CHƯƠNG 2. THẾ GIỚI VẬT DƯỚI GÓC NHÌN LÝ THUYẾT PHÂN TÂM
2.1. Đôi nét về lý thuyết phân tâm học của Freud và văn học nghệ thuật
“Đặc điểm của phân tâm học, ngoài việc giải thích những bệnh tâm thần và một số sự kiện của đời sống hằng ngày, là giải thích những thực hiện trong đời sống con người như những tác phẩm nghệ thuật, những hiện tượng văn hóa và văn minh như đạo đức, tôn giáo, chính trị v.v...” [49, tr.13]. Nhận định này không phải được xây dựng trên cơ sở võ đoán mà là thông qua quá trình tồn tại và ngày càng phát triển của phân tâm học. Phân tâm học, như chúng ta đã biết, là ngành học được manh nha vào cuối thế kỷ XIX và ra đời vào đầu thế kỷ XX dưới bàn tay của người cha đẻ Simon Freud. Sau đó, phân tâm học được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh hơn khi được các học trò của Freud kế thừa và phát huy (cùng hướng hoặc khác hướng). Trong phần này, chúng tôi tập trung chủ yếu vào quan niệm của Freud.
Sigmund Freud sinh ngày 6 tháng 5 năm 1856 tại Freiberg, ở vùng Moravie, Tiệp Khắc. Năm ông bốn tuổi gia đình chuyển về Vienne sinh sống.
Jacob Freud là cha của ông, gốc người Do Thái, một thương gia về ngành dệt.
Còn mẹ ông là người vợ thứ ba của thương gia này. Từ nhỏ, Freud đã bộc lộ sự thông minh, xuất sắc của mình. Ông say mê văn học và nhạy cảm đối với ngôn ngữ. Sau khi thi đỗ tú tài, ông chọn ngành y khoa và năm 1881 ông tốt nghiệp y sĩ. Trong thời gian tập sự tại Pari, Freud được giáo sư về thần kinh học đồng thời là một bậc thầy về chứng cuồng loạn - Jean-Marie Charcot hướng dẫn. Sau khoảng thời gian thực tập ngắn ngủi, Freud tìm ra hướng đi cho đời mình, ông chủ động chuyển từ ngành thần kinh học qua ngành bệnh học tâm thần. Bằng sự
ngẫu nhiên về giấc mơ của bản thân ẩn chứa phức cảm Oedipe, ông tiến hành quá trình tự phân tích tâm lý của mình một cách có phương pháp cụ thể, rõ ràng.
Từ đó, phần nào phát hiện ra vô thức và những quy luật của nó. “Luận giải của giấc mơ” là công trình đầu tiên đánh dấu sự thành công của Freud. Năm 1902, ông thành lập Hội Tâm lý ngày thứ tư, về sau trở thành Hội phân tâm học ở Vienne.
Đỗ Lai Thúy từng khẳng định: “Về văn học nghệ thuật, Freud ít có những công trình riêng, hoàn chỉnh. Tuy nhiên, ông có nhiều nghiên cứu, phát biểu, nhận xét rải rác ở nhiều tác phẩm phân tâm học. Nếu tập hợp chúng lại với nhau, sắp xếp theo hệ thống thì có thể được một quan niệm sâu sắc, nhất quán của ông” [37, tr.21]. Sau khi đã hệ thống, chúng ta nhận thấy lý thuyết phân tâm học của Freud tập trung khai thác các đối tượng sau: vô thức, giấc mơ, những tật bất thường, vai trò quyết định của dục tính, đời sống nhục dục. Riêng đối với văn học, ông nêu lên sáu vấn đề: tác giả, vấn đề sáng tạo, độc giả, những biểu tượng cốt yếu trong những tác phẩm truyền lại, nhân vật và thể loại của các tác phẩm.
Để phục vụ trực tiếp cho phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chỉ chú ý xoay quanh quan niệm của Freud về tác giả và vấn đề sáng tạo. Về tác giả và vấn đề sáng tạo, Freud đã dày công nghiên cứu đối với nhiều đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, hai tác giả được ông đặc biệt quan tâm là Léonard de Vinci với vai trò họa sĩ, Dostoievski – người sáng tạo văn chương. Để tìm hiểu ngọn nguồn tâm lý người sáng tạo, Freud gắn liền tác phẩm với tiểu sử và khai thác triệt để những ấn tượng thời thơ ấu.
