Bất động cột sống cổ:
Nằm nghỉ tại giường và đeo đai cổ khi ngồi, khi đi lại 5 – 7 ngày trong giai đoạn cấp tính, đau nhiều.
Tránh tư thế gây chèn ép thêm:
- Tránh ngửa, nghiêng hoặc xoay đầu quá mức sang bên thương tổn.
- Nằm có kê gối ở vùng gáy trong trường hợp mất ưỡn sinh lý cột sống cổ.
- Giảm thiểu những hoạt động làm triệu chứng nặng lên như lái xe, sử dụng máy tính...
Liệu pháp dùng thuốc:
Thường dùng thuốc giảm đau chống viêm steroid là không steroid (tác dụng chống viêm đĩa đệm, chống viêm rễ thần kinh, chống phù nề), thuốc giãn cơ (giảm co cứng ở các cơ, giảm kích thích rễ thần kinh và đồng thời giãn cơ làm giảm áp lực cho đĩa đệm).
Các phương pháp phong bế:
- Phong bế ngoài màng cứng.
- Phong bế cạnh sống.
- Phong bế các điểm xuất phát đau: có thể giảm đau tức thì.
Các phương pháp khác:
- Điều trị y học cổ truyền: châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp - Vật lý trị liệu: nhiệt, điện liệu pháp.
- Kéo giãn cột sống.
- Các biện pháp can thiệp không phẫu thuật: sóng cao tần, đốt nhiệt, tiêu hóa nhân nhầy đĩa đệm...
1.5.2. Điều trị phẫu thuật
* Mục đích phẫu thuật
- Giải phóng sự chèn ép mà không gây tổn thương cấu trúc thần kinh: lấy bỏ khối thoát vị, chồi xương, dây chằng dọc sau thoái hóa...
* Chỉ định phẫu thuật
- Có hội chứng chèn ép tủy ở mức độ nặng hoặc trung bình.
- Có hội chứng chèn ép rễ điều trị nội khoa không cải thiện.
- Chẩn đoán hình ảnh phù hợp với triệu chứng lâm sàng lâm sàng: trên phim CHT có khối thoát vị rõ ràng tương xứng với lâm sàng.
* Phương pháp phẫu thuật
Các phương pháp phẫu thuật được xếp theo đường mổ: đường mổ trước, đường mổ sau hoặc phối hợp đường mổ trước sau [56].
- Phẫu thuật theo đường mổ cổ trước
+ Phẫu thuật lấy đĩa đệm- ghép xương- cố định cột sống cổ lối trước:
Đường rạch da trước bên, tách cân cơ, mạch máu và tạng sang 2 bên đi vào mặt trước đốt sống, lấy đĩa đệm hoặc cắt bỏ 1 phần thân đốt sống, hàn xương liên thân đốt.
Chỉ định: bệnh nhân có thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chèn ép tuỷ, rễ gây triệu chứng lâm sàng và không có chèn ép tuỷ phía sau.
Ưu điểm: thuận lợi xử lý thoát vị đĩa đệm chèn ép tuỷ từ phía trước, giảm đau do không tàn phá cơ, chỉnh gù cột sống do thoái hoá thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Nhược điểm: tổn thương các tạng mạch máu vùng cổ trước, không xử lý được nguyên nhân chèn ép từ phía sau, hạn chế đối với thoát vị đĩa đệm đa tầng.
+ Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo:
Đường rạch da trước bên, tách cân cơ, mạch máu và tạng sang 2 bên đi vào mặt trước đốt sống, lấy đĩa đệm, thay thế bằng đĩa đệm nhân tạo có khớp
Chỉ định: Bệnh lý thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống từ C3 - T1 có triệu chứng rễ thần kinh cổ hoặc tủy cổ điều trị bảo tồn thất bại.
Ưu điểm: Đường mổ nhỏ, thời gian phục hồi nhanh, bảo tồn được biên độ vận động cột sống cổ, giảm tại trọng cho đốt sống liền kề.
Nhược điểm: Chi phí giá thành vật liệu cao, hạn chế chỉ định trong một số bệnh lý.
