Khái quát chung về tỉnh Bắc Ninh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiện trạng môi trường đất sản xuất nông nghiệp tỉnh bắc ninh giai đoạn 2016 2021 (Trang 40 - 49)

Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA NGHIÊN CỨU HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG ĐẤT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.2. Khái quát chung về tỉnh Bắc Ninh

a) Vị trí địa lí

Tỉnh Bắc Ninh là tỉnh nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, liền kề với thủ đô Hà Nội. Về tọa độ địa lý, Bắc Ninh nằm trong khoảng vĩ độ từ 20º50’B đến 21º16’B và kinh độ từ 105º54’Đ đến 106º19’Đ. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 82.271 ha nhỏ nhất cả nước.

Về đơn vị hành chính, toàn tỉnh có 02 thành phố trực thuộc tỉnh, 02 thị xã và 04 huyện gồm: thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong, huyện Lương Tài, huyện Gia Bình.

30

Do có vị trí địa lí rất thuận lợi như: tiếp giáp với thủ đô, gần sân bay quốc tế, gần cửa khẩu, không quá xa cảng biển, giao thông thuận tiện,… nên Bắc Ninh có điều kiện thuận lợi để giao lưu, trao đổi với bên ngoài, tạo ra nhiều cơ hội to lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội và phát huy triệt để khả năng của mình.

b) Địa hình, địa mạo

Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng nên có địa hình tương đối bằng phẳng, mức độ chênh lệch địa hình toàn Tỉnh không lớn. Trong tỉnh phần lớn là địa hình đồng bằng với độ cao trung bình từ 3 - 7 m so với mực nước biển, có một số nơi địa hình thuộc vùng trũng thấp ven đê ở các địa phương Gia Bình, Lương Tài và Quế Võ. Địa hình đồi núi thấp chiếm diện tích không lớn chỉ khoảng 0,53% so với tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, phân bố rải rác ở các địa phương thuộc thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ với các đỉnh núi có độ cao phổ biến từ 60 – 100 m, đỉnh cao nhất là núi Bàn Cờ (thành phố Bắc Ninh) cao 171 m, tiếp đến là núi Bu (huyện Tiên Du) cao 1403 m, núi Phật Tích (huyện Tiên Du) cao 84 m.

c) Địa chất

Địa chất Bắc Ninh có những nét giống của cấu trúc địa chất vùng trũng sông Hồng với bề dày trầm tích đệ tứ chịu ảnh hưởng rõ rệt của cấu trúc mỏng. Tuy nhiên nằm trong miền kiến tạo Đông Bắc, Bắc Bộ nên cấu trúc địa chất lãnh thổ của tỉnh có những nét còn mang tính chất của vòng cung Đông Triều vùng Đông Bắc. Bề dày các thành tạo đệ tứ biến đổi theo quy luật trầm tích từ Bắc xuống Nam. Nhìn chung, địa chất của Bắc Ninh có tính ổn định hơn so với Hà Nội và các đô thị vùng đồng bằng Bắc Bộ khác trong việc xây dựng công trình. Việc thành tạo đất và chất lượng đất cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của các quá trình địa chất như trên.

d) Thổ nhưỡng

Theo Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (năm 2018), đất NN của tỉnh Bắc Ninh gồm 6 Nhóm đất chính theo hệ thống phân loại của FAO- UNESCO-WRB (2006), đó là: Đất tầng mỏng - Leptosols (LP); Đất phù sa - Fluvisols (FL); Đất glây - Gleysols (GL); Đất cát - Arenosols (AR); Đất loang lổ - Plinthosols (PT); Đất xám - Acrisols (AC).

Trong đó Nhóm đất phù sa (Fluvisols) chiếm diện tích lớn nhất 31.585 ha (chiếm 72,8% DTĐT và chiếm 38,4% DTTN của tỉnh). Các nhóm còn lại chiếm diện tích không nhiều, nhưng cũng có những ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp.

31

Diện tích các nhóm đất phân bố theo đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bắc Ninh được thể hiện trong bảng phụ lục 1.

