Chương 2. PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN KỸ NĂNG LẬP LUẬN TRONG VĂN NGHỊ LUẬN CHO HỌC SINH LỚP 11 THPT
2.1. Rèn luyện cách sử dụng ngôn ngữ nghị luận
2.1.1. Dùng từ ngữ lập luận trong câu văn nghị luận
2.1.1.1. Vai trò của từ ngữ lập luận trong câu văn nghị luận
Bên cạnh lớp từ ngữ thông thường, VBNL không thể không kể đến lớp từ ngữ dùng để thực hiện các thao tác lập luận trong văn bản nghị luận. Đây là chất liệu để người viết khẳng định quan điểm khi nghị luận. Đó cũng là dấu hiệu đặc trưng để nhận biết VBNL. Trong quá trình nghị luận, người viết phải luôn căn cứ vào nội dung nghị luận để đưa ra những nhận xét, đánh giá mang tính chủ quan. Vì thế từ ngữ được sử dụng để đưa ra những lời nhận xét, đánh giá đó phải tập trung hướng về nội dung cần nghị luận. Việc sử dụng từ ngữ nghị luận còn thể hiện tính khoa học của VBNL. Đặc biệt, trong những luận điểm nhận xét, đánh giá, sự xuất hiện của những từ ngữ nghị luận giúp người đọc (nghe) tiếp nhận vấn đề một cách đầy đủ và có hệ thống. Việc sử dụng từ ngữ trong những bài văn nghị luận có khác so với những văn bản còn lại như văn tự sự, văn miêu tả, văn biểu cảm…Trong các văn bản kể trên, người viết có thể linh hoạt sử dụng từ ngữ nhưng ở VBNL do mục đích của văn bản là hướng đến việc thuyết phục đối tượng giao tiếp nên yêu cầu về sử dụng từ ngữ, lập luận…cần đảm bảo tính chặt chẽ, hợp lý.
Từ ngữ nghị luận biểu thị mối quan hệ logic giữa các phán đoán, suy luận, phản bác, đối chiếu so sánh… của người viết khi trình bày quan điểm của mình.
Các từ ngữ lập luận trong nghị luận thường dùng phổ biến gồm có : do đó, trái lại, thêm vào đó, nhưng mà, tuy vậy, thế nhưng…mà còn, vì…nên, nếu
…thì…Việc sử dụng từ ngữ này giúp văn bản nghị luận được chặt chẽ, logic, hệ thống tạo nên sức thuyết phục cao.
Từ ngữ lập luận còn thể hiện thái độ, lập trường, quan điểm của người viết về vấn đề nghị luận. Thông thường đó là những từ: không, nên, chưa, chẳng, phải, có, nhưng, những…Từ ngữ lập luận thường tồn tại ở hai dạng: khẳng định hoặc phủ định.
Từ ngữ lập luận còn đóng vai trò là cầu nối giữa các đoạn trong một văn bản thành một thể thống nhất và hoàn chỉnh. Hay nói cách khác, từ ngữ nghị luận còn là phương tiện để chuyển đoạn trong VBNL. Chuyển đoạn tức là dùng từ ngữ hoặc câu văn thể hiện đúng mối quan hệ nội dung giữa các phần, các ý để liên kết chúng lại làm cho bài văn liền mạch.
Các kết từ và các ngữ tương đương với kết từ thường dùng để chuyển đoạn là: Trước tiên, trước hết, thoạt nhiên, tiếp theo, sau đó, một là, hai là, cuối cùng, sau cùng sau hết…Dùng để nối các đoạn có quan hệ thứ tự với nhau. Một mặt, mặt khác, ngoài ra, bên cạnh đó…Dùng để nối các đoạn có quan hệ song song.
Vả lại, hơn nữa, thậm chí…Dùng để nối các đoạn có quan hệ tăng tiến. Tương tự, cũng thế, cũng vậy, cũng giống như trên…Nối các đoạn có quan hệ tương đồng. Bởi vậy, bởi thế, cho nên, vì lí do trên…Nối các đoạn có quan hệ nhân quả. Nhưng, song, cho nên, tuy nhiên, tuy thế, thế nhưng, trái lại, ngược lại…Nối các đoạn có quan hệ tương phản. Tóm lại, nói tóm lại, tổng kết lại, chung quy, suy cho cùng…Nối đoạn mang ý tổng kết cho các đoạn trước.