- Phẫu thuật theo đường cổ sau: phẫu thuật lấy đĩa đệm cổ bằng đường vào phía sau có thể không lấy được đĩa đệm và làm cho cột sống yếu do phải cắt nhiều cung sau và có nhiều biến chứng như tổn thương tủy và rễ thần kinh. Có ba kỹ thuật chính.
+ Kỹ thuật cắt bỏ cung sau (Laminectomy):
Đường rạch chính giữa, trên các gai sau, gặm bỏ cung sau 1 -2 cung hoặc nhiều hơn, tùy phẫu thuật viên, hoặc có thể chỉ lấy một nửa cung sau và để lại gai sau, chuyển ống sống từ dạng ống sang dạng máng, dùng spatule vén tuỷ và rễ để bộc lộ khối thoát vị, kiểm tra và lấy bỏ khối thoát vị, việc lấy bỏ toàn bộ đĩa đệm hoặc cả gai xương là khó thực hiện.
Chỉ định: giải phóng chèn ép phía sau do phì đại dây chằng vàng, TVĐĐCSC hoặc gai xương nhiều tầng trên nền hẹp ống sống lan rộng.
Ưu điểm: tiếp cận đúng đốt sống, giải phóng chèn ép tốt, mở lên trên và xuống dưới dễ dàng, rất tốt khi có hẹp ống sống kèm theo.
Nhược điểm: khó lấy bỏ được toàn bộ đĩa đệm và các gai xương, còn tỷ lệ tử vong, biến chứng nhiều, có thể làm cho cột sống kém bền vững.
+ Kỹ thuật mở rộng lỗ ghép (foraminotomy)
Bằng cách lấy bỏ một phần cung sau tạo lỗ, với một khoan nhỏ có tốc độ cao, lỗ này phải có đường kính lớn hơn 1cm, nghĩa là phải mở đủ rộng cả lên cuống trên và cuống dưới, để có thể dùng curette nhỏ lấy bỏ hết gai xương và các mảnh đĩa đệm mềm, để giải phóng chèn ép các rễ bị kẹt
giữa đĩa đệm thoát vị và cung sau, không giải chèn ép tuỷ sống. Có thể tiến hành mở rộng một hoặc nhiều lỗ ghép, hoặc đi sau kỹ thuật cắt cung sau.
Chỉ định: bệnh lý rễ do thoát vị lỗ ghép có mảnh rời, ở mức cao C3 – C4 hoặc thấp C7 – T1, NB cổ mập ngắn khó mổ đường trước. Điều trị bằng cắt cung sau kết hợp mở rộng lỗ ghép sẽ đạt hiệu quả cao nếu NB có cả bệnh lý rễ và bệnh lý tuỷ do chèn ép phía sau là chính.
Nhược điểm: đường mổ phía sau làm cho cột sống kém vững, có thể gây bán sai khớp nếu trên 1/3 số mặt khớp nằm trên các lỗ ghép bị lấy bỏ, không lấy hết được đĩa đệm thoát vị và gai xương ở mặt trước ống sống.
+ Kỹ thuật tạo hình cung sau mở rộng
Chỉ định: bệnh lý tuỷ cổ do thoái hóa CSC nhiều tầng hoặc vôi hóa dây chằng dọc sau. Kỹ thuật này ưu điểm hơn cắt cung sau: giữ lại được phần xương để bảo vệ tuỷ sống, hạn chế đến mức tối thiểu tổ chức sẹo xâm phạm vào tuỷ sống, duy trì được sự ổn định của tuỷ sống.
- Phối hợp đường mổ cổ trước bên và đường mổ sau
Trong một số trường hợp, đặc biệt như TVĐĐCSC kèm theo cốt hóa dây chằng dọc sau làm hẹp ống sống hay có hẹp ống sống do các nguyên nhân phía sau, một đường mổ thường không đủ giải phóng chèn ép, phối hợp hai đường mổ phía trước và phía sau là cần thiết. Đối với đường mổ phía trước, kỹ thuật thực hiện có thể là cắt bỏ thân đốt sống hay chỉ đơn thuần là lấy đĩa đệm, nhân thoát vị để giải phóng chèn ép. Đối với đường mổ phía sau thường thực hiện kỹ thuật tạo hình ống sống hay cắt cung sau giải phóng chèn ép.