- Đất NN của Tỉnh có thành phần cơ giới thay đổi từ nhẹ đến nặng (cát, cát pha đến thịt pha sét,...). Trong đó, các loại đất Glây đất loang lổ có thành phần cơ giới nặng hơn, các loại đất phù sa có thành phần cơ giới nhẹ hơn. Đất xám có thành phần cơ giới thay đổi tùy thuộc vào đặc điểm hình thành đất: Các loại đất như Đất xám có tầng loang lổ, rất chua, Đất xám đọng nước, rất chua thường có thành phần cơ giới nặng hơn các loại đất xám khác. Các loại đất đều phù hợp với hoạt động trồng trọt.

- Các loại đất hầu hết có phản ứng từ rất chua đến ít chua, hàm lượng các chất dinh dưỡng thường ở mức nghèo, hàm lượng chất hữu cơ tổng số ở mức trung bình.

Tuy nhiên, hiện nay do là địa phương có trình độ thâm canh cao, quá trình canh tác nhiều năm đã làm cho các đặc tính tầng mặt của đất NN thường ở mức cao hơn so với phía dưới, phổ biến ở mức trung bình đến giàu.

e) Khí hậu

Bắc Ninh thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng là nóng ẩm, mưa nhiều vào mùa hè và khô lạnh, ít mưa vào mùa đông. Do đặc điểm địa hình chủ yếu là đồng bằng nên đặc điểm khí hậu của tỉnh khá đồng nhất.

- Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23 - 24ºC, nhiệt độ phân hóa thành hai mùa mùa hè nóng (nhiệt độ 28 - 30ºC), mùa đông lạnh (nhiệt độ dưới 18ºC).

- Tổng lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1300 - 1800 mm/năm. Lượng mưa phân hóa thành hai mùa, mưa nhiều từ tháng V đến tháng XI, chiếm khoảng 80% tổng lượng mưa cả năm, mùa ít mưa từ tháng XI đến tháng IV năm sau với lượng mưa chỉ chiếm 20% tổng lượng mưa cả năm.

- Tổng lượng bốc hơi cả năm khoảng 1000 mm. Lượng bốc hơi lớn thường xảy ra vào các tháng nóng VI, VII và các tháng mùa thu đông từ tháng X đến tháng XII, trung bình trên 100 mm. Tháng có lượng bốc hơi thấp nhất là tháng II dưới 60 mm.

- Độ ẩm không khí trung bình là 80 - 82%. Phần lớn các tháng trong năm có độ ẩm trên 80%. Tháng XII và tháng I là hai tháng có độ ẩm không khí thấp nhất.

Nhìn chung với giá trị độ ẩm không khí trung bình của tỉnh Bắc Ninh là tương đối phù hợp với nhiều loại cây trồng.

32 f) Thủy văn

Bắc Ninh có mạng lưới sông ngòi khá dày đặc (trung bình từ 1 - 1,2 km/km2) với 3 sông lớn thuộc hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình là: sông Đuống là sông đào nối liền sông Hồng và sông Thái Bình, có chiều dài 42 km nằm trên địa phận tỉnh Bắc Ninh với tổng lưu lượng nước bình quân 31,6 tỷ m3; sông Cầu có chiều dài 290 km, đoạn chảy qua địa phận Bắc Ninh dài 69 km, lưu lượng nước khoảng 5 tỷ m3; sông Thái Bình dài 385 km, đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh dài 16 km. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có các hệ thống sông ngòi nội địa như sông Ngũ Huyện Khê, sông Cà Lồ, sông Dâu, sông Đông Côi, sông Bội, ngòi Tào Khê, sông Đồng Khởi, sông Đại Quảng Bình, mạng lưới kênh của hai hệ thống thủy nông Nam và Bắc Đuống,….

