Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VĂN NGHỊ LUẬN
1.2. Đặc trưng của văn bản nghị luận
Phương thức nghị luận chủ yếu tác động vào lý trí, trí tuệ của người đọc (nghe). Trước một vấn đề nghị luận, người viết (nói) phải luôn ý thức nhiệm vụ thuyết phục đối tượng giao tiếp. Đây là mục đích cuối cùng của VBNL. Muốn thực hiện được mục đích ấy. Quá trình tạo lập văn bản không thể thiếu cách thức lập luận. Sức thuyết phục của văn bản nhiều hay ít, cao hay thấp, đậm hay nhạt đều xuất phát từ cách thức lập luận. Lập luận càng chặt chẽ sức thuyết phục
càng cao. Vì thế, có ý kiến nhận xét: lập luận là một nghệ thuật. Thuyết phục người khác thuyết phục một cách có nghệ thuật, không thể sử dụng ngôn ngữ một cách tùy tiện. Sự trang trọng, công khai của VBNL góp phần không nhỏ đến hiệu quả thuyết phục của văn bản.
Mối quan hệ giữa ba đặc điểm: lập luận chặt chẽ, sức thuyết phục cao, sự trang trạng công khai tạo nên một nét riêng của VBNL, đồng thời thể hiện được tầm quan trọng của VBNL trong đời sống hiện đại.
1.2.1. Tính lập luận chặt chẽ
Quá trình nghị luận là quá trình người nói (viết) tìm ra cái lí để thuyết phục người khác.
Khái niệm lập luận có thể được hiểu như sau: Lập luận là tạo lập cái lí trong VBNL. Lập luận nhằm khẳng định hay phủ định một vấn đề nào đó. Cần phân biệt lập luận (bao hàm nghĩa khẳng định, phủ định, đồng tình, bác bỏ,…) với lập luận (hàm nghĩa xây dựng lập luận đồng tình- đối lập với bác luận)
Dù khẳng định hay phủ định, dù đồng tình hay bác bỏ, người viết cũng phải làm rõ cái lý- tức là phải trình bày, giải thích, chứng minh, phân tích, đánh giá…Vì vậy, lập luận trở thành một đặc trưng quan trọng của VBNL. Trong nghị luận, người viết dựa vào cái lí để thuyết phục người khác. Vấn đề là độ tin cậy của cái lí đó ở mức nào, cách trình bày cái lí ra sao. Mỗi lí lẽ được nêu ra cần phải xác thực, rõ ràng và có hệ thống. Tất cả phải thể hiện sự thống nhất, hợp logic. Lập luận không chặt chẽ sẽ dẫn đến hiện tượng “đuối lí” dễ bị đối phương bắt bẻ.
Nghị luận là một quá trình nhận thức, là một hình thức vận động của tư duy. Muốn lập luận được chặt chẽ phải kết hợp nhiều thao tác tư duy.
Quá trình nghị luận là quá trình người viết (nói) tìm ra cái lý để thuyết phục người khác. Vấn đề là độ tin cậy của cái lý ở mức nào, cách trình bày cái lý ra sao. Mỗi lí lẽ nêu ra đều phải xác thực, rõ ràng và có hệ thống. Tất cả phải thể hiện sự thống nhất, hợp logic.
1.2.2. Tính thuyết phục cao
Văn nghị luận là loại văn bản vận dụng kiểu tư duy logic. Việc chọn lọc và trình bày lí lẽ, dẫn chứng phải hợp lý. Khi lí lẽ được làm sáng tỏ thì người nghe tự nhiên được thông suốt. Điều đó chứng tỏ vấn đề đã được thuyết phục thành công.
Sức thuyết phục của VBNL được thể hiện ở thái độ “tâm phục, khẩu phục”.
Có nghĩa là đối tượng giao tiếp hoàn toàn chấp nhận, bằng lòng với những lí lẽ, dẫn chứng của người viết đưa ra.
Ngoài việc thuyết phục bằng cái lý là chủ yếu, người viết văn nghị luận còn phải chú ý đến cái tình. Tình cảm trong văn nghị luận là một phượng diện rất quan trọng. Tình cảm và lí lẽ luôn bổ sung cho nhau. Lí lẽ vững chắc, lại hội tụ được tình cảm thì lập luận trở nên mạnh mẽ. Tình cảm dồi dào, chân tình giúp tăng cường sức thuyết phục của lí lẽ. Tình và lí tồn tại song song khiến người tiếp nhận không thể không bị thuyết phục.
1.2.3. Tính trang trọng, công khai
VBNL được tạo lập nhằm trình bày quan điểm của người viết về một vấn đề trong đời sống xã hội. Đối tượng chung của VBNL là toàn thể cộng đồng với nhiều giai tầng khác nhau. Mục đích chung của nghị luận là thuyết phục các đối tượng này. Vì vậy, VBNL luôn tồn tại một cách công khai.
Tính công khai còn được thể hiện qua thái độ của người viết đối với vấn đề đang được bàn tới. Điều này ít gặp ở những văn bản khác, nếu có đó chỉ là những lời đánh giá ngầm, gián tiếp không thể hiện lập trường tư tưởng ổn định.
Tác phẩm nghị luận xuất hiện công khai trước cộng đồng, ở những thời điểm, địa điểm khác nhau, thậm chí ở những thời điểm quyết định vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Do đó, ngôn ngữ được sử dụng trong văn nghị luận phải có độ chính xác cao, khoa học và phổ biến. Nghĩa là, trong văn nghị luận không chấp nhận cách nói tùy tiện của khẩu ngữ hay cách nói đa nghĩa của ngôn ngữ nghệ
thuật. Nó cũng không cho phép sử dụng tiếng địa phương, tiếng lóng…Những điểm này góp phần thể hiện sự trang trọng của tác phẩm nghị luận.