Chương 3: TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC CỦA ARIXTỐT
3.1. Tư tưởng của Arixtốt về cái thiện
Xuyên suốt tư tưởng đạo đức của Arixtốt là sự quan tâm của ông đối với cái thiện hảo. Nó được xem như là mục tiêu của mọi hành động để thiết lập nên cái thiện tối thượng. Đó là cái thiện đạt được vì lợi ích tự thân chứ không phải vì lợi ích của bất cứ ai và ông gọi đó là eudaimonia. Ông cho rằng đó là một trạng thái hoàn hảo của con người mà ở đó con người có khả năng và bộc lộ đầy đủ nhất chức năng tự nhiên vốn tiềm tàng trong bản thân mình với các đức hạnh phù hợp. Eudaimonia chính là cái thiện tối cao với tư cách là mục tiêu cuối cùng của con người và không gì khác, nó là Hạnh phúc.
Hạnh phúc, theo Arixtốt, trước hết là hoạt động chứ không phải trạng thái hay tình cảm; thứ hai, đó là hoạt động phù hợp với phẩm chất đạo đức bởi phẩm chất đạo đức là nền tảng của cái thiện và thứ ba là hoạt động tuyệt đối có phẩm chất đạo đức.
Trong quan niệm Cổ đại, cái thiện là con đường của hạnh phúc, của chân lý, của cái đẹp và sự tốt lành để mỗi con người trong sự tồn tại của mình hướng đến nó. Tuy nhiên, với những cách biện giải khác nhau về vấn đề này, bản tính cái thiện được hiểu trên những bình diện rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Đây hoàn toàn là một biểu hiện mang tính quy luật và bản thân điều này cũng cho thấy cái thiện là một phạm trù có ý nghĩa rộng lớn và vô cùng sâu sắc, có giá trị tối cao đối với con người trong đời sống, mà cho tới nay, chúng ta vẫn không ngừng khát khao và ngưỡng vọng về nó.
Trong giai đoạn đầu tiên của tư tưởng Hy Lạp, các nhà thông thái phần nhiều đặt mối quan tâm của mình đến những vấn đề thuộc bản nguyên thế giới. Con người nhận thức vũ trụ trong sự hài hòa với tất cả niềm say mê và kính trọng của mình. Con người trong xã hội Hy Lạp là con người có giáo dục với các phẩm chất, kĩ năng và tài nghệ. Trong thời kì Hôme và Hêsiốt, cái
68
thiện, cái ác và các yếu tố đạo đức còn mang tính sơ khai trong mối kết giao giữa người với người và giữa con người với các bậc thần linh. Điều này được thể hiện trong các trường ca mang tính sử thi về nếp sống và sinh hoạt của các bậc thần linh – những vị thần có đời sống bất tử nhưng lối sống và tính nết lại vô cùng gần gũi với con người trần thế. Và ngay cả khi con người hiện diện với tư cách là trung tâm của tác phẩm như trong Thần hệ của Hêxiốt thì họ cũng hiện lên với trải nghiệm cuộc sống vươn tới lý tưởng, tự do, hạnh phúc, là hình ảnh tiêu biểu cho cái thiện, cái cao cả.
Thời kỳ đầu tiên của triết học sau đó đã đánh dấu bước chuyển của tư duy từ tư duy thần thoại sang tư duy triết học với mong muốn tìm kiếm lời giải đáp sâu sắc hơn nữa cho những vấn đề tồn tại và nhận thức. Ở giai đoạn này, trong nhận thức chung về thế giới, quan điểm về cái thiện của các nhà tư tưởng được soi rọi từ góc độ bản thể và bắt đầu được nâng lên trình độ khái quát. Tiêu biểu như Pitago – nhà toán học khi xây dựng học thuyết về những con số đã nâng những con số của mình lên trình độ khái niệm, đồng thời đặt cái thiện ở thang bậc cao nhất trong hệ thống thứ bậc của tồn tại, là hằng số của giá trị, biểu trưng cho cái đẹp, chân lý và hạnh phúc.