Chế độ nước sông chia làm hai mùa, mùa lũ và mùa cạn. Mùa lũ thường bắt đầu từ tháng V đến tháng X, thời gian và độ sâu ngập nước khác nhau giữa từng khu vực, ngập úng làm thay đổi một số quá trình lý-hóa trong đất. Mùa cạn ở Bắc Ninh thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Trong mùa cạn do lượng bốc hơi nước lớn, toàn bộ hệ thống sông hồ ở tỉnh đều có lưu lượng nước xuống thấp, trung bình thấp hơn mặt ruộng từ 3 - 4 m nên khả năng đưa nước vào ruộng gặp nhiều hạn chế. Các khu vực đồng ruộng ở cuối hệ thống kênh mương hầu hết đều bị thiếu nước tưới, làm ảnh hưởng đến chất lượng đất và năng suất cây trồng.

1.2.2.2. Điều kiện kinh tế - xã hội a) Dân cư và lao động

Dân số trung bình tỉnh Bắc Ninh năm 2021 là người, trong đó khu vực thành thị chiếm khoảng 36,6% và tiếp tục tăng lên do có các địa phương được nâng cấp từ xã lên phường.

Phân bố dân cư Bắc Ninh mang đậm sắc thái nông nghiệp, nông thôn với tỉ lệ dân nông thôn là 63,3%. Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh là 1778 người/km2, phân bố không đều giữa các địa phương trong tỉnh.

Với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao hơn nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc, Bắc Ninh vẫn đang trong thời kì “cơ cấu dân số vàng”, có lực lượng lao động rất đông đảo. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Bắc Ninh năm 2021 là 766.173 người; lao động tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn (69,2%), khu vực thành thị lực lượng lao động thấp hơn (30,8%). Trong các ngành kinh tế, lực lượng lao động của tỉnh làm việc nhiều nhất tại khu vực công nghiệp và xây dựng người (59,5%),

33

khu vực dịch vụ người (35,5%), lực lượng lao động trong nông nghiệp rất ít (5%).

Tuy nhiên, trong lực lượng nào động này, nhóm lao động trẻ thường có xu hướng di cư tìm việc làm ở các thành phố, các vùng có nhiều KCN, CCN, làng nghề nên lực lượng lao động ở khu vực này có xu hướng tăng lên.

Như vậy, với mật độ dân số cao, sự gia tăng nhanh dân số cùng với sự phát triển bùng nổ về kinh tế của tỉnh những năm qua đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và công tác bảo vệ môi trường trong đó có môi trường đất SXNN.

b) Phát triển kinh tế

Tổng sản phẩm (GRDP) có xu hướng tăng, năm 2022 tăng 5,14% so với năm 2021 (theo giá so sánh 2010), quy mô duy trì vị trí thứ 7 toàn quốc, đạt giá trị 139.419 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 7.084 đô la Mỹ đứng vị trí hàng đầu cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 168.251 tỷ đồng, duy trì vị trí hàng đầu cả nước, trong đó phát triển mạnh nhất phải kể đến các ngành công nghiệp điện tử chiếm 80% toàn ngành công nghiệp. Khu vực nông nghiệp phát triển khá, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 6 608 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục mở rộng, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng tiêu chuẩn Vietgap với 263 vùng sản xuất hàng hóa tập trung qui mô từ 5 ha trở lên, đưa ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 6,3% so với năm 2020. Hoạt động thương mại, dịch vụ được đẩy mạnh, quy mô hoạt động thương mại - dịch vụ trong tỉnh tiếp tục được mở rộng, bên cạnh đó hoạt động xuất nhập khẩu cũng đang ngày càng phát triển mạnh.

Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực và đúng hướng, không chỉ đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp mà còn là trung tâm công nghiệp điện tử của các nước. Trong nội bộ từng ngành cũng có sự chuyển dịch, khu vực nông nghiệp, giảm tỉ trọng ngành trồng trọt tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản;

trong khu vực công nghiệp - xây dựng tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến ngày càng lớn, tuy nhiên các ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, tái chế phế liệu,… có mở rộng về quy mô nhưng chậm và không đột phá nên tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm dần. Điều này, gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường của tỉnh, trong đó có môi trường đất và đất SXNN.

