1.1 CƠ SỞ DI TRUYỀN ỨNG DỤNG TRONG CHỌN GIỐNG VỊT
1.1.3 Chỉ số chọn lọc dựa trên giá trị giống
Chọn lọc theo chỉ số là phương pháp chọn lọc cho nhiều tính trạng, mỗi tính trạng được xác định bằng một giá trị tuỳ theo đặc điểm di truyền, giá trị kinh tế và mối tương quan giữa chúng, tất cả các tính trạng đó được tích hợp vào một chỉ số. Căn cứ vào chỉ số để chọn lọc những cá thể có chỉ số cao nhất và những cá thể có chỉ số thấp sẽ bị loại thải. Phương pháp chọn lọc theo chỉ số được chia làm 2 phương pháp. Đó là chỉ số chọn lọc theo giá trị kiểu hình và chỉ số chọn lọc theo giá trị kiểu gene. Chỉ số chọn lọc theo giá trị kiểu hình được xây dựng dựa trên thông tin kiểu hình của các tính trạng vật nuôi. Chỉ số chọn lọc theo giá trị kiểu gene được xây dựng kết hợp giữa giá trị gây giống được ước lượng theo phương pháp BLUP và giá trị kinh tế của các tính trạng cần chọn lọc.
Trên thế giới một số tác giả đã áp dụng chỉ số chọn lọc trong chọn lọc cải tiến nâng cao năng suất các tính trạng sản xuất trên vịt:
Cheng và cs. (1996) đã áp dụng chọn lọc bằng chỉ số đối với vịt đẻ Brown Tsaiya tại Đài Loan qua 5 thế hệ. Phương trình chỉ số chọn lọc có dạng:
I = 0,099.EW40 – 0,00277.BW40 + 0,026.NEGG52
(EW40 và BW40 là khối lượng trứng và khối lượng cơ thể ở 40 tuần tuổi, NEGG52 là số lượng trứng đẻ ra tính đến 52 tuần tuổi)
Tác giả đã chọn lọc kết hợp chỉ số I và giá trị kiểu hình tính trạng độ chịu lực của vỏ trứng ở 30 tuần tuổi (ES30) hoặc ở 40 tuần tuổi (ES40) tùy từng thế hệ. Kết quả trung bình đáp ứng chọn lọc cho mỗi thế hệ đối với 5 tính trạng EW40, BW40, NEGG52, ES30 và ES40 tương ứng đạt 0,177 g, 8,029 g, 0,935 quả, 0,017 kg/cm2 và 0,014 kg/cm2.
Cũng sử dụng phương pháp xây dựng chỉ số chọn lọc tương tự của Cheng (1996), Chen và cs. (2003) lập được bảng tính toán các hệ số tương ứng với bốn tính trạng đó là khối lượng trứng 40 tuần tuổi, khối lượng cơ thể ở 40 tuần tuổi, độ chịu lực của vỏ trứng ở 40 tuần tuổi và năng suất trứng 52 tuần tuổi trên vịt Brown Tsaiya cho từng tính biệt từng thế hệ để áp dụng chọn lọc. Kết quả trung bình đáp ứng di truyền cho mỗi thế hệ trong nghiên cứu này là +0,05 g đối với khối lượng trứng 40 tuần tuổi, +0,92 g đối với khối lượng cơ thể 40 tuần tuổi, +0,035 kg/cm2 đối với độ chịu lực của vỏ trứng ở 40 tuần tuổi và +2,13 quả trứng đối với năng suất trứng 52 tuần tuổi.
Hu và cs. (2006), đã tiến hành chọn lọc ngan qua 15 thế hệ chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn đầu từ thế hệ 0 đến thế hệ 7 chọn lọc dựa trên giá trị kiểu hình, giai đoạn 2 từ thế hệ 8 đến thế hệ 13 chọn lọc dựa trên giá trị di truyền cộng gộp và giai đoạn 3 từ thế hệ 13 đến thế hệ 14 chọn lọc theo chỉ số. Chỉ số chọn lọc được xác định trên cơ sở 2 tính trạng năng suất trứng 40 tuần tuổi và khối lượng cơ thể 10 tuần tuổi.
I = a0GNEGG40 + a1GBW10
(GNEGG40 là giá trị giống của năng suất trứng 40 tuần tuổi, GBW10 là giá trị giống của khối lượng cơ thể 10 tuần tuổi)
Nhóm tác giả đã tính toán các hệ số kinh tế của chỉ số chọn lọc dựa trên lý thuyết của Rouvier (1969, 1977) và Mallard (1972), giá trị giống của các tính trạng được ước lượng theo mô hình thú đa tính trạng với phần mềm PEST của Groeneveld (1990).
Năm 2007, Cheng và cs. áp dụng chỉ số để chọn lọc 4 tính trạng của vịt Brown Tsaiya đó là khối lượng trứng 40 tuần tuổi, khối lượng cơ thể 40 tuần tuổi, độ chịu lực vỏ trứng 40 tuần tuổi và năng suất trứng 52 tuần tuổi. Chỉ số có dạng:
I=a0.GEW40(g)+a1.GBW40(g)+a2.GES40(kg/cm2)+a3.GEN52(quả)
Trong đó: GEW40, GBW40, GES40 và GEN52 lần lượt là giá trị giống ước lượng bằng BLUP tương ứng với bốn tính trạng khối lượng trứng 40 tuần tuổi, khối lượng cơ thể 40 tuần tuổi, độ chịu lực vỏ trứng 40 tuần tuổi và năng suất trứng 52 tuần tuổi. Các hệ số a0, a1, a2 và a3 là các hệ số kinh tế.
