CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
Hình 3.1. Bản đồ địa chính tỉnh Quảng Nam 3.1.1.1. Vị trí địa lý, địa hình
Quảng Nam nằm ở miền Trung của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 860 km về phía Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 865 km về phía Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, phía tây giáp tỉnh Sekong (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), phía Đông giáp biển Đông. Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 15 huyện với 247 xã/phường/thị trấn. Tỉnh lị đặt tại thành phố Tam Kỳ.
Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 10.438 km2. Địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và chia làm 3 vùng: vùng núi phía Tây, trung du ở giữa và đồng bằng ven biển phía Đông.
Vùng đồi núi chiếm 72% diện tích tự nhiên với nhiều ngọn cao trên 2.000m như núi Lum Heo cao 2.045m, núi Tion cao 2.032m, núi Gole - Lang cao 1.855m (huyện Phước Sơn).
- Vùng đồng bằng nhỏ, hẹp thuộc hạ lưu các sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ, được phù sa bồi đắp hàng năm, nhân dân có truyền thống thâm canh lúa nước và cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm.
- Vùng ven biển đa phần là đất cát, sản xuất chủ yếu là hoa màu, trồng rừng chống cát bay, nuôi trồng và đánh bắt hải sản...Trong quá trình công nghiệp hoá thì vùng này có lợi thế về mặt bằng xây dựng thuận lợi, gần các sân bay, bến cảng, các hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và lưới điện quốc gia.
- Vùng Trung du với độ cao trung bình 100m, địa hình đồi bát úp xen kẽ các dải đồng bằng, thuộc miền Tây các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn...
Nhân dân có truyền thống trồng lúa, màu, cây công nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng, khai thác khoáng sản nhỏ. Đây còn là vùng có sự đa dạng về khoáng sản như: vàng và vàng sa khoáng đã và đang được khai thác ở Bồng Miêu, Du Hiệp, Trà Dương, Dốc Kiền với sản lượng có thể khai thác hàng trăm kg/năm, than đá ở Nông Sơn, Ngọc Kinh, An Điềm trữ lượng trên 10 triệu tấn. Ngoài ra còn có các nguồn phi khoáng phục vụ cho phát triển vật liệu xây dựng.
- Vùng miền núi gồm 08 huyện phía Tây của tỉnh, Núi Ngọc Linh cao 2.598m nằm giữa ranh giới Quảng Nam, Kon Tum là đỉnh núi cao nhất của dãy Trường Sơn.
Ngoài ra, vùng ven biển phía đông sông Trường Giang là dài cồn cát chạy dài từ Điện Ngọc, Điện Bàn đến Tam Quang, Núi Thành. Bề mặt địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi khá phát triển gồm sông Thu Bồn, sông Tam Kỳ và sông Trường Giang. Là vùng núi cao, đầu nguồn các lưu vực sông, nơi cư trú của đồng bào các dân tộc ít người. Nhân dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông lâm nghiệp với phương thức canh tác lạc hậu. Thế mạnh của vùng là rừng, cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi đại gia súc. Vùng có các khu rừng đặc sản như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, Phước Sơn, có những khu vực đất đai thuận lợi cho phát triển cây cao su (Hiệp Đức), tiêu (Tiên Phước) và các cây công nghiệp dài ngày khác tạo điều kiện để hình thành các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm.
3.1.1.2. Đặc điểm khí hậu thủy văn
Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chỉ có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô, chịu ảnh hưởng của mùa đông lạnh miền Bắc. Nhiệt độ trung bình năm 25,60C, mùa đông nhiệt độ vùng đồng bằng có thể xuống dưới 120C và nhiệt độ vùng núi thậm chí còn thấp hơn.
- Gió bão, lũ lụt
Gió thịnh hành theo hai hướng gió mùa đông bắc và đông nam. Tháng 6, 7 có gió tây nam khô nóng.
Bão thường xuất hiện vào tháng 9-12, tốc độ gió có khi đạt > 30m/s. Mùa mưa trùng với mùa bão, nên các cơn bão đổ vào Miền Trung thường gây ra lở đất, lũ quét ở các huyện trung du miền núi và gây ngập lũ ở các vùng ven sông.
- Thủy văn
Hệ thống sông ngòi nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam có tổng chiều dài khoảng 941 km, bao gồm các hệ thống sông chính như sông Thu Bồn, sông Vu Gia và sông Tam Kỳ.
Do địa hình đồi dốc và lượng mưa lớn nên mạng lưới sông ngòi của tỉnh Quảng Nam khá dày đặc. Mật độ sông ngòi trung bình là 0.47 km/km2 cho hệ thống VGTB và 0.6 km/km2 cho các hệ thống sông khác.
