Vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ và lối ví von, so sánh

Một phần của tài liệu Vấn đề nữ quyền trong sáng tác của một số nhà văn dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía bắc việt nam (Trang 80 - 86)

Chương 3:VẤN ĐỀ NỮ QUYỀN TRONG SÁNG TÁC CỦA MỘT SỐ NHÀ VĂN DÂN TỘC THIỂU SỐ MIỀN NÚI PHÍA BẮCNHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGHỆ THUẬT

3.2. Sử dụng ngôn ngữ giàu tính nữ

3.2.3. Vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ và lối ví von, so sánh

Thành ngữ, tục ngữ chứa đựng tri thức văn hóa của người Việt nói chung,

của các DTTS nói riêng. Là sản phẩm của lối nói ví von cho nên đã góp phần tạo ra một đặc điểm ở tiếng Việt là rất giàu hình ảnh.Các thành ngữ, tục ngữ mang đậm màu sắc dân gian là những diễn ngôn chân thực và giàu màu sắc bản địa của văn hóa miền núi. Các nhà văn dân tộc miền núi phía Bắc đã vận dụng linh hoạt thành ngữ, tục ngữ, những câu nói ví von, so sánh trong việc tổ chức ngôn ngữ, tổ chức truyện kể. Sử dụng một cách linh hoạt và biến hóa thành ngữ, tục ngữ dân gian đã tạo nên hứng thú đối với độc giả, giúp nhà văn phục dựng chân thực những nét văn hóa miền núi, những kí ức văn hóa cộng đồng, đồng thời khám phá được bản sắc dân tộc của nhân vật. Các thành ngữ, tục ngữ có khi được xuất hiện trong lời của tác giả (người dẫn truyện), có khi lại xuất hiện trong lời của các nhân vật trong truyện…góp phần hữu hiệu bộc lộ cá tính nhân vật. Việc sử dụng những thành ngữ và tục ngữ trong ngôn ngữ nhân vật có một giá trị rất lớn.

Góp phần trong việc điển hình hóa nhân vật và thể hiện nội dung tác phẩm. Chính thành ngữ, tục ngữ, lối nói ví von, so sánh đã giúp ích rất nhiều cho nhà văn trong việc tiết kiệm lời nói, tránh dài dòng mà câu văn vẫn truyền tải được nội dung và giàu sức thuyết phục.

Nhà văn Vi Hồng là một trong những nhà văn đã có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo thành ngữ, tục ngữ vào trong lời văn nghệ thuật của mình. Đọc những tác phẩm của Vi Hồng, ta sẽ thấy được phần lớn các câu thành ngữ, tục ngữ của dân tộc Tày đã được nhà văn viện dẫn một cách thuần thục. Trong Đọa đầy, để nói về cuộc đời con người đầy đắng cay, bất hạnh, người Tày có câu quen thuộc:

“Đắng như lá ngón xoay vần” [22, tr.167]. Tục ngữ Việt Nam có câu : Gậy ông đập lưng ông, Vi Hồng đã diễn đạt lại bằng cách nói quen thuộc của người miền núi: “Miệng ếch lại giết miệng ếch” [15, tr.152]. Vẫn là câu thành ngữ: nói hươu nói vượn nhưng nhân vật Bội Hoan lại mắng yêu chồng “nói chân con hươu, nói tai con gấu” [22, tr.208]. Tục ngữ Kinh có câu Cá mắc cạn, hạn gặp mưa rào đã được Vi Hồng sáng tạo “bông hoa bất tử gặp mưa rào, như con cá chép to mắc cạn bỗng gặp cơn nước lũ” [23, tr.108]. Có thể nhận thấy, nhân vật phụ nữ DTTS

trong sáng tác của Vi Hồng thường sử dụng những thành ngữ quen thuộc của người Tày. Biểu đạt khái niệm rộng lớn, mênh mông người Tày thường sử dụng thành ngữ: “Quạ bay rơi, chim bay chết”. Trong Lòng dạ đàn bà, Lăng Thị Thu Lả cũng đã sử dụng thành ngữ này: “Mường Nặm Tốc Rù em đã có đôi lần đi qua. Đấy là vùng đất rộng chim bay gẫy cánh, quạ bay đứt hơi, mường nước trong nước ngọt như đường, em những ước mơ có bạn mà không có bạn” [18, tr.18].Đặc biệt trong tác phẩm Cọn nước Eng Nhàn, tần số xuất hiện của các thành ngữ, tục ngữ là dày đặc như: ăn không ngon, ngủ không say, mường trên xã dưới, ngập mồm ngập miệng, tham mồm tham miệng, bên nặng bên nhẹ, thương cũng thương vậy

Ngoải ra lối nói ví von, so sánh của người miền núi cũng được nhà văn vận dụng rất linh hoạt. Ngôn ngữ tình yêu trong văn xuôi của Vi Hồng rất giàu hình ảnh. Những lời nói yêu đương của đôi trai gái Linh Thang Nghít và Lăng Thị Thu Lả mới sinh động và ngọt ngào làm sao:

-“Anh nghe bảo con chim họa mi đẹp nhất của mường Nặm Đút đã vướng phải bẫy thòng lọng tơ mành xe bẩy xe ba. Con cá li ngư mường Nặm Đút đã cắn phải câu phao, câu bật. Cá li ngư có muốn vẫy vùng giữa sông cái nước trong cũng khó thoát khỏi lưỡi câu oan nghiệt.