34 c) Thủy lợi

Bắc Ninh hiện có 2 hệ thống thủy nông chính là Bắc Đuống và Nam Đuống thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu nước phục vụ dân sinh xã hội và sản xuất nông nghiệp cho 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Về cơ bản, hệ thống đã đảm bảo nước tưới cho khoảng 84% diện tích gieo trồng của tỉnh, trong đó tưới chủ động gần 60% diện tích, chủ động tiêu gần 70% diện tích. Có khoảng 7.095 ha thường xuyên bị hạn. Như vậy, về cơ bản hệ thống thủy nông của tỉnh đã đáp ứng một phần yêu cầu, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hệ số sử dụng đất cũng như chất lượng đất SXNN.

1.2.3. Tình hình sử dụng tài nguyên đất của tỉnh Bắc Ninh trong những năm gần đây 1.2.3.2. Tình hình sử dụng tài nguyên đất tỉnh Bắc Ninh

a) Hiện trạng sử dụng đất

Tổng diện tích tự nhiên của toàn Tỉnh năm 2021 là 82.271 ha, được phân ra:

Thành phố Bắc Ninh 8.264 ha, huyện Yên Phong 9.693 ha, thị xã Quế Võ 15.511 ha, huyện Tiên Du 9.560 ha, thành phố Từ Sơn 6.109 ha, thị xã Thuận Thành 11.783 ha, huyện Gia Bình 10.759 ha và huyện Lương Tài 10.592 ha.

Diện tích đất nông nghiệp của toàn Tỉnh là 46.791 ha, được chia ra cho các huyện thị như sau: thành phố Bắc Ninh 3.204 ha, huyện Yên Phong 4.877 ha, huyện Quế Võ 8.315 ha, huyện Tiên Du 4.896 ha, thị xã Từ Sơn 2.538 ha, huyện Thuận Thành 6.656 ha, huyện Gia Bình 5.584 ha và huyện Lương Tài là 5.473 ha.

Diện tích đất phi nông nghiệp của toàn Tỉnh là 35.289 ha, trong đó gồm:

Thành phố Bắc Ninh 5.021 ha, huyện Yên Phong 4.775 ha, huyện Quế Võ 7.150 ha, huyện Tiên Du 4.652 ha, thị xã Từ Sơn 3.570 ha, huyện Thuận Thành 5.110 ha, huyện Gia Bình 5.144 ha và huyện Lương Tài là 5115 ha.

Diện tích đất chưa sử dụng của toàn Tỉnh là 191 ha, trong đó gồm: Thành phố Bắc Ninh 39 ha, huyện Yên Phong 41 ha, huyện Quế Võ 46 ha, huyện Tiên Du 12 ha, thị xã Từ Sơn 1 ha, huyện Thuận Thành 17 ha, huyện Gia Bình 31 ha và huyện Lương Tài là 4 ha.

35

Bảng 1.1. Hiện trạng sử dụng đất tỉnh Bắc Ninh năm 2021

STT Chỉ tiêu sử dụng đất Diện tích (ha) Cơ cấu (%)

Tổng diện tích tự nhiên 82.271 100

1 Nhóm đất nông nghiệp 46.791 56,9

1.1 Đất sản xuất nông nghiệp 40.985 49,8

1.2 Đất lâm nghiệp 558 0,7

1.3 Đất nuôi trồng thủy sản 5.005 6.1

1.4 Đất nông nghiệp khác 244 0.3

2 Đất phi nông nghiệp 35.289 42.9

2.1 Đất ở 10.785 13,1

2.2 Đất chuyên dùng 19.201 23,3

3 Đất chưa sử dụng 191 0,2

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bắc Ninh, năm 2021) b) Biến động sử dụng đất tỉnh Bắc Ninh

Trong những năm qua cùng với sự thay đổi mạnh mẽ về phát triển kinh tế, tình hình sử dụng đất đai cũng biến động không ngừng. Theo số liệu thống kê năm 2016 và 2021, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh biến động như sau:

