Đặc điểm ngữ pháp

Một phần của tài liệu Từ láy trong tác phẩm số đỏ của vũ trọng phụng (Trang 59 - 65)

CHƯƠNG 2 ĐẶC ĐIỂM CỦA TỪ LÁY TRONG SỐ ĐỎ

2.4. Đặc điểm ngữ pháp

Từ tiếng Việt có đặc điểm không biến hình nên giữa các từ loại không có sự đối lập về hình thức ngữ pháp theo nghĩa hẹp.

Khảo sát các từ láy trong tác phẩm, chúng tôi thu được kết quả như sau:

Số lượng Tỉ lệ (%)

Từ láy là danh từ 2 1,2

Từ láy là động từ 47 29,0

Từ láy là tính từ 107 66,0

Từ láy là phụ từ 6 3,8

Tổng 162 100

60

2.4.1.1. Từ láy là danh từ

Theo thống kê những từ láy thuộc loại danh từ trong tác phẩm có số lượng rất ít, chỉ có 2 từ, chiếm 1,2%. Đó là các từ: rác rưởi, bui bặm

Các danh từ này có chức năng định danh sự vật. Cụ thể, chúng có ý nghĩa khái quát chỉ những thứ vụn vặt không dùng đến hoặc đã qua sử dụng bị vứt bỏ, bụi bẩn bám trên bề mặt các vật.

Ví dụ:

(67) “Ông chủ thời nói một cách cầu kỳ đại khái thế. Giản dị hơn nữa, bà chủ chỉ bảo Xuân:

- Thế nghĩa là lúc nào rỗi thì cầm cái chổi này (bà đưa luôn ngay ra một phất trần) mà phủi bụi những súc lụa, những quần áo ở ma nơ canh. Phải biết cái gì là vệ sinh, đừng để cửa hiệu rác rưởi, bụi bặm.” [tr. 51]

2.4.1.2. Từ láy là động từ

Động từ là một trong những từ loại cơ bản để xây dựng nên hình tượng, tính cách nhân vật thông qua các hành động, cử chỉ, điệu bộ, lời nói… Theo kết quả thống kê, trong tác phẩm sử dụng 47 từ láy thuộc từ loại động từ chiếm 29,0% tổng số từ láy. Đó là những từ như: loay hoay, lầu nhầu, gật gù, phàn nàn…

Ví dụ:

Để diễn tả dáng vẻ cặm cụi thử đi thử lại hết cách này đến cách khác để cố làm cho được của cậu Tú Tân khi chọn lựa máy ảnh để sử dụng tại đám ma

“có một không hai” của gia đình cụ cố Hồng, Vũ Trọng Phụng viết:

(68) “Cậu Tân mà ai cũng gọi là Tú Tân, không phải vì đã đỗ Tú Tài nhưng mà vì đã ba lần thi trượt cái phần thứ nhất bằng Tú Tài lúc ấy loay hoay hai ba cái máy ảnh cái máy ảnh, cân nhắc xem hôm đi đám nên dùng đến cái nào thì hơn.” [tr. 76]

Để gợi tả điệu cười của bà Phó Đoan, nụ cười không mở miệng, chỉ thấy cử động đôi môi một cách kín đáo, Vũ Trọng Phụng đã sử dụng từ láy tủm tỉm:

61

(69) “Ngoài đường có tiếng xe hơi đõ. Bà Phó Đoan bước vào tủm tỉm chào hai người thay mặt nhà nước.” [tr. 25]

2.4.1.3. Từ láy là tính từ

Tính từ là từ loại chiếm số lượng khá lớn trong từ láy tiếng Việt. Theo thống kê có 107 từ láy là tính từ chiếm 66,0% tổng số từ láy trong tác phẩm.

Đó là những từ như: bảnh bao, chậm chạp, mập mờ, mũm mĩm, ngẩn ngơ, nhanh nhẩu…

Có thể nói rằng tính từ chiếm một tỉ lệ lớn trong tổng số từ láy trong toàn bộ tác phẩm, vì vậy nó phục vụ đắc lực cho việc biểu hiện tính chất, tình cảm, cảm xúc, miêu tả sự vật, hiện tượng cũng như giá trị xây dựng hình tượng con người trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng.

Ví dụ:

Để diễn tả sự thong thả, chậm rãi trong từng cử chỉ, từng động tác, tỏ ra không khẩn trương hoặc không vội vã của Văn Minh, tác giả đã sử dụng tính từ đủng đỉnh trong câu sau:

(70) “Văn Minh vẫn ngồi nguyên chỗ để đánh phấn nốt cái mặt, chỉ đủng đỉnh:

- Ấy bẩm, đã có anh Típ Phờ Nờ trông nom.” [tr. 135]

Đây là tâm trạng thong thả của Văn Minh khi bà cụ nhắc nhở về việc phải trông nom cửa hàng, trông nom người làm ăn trong nhà, bà cụ sợ người làm không thực thà.

