nhiên trong suốt quá trình sinh trưởng.
Lúa cạn được trồng trên đất cao, trên các sườn đồi có địa hình phức tạp, có các thành phần dân tộc thiểu số đa dạng. Mỗi dân tộc thiểu số thường sống ở một vùng địa lý nhất định, có tập quán canh tác riêng, có thị hiếu sử dụng thực phẩm riêng, do đó có một bộ giống riêng, khác hẳn với bộ giống của dân tộc thiểu số sống lân cận (Trần Văn Thuỷ và cộng sự, 1997 [43], Lưu Ngọc Trình và Đào Thế Tuấn, 1996 [45]), đây là những nguyên nhân hình thành nên nguồn gen lúa cạn rất phong phú, đa dạng.
1.2.2.2. Phân bố của cây lúa cạn, lúa chịu hạn
Lúa cạn trên thế giới được trồng trên hầu hết các vùng đất cao, vùng đồng bào ít người, nhìn chung còn lạc hậu.
Theo Surajit K. Detta (1975), lúa cạn được trồng chủ yếu trên ba lục địa là châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh. Theo IRRI (1975) [63].
Theo Trần Văn Đạt (1986), [56] môi trường trồng lúa cạn trên thế giới được chia thành 4 loại:
- Vùng đất cao, màu mỡ, mùa gieo trồng dài ký hiệu là FL (Favorable upland with long growing season) vùng này chiếm khoảng 11 % diện tích lúa cạn thế giới.
- Vùng đất cạn thuận lợi, đất màu mỡ với mùa gieo trồng ngắn ký hiệu là FS (Favorable upland with short growing season) diện tích vùng này khoảng 25 %.
- Vùng đất cạn không thuận lợi kém màu mỡ, mùa gieo trồng dài ký hiệu là UL (Unfavorable upland with long growing season) diện tích chiếm khoảng 38 % diện tích lúa cạn thế giới.
- Vùng đất cao, kém màu mỡ, mùa gieo trồng ngắn ký hiệu là US (Unfavorable upland with short growing season). Ước tính diện tích vùng này chiếm khoảng 25 %.
Lúa cạn Việt Nam được xếp trong vùng UL.
Ở Việt Nam, Vũ Tuyên Hoàng, Trương Văn Kính và các cộng sự (1995) [14], [17], [18], [19], [21] đã phân vùng cây lúa cạn và chịu hạn về loại đất trồng chúng như sau:
- Đất rẫy (trồng lúa rẫy): nằm ở các vùng trung du, miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và một phần của Đông Nam Bộ.
- Đất thiếu nước hoặc bấp bênh về nước tưới (trồng lúa nhờ nước trời): nằm rải rác ở vùng đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, trung du và duyên hải miền Trung và Nam Bộ, bao gồm cả những diện tích đất bằng phẳng nhưng không có hệ thống thuỷ nông chưa hoàn chỉnh, chỉ được tưới rất ít, những ruộng cao vẫn thường xuyên cạn nước.
1.2.3. Tình hình nghiên cứu lúa cạn và lúa chịu hạn trên thế giới 1.2.3.1. Tình hình sản xuất lúa và lúa chịu hạn trên thế giới
Theo số liệu của FAO năm 1993 cho thấy, diện tích canh tác lúa của thế giới đạt 148 triệu hecta, trong đó Châu Á gieo cấy 133,3 triệu hecta lúa, chiếm 90,07 %. Có 68,03 triệu hecta lúa (chiếm 45,96 %) thường bị thiên tai đe doạ, trong đó có 19,16
triệu hecta là đất cạn (lúa rẫy- upland rice), 36,37 triệu hecta đất hoàn toàn nhờ nước trời (rainfed rice) và 12,5 triệu hecta đất ngập nước. Năng suất lúa ở vùng đất khó khăn đạt 0,8-1,7 tấn/ha, chỉ bằng 20-40 % năng suất lúa của vùng chủ động nước. Các giống lúa gieo cấy trên vùng này phần lớn là giống địa phương: dài ngày, cao cây, chống đổ kém, năng suất thấp, nhưng chất lượng gạo ngon.