Tài nguyên nước phong phú là tiền đề để phát triển thủy điện trên địa bàn. Tính đến 2015, trên địa bàn Quảng Nam có 8 dự án thủy điện có công suất lớn (trên 100 MW) và 35 thủy điện có công suất nhỏ. Nhiều nhà máy thủy điện công suất lớn như Sông Tranh 2, Dak Mi 4, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Kôn 2...đã và đang được xây dựng góp phần cung cấp điện cho nhu cầu ngày càng tăng của cả nước.
3.1.1.3. Tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên đất: Theo số liệu thống kê, kiểm kê đất đai vào ngày 01/01/2010, trong tổng diện tích tự nhiên 1.043.837 ha, diện tích đất nông nghiệp chiếm 798.790 ha, diện tích đất phi nông nghiệp là 87.765 ha và diện tích đất chưa sử dụng là 157.281 ha.
Các loại đất được hình thành từ chín loại đất khác nhau gồm cồn cát và đất cát ven biển, đất phù sa sông, đất phù sa biển, đất xám bạc màu, đất đỏ vàng, đất thung lũng, đất bạc màu xói mòn trơ sỏi đá... Nhóm đất phù sa ven sông là nhóm đất quan trọng nhất trong phát triển cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày.
Nhóm đất đỏ vàng vùng đồi núi thuận lợi cho trồng rừng, cây công nghiệp và cây ăn quả dài ngày. Nhóm đất cát ven biển đang được khai thác cho mục đích nuôi trồng thủy sản.
- Nhóm đất đỏ vàng
Diện tích nhóm đất đỏ vàng là 796.504 ha, chiếm 76,31% tổng diện tích tự nhiên.
Phân bố hầu hết các vùng đồi núi trong địa bàn tỉnh, phổ biến ở các vùng trung du và miền núi như: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Bắc 9 Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn, Quế Sơn, Đại Lộc…và rải rác các gò đồi ở đồng bằng.
Nhìn chung đất đỏ vàng phân bố ở địa hình cao, do vậy thường chịu tác động của xói mòn, rửa trôi. Đất thường chua, độ no bazơ thấp, khả năng hấp thụ không cao, khoáng sét chủ yếu là Kaolinit, axit mùn chủ yếu là Fulvic, chất dễ hoà tan bị rửa trôi, có quá trình tích luỹ Fe, Al. Đặc điểm chung của nhóm đất đỏ vàng là phản ánh rõ tính chất đất của miền nhiệt đới ẩm, biểu hiện đặc trưng của quá trình Feralit. Đất hình thành tại chỗ trên các sản phẩm phong hoá của đá macma và đá biến chất. Đất có màu sắc đỏ vàng đến vàng đỏ.
- Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi
Có diện tích 93.299 ha chiếm 8,94% tổng diện tích tự nhiên. Nhóm đất này nằm ở vùng núi có độ cao 700 đến 2000 m nơi có khí hậu lạnh và ẩm hơn vùng dưới. Tầng đất thường mỏng khoảng 120-150 cm. Hàm lượng mùn trong đất khá cao (>5%), đất thường có màu vàng, có phản ứng chua, mức độ bão hoà bazơ thấp.
Bảng 3.1. Diện tích các nhóm đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
(Nguồn : Số liệu thống kê tỉnh Quảng Nam, năm 2010) - Nhóm đất phù sa (P)
Nhóm đất phù sa có diện tích 50.738 ha chiếm 4,86% tổng diện tích, phân bố chủ yếu ở vùng hạ lưu ven các sông thuộc các huyện đồng bằng. Đất được hình thành do quá trình bào mòn rửa trôi ở thượng nguồn, cuốn trôi theo các dòng chảy và lắng tụ ở hạ lưu sông. Thành phần cơ giới chủ yếu là thịt nhẹ đến trung bình, tầng dày thường 50-70 cm.
Nhóm đất phù sa rất thích hợp cho các loại cây trồng, hiện đang được khai thác hầu hết vào mục đích sản xuất nông nghiệp, các loại cây trồng đều sinh trưởng tốt và cho năng suất cao, đặc biệt là cây lúa. Tuy nhiên do quỹ đất hạn chế, lại tập trung ở vùng đồng bằng nên chịu áp lực đất đai ngày càng cao do nhu cầu phát triển đô thị, công nghiệp, phát triển hạ tầng...
