1.2 MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÁC TÍNH TRẠNG NĂNG SUẤT CHỦ YẾU Ở VỊT CHUYÊN THỊT
1.2.2 Ảnh hưởng của tính biệt
Nhiều kết quả nghiên cứu trên vịt chuyên thịt đã cho thấy tính biệt có ảnh hưởng rõ rệt đến các tính trạng sinh trưởng. Hoàng Thị Lan và cs. (2001) khảo sát sinh trưởng dòng vịt T5 cho biết, vịt trống nuôi 7 tuần tuổi đạt 2879 g, còn vịt mái đạt 2669 g.Kết quả của Dương Xuân Tuyển và cs. (2006a) trên dòng vịt trống V2, khối lượng 7 tuần tuổi con trống là 3270 g, con mái là 3110 g. Một nghiên cứu khác của Dương Xuân Tuyển và cs. (2015) cho thấy, khối lượng vịt trống cao hơn vịt mái và sự khác biệt phụ thuộc lớn vào độ tuổi, dòng vịt V22 khối lượng vịt 7 tuần tuổi nuôi ăn tự do con trống đạt 3429,18 g cao hơn vịt mái 157,96 g, trong khi chênh khối lượng vịt vào đẻ là 436 g. Sự ảnh hưởng của tính biệt có lẽ liên quan đến gen liên kết tính biệt, nội tiết, sự thu nhận thức ăn… Đây cũng là cơ sở trong xây dựng quy trình nuôi dưỡng vịt sinh sản, trong đó vịt trống và vịt mái được nuôi dưỡng theo các định mức ăn với tiêu chuẩn khối lượng khác nhau theo từng tuần tuổi. Sự khác biệt về thu nhận thức ăn và khối lượng được thấy rõ trong nghiên cứu xây quy trình chăn nuôi vịt bố mẹ VSM2227 của nhóm tác giả Lê Thanh Hải và cs. (2019a), lượng thức ăn nuôi vịt trống
tính đến 22 tuần tuổi ở vịt trống là 24.094 g cao hơn ở vịt mái 17,15%, chênh lệch khối lượng giữa vịt trống và vịt mái ở tuần tuổi 22 là 19,74%.
Các kết quả nghiên cứu trong nước và trên thế giới cho thấy, có sự khác nhau về sự ảnh hưởng của tính biệt đến những tính trạng liên quan đến thành phần thân thịt của vịt. Retailleau (1999) cho biết tỷ lệ thân thịt vịt nuôi 7 tuần tuổi con trống đạt 64,67%, con mái đạt 65,05%; kết quả của Golze và Pingel (2003), tỷ lệ thân thịt (bỏ cổ) vịt giết mổ lúc 9 tuần tuổi con trống đạt 62,8%, con mái đạt 63,6%, tỷ lệ cổ vịt trống và mái tương ứng là 5,4% và 5,2%; Isguzar và Testik (2003) vịt trống đạt 68,8% vịt mái đạt 68,1%. Kosba và cs. (1981), Lương Tất Nhợ và cs. (1994), Dương Xuân Tuyển (1998), Golze và Pingel (2003), Lê Thanh Hải (2012) cho biết vịt mái có tỷ lệ thân thịt cao hơn vịt trống. Lê Thanh Hải (2012), khảo sát tỷ lệ thịt ức vịt V12, V2, V2517 và V12517 ở 7 tuần tuổi cho biết, ở tất cả các nhóm vịt khảo sát đều cho thấy vịt mái có tỷ lệ thịt ức cao hơn so với vịt trống, mức chênh lệch 3,67 – 5,21%. Dương Xuân Tuyển (1998) và Phùng Đức Tiến và cs. (2008) cũng cho thấy quy luật này khi khảo sát vịt chuyên thịt ở 7 tuần tuổi. Một số tác giả trên thế giới cũng đã báo cáo kết quả khảo sát của vịt Bắc Kinh. Tỷ lệ cơ ức vịt Bắc Kinh 7 tuần tuổi 12,0% (Crawford, 1990), 18,1% (Pingel và cs., 2013). Witkiewicz và cs. (2004) khảo sát thành phần thân thịt và cấu trúc cơ của các dòng vịt Bắc Kinh A44, P66, P33 và K2 tại Ba Lan, kết quả tỷ lệ cơ ức trống, mái ở 7 tuần tuổi của dòng A44 tương ứng là 14,2%, 15,0%; của dòng P66 tương ứng là 11,9%, 12,4%, của dòng P33 tương ứng là 13,0%, 12,6%; của dòng K2 tương ứng là 13,4%, 14,2%. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của tính biệt đến khối lượng cơ thể cũng như khối lượng thân thịt và các thành phần thân thịt ở một số loài gia cầm đã được báo cáo bởi nhiều tác giả khác (Mignon-Grasteau và cs., 1998; Le Bihan-Duval và cs., 1998;
Zerehdaran và cs., 2007).
