Đồ dùng dạy học

Một phần của tài liệu Tai lieu tich hop BVMT trong cac mon hoc o Tieu hoc (Trang 26 - 29)

- Tranh minh hoạ bài tập đọc trong SGK.

- Bảng phụ viết sẵn từ ngữ, câu văn cần hướng dẫn HS đọc đúng.

III. Các hoạt động dạy học

Tiết 1 A. Kiểm tra bài cũ

Hai HS đọc bài Cây xoài của ông em, trả lời câu hỏi ở SGK về nội dung bài đọc.

B. Dạy bài mới 1. Giới thiệu bài

Vú sữa là loại trái cây rất thơm ngon của vùng đất Miền Nam. Vì sao có loại cây này ? Đọc câu chuyện Sự tích cây vú sữa, các em sẽ biết được một cách giải thích nguồn gốc của loại cây ăn quả rất đặc biệt này.

2. Luyện đọc 2.1. GV đọc mẫu

GV đọc diễn cảm toàn bài (giọng đọc chậm rãi, nhẹ nhàng, giàu cảm xúc, nhấn giọng ở các từ ngữ gợi tả, gợi cảm).

2.2. GV hướng dẫn HS luyện đọc, kết hợp giải nghĩa từ a) Đọc từng câu

HS nối tiếp nhau đọc từng câu trong bài. GV chú ý hướng dẫn HS đọc đúng các từ ngữ khó phát âm đối với từng địa phương.

VD : ham chơi, la cà khắp nơi, chẳng nghĩ, kì lạ thay, trổ ra, nở trắng, nhìn lên tán lá, gieo trồng... (Miền Bắc) ; cây vú sữa, mỏi mắt, khản tiếng, xuất hiện, căng mịn, óng ánh, đỏ hoe, xoà cành, vỗ về, ai cũng thích... (Miền Nam):

b) Đọc từng đoạn trước lớp

- HS nối tiếp nhau đọc từng đoạn trong bài (riêng đoạn 2, cần tách làm hai đoạn ngắn:

“Không biết... như mây.”, “Hoa rụng... vỗ về.”).

- GV kết hợp hướng dẫn HS ngắt hơi, nghỉ hơi đúng chỗ :

+ Một hôm, / vừa đói vừa rét, / lại bị trẻ lớn hơn đánh, / cậu mới nhớ đến mẹ, / liền tìm đường về nhà.//

+ Hoa rụng, / quả xuất hiện, / lớn nhanh, / da căng mịn, / xanh óng ánh, / rồi chín.//

+ Môi cậu vừa chạm vào, / một dòng sữa trắng trào ra, / ngọt thơm như sữa mẹ. //

- GV hướng dẫn HS nêu nghĩa từ mới trong SGK (vùng vằng, la cà); kết hợp giúp HS hiểu rõ thêm nghĩa các từ ngữ : mỏi mắt chờ mong - chờ đợi, mong mỏi quá lâu; đỏ hoe - màu đỏ của mắt đang khóc, đỏ hơi nhạt và tươi; xoà cành - xoè rộng cành để bao bọc...

c) Đọc từng đoạn trong nhóm

- Lần lượt từng HS đọc trong nhóm (bàn, tổ), các HS khác nghe, góp ý.

- GV theo dõi, hướng dẫn HS đọc đúng.

d) Thi đọc giữa các nhóm (cá nhân hoặc đồng thanh).

Có thể kết hợp tổ chức trò chơi luyện đọc do GV chọn (đọc tiếp sức, đọc truyền điện”, đọc theo vai...)

đ) Cả lớp đọc đồng thanh (một, hai đoạn trong bài).

Tiết 2 3. Hướng dẫn tìm hiểu bài

3.1. Câu hỏi 1 (HS đọc thầm đoạn 1 để trả lời) :

Vì sao cậu bé bỏ nhà ra đi ? (Cậu bé ham chơi, bị mẹ mắng nên vùng vằng bỏ đi).

3.2. Câu hỏi 2 (HS đọc phần đầu đoạn 2) :

- Câu hỏi phụ : Vì sao cuối cùng cậu lại tìm đường về nhà ? (Đi la cà khắp nơi, cậu vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ và trở về nhà).

- Trở về nhà không thấy mẹ, cậu bé đã làm gì ? (Gọi mẹ khản cả tiếng rồi ôm lấy một cây xanh trong vườn mà khóc).

3.3. Câu hỏi 3 (HS đọc phần còn lại của đoạn 2) :

- Thứ quả lạ xuất hiện trên cây như thế nào ? (Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra (nhô ra), nở trắng như mây; rồi hoa rụng, quả xuất hiện...).