Trong triết học Hy Lạp cổ điển, Xôcrát đã thực hiện một bước ngoặt chuyển từ triết học tự nhiên sang vấn đề xã hội và con người, trong đó có những vấn đề đạo đức và luân lý. Trong quan niệm của ông, cái thiện (phúc lợi) là khái niệm xác định mục đích của cuộc đời và giá trị đi liền với nó là cái mà mỗi con người cần hướng đến để đạt được một cuộc sống tốt lành, hạnh phúc. Xuất phát điểm của Xôcrát đó là ông đi từ con người có đức hạnh là con người có tri thức như là cái bẩm sinh và con người có nhiệm vụ đưa cái tiềm năng đó trở thành động lực chỉ đạo những hành động của mình. Tri thức đó là tri thức về cái thiện với tư cách là tri thức thiết yếu, quy định bản tính con người và hướng dẫn họ tới cái thiện, từ chỗ hiểu bản chất của sự vật để hành động phù hợp với cái thiện. Theo Xôcrát, con người không thể làm điều thiện
69
nếu trước hết họ không biết cái thiện là gì. Do đó, việc nhận thức đúng về cái thiện hay nhận thức có lôgíc sẽ là cơ sở cho mọi hành động hợp lý. Tức là khi con người có tri thức về điều gì đó là cái xấu, cái ác, họ sẽ không làm và tránh xa điều đó. Tức là, khi tư duy thiếu lôgíc thì sai lầm sẽ xảy ra, đồng thời trở thành nguyên nhân dẫn đến các hành vi sai trái trong lĩnh vực đạo đức. Cái ác là hậu quả của sự thiếu hiểu biết về cái thiện, do vậy, để hạn chế cái ác, con người có tri thức, có đức hạnh cần giúp đỡ người khác hướng đến con đường đạt được nhận thức có lôgíc cả về phúc lợi, đức hạnh và nghĩa vụ trong các hành vi của họ.
Đối với Platôn – học trò của Xôcrát, cái thiện được xem xét từ góc độ giá trị, là một phạm trù thuộc thế giới ý niệm. Ông cho rằng, bản chất của cái thiện là đối tượng của môn học cao nhất, là nguyên nhân của những gì công chính và đẹp. Chính nhờ cái thiện mà mọi hành động được thực hiện. Platôn nhận thấy, các ý niệm của cái thiện là đối tượng cuối cùng của tri thức. Cái thiện là một thực thể tinh thần, nó đứng cao hơn các sự vật hiện tượng trong thế giới các sự vật đang tồn tại. Do đó, con người chỉ có thể nắm bắt được thế giới ý niệm, thế giới tươi đẹp của cái thiện tối cao thông qua quá trình nhận thức và chính vì lẽ đó, nhận thức là cái thiện hoàn hảo nhất đối với con người.
Ý niệm cái thiện, hay điều lợi, hay hạnh phúc do đó trở thành “ý niệm của mọi ý niệm”. Trong quan niệm của Platôn, cái thiện, không phải bản chất, mà xét về đặc tính và đức hạnh thì nó đứng cao hơn những bản chất. Platôn nhất trí với Xôcrát ở khâu xuất phát trong quan niệm về con người có đức hạnh.
Thông qua lý tính, đức hạnh được xem xét trong vai trò tiết chế, chế ngự các dục vọng. Cũng chính nhờ lý tính, con người sẽ trở nên khôn ngoan, ôn hòa, dũng cảm và biết làm chủ bản thân. Nhờ đó mà con người có cuộc sống hạnh phúc, đồng nghĩa với cái thiện và điều lợi.
Đến Arixtốt, ông tìm thấy trong tư tưởng của các bậc tiền bối mầm mống của những kiến tạo về đạo đức, trong đó có phạm trù cái thiện. Nếu như cái thiện của Platôn là “ý niệm của mọi ý niệm” thì với Arixtốt, cái thiện
70
chính là ý chí phù hợp với lý tính trong hoạt động có mục đích của con người.
Không những thế, cái thiện còn là mục tiêu của mọi khoa học và nghệ thuật.
Và cái thiện tối cao là mục đích cuối cùng của cá nhân cũng như của nhà nước. Thậm chí, Arixtốt còn xem xét cái thiện từ nhiều phương diện khác nhau: từ góc độ bản thể, cái thiện tối cao được xem là Thượng đế và tinh thần; với tư cách chất, nó là sự trung bình đúng mực, là các phẩm chất (đạo đức),...
Trong quan niệm của Arixtốt, con người với tư cách là đối tượng của đạo đức, có sứ mạng hoạt động hợp lý và biến cái hợp lý trong ý tưởng thành cái hợp lý trong đời sống của họ. Và để làm được điều đó, ngọn nguồn chính là sự hoàn thiện đạo đức, là đức hạnh hay các phẩm chất đạo đức. Hay nói cách khác, theo Arixtốt, khi con người tự hoàn thiện mình trong nhận thức lý luận, họ có khả năng đạt tới sự thiện hảo tối cao và tiếp cận được với thế giới thần linh thông qua hoạt động trí tuệ của mình. Do đó, cái thiện chỉ có thể và phần lớn đạt được bởi những người có đức hạnh, tức các nhà thông thái, các bậc hiền minh, những người biết tiết độ và đúng mực trong mọi hoàn cảnh bởi chính trí tuệ của mình. Còn cái ác nằm ngoài ý chí và xuất hiện trong những hoàn cảnh không thể tiên đoán được.