Như vậy, nhiều nghiên cứu đều cho thấy có sự ảnh hưởng của tính biệt đến các tính trạng sinh trưởng và tính trạng thành phần thân thịt của vịt. Do đó, ảnh hưởng của tính biệt đối với các tính trạng này cần được quan tâm trong mô hình phân tích thống kê di truyền.
1.2.3 Ảnh hưởng của con mẹ
Ảnh hưởng của mẹ đối với kiểu hình của đời con là do sự khác nhau về di truyền, về ngoại cảnh, hoặc sự phối hợp khác nhau giữa di truyền và ngoại cảnh của những cá thể mẹ khác nhau gây ra. Ảnh hưởng của mẹ có thể chỉ xuất hiện tức thời, song cũng có thể kéo dài suốt đời sống của cá thể và được chi phối bởi những cơ chế sinh học khác nhau. Ở động vật có vú ảnh hưởng của mẹ trong phân tích di truyền rất được quan tâm, nó bao gồm các ảnh hưởng của mẹ trong quá trình mang thai, tiết sữa, khả năng nuôi con, ảnh hưởng di truyền ngoài nhân (nguyên sinh chất của trứng). Đối với gia cầm, con mẹ không ấp trứng, không nuôi con, sự ảnh hưởng chủ yếu của phần gen ở nguyên sinh chất của trứng ảnh hưởng đến đời con (Lê Thanh Hải và cs., 2020), do đó mức độ ảnh hưởng của mẹ đến năng suất của đời con sẽ thấp hơn so với động vật có vú. Một số tác giả cũng đã phân tích ảnh hưởng của mẹ đến tính trạng năng suất của gia cầm. Mignon-Grasteau và cs. (1998) đã ước tính phương sai di truyền trực tiếp và của mẹ đối với tính trạng khối lượng cơ thể ngan trống và ngan mái. Szwaczkowski và cs. (2010), cho biết hệ số di truyền từ ảnh hưởng của mẹ đến 4 tính trạng khối lượng cơ thể ở 3 tuần tuổi, 7 tuần tuổi, độ dài xương ức và độ dày cơ ức ở 7 tuần tuổi của vịt nằm trong khoảng 0,048 – 0,157, độ lớn của hệ số di truyền tùy thuộc tính trạng và mô hình thống kê sử dụng, kết quả này cho thấy sự cần thiết phân tích ảnh hưởng của mẹ trong đánh giá di truyền của vịt. Dương Xuân Tuyển và cs. (2014) cho biết, ở vịt chuyên thịt dòng mái có sự ảnh hưởng nhiều của con mẹ đến tính trạng năng suất trứng (hệ số di truyền theo ảnh hưởng của mẹ h2 = 0,211). Lê Thanh Hải và cs.
(2020a) cũng cho thấy, có sự ảnh hưởng của mẹ đến tính trạng khối lượng cơ thể, dài thân và rộng ngực ở dòng vịt chuyên thịt V22, phương sai di truyền ảnh hưởng của mẹ của khối lượng cơ thể, dài thân và vòng ngực chiếm tỷ lệ lần lượt là 3,04%, 1,54% và 2,59% so với phương sai kiểu hình, kết quả nghiên cứu này mức độ ảnh hưởng của con mẹ là có nhưng không lớn. Grosso và cs. (2010) báo cáo rằng, đối với một số tính trạng thân thịt, khả năng di truyền của mẹ không vượt quá 10% khả năng di truyền trực tiếp.
Như vậy, khi phân tích thống kê di truyền ở gia cầm, có thể cần xem xét bao gồm hoặc không bao gồm ảnh hưởng của mẹ trong mô hình thống kê. Lựa chọn này
tùy thuộc từng tính trạng hay cơ sở dữ liệu, nhưng nếu bỏ qua các ảnh hưởng di truyền của mẹ trong trường hợp ảnh hưởng này là đáng kể, sẽ dẫn đến sai lầm vì sự đánh giá quá cao về khả năng di truyền trực tiếp (Clement và cs., 2001).