Từ năm 1993 đến 2007, diện tích lúa trên thế giới đã tăng thêm 8,7 triệu ha và đạt 156,7 triệu ha ở năm 2007. Năng suất lúa bình quân thế giới xấp xỉ 4,0 tấn/ha.
Năng suất lúa đạt cao nhất 9,45 tấn/ha ở Australia và thấp nhất là 0,90 tấn/ha ở IRAQ.
Cũng theo số liệu của FAO (2008), toàn Thế giới có 114 nước trồng lúa và phân bố ở tất cả các Châu lục. Theo vùng lãnh thổ, Châu Phi có 41 nước trồng lúa, tiếp đến Châu Á có 30 nước, Bắc Trung Mỹ có 14 nước, Nam Mỹ có 13 nước, Châu Âu có 11 nước và Châu Đại Dương chỉ có 5 quốc gia trồng lúa.
Theo Trần Văn Đạt (1984) [56], trên thế giới có 4 vùng trồng lúa cạn chính:
Vùng đất cao, màu mỡ, mùa mưa kéo dài (kí hiệu FL) ở Đông và Tây Nam Ấn Độ, In- đô-nê-sia, Phi-lip-pin, Băng-la-đét, Bra-xin, Cô-lôm-bia... vùng này chiếm khoảng 11
% diện tích lúa cạn thế giới; (ii) Vùng đất cao, kém màu mỡ, mưa dài (UL) ở Thái Lan, Mi-an-ma, Lào, Căm-pu-chia, vùng Đông Bắc Ấn Độ, Việt Nam, Bô-li-via, Mê-xi-cô...
diện tích chiếm khoảng 38 % diện tích lúa cạn thế giới; (iii) Vùng đất cao, màu mỡ, mưa ngắn (FS) diện tích vùng này khoảng 25 %; (iv) Vùng đất cao, kém màu mỡ, mưa ngắn (US) ở một số nước Tây Phi, ước tính diện tích vùng này chiếm khoảng 25 %.
Ở châu Á có khoảng 50 % diện tích đất trồng lúa canh tác nhờ nước trời và năng suất lúa thấp. Ngoài giống lúa cạn địa phương, các giống lúa chịu hạn mới còn ít về số lượng, cũng như khả năng thích nghi còn chưa cao. Tuy nhiên, năng suất lúa cạn có thể được cải tiến hơn trong điều kiện thâm canh và chăm sóc tốt. Trong điều kiện lý tưởng của thí nghiệm, người ta đã thu được năng suất 7 tấn/ha ở Philippine (De Datta và Beachell, 1972), ở Peru là 7,2 tấn/ha (Kawano, 1972) và 5,4 tấn/ha ở Nigieria (Abifarin, 1972). theo Dat T.V (1986) [56]
Bảng 1.1. Diện tích, năng suất và sản lượng lúa trên thế giới từ năm 2003-2013
Năm Diện tích
(triệu ha)
Năng suất (tạ/ha)
Sản lượng (triệu tấn)
2003 148,54 39,50 586,69
2004 150,58 40,35 607,58
2005 152,90 40,94 634,28
2006 155,63 41,21 640,92
2007 155,09 42,38 656,78
2008 160,04 43,03 688,04
2009 158,10 43,44 686,93
2010 161,19 43,55 701,98
2011 162,48 44,60 722,72
2012 162,94 45,49 734,91
2013 164,72 45,27 745,71
(Nguồn: FAOSTART. FAO. Org) [71]
Bảng 1.2. Tình hình sản xuất lúa các khu vực trên thế giới năm 2013
Khu vực Diện tích (triệu ha)
Năng suất (Tạ/ha)
Sản lượng (Triệu tấn)
Châu Á 146,463 46,08 674,836
Châu Phi 10,931 26,82 29,318
Châu Mỹ 5,562 55,60 36,489
Châu Âu 0,648 60,08 3,895
Châu Úc 0,117 99,95 1,172
Thế giới 164,721 45,27 745,710
