Khái niệm quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ NHÀ NƢỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC (Trang 36 - 40)

CHƯƠNG 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP

2.2. Khái niệm quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp

Quản lý là một phạm trù có liên quan mật thiết với hiệp tác và phân công lao động, nó là một thuộc tính tự nhiên của mọi lao động hiệp tác. Từ khi xuất hiện những hoạt động quần thể của loài người thì đã xuất hiện sự quản lý. Sự quản lý có trong xã hội nguyên thủy, ở đó con người phải hợp tác với nhau lại để đấu tranh thế giới tự nhiên, muốn sinh tồn con người phải tổ chức sản xuất, tổ chức phân phối. C.Mác đã coi sự quản lý như là kết quả tất nhiên của sự chuyển nhiều quá trình lao động cá biệt, tản mạn, độc lập với nhau thành một quá trình xã hội được phối hợp lại.

32

Quản lý nhà nước là một dạng quản lý xã hội mang tính quyền lực Nhà nước, đó là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các quá trình xã hội, các hoạt động của con người và các tổ chức trong xã hội để duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội và trật tự pháp luật nhằm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước.

Theo nghĩa rộng thì “quản lý nhà nước được hiểu là sự tác động của các chủ thể mang quyền lực nhà nước, chủ yếu bằng pháp luật, tới các đối tượng quản lý nhằm thực hiện các chức năng đối nội, đối ngoại của Nhà nước” [35, tr.11]. Đây là hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước gồm cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm thực hiện các chức năng của nhà nước.

Còn quản lý nhà nước theo nghĩa hẹp chính là hoạt động chấp hành và điều hành, “được tiến hành trên cơ sở và để thi hành luật nhằm thực hiện trong cuộc sống hàng ngày các chức năng của Nhà nước trên mọi lĩnh vực hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội” [80, tr.459]. Theo nghĩa hẹp, thì quản lý nhà nước không bao gồm hoạt động lập pháp và tư pháp của Nhà nước, mà đó là hoạt động điều hành công việc hàng ngày của quyền hành pháp và của hệ thống tổ chức hành chính.

Như vậy, quản lý nhà nước là sự tác động mang tính chấp hành và điều hành của các chủ thể mang quyền lực nhà nước, chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước, bằng nhiều biện pháp, tới các đối tượng quản lý nhằm thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại của Nhà nước trên cơ sở pháp luật.

Nhìn nhận từ góc độ quản lý nhà nước như nêu trên, tác giả đưa ra khái niệm quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp như sau: “Quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp là tập hợp những tác động liên tục, có tổ chức, có định hướng của Nhà nước mang tính chấp hành và điều hành đến toàn bộ quá trình hoạt động bán hàng đa cấp, từ giai đoạn đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đến hoạt động kinh doanh phù hợp mục đích của nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường.”

Từ đó, quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp mang những đặc điểm chung của quản lý nhà nước:

33

Một là, quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp là hoạt động mang tính tổ chức và điều chỉnh. Khi thực hiện hoạt động quản lý, Nhà nước xây dựng các nguyên t c trên cơ sở quy định của pháp luật và các quyết định quản lý để thiết lập những mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với tập thể nhằm định hướng cho các hoạt động được diễn ra theo đúng quy luật và đạt được những mục đích nhất định (tính tổ chức), thông qua đó, Nhà nước thực hiện việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tương tự, quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp là việc Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự do lựa chọn hình thức kinh doanh bán hàng đa cấp, kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật... Nhà nước thực hiện sự tác động mang tính điều chỉnh bằng pháp luật, nhằm hướng các hoạt động và hành vi của các doanh nghiệp và người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp theo đúng quy định pháp luật, đem lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế.

Hai là, quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp là hoạt động quản lý mang tính quyền lực nhà nước. Đây là đặc điểm quan trọng để phân biệt hoạt động quản lý hành chính nhà nước với những hoạt động quản lý không mang tính quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước được thể hiện trước hết ở việc Nhà nước ban hành các văn bản pháp luật mang tính b t buộc đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Tính quyền uy còn được thể hiện ở việc Nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp chế tài đối với các chủ thể có liên quan trong hoạt động bán hàng đa cấp không tuân thủ các quy định pháp luật. Những biện pháp chế tài này thể hiện tập trung và rõ nét của quyền lực nhà nước, nhờ đó ý chí của Nhà nước được bảo đảm thực hiện.