2.1.1.2. Sử dụng các từ ngữ lập luận
Trong bài văn nghị luận, không thể thiếu các từ ngữ biểu thị mối quan hệ logic lập luận. Tuy nhiên cần phải hiểu rõ nghĩa biểu thị mối quan hệ của các từ ngữ này để xác định thời điểm sử dụng thích hợp. Cụ thể:
- Cặp từ “vì…nên”, “do…nên” hoặc các từ “do đó, vì vậy”. Đây là những cặp từ chỉ nguyên nhân-kết quả. Vế nêu kết quả là những suy luận thể hiện quan điểm của người viết đối với nội dung nghị luận.
- Cặp từ “nếu…thì”, “hễ…thì”, “giá mà…thì”. Đây là những cặp từ chỉ quan hệ điều kiện-kết quả. Vế nêu kết quả là những phán đoán mang tính chủ quan của người viết đối với nội dung nghị luận.
- Cặp từ “tuy …nhưng”, “dù…nhưng” hoặc các từ “nhưng”, “trái lại”.
Đây là những cặp từ, những từ chỉ quan hệ tương phản. Tùy từng trường hợp cụ thể mà cặp từ này được dùng để khẳng định quan điểm của mình hay bác bỏ quan điểm của người khác.
- Cặp từ “không những… mà còn”, “càng…càng” hoặc từ “đồng thời”.
Đây là những cặp từ, từ chỉ quan hệ bổ sung. Quan hệ này thường hướng đến mục đích khẳng định, bảo vệ quan điểm người viết.
Các từ ngữ biểu thị thái độ, lập trường, quan điểm: phải, nên, cần, có, không, chưa, chẳng…Đây là những từ biểu thị ý nghĩa khẳng định hay phủ định một cách rõ ràng, công khai đối với vấn đề nghị luận. Các luận điểm trong bài văn dù lớn hay nhỏ, dù trực tiếp hay gián tiếp đều thể hiện thông qua ý nghĩa của các từ này.
Các từ, cặp từ biểu thị quan hệ logic lập luận có vai trò quan trọng trong quá trình diễn đạt, lập luận của bài văn nghị luận. Dùng các từ lập luận đúng chỗ sẽ giúp cho lập luận thêm rõ ràng, chắc chắn. Ngược lại, dùng sai các từ ngữ lập luận hoặc không nắm vững các từ ngữ thì sẽ hiểu sai và diễn đạt sai vấn đề.
2.1.1.3. Bài tập rèn luyện cách dùng từ lập luận trong câu văn nghị luận Các dạng bài tập dùng từ lập luận trong văn nghị luận
Thông thường, việc chữa lỗi dùng từ và rèn luyện cách dùng từ cho HS được làm trong tiết trả bài và tiết luyện tập. Tuy nhiên, do thời lượng của hai tiết học này không đủ để chữa tất cả những lỗi sai mà HS mắc phải. Vì vậy, để rèn luyện cách dùng từ có hiệu quả hơn, cần phải có sự tích hợp rèn luyện ở cả ba phân môn tiếng Việt, Văn học và Làm văn. Đồng thời ở những tiết luyện tập cũng cần phân bố thời gian để HS rèn luyện cách dùng từ khi viết văn nghị luận.
Dưới đây là một số dạng bài tập giúp rèn luyện cách dùng từ cho HS:
- Dạng bài tập 1: Xác định và thay thế các từ dùng sai trong các câu cho sẵn.
- Dạng bài tập 2: Phân biệt nghĩa của các từ giống nhau nhưng dùng trong những văn cảnh khác nhau.
- Dạng bài tập 3: Tìm những từ ngữ cũng trường nghĩa với những từ cho sẵn.
- Dạng bài tập 4: Phân tích tác dụng của những từ in nghiêng trong đoạn văn cho sẵn.
- Dạng bài tập 5: Phân tích tác dụng của những từ gần nghĩa trong đoạn văn cho sẵn.
2.1.2. Xây dựng đoạn văn
2.1.2.1.Viết đoạn văn theo kết cấu bài văn
Theo quy trình làm văn, muốn viết đoạn văn nghị luận, người viết phải trải qua giai đoạn lập dàn ý. Ở giai đoạn này các luận điểm được chọn lọc và sắp xếp một cách có hệ thống. Từ mỗi luận điểm người viết bắt đầu cụ thể hóa thành từng đoạn văn. Bài văn nghị luận có thể có nhiều đoạn nhưng ít nhất phải có ba đoạn tương ứng với ba phần của một bài văn: mở bài, thân bài, kết bài. Để viết bài đạt kết quả cao, GV cần rèn luyện cho HS cách viết bài theo bố cục bài văn.