(Nguồn: FAOSTART. FAO. Org) [71]
Qua bảng 1.1 và bảng 1.2, từ năm 2003 đến năm 2013 thì sản lượng lúa thế giới tăng 159,02 triệu tấn tăng 26,28%, từ 586,69 triệu tấn năm 2003 lên 749,90 triệu tấn năm 2013. Năm 2013, sản lượng lúa Châu Á đạt 674,836 triệu tấn chiếm 91,49 %;
ở Châu Mỹ đạt 36,489 triệu tấn chiếm 4,89%; ở Châu Phi đạt 29,318 triệu tấn chiếm 3,93 %; ở Châu Âu đạt 3,895 triệu tấn chiếm 0,52 % và Châu Úc đạt 1,172 triệu tấn chiếm 0,15 %. Cũng theo số liệu của FAO (2014), toàn Thế giới có 114 nước trồng lúa và phân bố ở tất cả các Châu lục. Theo vùng lãnh thổ, Châu Phi có 41 nước trồng lúa, tiếp đến Châu Á có 30 nước, Bắc Trung Mỹ có 14 nước, Nam Mỹ có 13 nước, Châu Âu có 11 nước và Châu Úc chỉ có 5 quốc gia trồng lúa.
Diện tích canh tác lúa toàn thế giới năm 2013 là 165,163 triệu ha, năng suất bình quân 4,527 tấn/ha, sản lượng 749,90 triệu tấn. Trong đó, diện tích lúa của Châu Á là 146,945 triệu ha chiếm 88,96 % tổng diện tích lúa toàn cầu, tiếp đến là Châu Phi 10,894 triệu ha (6,59 %), Châu Mỹ 6,558 triệu ha (3,97 %), châu Âu 0,648 triệu ha (0,39 %), châu Đại dương 0,117 triệu ha chiếm tỷ lệ không đáng kể. Những nước có diện tích lúa lớn nhất là Ấn Độ (43,500 triệu ha); T.Quốc (30,226 triệu ha); Indonesia (13,835 triệu ha); Thái Lan (12,373 triệu ha);Bangladesh (11,770 triệu ha); Việt Nam (7,903 triệu ha) và Myanmar (7,500 triệu ha)
Năm 2013, năng suất lúa đạt cao nhất thế giới năm 10,22 tấn/ha ở Australia và thấp nhất ở Angola 1,274 tấn/ha. Mỹ và Trung Quốc là hai nước có năng suất lúa dẫn đầu thế giới với số liệu tương ứng của năm 2013 là 8,623 và 6,710 tấn/ha. Việt Nam có năng suất lúa 5,572tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân của thế giới 4,527 tấn/ha, nhưng chỉ đạt 64,6 % so với năng suất lúa bình quân của Mỹ.
Những nước có sản lượng lúa nhiều nhất thế giới năm 2013 là Trung Quốc 205,206 triệu tấn, tiếp đến là Ấn Độ 159,200 triệu tấn; Indonesia 71,279 triệu tấn;
Bangladesh 51,500 triệu tấn; Việt Nam 44,039 triệu tấn; Thái Lan 36,062 triệu tấn và Myanmar 28,767 triệu tấn. [71]
1.2.3.2. Tình hình nghiên cứu về lúa chịu hạn trên Thế giới a) Nghiên cứu chọn tạo giống lúa chịu hạn trên Thế giới
Hiện nay các nhà khoa học đã nghiên cứu chọn, tạo ra các giống lúa có khả năng sinh trưởng ở vùng đất khô (dry land) nhằm giúp nông dân đối phó với sự thiếu nước. Các giống lúa chịu hạn cần ít nước hơn so với các giống lúa cho vùng đất thấp (low land rice) nhưng năng suất có thể đạt 4,0-6,0 tấn/ha cao hơn so với giống lúa cạn (up land rice).
Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu chọn tạo giống lúa chịu hạn từ giữa năm 1980 và hiện nay Trung Quốc có khoảng 80.000 ha lúa gieo khô. Kết quả nghiên cứu đã tạo được một số giống lúa chịu hạn có năng suất cao trên cơ sở lai giữa giống lúa cho
vùng đất thấp với lúa cạn truyền thống. Các giống lúa chịu hạn có năng suất cao hiện nay ở Miền Bắc Trung Quốc là: Hàn Dao 277, Han Dao 297; Han Dao 502 với năng suất tiềm năng 6,5 tấn/ha. [69]
Brazin có khoảng 250.000 ha đất gieo khô. Sau 20 năm chương trình giống được triển khai đã tạo được các giống lúa chịu hạn đạt năng suất 5,0-7,0 tấn/ha với tưới nước bằng bình phun trên đồng ruộng nông dân.
Viện nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) bắt đầu phát triển các giống lúa chịu hạn cho Khu vực Châu Á từ năm 2001. Những giống lúa chịu hạn đầu tiên được phát hiện là: IR55423-01 và UPLRI-5 từ Philippines; dòng B6144-MR-0-6-0-0 từ Indonesia và dòng CT6510-24-1-2 từ Colombia. Các giống này phần lớn nhận được từ phép lai giữa indica và bố mẹ Japonica nhiệt đới. [64]
Tại Philippines từ những năm 1950-1960 đã tiến hành thu thập, so sánh và lai tạo các giống lúa cạn địa phương. Tới năm 1970, các giống lúa như C22, UPLRi3, UPLRi5 được tạo ra với chiều cao cây vừa phải, đẻ nhánh trung bình, nhưng năng suất khá và chất lượng gạo tốt. Tiếp theo là giống UPLRi6 có tiềm năng năng suất khá, thấp cây, khả năng phục hồi tốt Ở Ấn Độ cũng đã nghiên cứu chọn tạo được các dòng lúa triển vọng chịu hạn, đạt năng suất 4,0 tấn/ha, tiết kiệm 30-40 % lượng nước (Learn more about India progress in RIPPLE Vol.3, No.3.). [70]
Tại Thái lan, từ những năm 1950, đã tiến hành chương trình thu thập và làm thuần các giống địa phương, đã chọn lọc và phổ biến ở miền Nam được hai giống lúa tẻ là Muang huang và Dowk payon, có tiềm năng năng suất 20 tạ/ha; một giống lúa nếp là Sew maejan phổ biến ở miền Bắc với năng suất 28 tạ/ha. Năm 1966, Trạm nghiên cứu lúa Yagambi thuộc Viện quốc gia phát triển Công-gô (nay là INEAL, Zaire) giới thiệu giống R66 và OS6, cho năng suất cao và chống chịu hạn khá hơn Agbele (Jacquot, 1978). Giống OS6 được trồng rộng rãi ở Tây Phi. Cũng vào năm 1966, Viện IRAT, IITA và WARDA đã chọn tạo được các giống như TOX 86-1-3-1; TOX 356-1-1; TOX 718-1 và TOX 78-2 (Dasgusta, 1983). Những giống này có khả năng chịu hạn và chống chịu bệnh tốt. kết quả nghiên cứu trong năm 2005 cũng đã xác định được một số giống lúa có khả năng chịu hạn tốt là WAB891SG14; YUNLUNo.7;
RR286-1; VANDANA; UPLRI-7; WAB878-6-20. WAB881SG36, [ 64]
Tại Malaixia, kết quả nghiên cứu năm 2005 đã tuyển chọn được được nhiều giống lúa triển vọng chịu hạn, trong đó có 3 giống được sử dụng làm dòng bố trong sản xuất lúa lai là: WAB881-10-37; IR76569-166; WAB881-10-37; IR76569-259.