- Nhóm đất cát
Diện tích khoảng 33.655 ha chiếm 3,22% tổng diện tích tự nhiên: Chia ra thành các loại đất sau:
Đất cồn cát trắng vàng (Cc): Loại đất cát này phân bố chủ yếu ở các khu vực ven biển: Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành…Thành phần cơ
giới hạt thô, cấu tượng rời rạc, khả năng giữ nước kém. Nhìn chung đất cồn cát có phẫu diện chưa phân hoá rõ, phần lớn đất này hiện nay được trồng rừng phòng hộ, các loại cây lâu năm và một số ít cải tạo sản xuất nông nghiệp.
Đất cát biển (C): Đất cát biển phân bố diện tích khá lớn ở các xã ven biển vùng đông, xen kẽ với cồn cát biển cũ. Phẫu diện đất có sự phân hoá rõ rệt, thành phần cơ giới thường là cát, cát pha. Đất có phản ứng gần như trung tính pH = 5,5 - 6. So với đất cồn cát thì đất cát biển có thêm hàm lượng limon nên trong đất có độ ẩm khá hơn so với đất cồn cát.
- Đất dốc tụ (D): Diện tích khoảng 9.153 ha chiếm 0,88% tổng diện tích tự nhiên, phân bố ở các thung lũng dưới chân đồi núi. Đất được hình thành từ sản phẩm tích đọng của quá trình bào mòn vùng cao xuống vùng trũng. Sản phẩm dốc tụ thường hỗn tạp, phẩu diện thường ít phân hoá, có lẫn nhiều mảnh đá vụn sắc cạnh. Thành phần cơ giới thường thịt nhẹ, có phản ứng chua. Phần lớn đất dốc tụ có tầng dày, nhiều hữu cơ, độ phì khá. Hiện nay phần lớn đất dốc tụ được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp.
Song đất thường phân bố trong các thung lũng nên không chủ động tưới tiêu.
- Nhóm đất xám bạc màu (X): Diện tích khoảng 40.057 ha chiếm 3,84% tổng diện tích tự nhiên. Chủ yếu phát triển trên phù sa cổ, đá macma axit và đá cát. Phân bố chủ yếu ở Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ và một số nơi khác. Hầu hết phân bổ ở địa hình cao, do vậy thường xảy ra quá trình rửa trôi bề mặt, bào mòn, bị thiếu nước trong mùa khô. Đất có nhược điểm là chua, nghèo chất dinh dưỡng.
- Nhóm đất mặn (M): Nhóm đất mặn có diện tích khoảng 13.234 ha chiếm 1,27%
tổng diện tích. Đất mặn phân bố ở các vùng ven biển, các khu vực cửa sông ở các huyện Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ và Núi Thành. Đất hình thành do nước mặn theo thuỷ triều tràn vào đã gây hiện tượng đất nhiễm mặn, một số nơi hình thành do sú vẹt. Hiện nay hầu hết diện tích đất mặn được trồng hai vụ lúa, những nơi chủ động tưới tiêu thì cho năng suất khá, một số nơi nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả.
- Nhóm đất phèn (S): Nhóm đất phèn có diện tích 1.297 ha chiếm khoảng 0,12%
diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các huyện Điện Bàn, Thăng Bình, thành phố Tam Kỳ… ở những vùng thấp trũng. Đất phèn hình thành do sản phẩm bồi tụ phù sa với vật liệu sinh phèn (xác thực vật chứa lưu huỳnh) chủ yếu là khoáng pirit (Fes2) bị oxy hoá. Tầng đất mặt thường chua. Hiện nay phần lớn diện tích đất phèn đã được đưa vào trồng lúa 1 vụ, 2 vụ nhưng cho năng suất không cao, cần phải có biện pháp thau chua rửa mặn.
- Nhóm đất đen: Diện tích khoảng 464 ha chiếm 0,04% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở huyện Nam Giang. Đất đen được hình thành do quá trình tích luỹ chất hữu cơ và quá trình tích luỹ các chất kiềm trong điều kiện đá mẹ phong hoá xung
quanh giàu chất kiềm (đá vôi). Đặc trưng của nhóm đất này là màu đen, có phản ứng trung tính, bão hoà bazơ, hàm lượng mùn cao.
- Đất xói mòn trơ sỏi đá (E): Diện tích 5.436 ha, chiếm 0,52%, phân bố chủ yếu ở đồi núi phía tây các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Tiên Phước, Tam Kỳ và một ít ở Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang… Nhóm đất này hình thành do quá trình phong hoá trên đá dăm cuội, nghèo dinh dưỡng, bị rửa trôi, phân bố trên địa.