- Câu hỏi phụ : Thứ quả ở cây này có gì lạ ? (Lớn nhanh, da căng mịn, màu xanh óng ánh...tự rơi vào lòng cậu bé; khi môi cậu vừa chạm vào, bỗng xuất hiện một dòng sữa trắng trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ).

* Kết hợp GDBVMT : Môi trường xung quanh chúng ta có nhiều cây trái hữu ích, đáng để cho chúng ta nâng niu, quý trọng.

3.4. Câu hỏi 4 (HS đọc thầm đoạn 3) :

Những nét nào của cây gợi lên hình ảnh của mẹ ? (Mặt sau của lá đỏ hoe mắt mẹ khóc chờ con; cây xoà cành ôm cậu như tay mẹ âu yếm vỗ về).

3.5. Câu hỏi 5 (HS nêu ý kiến cá nhân) :

Theo em, nếu được gặp lại mẹ, cậu bé sẽ nói gì ? (VD: Con đã biết lỗi, xin mẹ tha thứ cho con, từ nay con sẽ luôn chăm ngoan để mẹ vui lòng...).

4. Luyện đọc lại (nếu có điều kiện)

- GV có thể cho HS chọn một trong ba đoạn ngắn sau để thi đọc hay:

+ Đoạn a : từ ở nhà đến nở trắng như mây.

+ Đoạn b : từ Hoa rụng đến như sữa mẹ.

+ Đoạn c : từ cậu nhìn lên tán lá đến âu yếm vỗ về.

- Cả lớp bình chọn, hoan nghênh những HS đọc hay (giọng đọc có tình cảm, biết nhấn giọng ở những từ ngữ gợi tả).

5. Củng cố, dặn dò

- GV (hoặc 2 HS khá, giỏi) đọc lại toàn bài; HS nêu ý kiến trao đổi : Câu chuyện này nói lên điều gì ? (Nói lên tình yêu thương sâu nặng của mẹ đối với con).

* GDBVMT : (GV nhấn mạnh) Tình cảm mẹ con thật cao quý. Càng yêu thương cha mẹ, chúng ta càng chăm ngoan, học giỏi để làm cho môi trường sống trong gia đình luôn đầm ấm và hạnh phúc.

- Dặn HS tập đọc ở nhà, nhớ nội dung bài, chuẩn bị cho giờ Kể chuyện: Sự tích cây vú sữa.

Kể chuyện

sự tích cây vú sữa (1 tiết) I. Mục đích, yêu cầu

1. Rèn kĩ năng nói :

- Biết kể lại đoạn mở đầu câu chuyện (đoạn 1) bằng lời của mình.

- Biết dựa theo từng ý tóm tắt, kể lại được phần chính của câu chuyện.

- Biết kể đoạn kết thúc câu chuyện theo trí tưởng tượng của riêng mình.

2. Rèn kĩ năng nghe : Có khả năng tập trung theo dõi bạn kể; biết nhận xét, đánh giá lời kể của bạn.

* Giáo dục BVMT : Bồi dưỡng tình cảm yêu thương cha mẹ trong gia đình HS.

II. Đồ dùng dạy học

- Tranh minh hoạ trong SGK hoặc tranh TBDH (nếu có).

- Bảng phụ các ý tóm tắt ở BT2 để hướng dẫn HS tập kể.

III. các hoạt động dạy học A. Kiểm tra bài cũ

Hai, ba HS kể lại từng đoạn câu chuyện Bà cháu. GV nhận xét và biểu dương HS kể tốt.

B. Dạy bài mới

GV cho HS nhắc lại tên bài Tập đọc hôm trước (Sự tích cây vú sữa); nêu yêu cầu tiết học:

kể lại đoạn mở đầu và đoạn chính của câu chuyện theo từng ý tóm tắt; tập kể kết thúc câu chuyện theo mong muốn của riêng mình.

2. Hướng dẫn kể chuyện

2.1. Kể lại đoạn 1 bằng lời của em

- GV hướng dẫn HS đọc BT 1, so sánh lời kể mẫu (Ngày xưa, ở một nhà kia có hai mẹ con...) với câu đầu tiên của truyện trong SGK để học cách kể bằng lời của mình : đúng ý trong câu chuyện nhưng có thể thay đổi, thêm bớt từ ngữ, tưởng tượng thêm chi tiết hợp lí theo cách nghĩ của riêng mình.

- Hai, ba HS kể lại đoạn 1 bằng lời của mình. GV nhận xét, kể mẫu và chỉ dẫn thêm về cách kể đoạn 1.