Ba là, quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp là hoạt động có tính thống nhất, được tổ chức chặt chẽ. Bộ máy quản lý nhà nước được tổ chức thành một khối thống nhất từ trung ương tới địa phương. Trong đó, Chính phủ thống nhất quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi cả nước. Nhờ đó các hoạt động quản lý bảo đảm lợi ích chung của cả nước, bảo đảm sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, các cấp tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Bốn là, quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp có tính chủ

34

động, sáng tạo. Tính chủ động, sáng tạo thể hiện ở việc Nhà nước kịp thời xây dựng và ban hành chính sách pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể, quản lý bán hàng đa cấp sớm được quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2014 và cụ thể hóa trong Nghị định 110/2005/NĐ-CP năm 2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và được sửa đổi bằng Nghị định 42/NĐ-CP năm 2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp… Điều đó đã thể hiện tính chủ động, sáng tạo của Nhà nước trong việc ban hành văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ngoài ra, quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp có những đặc điểm riêng sau đây:

Thứ nhất, trong hoạt động quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp, Nhà nước trao toàn quyền chủ động cho doanh nghiệp tự lựa chọn phương thức kinh doanh, cụ thể là phương thức bán hàng đa cấp. Quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp là cách thức Nhà nước tổ chức cho công dân thực hiện “quyền tự do kinh doanh”2 thể hiện mối quan hệ giữa quyền của công dân và nghĩa vụ của Nhà nước. Do đó, với tư cách là nội dung cơ bản của chính sách và công cụ quản lý kinh tế, pháp luật phải định được giới hạn quản lý nhà nước để không làm tổn hại đến quyền tự do kinh doanh. Trên nền tảng của nguyên t c không cấm thì được làm, quyền tự do kinh doanh được Nhà nước bảo đảm bằng một nền hành chính mang tính chất phục vụ chứ không phải là sự ban phát của cơ chế xin – cho.

Thứ hai, để thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp thì doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoạt động kinh doanh có điều kiện) đó là Bộ Công Thương. Do đó, gắn liền với quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp là quản lý nhà nước đối với đăng ký kinh doanh. Việc đăng ký kinh doanh là một thủ tục hành chính b t buộc đối với doanh nghiệp muốn kinh doanh, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh có điều kiện nên phải đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ ba, quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp là quá trình quản lý những đối tượng tương đối phức tạp. Điều 2, Nghị định 42/2014/NĐ-CP

2 Ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp

35

ngày 14 tháng 5 năm 2014: “Đối tượng tham gia hoạt động bán hàng đa cấp được quản lý bao gồm doanh nghiệp và người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp”. Vì vậy, đối với doanh nghiệp, công việc quản lý có phần cụ thể và rõ ràng nhưng đối với người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp với số lượng phân phối viên lớn và đa dạng (thậm chí phân phối viên là người có quốc tịch nước ngoài nhưng tham gia hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam…) việc quản lý rất phức tạp.

Bốn là, các sản phẩm bán hàng đa cấp thường có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài nên việc quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp có quan hệ mật thiết với quản lý hàng hóa nhập khẩu [31]. Việc quản lý hàng hóa nhập khẩu là điều không đơn giản bởi vì phải qua các khâu kiểm định chất lượng, thuế, nhãn hàng hóa và giá cả là điều rất quan trọng.

Tóm lại, quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp vừa có những đặc điểm của quản lý nhà nước nói chung vừa có những đặc điểm riêng như đã nêu.

Quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành dựa trên cơ sở quyền lực của Nhà nước. Trong hoạt động quản lý này, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ và giám sát quá trình kinh doanh, nhưng phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, xã hội với lợi ích của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và người sử dụng sản phẩm của bán hàng đa cấp.

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ NHÀ NƢỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)