Tại Việt Nam, chưa có nhiều báo cáo về áp dụng chỉ số chọn lọc theo giá trị giống đối với gia cầm. Ở trên gà mới chỉ ghi nhận kết quả xây dựng chỉ số chọn lọc trong nghiên cứu chọn lọc tạo dòng gà ác của Trịnh Công Thành và Trần Thị Ninh (2008). Nhóm tác giả đã tiến hành xây dựng chỉ số chọn lọc riêng biệt cho từng dòng gà để tiến hành chọn lọc. Công thức của chỉ số chọn lọc có dạng:
CS.CLCS.ST = 0,672.EBVSLT – 0,121.EBVNT CS.CLCS.SS = 0,672.EBVSLT – 0,121.EBVAN Trong đó:
CS.CLCS.ST: Chỉ số chọn lọc dòng trống CS.CLCS.SS: Chỉ số chọn lọc dòng mái EBVSLT: Giá trị giống của sản lượng trứng EBVNT: Giá trị giống của ngày tuổi gà đạt 200 g EBVAN: Giá trị giống của tính trạng ấp nở
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp kế toán để tính toán giá trị hệ số kinh tế của các tính trạng chọn lọc. Việc áp dụng chỉ số chọn lọc đã góp phần nâng cao khả năng sinh trưởng và khả năng đẻ trứng của các dòng gà ác nuôi tại công ty gia cầm Thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ số chọn lọc áp dụng trên vịt mới được báo cáo gần đây đó là của Phạm Văn Chung và cs. (2018), đã chọn tạo thành công hai dòng vịt chuyên thịt TS132 (dòng trống) và TS142 (dòng mái) có độ dày thịt ức cao. Chỉ số chọn lọc được xây dựng riêng cho dòng trống (Im) và dòng mái(If).
Im = 0,037.EBV1 + 3,82.EBV2
If = 0,037.EBV1 + 3,82.EBV2 + 7,45.EBV3
Trong đó, EBV1, EBV2, EBV3 là giá trị giống ba tính trạng tương ứng khối lượng cơ thể 7 tuần tuổi, dày ức 7 tuần tuổi và năng suất trứng 42 tuần tuổi. Đối với dòng TS132, tiến bộ di truyền đạt được ở tính trạng khối lượng cơ thể và dày cơ ức 7 tuần tuổi lần lượt là 70,37 g/thế hệ và 0,47 mm/thế hệ đối với vịt trống; 74,95 g/thế hệ và 0,48 mm/thế hệ đối với vịt mái. Đối với dòng TS142, năng suất trứng, tiến bộ di truyền đạt được tính trạng dày ức 7 tuần tuổi và năng suất trứng đến 42 tuần đẻ lần lượt là 0,69 mm và 1,17 quả/thế hệ.
Một nghiên cứu khác vừa được báo cáo của Lê thanh Hải và cs. (2020b), nghiên cứu đã áp dụng chỉ số chọn tạo thành công hai dòng vịt Biển VB3 (dòng trống) và VB4 (dòng mái) phục vụ sản xuất cho các vùng bị xâm ngập mặn. Nhóm tác giả đã áp dụng chỉ số cho ba tính trạng gồm khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi, năng suất trứng 20 tuần đẻ và khối lượng trứng trung bình 19 - 20 tuần đẻ. Chỉ số cho dòng trống và dòng mái có dạng:
SI = 100 + 0,038.EBV1 + 5,922.EBV2
MI = 100 + 0,038.EBV1 + 5,922.EBV2 + 5,206.EBV3
Trong đó, SI là chỉ số chọn lọc của dòng trống; MI là chỉ số chọn lọc của dòng mái; EBV1 là giá trị giống của khối lượng cơ thể 7 tuần tuổi với dòng trống và 8 tuần tuổi với dòng mái; EBV2 là giá trị giống của năng suất trứng 20 tuần đẻ; EBV3 là giá trị giống của khối lượng trứng trung bình 19 - 20 tuần đẻ. Kết quả tiến bộ di truyền của hai tính trạng dòng trống VB3 tương ứng đạt bình quân qua mỗi thế hệ là 43,46 g và 0,45. Tiến bộ di truyền dòng mái VB4 tương ứng đạt bình quân qua mỗi thế hệ là 17,65 g; 0,77 quả và 0,52 g.
Tóm lại, nghiên cứu áp dụng chỉ số chọn lọc cải tiến di truyền các tính trạng sản xuất của vịt ở trong nước vẫn còn rất mới. Đây là phương pháp khoa học, hiện đại và
chính xác, nhưng đòi hỏi phải tốn nhân lực, có hệ thống chuồng trại đánh giá năng suất cá thể, quản lý theo phả hệ, có công cụ và thiết bị phân tích di truyền và đặc biệt nhân lực làm công tác di truyền chọn giống. Tuy nhiên, với mục tiêu chất lượng con giống đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, hiện nay các cơ sở giống trong nước đang bắt đầu áp dụng phương pháp chọn lọc chỉ số trong chương trình giống của đơn vị mình và trong thời gian tới sẽ có nhiều kết quả nghiên cứu áp dụng chọn lọc theo chỉ số để cải tiến các tính trạng năng suất trên vịt.