Arixtốt không tán thành quan điểm hoan lạc chủ nghĩa, bởi nó chỉ xem xét cái thiện tối cao ở góc độ khoái cảm (thỏa mãn). Ông thể hiện rõ lập trường của mình khi cho rằng, có những khoái cảm thấp hèn, thú tính, đáng chỉ trích, đáng hổ thẹn, thái quá mà con người đạo đức cần phải khước từ, tức là mặc dù mỗi phẩm chất đạo đức đều gắn liền với sự thỏa mãn, nhưng không phải sự thỏa mãn nào cũng là cái thiện, cái phúc. Do đó, càng không thể định nghĩa hạnh phúc là lạc thú, vì con người cũng có thể có được lạc thú từ những hành động đối nghịch với lý trí, và hành động ngược với lý trí không phải là sống thiện, sống tốt.
Có thể nói, trong quan niệm của Arixtốt, cái thiện không chỉ hiện hữu ngay trong cấu trúc của bản tính người và được thể hiện qua các hành vi hợp
71
lý, mà cái thiện đó hoàn toàn có thể đạt được qua các hành vi cư xử thực tế của con người trong đời sống của chính mình. Cái thiện đã trở thành mạch nguồn xuyên suốt, thẩm thấu trong nhiều kiến giải của Arixtốt về các phạm trù đạo đức: hạnh phúc, đức hạnh, tình bạn, công bằng, và ngay cả đối với đời sống chính trị, cái thiện cũng được xem như mục đích tối cao mà cá nhân hay nhà nước đều hướng tới.
Theo Arixtốt, con người và các lĩnh vực hoạt động của họ luôn hướng đến những mục đích khác nhau. Cái thiện vì thế cũng đa dạng và tương ứng với những nghệ thuật và khoa học chuyên biệt. Với y tế, nghệ thuật của nó là nhắm đến sức khỏe, sự thắng trận là mục đích của chiến tranh, kinh tế nhắm đến sự phồn vinh,... Để khám phá ra những mục đích mà con người hướng tới với chức năng [người] hoàn hảo, trong quan niệm của Arixtốt, các mục đích nội tại luôn giữ một vai trò trọng yếu, vì chính các mục đích cơ bản này sẽ thúc đẩy các hành động tự thân, định hướng và dẫn dắt con người đạt tới mục đích cuối cùng của đời sống, trong khi tất cả các hành động khác chỉ đóng vai trò là công cụ, phương tiện hỗ trợ con người đạt đến mục đích tối thiện. Cho nên, Arixtốt thấy rằng, “Nếu đúng là những hành vi của chúng ta, có một cứu cánh mà chúng ta mong muốn chính vì cứu cánh ấy, còn tất cả cứu cánh khác chỉ được theo đuổi vì cứu cánh trên,[…] thì cố nhiên cứu cánh cuối cùng có thể là điều thiện và, hơn nữa, điều thiện tối thượng” [6, tr.23].
Để có một đời sống thành công, sống tốt, sống thiện, con người cần thiết phải lập cho mình các mục tiêu phù hợp trong đời sống. Điều đó cũng có nghĩa, một cuộc sống thành công chỉ đến với những người biết hoạch định cho mình một cuộc sống đúng cách, đúng với khả năng, năng lực và phẩm chất đạo đức của họ. Khi thừa nhận có sự tồn tại các mục đích và ước muốn của con người, Arixtốt nhấn mạnh đến tính ưu tiên và sự cần thiết của việc thiết lập kế hoạch cho cuộc sống. Bằng cách xác lập các mục tiêu, kế hoạch khác nhau dựa vào tính chất, đặc điểm riêng của hoàn cảnh, con người có thể
72
xác định cho mình phương hướng hoạt động cũng như các phương tiện thích hợp để đạt được “cuộc sống tốt đẹp” trong đời sống có mục đích của mình.
Con người sẽ trở nên sai lầm và xa rời cái thiện nếu thiếu đi một kế hoạch cụ thể (ngắn hạn hay dài hạn) trong đời sống. Xôcrát cho rằng một cuộc sống không bị thử thách thì không đáng sống. Còn với Arixtốt, một cuộc sống không có kế hoạch, mục đích là không có giá trị, bởi nó sẽ tạo nghịch lý giữa mong muốn đạt được hạnh phúc và các phương tiện hay hành vi để đi đến mục đích sau cùng đó. Nhưng ngay cả có một mục đích, cũng cần xem mục đích đó có phù hợp với các chuẩn mực không, bởi vì “chỉ những người hành động đúng mực là chiếm được Mỹ và Thiện” [6, tr.40].