Freud đã dựa vào huyễn tưởng xảy ra trong thời thơ ấu của Léonard de Vinci để giải thích vì sao nhà danh họa bị ức chế không vẽ được trong nhiều năm và sức quyến rũ của nụ cười nàng Mona Lisa. Trong bài “Một kỷ niệm tuổi thơ”, Léonard kể: “dường như số mệnh quyết định tôi phải quan tâm rất đặc biệt đến con kền kền, bởi một trong những ký ức đầu tiên của tôi là, khi còn nằm
trong nôi, một con chim kền kền đến với tôi, dùng đuôi mở miệng tôi và nhiều lần dùng đuôi đánh vào môi tôi” [37, tr.29]. Freud kết hợp huyễn tưởng này cùng lịch sử cuộc đời Léonard de Vinci về tính tượng trưng, những yếu tố xung đột, những đồng nhất hóa và không có đồng nhất hóa. Cuối cùng nhà phân tâm học dựng lại nét chính cá tính của danh họa nổi tiếng: “sự đồng tính luyến ái vô thức gắn liền với những biến cố thời thơ ấu” [49, tr.68]. Và biến cố tác động lớn đến tâm lý của Léonard de Vinci là tính hai mặt đối với người cha cùng với tính hai mặt của người phụ nữ đã nuôi nấng ông. Khoảng năm tuổi Léonard được người mình gọi là cha nhận về làm con nuôi bởi vì ông không có con với vợ chính thức. Từ đó, ấn tượng mình là đứa con rơi đeo bám suốt cuộc đời của Léonard de Vinci. Thêm vào đó, người phụ nữ gắn liền với khoảng đời ngây dại của ông không chỉ có mẹ mà lần lượt qua sự “chuyền tay” từ mẹ, rồi đến bà ngoại, sau cùng là mẹ ghẻ. Vì thế, Freud cho rằng sức quyến rũ của nụ cười nàng Mona Lisa đối với hàng vạn người trên thế giới qua nhiều thập kỷ là nụ cười của người mẹ vắng bóng.
Về lĩnh vực văn học, Freud chọn Dostoievski và tác phẩm “Anh em nhà Karamazov” làm đối tượng nghiên cứu. Trước hết, Freud thấy được chủ đề đồng nhất giữa “Anh em nhà Karamazov” với “Oedipe làm vua” và “Hamlet”. Việc nhân vật được xây dựng trở thành kẻ giết cha ở ba tác phẩm trên, theo Freud đó là “Hành động tức sự cạnh tranh nhục dục để chiếm hữu người đàn bà” [36;
69]. Mạch ngầm ngự trị xuyên suốt trong gia đình nhà Karamazov là nỗi ám ảnh vô thức về bạo hành. Sự chồng chéo được phản ánh từ các chi tiết và nhất là kết thúc không lối thoát của tác phẩm dẫn đến mâu thuẫn gây gắt giữa phạm tội và nhận tội. Ta đồng tình với nhận định của Freud: “ai đã thực sự thực hiện cái hành vi đó, điều này không hệ trọng”. Đối với Freud thì Dostoievski là một đối tượng nghiên cứu mang bản chất bệnh hoạn. Bản chất ấy xuất phát từ những mâu thuẫn, những xung đột thầm kín và nhà văn thiên tài biến chúng thành chất liệu đặc biệt để sáng tạo. Mặt khác, Freud cho rằng huyền thoại về kẻ giết cha có
nguồn gốc sâu xa trong nền văn minh của nhân loại. Nó được các nhà sáng tạo từ văn học dân gian đến văn học viết khai thác cũng như che giấu một cách khéo léo trong tác phẩm của mình.
Như vậy, quan niệm của Freud về người sáng tạo trước hết phải gắn liền với lịch sử nội thân của họ, thứ đến là mức độ mà họ kiểm soát sự bùng phát của vô thức.
Từ ý niệm về giấc mơ tỉnh thức, Freud đưa ra lý thuyết về quá trình sáng tạo văn chương. Về phương diện này, Freud cho rằng có ba loại hoạt động gần gũi với hoạt động của nhà thơ là trò chơi, huyễn tưởng và giấc mơ.
Ý kiến của Freud trình bày trong “Sáng tạo văn học và giấc mơ tỉnh thức”
về yếu tố trò chơi được Đỗ Lai Thúy tổng kết như sau:
Freud so sánh nhà thơ như một đứa trẻ đang chơi. Đứa trẻ cũng sáng tạo ra một thế giới tưởng tượng mà nó coi là rất nghiêm túc, nhưng dẫu sao vẫn không lẫn với thế giới hiện thực. Từ đó, sáng tạo văn học cũng là lĩnh vực của huyễn tưởng, của giấc mơ tỉnh thức với tư cách là vật thay thế của trò chơi. Với Freud, những giấc mơ tỉnh thức là sự sản xuất thơ ca ở trạng thái thô nguyên. Bằng việc chế biến nó, tác giả sáng tạo ra những hoàn cảnh, những trường hợp của tiểu thuyết hoặc kịch [...] Nhà thơ phóng chiếu và cấu trúc hóa huyễn tưởng của mình thành những hình tượng văn học [37, tr.13].
