CHƯƠNG 2. THẾ GIỚI VẬT DƯỚI GÓC NHÌN LÝ THUYẾT PHÂN TÂM
3.1. Văn học và yếu tố kỳ ảo
Thời cổ xưa, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, con người sử dụng trí tưởng tượng của mình để lý giải các hiện tượng xảy ra trong tự nhiên. Ngày nay, các thành tựu khoa học kỹ thuật vươn đến tầm cao mới tạo điều kiện chinh phục thiên nhiên, nắm bắt quy luật vận hành của tạo hóa, nhưng con người vẫn tiếp tục cho phép sự có mặt của trí tưởng tượng trong đời sống thường nhật và cả trong nghiên cứu khoa học. Bởi vũ trụ là khôn cùng, thời gian là vô tận. Ngày hôm nay chưa được cắt nghĩa hết thì ngày mai đã đặt ra những dấu chấm hỏi lớn cho quá trình sinh tồn. Và từ trí tưởng tượng cái kỳ ảo xuất hiện. Có thể nói chính cái kỳ ảo giúp con người thoát khỏi sự ẩn ức, lo sợ về những gì mình không thể hoặc chưa thể hiểu rõ.
Theo Lê Nguyên Long trong bài viết “Về khái niệm cái kì ảo và văn học kì ảo trong nghiên cứu văn học” thì:
Về mặt từ nguyên học, chữ fantastic2 (tiếng Pháp: fantastique, tiếng Latin: phantasticus), xuất hiện trong tiếng Anh Trung cổ thế kỉ 14, vốn có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp chữ phantastikos, có nghĩa là “tạo ra những hình ảnh thuộc về tinh thần”, và chữ phantazein, có nghĩa là
“xuất hiện trong tâm trí” [60].
Cơ sở tâm lý của cái kỳ ảo bắt nguồn từ sự tưởng tượng, thế giới tinh thần, nội tâm đa dạng, phức tạp của con người. Bản chất của nó không phải những gì hoàn toàn xa lạ với con người mà là cái con người cảm nhận được nhưng chưa hoặc không cắt nghĩa được. Hay nói một cách khác, cái kỳ ảo chính
2 Cái kì ảo
là sự lý giải theo cách riêng của trí tưởng tượng. Hiện tượng siêu nhiên, tâm linh kết xuất từ đặc trưng cơ bản này. Như vậy, cái kỳ ảo thuộc phạm trù nhận thức thẩm mỹ, là một góc hiện thân của tư duy trừu tượng. Trên thực tế, cái kỳ ảo hiện tồn ở nhiều mặt của cuộc sống, đồng thời là chất liệu quý báu cho các ngành nghệ thuật. Như Lê Nguyên Cẩn trong công trình “Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac” từng khẳng định: “Tồn tại trong thực tế nghệ thuật đặc thù, cái kỳ ảo tạo nên “sự đứt gãy trong chuỗi liên kết vũ trụ”, tạo ra “sự do dự, phân vân trong lòng độc giả”. Nó là quãng lặng, là sự ngắt mạch, là sự thâm nhập của cái siêu nhiên trong cuộc sống đời thường, là sự xâm lấn của yếu tố phi lôgic trong thế giới lôgic. Từ đó, nó trở thành một lăng kính thẩm xét con người và cuộc đời, trở thành một phương tiện nghệ thuật được sử dụng rộng rãi” [8, tr.26].
Trong các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật thì văn học từ bao đời nay giữ phần nào vai trò cụ thể hóa cái kỳ ảo, nghĩa là cho nó hình thù, diễn biến. Theo khảo sát, chúng ta nhận thấy rằng cái kỳ ảo và văn học có mối quan hệ mật thiết.
Điều này có nguồn gốc từ điểm tương đồng giữa chúng. Nếu cái kỳ ảo được trình bày giống như thật nhưng do bản chất của mình, nó không có thật thì văn học phản ánh như thật “hiện thực ngoài kia” nhưng cũng do bản chất nội thân, văn học không thể photocopy toàn bộ, chính xác thậm chí biến hiện thực thành chất liệu cho hư cấu.