+ Viết đoạn mở bài:
Đoạn mở bài là đoạn văn đầu tiên của đoạn văn nghị luận. Vị trí này khá quan trọng. Bài văn có thu hút được sự chú ý của người đọc hay không phụ thuộc nhiều vào đoạn mở bài. Lập luận ở phần mở bài chính là dẫn dắt người đọc đi vào vấn đề nghị luận. Cụ thể là HS phải nêu được nội dung nghị luận và định hướng cách giải quyết vấn đề. Mở bài là đoạn văn hoàn chỉnh với ba phần:
mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn theo đúng mô hình: Dẫn dắt nêu luận đề định hướng nghị luận.
Mỗi phần trong mô hình trên đều có những chức năng khác nhau. Mở đoạn thường là những câu dẫn dắt, hướng người đọc đến vấn đề cần bàn luận.
Tùy vào từng nội dung cụ thể người viết có thể dẫn dắt bằng nhiều hình thức
khác nhau như trích một câu thơ, câu danh ngôn, hoặc kể một câu chuyện…
Thân đoạn nêu lên luận đề. Luận đề có thể được nêu một cách khái quát, tóm tắt hay cũng có thể nêu nguyên văn. Kết đoạn nhằm định hướng cách thức nghị luận và khái quát quan điểm của người viết.
Ví dụ mở bài cho đề bài: Suy nghĩ về đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” như sau: (1)Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam có nhiều câu tục ngữ sâu sắc thể hiện truyền thống đạo lí của người Việt.(2)Một trong những câu đó là câu: “Uống nước nhớ nguồn”.(3)Câu tục ngữ này nói lên lòng biết ơn đối với những ai đã làm nên thành quả cho con người hưởng thụ.(4)Tuy vậy không phải ai cũng trân trọng truyền thống ấy.
Ở đoạn nghị luận này, câu 1 là câu dẫn dắt, câu 2 là câu nêu luận đề. Câu 3,4 khái quát lại luận điểm của người viết, đồng thời cũng là câu chuyển, định hướng cách thức nghị luận sang phần thân bài.
+ Viết đoạn thân bài
Thân bài là đoạn trung tâm của bài văn. Toàn bộ nội dung cần bàn luận sẽ được giải quyết trong phần thân bài. Vì thế, phần thân bài thường gồm nhiều đoạn, mỗi đoạn giải quyết một luận điểm. Mô hình chung của mỗi đoạn phần thân bài như sau: Nêu luận điểm chính Triển khai luận điểm Nhấn mạnh luận điểm và chuyển đoạn. Trong phần nêu luận điểm chính, người viết khẳng định quan điểm đối với vấn đề nghị luận. Sự khẳng định thể hiện thái độ đồng tình hay phản bác cũng có thể là bổ sung để vấn đề nghị luận được hoàn chỉnh.
Sau đó là những câu triển khai luận điểm. Các câu này nhằm giải thích, chứng minh cho luận điểm vừa nêu. Người viết chủ yếu dùng lí lẽ và dẫn chứng để triển khai. Cuối cùng là nhấn mạnh lại luận điểm và chuyển sang một luận điểm khác. Ở phần này, cần có sự sáng tạo. Nhấn mạnh lại luận điểm không có nghĩa là lặp lại luận điểm đã nêu mà khái quát lại luận điểm ở tầm cao hơn, đồng thời kết thúc và chuyển đoạn một cách hợp lý.
Rèn luyện cho HS viết đoạn thân bài, GV nên hướng dẫn HS bắt đầu từ những đoạn có kết cấu cơ bản nhất (đoạn diễn dịch hoặc đoạn quy nạp) gồm các bước:
Bước 1: Chuyển luận điểm thành một câu chủ đề.
Bước 2: Viết các câu triển khai phân tích các khía cạnh của luận điểm.
Bước 3: Viết các câu kết đoạn.
Sau khi luyện tập thành thạo viết đoạn theo kết cấu cơ bản, GV tập cho HS viết đoạn nghị luận với những kiểu kết cấu khác: song hành, tổng-phân- hợp, nguyên nhân-kết quả…
Để tăng hiệu quả thuyết phục và sức hấp dẫn cho bài văn nghị luận, người viết phải biết kết hợp các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm vào đoạn phần thân bài. Tuy nhiên, việc sử dụng các yếu tố này cần thận trọng, phải chọn lọc và sử dụng phù hợp với luận điểm, luận cứ để không phá vỡ mạch lập luận của cả bài văn. Do đó, khi lập dàn ý, người viết nên dự liệu sắp xếp các yếu tố trên vào hệ thống luận điểm.