Bằng “trò chơi” nghệ thuật mang tính phi thực tế, người sáng tạo đã dễ dàng biểu đạt những xúc động, những ham muốn thầm kín của mình. Vì thế, tác phẩm văn chương vừa là nơi “ký gửi” cảm xúc, vừa là nơi giải tỏa những ẩn ức. Về phần mình, “đứa con tinh thần” mang đến cho người “cha đẻ” một nguồn lạc thú vô tận.
Những ước mơ không được thỏa mãn, những khao khát biến đổi hoàn cảnh thực tế không thể thực hiện được đều cung cấp thêm sự đa dạng cho huyễn tưởng. Và huyễn tưởng trở thành một nhân tố âm thầm đeo bám và tác động đến
quá trình sáng tạo của nhà văn. Tính thuyết phục của điều này đã được Freud dẫn ra hai trường hợp điển hình là Léonard de Vinci và Dostoievski. Từ huyễn tưởng đến viết đối với người sáng tạo là cả một hành trình. Văn chương chấp nhận hai loại huyễn tưởng. Một là, loại huyễn tưởng chịu sự giám sát chặt chẽ của ý thức nên nó được tổ chức một cách tinh vi để phục vụ ý đồ mà ý thức đặt ra. Hai là, huyễn tưởng bắt nguồn từ một ước muốn vô thức và chúng giải tỏa sự kìm nén đôi khi vượt khỏi tầm cương tỏa của ý thức.
Riêng về giấc mơ, Freud sử dụng thuật ngữ khá độc đáo “giấc mơ khi tỉnh”. Liễu Trương đã tóm tắt điều này ngắn gọn như sau: “giấc mơ khi tỉnh chuyển tải một chuyện đã từng sống phức tạp và do đó lý thú, đặc biệt là để sáng tạo văn chương. Người mơ giữa ban ngày vẫn tiếp xúc với thực tế, nhưng cắt đứt phần nào với thực tế, đủ để nhập vào huyễn tưởng làm như huyễn tưởng có thật. Nếu người mơ không thấy, cũng không có ảo giác thì sự biểu hiện là một tư duy, một tư-duy-bằng-hình-ảnh” [49, tr.78].
Mặc dù, lý thuyết của Freud còn nhiều hạn chế thậm chí có khi vướng phải cực đoan. Tuy nhiên, đóng góp của ông vào việc nghiên cứu và phê bình văn học là không nhỏ. Xin mượn lời của J.Bellemin – Noel để khẳng định vai trò của phân tâm học đối với văn học và vai trò của văn học đối với đời sống con người:
Chính qua văn học mà ta thức nhận được tính người của ta, nó suy nghĩ, nói năng. Bởi lẽ, ngôn ngữ được rèn rũa trong các quan hệ thường ngày với cha mẹ, bạn bè chỉ để hành động: hỏi, trả lời, để mà sống. Đại thể là, chỉ nhờ vào một cái gì đó như văn học (dù là văn học truyền miệng trong những kỉ nguyên và những nền văn minh không chữ viết) mà con người tự vấn về bản thân mình, về số phận vũ trụ của mình, lịch sử của mình, hoạt động xã hội và tinh thần của mình.
Những quan niệm “cao quý” của con người, cái nhìn thế giới của anh ta được củng cố qua tiếp xúc với các truyền thuyết – những cái cần
phải đọc –, rồi những huyền thoại tôn giáo, những sử thi thế tục, những chuyện kể gương mẫu, truyện cổ tích, kịch, tiểu thuyết, những chuyện tâm tình xúc động, bằng văn xuôi hay văn vần [37, tr.79].
Sự tác động của văn học đến con người giải thích theo hướng phân tâm học cũng có phần chuẩn xác riêng nó. Chính sự trầm tích mà văn học đem lại, mỗi chúng ta sẽ có đời sống tinh thần phong phú, cũng như góp phần không nhỏ trong quá trình hình thành và hoàn thiện tính cách.
Chúng tôi vận dụng quan niệm của Freud về tác giả và quá trình sáng tạo văn chương để “giải mã” một số vấn đề mà tác phẩm “Phế đô” đặt ra. Giới hạn của nó chỉ gói gọn trong phạm vi các trang sách chứ chúng tôi hoàn toàn không có tham vọng tìm kiếm “chân dung” của nhà văn Giả Bình Ao.