- Tài nguyên rừng
Tỉnh Quảng Nam có 425.921 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 40,9%, trữ lượng gỗ của tỉnh khoảng 30 triệu m3. Diện tích rừng tự nhiên là 388.803 ha, rừng trồng là 37.118 ha. Rừng giàu ở Quảng Nam hiện có khoảng 10 nghìn ha, phân bố ở các đỉnh núi cao, diện tích rừng còn lại chủ yếu là rừng nghèo, rừng trung bình và rừng tái sinh, có trữ lượng gỗ khoảng 69 m3/ha. Các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh nằm ở sông Thanh thuộc huyện Nam Giang.
Do địa hình đa dạng, khí hậu mang tính chất giao thoa giữa 2 miền Nam - Bắc nên Quảng Nam là một trong những tỉnh thành có đa dạng sinh học cao của cả nước.Theo nguồn tài liệu tại Báo cáo Chiến lược Bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2005 -2020, Quảng Nam có bốn quần xã động thực vật riêng biệt: Dãy núi Bạch Mã - Hải Vân, Dãy phía Nam Trung Trường Sơn, Vùng đai thấp Trường Sơn, Cao nguyên Kon Tum.
Hình 3.2. Vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Nam
Về thực vật: Có 1.129 loài thực vật bậc cao thuộc 164 họ đã được định dạng, trong đó 6 loài bị đe dọa toàn cầu.
Về động vật: Có 50 loài thú lớn và 22 loài dơi đã được xác nhận cùng với 11 loài thú lớn được bổ sung bằng ghi nhận tạm thời qua phỏng vấn, có 12 loài thú lớn được xác nhận ở mức đe dọa toàn cầu, 270 loài chim đã được xác nhận trong đó 02 loài bị đe dọa toàn cầu. 48 loài bò sát đã được xác nhận với 06 loài rùa đang bị đe dọa toàn cầu. 38 loài lưỡng cư đã được xác nhận với 01 loài bị đe dọa toàn cầu. 207 loài bướm đã được xác nhận trong đó có 5 loài ghi nhận lần đầu tiên ở Việt Nam.
Chỉ tính riêng về thành phần loài cá xương, các kết quả nghiên cứu của Võ Văn Phú và cộng sự (2009) cho thấy ở lưu vực hồ Phú Ninh xác định được 114 loài cá nằm trong 9 bộ, 22 họ và 72 giống trong đó có 16 loài cá kinh tế. Đặc biệt có 5 loài cá quý hiếm được ghi vào sách Đỏ Việt Nam (2007), mức sẽ nguy cấp (VU). Phạm Viết Tích và cộng sự (2009) đã xác định thành phần loài cá trong vùng đất ngập nước ven biển tỉnh Quảng Nam có 128 loài thuộc 91 giống, 54 họ, 15 bộ. Khu vực mũi Bàn Than ghi nhận được 137 loài thuộc 12 bộ và 38 họ cá rạn san hô. Đặc biệt, có nhiều nghiên cứu về đa dạng loài cá tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Gần đây nhất, năm 2004-2005, Võ Sỹ Tuấn và cộng sự đã xác định được 270 loài cá rạn san hô thuộc 105 giống, 40 họ đã được ghi nhận.
Mặc dù có tính đa dạng sinh học rất cao, phần lớn các hệ sinh thái, các loài và nguồn gen sinh vật trên cạn và dưới nước của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng đang bị suy thoái nghiêm trọng.
Chính vì vậy việc lưu giữ và bảo tồn nguồn gen là việc làm rất cần thiết, đã và đang được nhiều nước trên thế giới và nước ta chú ý.Tháng Tư năm 2011 nhà chức trách tỉnh Quảng Nam cho thành lập Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sao La mở hành lang cho các sinh vật vùng núi giữa Lào và Việt Nam, nhất là loài sao la đang bị đe dọa.
Rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh là kiểu sinh thái chủ đạo của Quảng Nam.
Quảng Nam là tỉnh giàu tiềm năng rừng nhưng do bị khai thác quá mức trong một thời gian dài nên diện tích rừng nguyên sinh còn ít. Việc đẩy mạnh trồng rừng trong những năm gần đây đã tăng diện tích đất có rừng của Quảng Nam lên hơn 55% vào năm 2014. Đây là một trong những địa phương có diện tích đất có rừng cao nhất cả nước.
Rừng đặc dụng Sông Thanh là khu bảo tồn lớn nhất tỉnh, nơi mà các động vật hoang dã khu vực Trung Trường Sơn đang được bảo tồn. Nhân sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý phân bố chủ yếu ở độ cao trên 1000 m của núi Ngọc Linh.