* Đất nông nghiệp:

Diện tích đất nông nghiệp của Tỉnh năm 2021 là 46.791 ha, giảm 2.585 ha so với năm 2016, trong đó:

- Đất sản xuất nông nghiệp năm 2021 là 40.985 ha, giảm 2.850 ha so với năm 2016. Nguyên nhân chính của việc diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm mạnh trong giai đoạn này là tốc độ công nghiệp hóa của Tỉnh trong giai đoạn rất nhanh, nhiều khu công nghiệp phát triển, các công trình giao thông, đô thị hóa,… đã làm cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm xuống mà diện tích chủ yếu là đất trồng lúa.

- Đất lâm nghiệp, đất nuôi thủy sản cũng có xu hướng giảm so với năm 2021, giảm lần lượt là 28 ha và 55 ha.

Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp khác năm 2021 là 244 ha, tăng 49 ha so với năm 2016. Nguyên nhân chính là do trong những năm gần đây tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đa dạng cơ cấu sản phẩm nên nhiều đối tượng nông nghiệp mới được đưa vào phát triển thử nghiệm.

36

* Đất phi nông nghiệp: Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2021 diện tích đất phi nông nghiệp tăng 2.661 ha.

- Đất ở năm 2021 là 10.785 ha, tăng 551 ha so với năm 2016.

- Đất chuyên dùng cũng có xu hướng tăng nhanh so với năm 2016, tăng 2.077 ha.

* Đất chưa sử dụng: Đất chưa sử dụng của tỉnh trong thời gian từ 2014 đến 2019 cũng có xu hướng giảm, với diện tích năm 2014 là 215 ha, đến năm 2019 còn 191 ha, giảm 24 ha.

Bảng 1.2. Biến động sử dụng đất tỉnh Bắc Ninh

STT Mục đích sử dụng 2016 2021 So sánh

tăng [+], giảm [-]

TỔNG DIỆN TÍCH TỰ NHIÊN 82.271 82.271 -

1 Đất nông nghiệp 49.376 46.791 -2.585

1.1 Đất sản xuất nông nghiệp 43.835 40.985 -2.850

1.2 Đất lâm nghiệp có rừng 586 558 -28

1.3 Đất nuôi trồng thuỷ sản 5.060 5.005 -55

1.4 Đất nông nghiệp khác 195 244 +49

2 Đất phi nông nghiệp 32.682 35.289 +2.661

2.1 Đất ở 10.234 10.785 +551

2.2 Đất chuyên dùng 17.124 19.201 +2.077

3 Đất chưa sử dụng 214 191 -23

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bắc Ninh, năm 2016, 2021)

37

Tiểu kết chương 1

Để có căn cứ tiến hành các nội dung nghiên cứu ở chương 2 và chương 3 của đề tài, trong chương 1 tác giả đã xây dựng được cơ sở lí luận và thực tiễn của đề tài.

Trong đó, đã nêu ra một số khái niệm liên quan đến nội dung nghiên cứu như khái niệm về môi trường, ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững. Khái niệm về đất và phân loại tài nguyên đất. Các khái niệm về môi trường đất, môi trường đất sản xuất nông nghiệp. Trình bày đặc điểm cơ bản của một số yếu tố trong môi trường đất SXNN, nêu được các nhân tố ảnh hưởng đến môi trường đất SXNN. Tác giả cũng đưa ra được một số cơ sở thực tiễn về tình hình sử dụng và bảo vệ môi trường đất SXNN trên cả nước, những nét khái quát chung về tỉnh Bắc Ninh, khái quát về tài nguyên đất và tình hình sử dụng đất của tỉnh này. Đây là những cơ sở quan trọng giúp cho việc nghiên cứu các nội dung của đề tài được đầy đủ và rõ ràng hơn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiện trạng môi trường đất sản xuất nông nghiệp tỉnh bắc ninh giai đoạn 2016 2021 (Trang 40 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)