3.3.7.1. Chọn giống:
Chọn giống: Giống phải là khâu rất quan trọng trong khi tiến hành thí nghiệm. Do đó cần chuẩn bị giống cẩn thận, chu đáo trước khi tiến hành gieo. Công việc chuẩn bị sau:
- Phơi lại giống trước khi tiến hành gieo cho dù giống này được cất giữ cẩn thận. Do đã qua thời gian bảo quản dễ bị ẩm nên ta phơi lại để tăng sức hút nước trong hạt, đồng thời kích thích sự hoạt động của các enzyme chuyển hoá trong quá trình nảy mầm.
- Chọn giống: Chọn những hạt to, mẩy, vỏ lụa sáng, không chọn những hạt bị xây xát cơ giới, tróc vỏ lụa...
- Trước khi gieo phải thử tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ này phải đạt 80% trở lên mới đem gieo.
3.3.7.2. Làm đất, lên luống:
- Làm đất: Lạc là cây trồng cạn, đòi hỏi đất trong suốt thời gian sinh trưởng phải luôn tơi xốp để bộ rễ phát triển tốt, nốt sần có thể hình thành và các tia quả đâm xuống đất dễ dàng, quá trình hình thành quả được thuận lợi
và dễ nhổ khi thu hoạch. Vì vậy để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển thuận lợi thì trong quá trình làm đất cần tiến hành: làm đất tơi xốp, đủ ẩm, dọn sạch cỏ dại trước khi gieo hạt.
- Lên luống: sau đó chia ô, đánh rãnh, lên luống theo diện tích ô thí nghiệm. Lên luống cao 25 - 30cm, mặt luống rộng 1,2m dài 4,2m, rãnh rộng 25cm, mặt luống bằng phẳng nhằm đảm bảo giữ ẩm và thoát nước tốt.
3.3.7.3. Mật độ khoảng cách:
Hạt giống được gieo thẳng hàng, đảm bảo: mật độ 33 cây/m2, khoảng cách: 30cm x 10cm x 1(hạt) (hàng cách hàng 30cm, cây cách cây 10cm và gieo 1 hạt).
3.3.7.4. Phân bón và kỹ thuật bón phân:
- Bón lót: 100% P2O5 + 100% Vôi - Bón thúc: được chia làm 2 lần: + Thúc lần 1: 2/3 N + 1/2 K2O
Bón vào giai đoạn 3 – 4 lá thật, kết hợp xới xáo, làm sạch cỏ dại, bón xa gốc 10 cm, không vun vào gốc. Ở thời kỳ này cây đã sử dụng hết chất dinh dưỡng trong hạt, bộ rễ mới chỉ phát triển hoàn chỉnh có đủ rễ chính, rễ phụ và nốt sần nhưng bộ rễ hoạt động còn yếu. Đặc biệt là giai đoạn này vi khuẩn nốt sần đang xâm nhập và hình thành nhưng chưa có khả năng cố định đạm, chúng lấy dinh dưỡng từ cây và thời kỳ này là thời kỳ khủng hoảng dinh dưỡng, đặc biệt là dinh dưỡng đạm do sử dụng hết nguồn dinh dưỡng trong hạt do vậy bón phân trong thời kỳ này nhằm cung cấp cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lạc và tạo điều kiện cho vi khuẩn nốt sần phát triển sớm.
+ Thúc lần 2: 1/3N + 1/2 K2O
Bón sau khi tàn lứa hoa đầu, kết hợp làm cỏ xới xáo và vun gốc cao 5 cm nhằm tạo điều kiện cho tia lạc dễ dàng đâm vào đất. Bón phân lúc này nhằm cung cấp dinh dưỡng cho quá trình ra hoa đâm tia và hình thành quả tốt.
3.3.7.5. Chăm sóc:
- Tỉa dặm: Khi lạc được một lá thật thì tiến hành tỉa dặm để đảm bảo mật độ và điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi.
+ Đợt 1: Khi cây có 3 – 4 lá thật, tiến hành xới xáo, làm cỏ tiến hành bón thúc lần 1, xới xáo trên toàn bộ mặt luống, nhẹ tay, xới sâu 2 – 3 cm xa gốc, không vun vào gốc.
+ Đợt 2: Trùng với đợt bón thúc lần 2, sau khi lạc tàn lứa hoa đầu kết hợp xới xáo sâu 5 – 7 cm làm cỏ vun gốc là tạo điều kiện bóng tối, tạo điều kiện cho tia lạc đâm xuống đất dễ dàng và tia lạc sẽ phát triển hình thành quả.
3.3.7.6. Phòng trừ sâu bệnh:
Thường xuyên theo dõi bệnh trên ruộng thí nghiệm, nếu phát hiện thấy bệnh héo rũ thì nhổ bỏ, bắt sâu xám, sâu xanh vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối và dùng thuốc bảo vệ thực vật khi sâu bệnh hại đến ngưỡng phòng trừ.
3.3.7.7. Thu hoạch:
Lạc được thu hoạch khi số quả già chiếm 85% cây (quả có gân rõ, mặt trong vỏ quả có màu nâu đen, vỏ lụa có màu sắc đặc trưng của giống).