Ở phạm vi vấn đề, chúng tôi tập trung giải quyết cái kỳ ảo với tư cách là một yếu tố. “Từ điển tiếng Việt” (1997) do Hoàng Phê chủ biên nêu khái niệm của yếu tố dưới hai góc độ: vị trí và vai trò xét trên mối quan hệ tổng thể. Về vị trí, yếu tố là “bộ phận cấu thành một sự vật, sự việc, hiện tượng”. Về vai trò, yếu tố được hiểu “như nhân tố” tức là “yếu tố cần thiết gây ra, tạo ra cái gì đó”.
Từ những ngày đầu xuất hiện, văn học đã mang trên mình thiên chức ghi nhận, chắt lọc và bảo tồn tư duy của con người. Vì thế, tìm đến văn học là hành trình tìm về nguồn cội và tìm ra bản thể của mỗi người. Trong chuyến phiêu lưu
kỳ diệu ấy, chúng ta bắt gặp sự có mặt xuyên suốt của cái kỳ ảo từ văn học văn gian đến văn học viết qua các thời đại. Và dần dần yếu tố kỳ ảo trở thành một tín hiệu nghệ thuật trong văn chương. Xuất hiện trong tác phẩm văn chương, yếu tố kỳ ảo không hề trở nên kệch cỡm mà luôn theo một logic riêng, cùng các yếu tố khác hướng đến mục đích giải quyết vấn đề mà nhà văn đặt ra. Trong một mức độ hạn hẹp, yếu tố kỳ ảo thường được hiểu là sự thể hiện các hình ảnh của thế lực siêu nhiên như thần linh, ma quỷ, thiên đường, địa ngục, cõi hư ảo,... Giới hạn này thường được văn học dân gian sử dụng thuần thục trong các thể loại đặc thù, trong đó phải kể đến thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích,... Nói như thế không có nghĩa là nền văn học viết từ chối việc kế thừa và tiếp thu hệ thống các hình ảnh siêu nhiên như vừa nêu, ngược lại đến phần mình văn học viết mở rộng hơn phạm vi của yếu tố kỳ ảo. Lúc này, yếu tố kỳ ảo hiện hữu trong những điều kỳ lạ, huyền diệu, khó hiểu ngay trên mảnh đất của cuộc đời thực.
Xét ở mức độ tổng thể tác phẩm thì yếu tố kỳ ảo là một bộ phận cấu thành đồng thời là một nhân tố quan trọng. Vì bất kỳ một nhà sáng tác nào cũng không thể đặt để tùy tiện yếu tố kỳ ảo vào “đứa con tinh thần”. Tất cả mọi thứ đều có dụng ý và được xây dựng rất công phu. Cũng như những yếu tố khác, yếu tố kỳ ảo tự thân thiết lập cho mình một hệ thống gồm cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Nếu ký hiệu ngôn ngữ dùng để gọi tên “thực thể” của yếu tố kỳ ảo như thần tiên, ma quỷ,... mang tính võ đoán thì hình ảnh và nội dung của “thực thể” ấy lại mang tính phi võ đoán. Tức là đối tượng trong thế giới phi thực luôn được phóng chiếu trực tiếp từ thế giới hiện thực, từ những hình dung, tưởng tượng có thật trong trí não con người. Ví như những mơ ước hình thành nên thiên đường, những khiếp hãi hình thành nên địa ngục. Hình tượng Thượng đế, thần thánh,...
đều mang dáng dấp của loài người nhưng được “trang bị” thêm những điều phi thường, siêu phàm như có phép thuật, biết bay,... Nếu cực dương là tập hợp muôn vàn cái tốt đẹp thì cực âm phản ánh cái kinh tởm, đáng sợ. Vì thế ma quỷ thường có hình dáng của các quái thai, sống nơi âm u, ẩm thấp. Từ đó, ta đúc rút
được rằng yếu tố kỳ ảo dù có phong phú, phức tạp đến đâu cũng vẫn nằm trong sự cương tỏa, mô hình của đời sống hiện thực. Như vậy, để tồn tại yếu tố kỳ ảo phải chuyển đổi mô hình của hiện thực thành một dạng thức khác, một mô hình khác trên trục của hệ quy chiếu.
Đến đây, ta cần phải tìm hiểu thêm về trạng thái tâm lý của người tạo ra yếu tố kỳ ảo cụ thể trong tác phẩm văn học. Sẽ có ba trường hợp như sau:
- Một là, nhà văn hoàn toàn đặt niềm tin của mình vào những điều kỳ ảo và tiến hành thao tác tái hiện lại niềm tin đó trong tác phẩm nghệ thuật ngôn từ.