Với chính trị, cái thiện được xem xét trên cơ sở lợi ích, nhưng không phải lợi ích của cá nhân mà chính là lợi ích của cộng đồng, xã hội - chính xác hơn, đó là sự thiện của một cộng đồng đặc thù, tức nhà nước (polis). Arixtốt xác định nhà nước là mô hình của các hình thức giao tiếp giữa những người tương tự nhau nhằm mục đích hướng đến sự tồn tại tốt nhất có thể. Trong đó, mục đích tối hậu của nhà nước là tạo dựng cuộc sống hạnh phúc của những người nó hợp nhất. Nhà nước chỉ hoàn thành vai trò và trọng trách của nó khi đảm bảo thiết lập và chia sẻ với người dân lợi ích cao nhất mà nhà nước có thể mang lại. Trong lời mở đầu của tác phẩm Chính trị học, nhà triết học cho rằng, mọi quốc gia là một loại cộng đồng, và mọi cộng đồng được thiết lập là nhằm một lợi ích nào đó; bởi vì loài người luôn luôn hành động nhằm đạt được điều mà họ nghĩ là tốt. Để duy trì và thiết lập một cộng đồng cùng có chung lợi ích, trong việc thực thi nhiệm vụ tối cao của mình, nhà nước có nghĩa vụ không được làm tách rời giữa chính trị với đạo đức của công dân.
Theo Arixtốt, mục tiêu chính yếu và cơ bản đối với các nhà nước là tạo dựng một cộng đồng xã hội mà trong đó mỗi con người có thể sống một cuộc sống trọn vẹn, sống với những khả năng của tồn tại người, của cách thức đạt đến số phận tốt nhất có thể và đạt tới hạnh phúc. Do vậy, một nhà nước hình thành
73
và phát triển trước hết phải là vì mục tiêu cho một đời sống tốt, sống thiện, chứ không chỉ vì một đời sống thuần túy.
Để tạo dựng một đời sống tốt, sống thiện, điều cần lưu ý đối với nhà nước chính là đức hạnh công dân. Theo Arixtốt, đức hạnh có liên đới đến sự tồn vong của nhà nước. Do vậy, điều cần thiết đối với bất kỳ kiểu nhà nước nào trong quá trình thực thi nhiệm vụ tối cao của mình là không để cho đức hạnh con người phát triển lệch lạc, sai hướng, mà cần tính đến việc giáo dục, khuyến khích cho các đức hạnh công dân phát triển theo đúng những phẩm chất tốt nhất của nó cũng như các chuẩn mực đạo đức nói chung. Và nhiệm vụ cao cả này không một ngành nào có thể thay thế được chính trị học. Bởi vì với tư cách là khoa học nghiên cứu về sự thiện của cộng đồng, chính trị học là khoa học duy nhất đảm trách việc nghiên cứu về sự thiện của con người, hướng dẫn con người thực hành điều thiện trong đời sống. Điều đó là khách quan, bởi vì theo Arixtốt, “Chúng ta đã nhìn nhận rằng cứu cánh của môn chính trị học là cao nhất; vì môn ấy chăm lo về việc làm mọi người thế nào để thành những công dân tốt, thực hành tính lương thiện” [6, tr.44].
Với tư cách là khoa học về polis, và là “khoa học có thẩm quyền nhất”, không chỉ nhắm đến lợi ích toàn diện của con người, chính trị còn bao gồm và hướng dẫn mọi khoa học khác. Tất cả các khoa học khác đều nhằm bảo tồn hay phát huy một số khía cạnh của đời sống, nhưng chính trị nhắm tới đời sống tốt lành theo nghĩa toàn diện nhất. Như vậy, theo Arixtốt, trong khi nhà nước và cá nhân có cùng một sự thiện, song sự thiện của cộng đồng này phải lớn hơn và cao quý hơn nơi nhà nước. Trong quan điểm này, có thể nhận thấy tư tưởng của Nền Cộng hòa (The Republic) - một tác phẩm phản ánh quan điểm chính trị theo mô hình nhà nước lý tưởng của Platôn đã ảnh hưởng đến quan điểm đạo đức học chính trị của Arixtốt khá rõ. Đối với Arixtốt, đạo đức học được xem là một ngành của chính trị, trong đó đạo đức cá nhân có vai trò