Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC BẢO TỒN TẠI KHU BẢO TỒN LOÀI VÀ SINH CẢNH LOÀI VƯỢN CAO VÍT HUYỆN TRÙNG KHÁNH, TỈNH CAO BẰNG LUẬN VĂN THẠC SĨ (Trang 26 - 30)

Chương 3: Đặc điểm cơ bản của khu vực nghiên cứu

3.1. Điều kiện tự nhiên

3.1.1. Vị trí địa lý

Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Vượn đen Cao Vít nằm trong địa phận ba xã Phong Nậm, Ngọc Khê và Ngọc Côn thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; cách thị xã Cao Bằng khoảng 70km và cách Hà Nội khoảng 300km về phía Đông- Bắc. Có tọa độ địa lý:

Từ 22o53’đến 22o56.4’Vĩ độ Bắc

Từ 106o30’ đến 106o33’ Kinh độ Đông.

KBT nằm ở phía Tây Bắc của dãy núi đá vôi khu vực Đông Bắc của Việt Nam, tiếp giáp với huyện Trịnh Tây, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Dải rừng trong khu bảo tồn chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam và là khu vực đầu nguồn với ranh giới tự nhiên là hai nhánh của con sông Quây Sơn.

Khu Bảo tồn được thành lập theo quyết định số 2536/QĐ-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng với tổng diện tích vùng lõi là 1.656,8 ha thuộc trạng thái rừng phục hồi sau khai thác kiệt, trong đó khu vực hiện có VCV phân bố là 881,59 ha và khu vực còn lại là 774,41 ha, trong đó khu vực được người dân sử dụng vào mục đích nông nghiệp là 21ha và vùng đệm là phần diện tích còn lại thuộc địa bàn hai xã Phong Nậm, Ngọc Khê là 5723 ha.

Hình 3.1: Vị trí và ranh giới KBT Loài và sinh cảnh VCV (nguồn FFI) 3.1.2. Địa hình, địa chất, thổ nhưỡng

Địa hình Khu bảo tồn gồm một loạt các dãy núi đá vôi xen lẫn các thung lũng. Các dãy núi đá vôi bị chia cắt mạnh, hình thành các dốc đứng và tháp nhọn riêng biệt nằm rải rác ở một số nơi tại các thung lũng bằng và nhỏ.

Độ cao so với mặt nước biển trung bình của khu vực từ 500 đến 800m, cao nhất là 921m.

Địa chất Khu bảo tồn bao gồm các loại đất chính sau:

- Đất phù sa không bồi đắp - Đất Các bon nát

- Đất đỏ nâu trên núi đá vôi

- Đất thung lũng

- Đất đỏ nâu vàng trên núi đá vôi - Đất đỏ vàng trên phiến sét - Đất vàng nhạt trên sa thạch

Cảnh quan đặc biệt nhất của vùng là các dãy núi đá vôi cổ, cứng, kiểu đá nham thạch bị bào mòn mạnh, chủ yếu tuổi Paleozone muộn và Meozoi sớm. Đó là kết quả của sự bào mòn sâu đến hơn 900m của lớp đất bồi tích, lắng đọng phủ lên các khối đá vôi. Cảnh quan này chiếm một diện tích rất lớn của vùng và về mặt địa lý là phần kéo dài của Cao nguyên Quý Châu, Trung Quốc. Cảnh quan hiện đại của vùng được hình thành bởi nhiều đợt nâng địa chất mạnh mẽ vào kỷ Trung sinh (Meozoi), kết quả đã nâng các lớp bồi tích biển cổ biến chất lên đến độ cao lớn so với mực nước biển. Khối đá cứng đã bị xẻ do quá trình bào mòn thành nhiều đỉnh và đường đỉnh biệt lập. Những dãy núi đá vôi đó có nhiều vách dựng đứng và sườn dốc. Các đỉnh và đường đỉnh núi đá vôi cao nhất của vùng thường có độ cao 800 – 900m.