Năm 1980, Trung tâm Nông nghiệp Ibaraki, Nhật Bản đã chọn tạo được giống lúa nếp cạn Sakitamochi, có khả năng chống đổ, chống chịu sâu bệnh, năng suất cao và chất lượng tốt. Năm 1991, chọn được giống Kantomochi 168 chất lượng nấu ăn nổi tiếng và chịu hạn tốt. Năm 1992, chọn được giống Kantomochi 172 cho năng suất rất cao [52]
Viện Nông nghiệp Campinas (IAC) Brazin đã tạo ra một loạt giống lúa cao cây nhưng chịu hạn tốt như: IAC1246; IAC47; IAC25. Giống IAC25 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 10 ngày so với hai giống trước và thoát được thời kỳ hạn, ở địa phương còn được biết với tên gọi là Veranico.
Trong thời gian từ 1972-1980, IRRI đã tiến hành 3839 cặp lai để chọn giống.
Trong năm 1982, có trên 4000 dòng, giống được IRRI gửi đến và thí nghiệm tại các nước với mục đích đánh giá và chọn lọc giống lúa chịu hạn. Năm 2001 bắt đầu phát triển các giống lúa chịu hạn cho Khu vực Châu Á. Những giống lúa chịu hạn đầu tiên được phát triển là: IR55423-01 và UPLRI-5 từ Philippines; dòng B6144-MR-0-6- 0-0 từ Indonesia và dòng CT6510-24-1-2 từ Colombia. Các giống này phần lớn nhận được từ phép lai giữa indica và bố mẹ Japonica nhiệt đới.
Hiện nay, trong mạng lưới khảo nghiệm các giống lúa của IRRI, hàng năm có hàng trăm dòng lúa triển vọng cho vùng khô hạn được đánh giá tại nhiều quốc gia ở Châu Á nhằm đáp ứng nhu cầu về giống lúa chịu hạn cho nông dân.
IRRI đã tạo ra thế hệ lúa đầu tiên của giống lúa có tên là "aerobic" - giống lúa có khả năng hấp thụ nhiều ôxy trong không khí và có khả năng sinh trưởng tại những vùng đất khô hạn giống như cây ngô. Thành công này của IRRI rất có ý nghĩa trong bối cảnh thời tiết khô hạn có khả năng sẽ diễn ra thường xuyên ở châu Á và tiết kiệm rất nhiều nước. Năm 2008, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) thông báo đã giải mã được bộ gen của cây lúa, qua đó đã xác định được nhiều chủng loại lúa không những có thể cho năng suất cao trong điều kiện thời tiết thuận lợi mà còn có khả năng đạt năng suất 2-3 tấn thóc/hécta trong điều kiện khô hạn (so với chỉ dưới 1 tấn ở những giống khác). [ 60]
b) Nghiên cứu về đặc trưng hình thái và sinh trưởng của lúa chịu hạn
Bashar, Chang và cộng sự (1989), nghiên cứu về di truyền tính trạng chịu hạn cho rằng: các đặc điểm của bộ rễ có liên quan đến khả năng chịu hạn ở các giống lúa cạn và lúa nương rẫy là kích thước bộ rễ lớn, số mạch dẫn trong rễ nhiều. Còn Namuco và ctv., (1993), khi nghiên cứu về tương quan giữa đường kính bộ rễ với tính chịu hạn đã kết luận: đường kính rễ lớn nhất ở các giống chịu khô và nhỏ nhất ở các giống mẫn cảm. Độ dày đặc của rễ cũng có tương quan cao với tính chống chịu hạn. Kết quả phân tích phương sai đã chỉ ra rằng công thức rễ và số mạch dẫn trực tiếp điều chỉnh áp tính chống chịu hạn. [ 53]
Hesagawa (1963) đã tổng hợp số liệu từ nhiều nguồn khác nhau và rút ra kết luận: trong giai đoạn nảy mầm, hạt lúa cạn có khuynh hướng hút nước nhanh hơn các giống lúa nước.Theo T.T.Chang và ctv., (1972), hầu hết các giống lúa cạn địa phương thường có thân to và dày, bị già cỗi nhanh chóng khi lúa chín, nên chúng dễ đổ ngã vào giai đoạn chín. Một nghiên cứu về chiều cao cây của 252 giống lúa cạn trong mùa