Để diễn tả sự lịch lãm của ông Phán mọc sừng, một ông chồng vô tâm, Vũ Trọng Phụng đã sử dụng các từ láy nhẵn nhụi, nho nhã, bảnh bao, vui vẻ:

(71) “Hôm nay ông phán mày râu nhẵn nhụi, áo quần nho nhã, bảnh bao, trông rõ ra vẻ một người mọc sừng vô tâm, thấy cuộc đời là vui vẻ

[tr. 116]

2.4.1.4. Từ láy là phụ từ

62

Từ láy là phụ từ có số lượng là 6 từ, chiếm 3,8% tổng số từ láy, đó là các từ như: thỉnh thoảng, luôn luôn…

Từ loại phụ từ tuy chỉ chiếm số lượng nhỏ nhưng nó cũng góp phần vào việc biểu đạt, nhấn mạnh ý của câu văn.

Ví dụ:

(72) “Sau cùng thì cũng như những kẻ tài trí tự tin vững ở mình, Xuân Tóc Đỏ thỉnh thoảng lại vỗ vai Văn Minh một cách thân mật mà rằng:

- “Rồi tôi cũng cất nhắc anh lên đường công danh như Chim, Giao cất nhắc ông bầu Yên! Tôi quyết rằng vì tôi, anh sẽ được thiên hạ biết đến tên tuổi.” [tr. 187]

(73) “Công chúng luôn luôn vỗ tay hoan hô Xuân, còn trên khan đài, đức vua Xiêm đã lộ ra mặt rồng tất cả sự thịnh nộ của vị thiên tử thế thiên hành đạo ở cái nước có hàng triệu con voi.” [tr. 229]

Qua kết quả khảo sát cho thấy, từ loại trong tác phẩm “Số đỏ” khá đa dạng và phong phú, bao gồm danh từ, động từ, tính từ và phụ từ. Trong đó tính từ chiếm số lượng lớn nhất với 107 từ chiếm 66,0%; động từ đứng thứ hai với 47 từ chiếm 29,0%. Cả tính từ và động từ đều có giá trị cao trong việc miêu tả tính chất, tình cảm, hành động của con người, đồng thời cũng bộc lộ tình cảm, thái độ của nhà văn.

2.4.2. Đặc điểm về chức năng cú pháp của từ láy

Qua việc khảo sát, chúng tôi nhận thấy từ láy trong tác phẩm đảm nhận các chức năng cú pháp khác nhau như bổ ngữ, định ngữ, vị ngữ, trạng ngữ…

Cụ thể như sau:

2.4.2.1. Từ láy với chức năng cú pháp là bổ ngữ

Từ láy kết hợp với động từ, tính từ có chức năng làm bổ ngữ. Chúng kết hợp với động từ, tính từ thường có tác dụng làm rõ nghĩa hoặc bổ sung nghĩa cho động từ và và tính từ đó.

Ví dụ:

63

Từ láy kết hợp với động từ có chức năng làm bổ ngữ:

(74) “Ngoài đường ở vệ hè, một người bán nước chanh, ngồi chồm chỗm trên càng xe, đương nói chuyện với một người bạn đồng nghiệp.” [tr. 5]

Từ láy chồm chỗm được đặt sau động từ ngồi có tác dụng nhấn mạnh đến dáng ngồi toàn thân hơi nhô về phía trước, hai chân thì gập lại.

(75) “Cụ bà lấm lét nhìn Xuân một cách rất sợ hãi, rồi đỡ đòn:

- Ấy chết, ai lại dám nói thế! Sao quan đốc lại nói thế? Có điều gì mà quan đốc có vẻ không vui thế? Hay nhà này có ai sơ suất điều gì?” [tr. 166]

Từ láy lấm lét chỉ cách nhìn dò xét, không dám nhìn thẳng vào người đối diện. Trong tình huống này, cụ bà đã gọi Xuân Tóc Đỏ bằng một cụm từ sang trọng quan đốc và dò xét thái độ của Xuân sau khi Xuân bực tức mà rằng “Hỏi thăm làm gì? Tôi thì danh giá quái gì! Hạ lưu! Ma cà bông! Nhặt ban quần, không đứng đắn, chỉ đáng nhổ vào mặt!”. Chính thái độ này của Xuân đã khiến cho cụ bà cảm thấy sợ hãi mà dò dét, nhìn hắn một cách lấm lét.