- Chim họa mi đã thấy con mồi nhưng họa mi chưa lao vào thách đố cho nên chưa vướng phải thòng lọng tơ vàng bẩy sắc. Lí ngư đã thấy mồi kẻ câu cá nhưng lý ngư còn kén chọn nên lưỡi câu có oan nghiệt cũng chưa kịp mắc vào số phận.

Lý ngư còn đang vùng vẫy nhưng muốn vượt thác đến sông trong để hóa rồng nhưng nào ai mời ai rước. Vậy nên cá còn ước mơ phận cá. Chim còn lo buồn phận chim. Anh Nghít có mở được đường mây rộng gọi cánh họa mi?Anh có rẽ được nước phân đôi làm bên trong bên đục để lí ngư lúc ẩn, lúc hiện mới mong hóa rồng.

- Nghe em nói…thì anh mừng nở hoa trăm sắc…anh mời em đến mường anh tìm bạn” [18, tr. 27]

Những lời yêu thương duyên dáng ý nhị ấy khiến chúng ta liên tưởng đến lời giao duyên trong ca dao dân ca:

Cô kia cắt cỏ một mình

Cho anh cắt với chung tình làm đôi.

Cô còn cắt nữa hay thôi

Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng?”

Một trong những đặc điểm về cách diễn đạt của người miền núi là hay so sánh, liên tưởng, nói có hình ảnh. Nét đặc sắc mà người đọc dễ nhận thấy là các tác giả khi miêu tả hoặc bộc lộ tính cách, nội tâm nhân vật thường sử dụng các từ “như”

đặt giữa hai vế so sánh với mật độ rất cao. Truyện ngắn của Cao Duy Sơn đã thể hiện rất rõ đặc điểm này. Trong Góc trời tây có cơn mưa đá, chỉ hai lần gặp Sín, Líu đã: “Líu thấy mình như hút vào đôi mắt có lửa, Líu thú nhận mình bây giờ như lứa khô tước mỏng, gặp lửa là bén” hay “Sau mỗi đêm mất ngủ thể xác, tinh thần nhàu nát như chuối rừng gặp hỏa hoạn”[51, tr.63]

Trong Tình Mường Woangcủa Bùi Minh Chức cũng vậy: đôi vợ chồng trẻ như đôi cu lò, to như cái phản, túm năm tụm ba…, “Người Ún còn mát như suối, đời Ún còn dài như suối, còn chảy như suối mà.” [43, tr.52]

Thành ngữ, tục ngữ đi vào văn chương nghệ thuật như một điểm tựa, như một biểu tượng của văn hóa nguồn cội. Cội nguồn dân tộc ăn sâu vào tiềm thức để rồi con người dù có ở nơi đâu, trưởng thành ở phương trời nào thì cội nguồn quê hương vẫn luôn là nơi để hướng về thiêng liêng và thành kính. Việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ dân gian của các tộc người DTTS chứa đựng tâm hồn, trí tuệ của nhân dân, được sàng lọc qua thời gian, được vận dụng đầy sáng tạo làm nênnhững cách diễn đạt độc đáo mang bản sắc riêng và tạo ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc.Sử dụng các thành ngữ, tục ngữ sao cho nhuần nhuyễn đã khó, vận dụng sáng tạo trong sáng tác văn chương là điều càng khó hơn. Vi Hồng đã chứng tỏ bản lĩnh trong ngòi bút của mình khi đưa các thành ngữ, tục ngữ vào trong tác phẩm của mình, thổi vào một hơi thở mới, hơi thở của ngôn ngữ

Tày.Việc vận dụng sáng tạo các câu thành ngữ, tục ngữ có sẵn trong kho tàng văn học dân tộc và lối nói ví von, so sánh giàu hình ảnh giúp các nhà văn DTTS vừa thể hiện được bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc mình đồng thời còn là một cách thú vị để thể hiện các tính của người viết. Như vậy, khi vấn đề nữ quyền trở thành một trào lưu văn học, các nhà văn DTTS đã tự tin đứng lên đấu tranh phá bỏ những quan niệm truyền thống lỗi thời, lạc hậu, khẳng định sức mạnh của người phụ nữ bằng những quan điểm tiến bộ. Qua đây, các nhà văn đã xây dựng một thế giới nghệ thuật đầy sức hấp dẫn, phát huy hiệu quả cao trong việc thể hiện tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ, táo bạo.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 3

Nhìn từ phương diện nghệ thuật, các nhà văn DTTS đã đi sâu khám phá nhân vật nữ thể hiện vấn đề nữ quyền trong văn học. Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vậtqua ngoại hình, hành động và nội tâm đã phát huy hiệu quả cao độ trong việc thể hiện tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ và táo bạo. Bên cạnh đó, việc sử dụng ngôn ngữ giàu tính nữ trong đó có ngôn ngữ giản dị, thông tục, ngôn ngữ thẳng thắn, quyết liệt và sự xuất hiện dày đặc của các thành ngữ, tục ngữ cùng lối ví von, so sánh đã biểu hiện của sự nỗ lực đột phá của các nhà văn DTTS. Thông qua những phương diện nghệ thuật này, các tác giả muốn thể hiện sự giãi bày, sẻ chia và sự cảm thông, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ vùng cao. Đây cũng là nguồn cổ vũ tinh thần giúp những người phụ nữ nói chung tự tin khẳng định bản thân trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu Vấn đề nữ quyền trong sáng tác của một số nhà văn dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía bắc việt nam (Trang 80 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)