VD : Ngày xưa, ở một nhà kia có hai mẹ con sống với nhau trong một căn nhà nhỏ cạnh vườn cây. Người mẹ sớm hôm chăm chỉ làm vườn, còn cậu bé thì suốt ngày chơi bời lêu lổng. Một lần, người mẹ chỉ mắng có mấy câu, cậu ta đã giận dỗi bỏ đi. Cậu lang thang khắp nơi, chẳng hề nghĩ đến người mẹ ở nhà đang lo lắng, mỏi mắt mong đợi con.

2.2. Kể lại phần chính câu chuyện dựa theo từng ý tóm tắt

- HS lần lượt đọc từng ý tóm tắt trong SGK (hoặc bảng phụ), nhớ lại nội dung để kể lại mỗi ý bằng 2, 3 câu; GV có thể gợi ý bằng câu hỏi nếu HS lúng túng:

+ ý 1 : Cậu bé trở về nhà. (Vì sao cậu bé lại tìm đường trở về nhà ?)

+ ý 2 : Không thấy mẹ, cậu bé ôm lấy một cây xanh mà khóc. (Cảnh vật ở nhà ra sao ? Không thấy mẹ, cậu bé đã làm gì ? Có sự việc nào kì lạ xảy ra?)

+ ý 3 : Từ trên cây, quả lạ xuất hiện và rơi vào lòng cậu. (Quả lạ xuất hiện trên cây như thế nào ? Cậu đã làm gì khi một quả chín trên cây rơi vào lòng mình ?)

+ ý 4 : Cậu bé nhìn cây, ngỡ như được thấy mẹ. (Nhìn lên cây, cậu bé thấy mặt sau của lá

gợi ra điều gì ? Khi cậu bé oà khóc, cây có biểu hiện gì thật âu yếm ?) - HS tập kể theo nhóm (mỗi em kể theo một ý, nối tiếp nhau).

- Các nhóm cử đại diện kể lại đoạn chính của câu chuyện trước lớp (có thể cho mỗi em kể theo hai ý) ; các bạn khác nhận xét, bổ sung.

2.3. Kể đoạn kết thúc câu chuyện theo mong muốn (tưởng tượng)

- HS đọc SGK và nêu yêu cầu của BT; nêu ý mong muốn của mình về kết thúc của câu chuyện (có thể là : mẹ cậu bé hiện ra hoặc sống lại...).

- GV gợi ý tưởng tượng : Nếu mẹ cậu bé hiện ra, cậu bé sẽ có thái độ như thế nào ? Hai mẹ con nói với nhau những gì ? ... Sau đó cho 1, 2 em tập kể đoạn kết thúc; lưu ý HS nối tiếp với câu cuối của đoạn 2 trong truyện.

VD : Cậu ngẩng mặt lên. Đúng là người mẹ thân yêu. Cậu ôm chầm lấy mẹ, nức nở : “Mẹ ! Mẹ !”. Mẹ cười hiền hậu : “Con hãy chăm ngoan con nhé ! Mẹ sẽ luôn ở bên con”. Cậu bé vui sướng reo lên : “ Thật chứ mẹ ? Nhất định con sẽ ngoan. Nhưng mẹ đừng biến thành cây vú sữa nữa mẹ nhé!”

- HS kể theo nhóm, sau đó cử đại diện kể trước lớp. Hoặc GV cho 3, 4 HS lần lượt kể trước lớp để nhận xét, góp ý.

3. Củng cố, dặn dò

- GV nhận xét tiết học; cho điểm HS kể hay, nhóm kể tốt. (Hoặc: HS xung phong kể lại toàn bộ câu chuyện theo yêu cầu của 3 BT, nếu có điều kiện).

- Dặn HS tập kể ở nhà theo yêu cầu đã luyện tập trên lớp (chú ý nối kết 3 đoạn theo yêu cầu của cả 3 BT để thành câu chuyện trọn vẹn); chuẩn bị học bài Chính tả.

Luyện từ và câu

Từ ngữ về tình cảm. Dấu phẩy (1 tiết)

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mở rộng vốn từ nói về tình cảm gia đình.

2. Biết nhìn tranh để nói được 2, 3 câu về hoạt động của mẹ và con.

3. Biết đặt dấu phẩy để ngăn cách các bộ phận giống nhau trong câu.

* Giáo dục BVMT : Qua bài học, HS có tình cảm yêu thương những người trong gia đình, có vốn từ ngữ để diễn tả tình cảm gia đình.

Một phần của tài liệu Tai lieu tich hop BVMT trong cac mon hoc o Tieu hoc (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(62 trang)
w