- Hai là, nhà văn sử dụng yếu tố kỳ ảo như là một thủ pháp, một phương tiện để thực hiện mục đích đặt ra đồng nghĩa với việc anh ta ý thức cao độ điều mình đang miêu tả, xây dựng là một sự thật giả tạo.
- Ba là, trạng thái tâm lý nửa tin nửa ngờ. Từ đó làm nảy sinh sự nấn ná giữa hai bờ thực - ảo. Dùng thực để nói ảo và dùng ảo để lý giải những vấn đề bất khả tri hướng đến sự tổng hòa tính đa chiều, sinh động của cuộc sống.
Nhưng dù có khác nhau thế nào đi chăng nữa thì bất kỳ nhà văn nào cũng gia công, mài giũa tinh tế chất liệu mà mình sử dụng. Yếu tố kỳ ảo xác lập riêng nó nguyên tắc về tính thuyết phục, như thật. Cho nên, khuynh hướng của yếu tố kỳ ảo luôn tiến đến việc buộc người sáng tạo và cả người đọc thừa nhận sự có mặt cũng như sự thật mà nó mang lại trong suốt quá trình tham gia vào thế giới nghệ thuật.
Mặt khác, yếu tố kỳ ảo không chỉ gói gọn và đóng khung trong tác phẩm mà thông qua việc tiếp nhận của độc giả nó còn được chắp cánh thêm cho sự phong phú, đa dạng. Trong công trình “Dẫn luận về văn chương kì ảo”, tác giả Todorov cho rằng: “Cái kì ảo đó là sự lưỡng lự cảm nhận bởi một con người chỉ biết có các quy luật tự nhiên, đối diện với một hiện tượng bên ngoài mang tính siêu nhiên” [50]. Đối với văn học, ngành nghệ thuật chấp nhận và tiếp thu mọi sự lý giải, trong đó có cả sự phân tích bấp bênh, mơ hồ, chưa chạm đáy. Và yếu tố kỳ ảo có quyền hãnh diện vì tính chất nó mang theo. Bởi theo nhận định của
Todorov nếu người đọc thoát ra khỏi “sự lưỡng lự” hoặc không có “sự lưỡng lự”
thì yếu tố kỳ ảo mất đi trạng thái tồn tại. Điều này được xác định ngay từ tên gọi của đối tượng, yếu tố kỳ ảo trên thực tế phản ánh những gì không có thật hoặc nếu có thật thì rất khó để kiểm chứng, chứng minh.
Thông qua những gì vừa trình bày trên, ta nhận thấy yếu tố kỳ ảo xứng đáng với vai trò là một tín hiệu nghệ thuật, một vấn đề cần được nghiên cứu thỏa đáng. Trong phạm vi đề tài này, chúng tôi nhận thấy yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm
“Phế đô” của Giả Bình Ao, không “phủ sóng” một cách dày đặc nhưng nó tạo thành sự hấp dẫn, kết hợp với những lý giải táo bạo, độc đáo. Tác giả tập trung vào mối liên hệ giữa cuộc sống đời thường và thế giới tâm linh của con người.
Phần trên là đôi nét về lý thuyết yếu tố kỳ ảo, tiếp sau đây, chúng tôi thiết nghĩ cần điểm lại các giai đoạn phát triển của yếu tố kỳ ảo trong diễn trình văn học.
Sức sống mãnh liệt của yếu tố kỳ ảo trong diễn trình văn học nhân loại được Lê Nguyên Cẩn khẳng định như sau: “Cái kỳ ảo là một phạm trù tư duy nghệ thuật, nó được tạo ra nhờ trí tưởng tượng và được biểu hiện bằng yếu tố siêu nhiên, khác lạ, phi thường, độc đáo... Nó có mặt trong văn học dân gian, văn học viết qua các thời đại. Nó tồn tại trên trục thực - ảo, và tồn tại độc lập, không hòa tan vào các dạng khác của trí tưởng tượng” [8, tr.12]. Trong công trình “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và Gabriel Garcia Marquez”, tác giả Lê Huy Bắc đã gợi ý cho việc phân chia yếu tố kỳ ảo qua ba giai đoạn trong suốt diễn trình của nó.
Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ khoảng năm 2000 TCN và kết thúc vào cuối thế kỷ XIII (trước thời Phục Hưng). Đây là giai đoạn mà yếu tố kỳ ảo được tôn vinh và công nhận ở góc độ hiện thực. Con người dùng nó để lý giải những hiện tượng tự nhiên, xã hội và cả các vấn đề thuộc về bản thân họ. Tại thời kỳ đầu người ta đặt niềm tin tuyệt đối vào những gì mình tưởng tượng ra. Vì thế, họ không xem thần thoại là hư cấu mà là những điều có thật. Tiến thêm bước nữa,
khi truyện cổ tích xuất hiện, người ngày xưa đã ít nhiều phân chia ranh giới giữa đời sống xã hội và thế giới kỳ ảo. Song ranh giới ấy lại rất mong manh, mạch chủ lưu vẫn là mối “giao hảo”, gắn bó mật thiết của nhân gian và các thế giới khác. Cho nên, việc con người lên trời, xuống địa ngục hay ông Bụt luôn xuất hiện giúp đỡ người ăn hiền ở lành,... là vô cùng bình thường.
Giai đoạn thứ hai, từ thế kỷ XIV với phong trào Phục Hưng đến hết thế kỷ XIX. Sự ra đời của phong trào Phục Hưng đã củng cố đồng thời nhấn mạnh niềm tin vào con người, tôn vinh con người ở vị thế tối cao. Bởi sự lên ngôi của lý trí nên yếu tố kỳ ảo được lý giải theo một hướng khác hoàn toàn so với giai đoạn trước đó. Không ít nhà văn sử dụng yếu tố kỳ ảo như một phương tiện để khắc sâu hơn thế giới hiện thực. Quan hệ nhân quả được áp dụng rộng khắp.
Nhưng, điều đáng chú ý là song song đó tồn tại với số lượng không nhỏ các tác phẩm đặt ra vấn đề về việc nhận thức đúng đắn cái kỳ ảo. Sau thời gian say sưa với lý trí, nhân loại nhận ra còn rất nhiều điều trong cuộc sống mà lý trí chưa đủ sức giải quyết ngay được nên nhiều người rơi vào trạng thái hoang mang. Chính lúc này, yếu tố kỳ ảo lại là một trong những nhân tố gây nên sự sợ hãi, do dự cho người đọc.
Giai đoạn ba, từ thế kỷ XX đến nay. Đây là thời đại của sự hoài nghi, đặc biệt là khi chủ nghĩa hậu hiện đại ra đời. Lúc bấy giờ, người ta hoài nghi tất cả:
hoài nghi xung quanh và hoài nghi chính bản thân mình. Yếu tố kỳ ảo tiến hành cuộc “xâm thực” vào hiện thực. Hiểu một cách nôm na là bản thân hiện thực cũng mang tính kỳ ảo. Điều này xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại trong đời sống con người. Có những thứ quyền lực “thực” nhưng lạ lùng, quái đản nè nặng lên quyền sống chính đáng của từng cá nhân trong xã hội như: nạn độc tài, quan liêu, tham nhũng,... Nếu yếu tố kỳ ảo trước kia đóng vai trò lý giải thì giờ đây nó được đem ra lý giải thậm chí trở thành cái để giễu nhại, lên án. Nó phục vụ đắc lực cho việc tri nhận đối tượng một cách đa diện hơn.
Tóm lại, yếu tố kỳ ảo là một nhân tố quan trọng và tồn tại trong suốt diễn trình văn học. Dù ở mỗi thời kỳ, vai trò và vị trí có khác nhau nhưng chưa giai đoạn văn học nào khước từ sự góp mặt của nó. Văn học là môi trường sinh tồn tuyệt vời của yếu tố kỳ ảo thì về phần mình yếu tố kỳ ảo giúp văn học thêm sự đa diện, đa hình, đa chất liệu. Yếu tố kỳ ảo là một trong những chất xúc tác cũng như là chất kết dính giữa các tình tiết trong tác phẩm dưới ngòi bút thiên tài của nhà văn. Thực tế cho chúng ta thấy rằng, yếu tố kỳ ảo không có mặt ở tất cả các tác phẩm văn học mà nó chỉ xuất hiện khi tác giả thật sự cần để cài đặt hàm ý.