3.1.3. Khí hậu, thuỷ văn

Khí hậu

Khí hậu chung của khu vực Trùng Khánh là á nhiệt đới ẩm với nhiệt độ trung bình năm 16-20oC, mùa lạnh dài trên 4 tháng, lượng mưa trung bình năm vừa phải từ 1.500 - 2.500mm, mùa khô ngắn, thường dưới 2 tháng.

Nhiệt độ trung bình năm thay đổi từ 19,8oC ở độ cao 500m đến 18oC ở độ cao 800m. Trên các đỉnh cao trên 800m, nhiệt độ hạ thấp hơn một chút.

Biên độ nhiệt năm lớn 14,5oC. Mùa lạnh kéo dài 5 tháng từ tháng 11 đến tháng 3 tại độ cao 500m và kéo dài đến 7 tháng từ tháng 10 đến tháng 4 ở độ cao trên 800m. Lượng mưa trung bình năm vào loại vừa (1.665,5mm), không

có tháng khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10. Các tháng 11 đến tháng 3 mưa ít nhưng vẫn lớn hơn hai lần trị số của nhiệt độ. Độ ẩm tương đối trung bình thấp nhất của không khí thấp, chỉ đạt 62%.

Thuỷ văn

Gồm có hai nhánh sông chính của sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc tách ra chảy theo hai hướng là qua các xã Ngọc Côn, Ngọc Khê và Phong Nậm. Nhánh thứ nhất (Ngọc Côn - Ngọc Khê) chảy qua Đông Si – Nà Giào - Tử Bản – Pác Ngà – Bó Hay thuộc xã Ngọc Côn - Ngọc Khê với chiều dài 18km, rộng trung bình 9m. Nhánh thứ hai (Phong Nậm) chảy qua Đá Bè – Nà Hâu – Nà Chang - Giộc Rùng của xã Phong Nậm rồi chảy về xã Ngọc Khê qua Giộc Sung – Pác Thay - Đổng Đoạ với chiều dài 14m, rộng trung bình 8m. Hai nhánh này chảy qua ba xã và bao quanh KBT rồi gặp nhau tại Giàng Nốc.

3.1.4. Khu hệ thực vật

Hệ thống phân loại các kiểu thảm thực vật chính của Khu Bảo tồn Loài và sinh cảnh Vượn đen Cao Vít gồm có bốn dạng sau:

- Rừng thứ sinh:

+ Rừng thứ sinh thường xanh ở thung lũng và chân núi đá vôi (đất dốc tụ) + Rừng thứ sinh thường xanh ở sườn núi đá vôi

+ Rừng thứ sinh thường xanh hỗn giao cây hạt trần, cây lá rộng giông núi đá vôi.

- Trảng cây bụi thứ sinh - Trảng cỏ thứ sinh - Thảm thực vật nhân tác

Theo kết quả điều tra của Vũ Anh Tài và Nguyễn Hữu Tứ (2007) [23], tại Khu Bảo tồn Loài và Sinh Cảnh Vượn đen Cao Vít đã ghi nhận được 543 loài thuộc 356 chi và 16 họ của 4 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có 27 loài có giá trị về mặt bảo tồn bao gồm 11 loài được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam, 4 loài trong Sách Đỏ IUCN, 19 loài trong Nghị định 32 của chính phủ.

3.1.5. Khu hệ động vật

Từ kết quả điều tra sơ bộ khu hệ động vật ghi nhận tại KBT bao gồm 23 loài thú thuộc 14 họ, 61 loài chim, 11 loài lưỡng cư bò sát. Khu vực còn là nơi phân bố của nhiều loài thú quý hiếm như gấu, báo lửa, báo gấm, hươu xạ, sơn dương, tê tê, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc và đặc biệt là loài Vượn Cao Vít (Nomascus nasutus).

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC BẢO TỒN TẠI KHU BẢO TỒN LOÀI VÀ SINH CẢNH LOÀI VƯỢN CAO VÍT HUYỆN TRÙNG KHÁNH, TỈNH CAO BẰNG LUẬN VĂN THẠC SĨ (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)