Giữa các đoạn nghị luận, đoạn thân bài phải có sự liên kết với các đoạn còn lại. Liên kết các đoạn nghị luận vừa làm cho bài văn liền mạch, lập luận chặt chẽ vững vàng vừa tạo ấn tượng mạnh đối với người đọc, người nghe. Hình thức chuyển đoạn dựa vào từ ngữ nghị luận hoặc câu nghị luận như đã nêu ở phần trên của luận văn.
+ Viết đoạn kết bài
Đoạn kết bài giữ nhiệm vụ kết thúc bài văn nghị luận. Sau khi dẫn dắt người đọc đi theo cách giải quyết vấn đề của mình, người viết khép lại nội dung nghị luận để người tiếp nhận nhận xét, đánh giá. Do đó, cách kết bài cũng phải hướng đến mục đích thuyết phục. Cùng với mở bài, thân bài, kết bài cũng thể hiện tính lập luận sâu sắc.
Kết bài có nhiều cách: kết bài đi từ nhận thức đến hành động, kết bài có tính chất tổng kết. Trong nhiều tài liệu tham khảo, các tác giả đề ra nhiều cách
kết bài khác nhau: tác giả Trần Đình Sử trong Làm văn 12 đã giới thiệu bốn cách kết bài: tóm lược, phát triển, vận dụng và liên tưởng. Tác giả Nguyễn Đăng Mạnh góp thêm: kết bài theo lối điểm nhãn, kết theo lối bình luận mở rộng và nâng cao, kết theo lối đầu cuối tương ứng. Dù kết bài theo kiểu gì cũng phải thể hiện được hai vấn đề: tính thống nhất quan điểm nghị luận giữa hai phần mở bài và thân bài và tạo ấn tượng cho người tiếp nhận. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng mô hình đoạn kết bài trong bài văn nghị luận gồm có hai phần như sau: Tóm tắt nội dung, quan điểm nghị luận Gợi mở vấn đề.
Trong phần tóm tắt nội dung, quan điểm nghị luận, người viết nên khái quát vấn đề một cách cô đọng, súc tích. Tuyệt đối không lan man hoặc lặplại những vấn đề đã nói ở phần thân bài. Ở phần gợi mở vấn đề, người viết gợi thêm những vấn đề có liên quan đến nội dung nghị luận để người tiếp nhận tiếp tục suy nghĩ. Có thể đó là sự vận dụng, là lời kêu gọi, là ước muốn, là sự khám phá.
Từ cách rèn luyện viết đoạn văn nghị luận theo kết cấu bài văn, GV có thể khái quát thành quy trình viết đoạn văn nghị luận cho học sinh luyện tập như sau:
Bước 1: Xác định nội dung đoạn nghị luận (căn cứ vào luận điểm), khái quát thành câu chủ đề.
Bước 2: Lựa chọn kiểu kết cấu đoạn nghị luận (diễn dịch, quy nạp, song hành…)
Bước 3: Tiến hành triển khai đoạn văn.
Bước 4: Kiểm tra và chỉnh sửa.
2.1.2.2. Sử dụng các bài tập rèn luyện xây dựng đoạn văn
Căn cứ vào vai trò và yêu cầu của đoạn văn nghị luận, chúng tôi cho rằng cần có những bài tập để rèn luyện những kỹ năng xây dựng đoạn văn nghị luận có chú trọng tính lập luận. Bước đầu, chúng tôi đề xuất những dạng bài tập như sau:
- Bài tập 1: Từ một luận điểm có sẵn, HS xác định những nội dung dự định sẽ triển khai thành đoạn.
- Bài tập 2: Từ một câu chủ đề cho sẵn, HS viết đoạn văn nghị luận theo mô hình kết cấu đoạn văn.
- Bài tập 3: Từ một đoạn văn nghị luận cho sẵn, HS xác định câu chủ đề, câu khai triển, mô hình kết cấu đoạn văn nghị luận.
- Bài tập 4: Tìm và phân tích những giá trị lập luận của đoạn văn nghị luận cho sẵn.
- Bài tập 5: Cho một số câu lộn xộn, yêu cầu học sinh sắp xếp lại thành một đoạn văn hoàn chỉnh.
Xây dựng đoạn văn là giai đoạn hiện thực hóa hệ thống luận điểm, tạo thành bài văn nghị luận. Đây là cấp độ cao trong việc sử dụng ngôn ngữ nghị luận để tạo lập văn bản. HS cần nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc xây dựng đoạn văn nghị luận. Từ đó, có kế hoạch rèn luyện, nâng cao năng lực lập luận trong văn nghị luận.