Từ láy kết hợp với tính từ có chức năng làm bổ ngữ:

(76) “Cụ Hồng đứng lên, cao lênh khênh giữa sập tuyên bố:

- Thưa các bà, các ông, ngày hôm nay vui vẻ, tôi xin có lời trân trọng nói để các quý vị biết rằng vợ chồng tôi đã nhận lời gả con gái út chúng tôi là Tuyết cho ông Xuân! [tr. 238]

Từ láy lênh khênh kết hợp với cao nhằm nhấn mạnh đến một dáng người đặc biệt. Đó là người có hình dáng rất cao, cao quá mức, gây ấn tượng không cân đối, dễ đổ, dễ ngã.

2.4.2.2. Từ láy với chức năng cú pháp là định ngữ

Từ láy kết hợp với danh từ, cụm danh từ có chức năng làm bổ ngữ.

Chúng kết hợp với danh từ, cụm danh từ thường có tác dụng làm rõ nghĩa hoặc bổ sung nghĩa cho danh từ, cụm danh từ đó.

Ví dụ:

64

(77) “Ông thầy ngắm nghía cái đầu tóc đỏ, cái trán lép, cái quai hàm to, cái nhân trung dài, hai cái tai đầy đặn ấy, rồi gật gù:

- Khá lắm! Hậu vận khá lắm! Chỉ tiếc cái tóc không được đen.

- Mẹ kiếp! Chứ xưa nay có mua mũ bao giờ mà tóc chả đỏ.” [tr. 12]

(78) “Chẳng những đã không biết giá trị của những phút quý hóa và cái quyền lợi thiêng liêng bất khả xâm phạm của những người nghiện chân chính, cụ bà lại còn nói nữa chứ không gọi ngay thằng bồi tiêm lên”. [tr. 131]

Các từ đầy đặn, thiêng liêng trong 2 ví dụ trên đây có chức năng làm định ngữ. Nó bổ sung và làm rõ ý nghĩa cho cụm danh từ. Từ láy đầy đặn bổ sung ý nghĩa cho cụm hai cái tai nhằm nhấn mạnh đến một sự tròn đầy, không có chỗ nào khiếm khuyết, chỉ mức độ cao, đẹp của nhân vật được nhắc đến. Từ láy thiêng liêng nhằm nhấn mạnh đến một điều gì đó rất cao quý, đáng tôn thờ, coi trọng và giữ gìn hơn hết.

2.4.2.3. Từ láy với chức năng cú pháp là trạng ngữ

Từ láy với chức năng làm trạng ngữ có nhiệm vụ bổ sung cho câu ý nghĩa về hoàn cảnh, tình trạng, tần suất, cách thức, phương tiện…

Ví dụ:

(79) Thỉnh thoảng, trên lớp đá cuội, một vài chiếc hoa héo, rụng xuống tả tơi… [tr. 113]

Từ láy thỉnh thoảng chỉ sự không thường xuyên, đôi khi xảy ra.

(80) Giữa lúc cuống quýt, lúng túng ấy, Xuân Tóc Đỏ bước vào, một cái chai nước bẩn thỉu cắp ở nách, một gói lá kỳ dị ở tay [tr. 79]

2.4.2.4. Từ láy với chức năng cú pháp là vị ngữ

Từ láy với chức năng làm vị ngữ có tác dụng nêu lên đặc điểm, tính chất của danh từ chủ ngữ đứng trước đó.

Ví dụ:

(81) “Theo lời dặn của bà Phó, tám giờ sáng hôm ấy, Xuân Tóc Đỏ lảng vảng mãi trước một tiệm thợ may phụ nữ tân thời mà không dám

65

vào hỏi, vì không dám chắc đấy có phải chính là hiệu Âu hóa của bà Văn Minh không.” [tr. 37]

Từ láy lảng vảng với chức năng làm vị ngữ đã nêu lên được tính cách, đặc điểm của Xuân Tóc Đỏ khi hắn lần đầu tiên đến tiệm Âu Hóa của bà Văn Minh. Sự đi lại nhiều lần trước cửa tiệm cho thấy Xuân Tóc Đỏ chưa thực sự chắc chắn về nơi hắn đang đứng có đúng là nơi hắn cần tìm hay không.

Qua các ví dụ trên đây chúng ta thấy, từ láy trong tác phẩm có khả năng kết hợp ngữ pháp cùng với sự thể hiện chức năng cú pháp rất đa dạng và phong phú. Điều này góp phần to lớn trong việc sử dụng từ ngữ, tạo nên những giá trị văn chương to lớn cho tác phẩm.

Một phần của tài liệu Từ láy trong tác phẩm số đỏ của vũ trọng phụng (Trang 59 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)