Phát triển sản xuất, góp phần xây dựng tuyến phòng thủ, phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc (1982 - 1986)

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển xã sủng trái huyện đồng văn tỉnh hà giang (Trang 73 - 79)

Chương 2: XÃ SỦNG TRÁI GIAI ĐOẠN 1944 - 1986

2.4. Tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN (1976 - 1986)

2.4.2. Phát triển sản xuất, góp phần xây dựng tuyến phòng thủ, phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc (1982 - 1986)

Từ ngày 8 đến 10/10/1982, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Mèo Vạc lần thứ X (vòng 2) được triệu tập. Đại hội đã tổ chức học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, kiểm điểm nhiệm kỳ lãnh đạo khóa IX của Đảng bộ huyện, xác định mục tiêu, phương hướng nhiệm kỳ 1982 - 1985. Nghị quyết xác định phải thực sự từ lao động và từ núi đá mà đi lên, làm ra của cải nhằm giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhu cầu ăn, mặc, tiêu dùng cho nhân dân; tăng cường sức mạnh phòng thủ, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc [2;tr.101].

Đảng bộ huyện Mèo Vạc đã tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phong trào thâm canh tăng vụ, tăng năng suất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, tăng cường đầu tư phân hóa học, tích cực chế biến phân chuồng, phân xanh để tăng năng suất lao động. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư TW Đảng Cộng sản Việt Nam về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, ngay từ khi bắt đầu triển khai đã được nhân dân huyện Mèo Vạc đón nhận. Do được triển khai thực hiện đồng bộ với nhiều biện pháp nên sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Xã Sủng Trái đã đẩy mạnh phong trào thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng; tận dụng mọi điều kiện tài nguyên để mở rộng diện tích cây lương thực, thực phẩm, cây lấy sợi và các loại cây đặc sản, ứng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, tăng cường đầy tư phân bón hóa học, tích cực chế biến phân chuồng, phân xanh để nâng cao năng suất lao động. Năm 1981, Ban Bí thư TW Đảng ban hành Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Trong bước đầu triển khai thực hiện ở xã Sủng Trái còn gặp nhiều lúng túng. Ngày 11/8/1982, Ban

Chấp hành Đảng bộ huyện Mèo Vạc ban hành Nghị quyết số 01/NQ-BCH một số nhiệm vụ trước mắt, trong đó tập trung vào triển khai chỉ thị 100. Sau một thời gian triển khai với quyết tâm cao, Chỉ thị 100 đã được nhân dân xã Sủng Trái phấn khởi đón nhận. Do được tiến hành đồng bộ với nhiều biện pháp nên sản xuất được phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Kinh tế: Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do khí hậu khắc nghiệt, rét đậm, mưa kéo dài làm xói mòn nhiều diện tích đất gieo trồng. Đến tháng 9 trở đi lại khô hanh, rét liên tục. Huyện Mèo Vạc đã phải cấp lương thực cứu đói cho một số hộ dân của xã Sủng Trái để ổn định cuộc sống. Chỉ tiêu 2 cây đặc sản được quan tâm triển khai, diện tích cây anh túc bình quân trồng từ 45 - 50 ha/năm, năng suất 4kg/ha; su hào 20 -25 ha, năng suất 100kg/ha. Thực phẩm bán cho Nhà nước thực hiện đều vượt chỉ tiêu giao. Phong trào trồng cây gây rừng luôn được quan tâm, ngoài triển khai cho các HTX trồng cây vào dịp đầu xuân năm mới, vận động nhân dân trồng các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ. Đồng thời triển khai phát động chiến dịch trồng cây sa mộc để tăng thêm thu nhập cho người dân.

Phong trào hợp tác xã: Đã cơ bản giải quyết được lương thực tại chỗ, trừ những hộ đặc biệt khó khăn. Các HTX đóng góp lương thực đảm bảo chỉ tiêu được giao. Tuy vậy, hoạt động của HTX chậm được củng cố, kiện toàn, phần lớn là hình thức, nội dung quan hệ sản xuất không được đảm bảo, hiện tượng lấn chiếm đất đai xảy ra, biện pháp quản lý, hướng làm theo điều lệ hợp tác xã nông nghiệp cũng như thực hiện Chỉ thị 100 thiếu chặt chẽ, chưa tổng kết, đúc rút kinh nghiệm việc khoán sản phẩm ở điểm chỉ đạo được kịp thời, bình quân lương thực đầu người đạt hơn 18,5 kg/tháng; giá trị thu nhập đầu người tăng qua các năm, nhất là những năm triển khai trồng cây thuốc phiện. Đến năm 1985, xã Sủng Trái chỉ còn 2 HTX hoạt động theo đúng thực chất của kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa, các HTX còn lại chỉ trên danh nghĩa, vì thực chất là đã phân tán ruộng đất theo hộ và lao động. Trước tình hình đó, huyện Mèo Vạc đã tập trung chỉ đạo củng cố phong trào HTX theo tinh thần chỉ thị 100 và chỉ thị số 56 của TW để hoạt động của hợp tác xã đi vào nền nếp.

Giáo dục, y tế, văn hóa: Xã Sủng Trái được phân công 3 giáo viên và vận động được 7 đoàn viên thanh niên tham gia phong trào Ánh sáng văn hóa vùng cao. Nhưng do chiến, phong trào giáo dục có phần bị gián đoạn, các giáo viên phải rút khỏi địa bàn để bảo đảm an toàn. Cơ sở vật chất như trường, lớp, trang thiết bị dạy học, sách giáo

khoa, đèn báo, dụng cụ nấu ăn... bị hư hỏng hoặc thất lạc; số giáo viên rút đi, gần như không có ai quay trở lại để bàn giao. Đến năm 1980, phong trào Ánh sáng văn hóa vùng cao được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, do điều kiện là xã vùng cao, ở khu vực biên giới chiến tranh diễn ra ác liệt, cơ sở vật chất không đảm bảo, cấp ủy chính quyền chưa thật sự quan tâm đến công tác giáo dục, vì vậy các lớp học xóa mù chữ của xã duy trì không được thường xuyên, sĩ số học sinh lớp 1 thất thường. Các hoạt động văn hóa được thường xuyên quan tâm, đội văn nghệ xã được duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động, coi đó là hạt nhân để thúc đẩy, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Tuy nhiên, các hủ tục mê tín dị đoan trong ma chay, cưới xin còn nặng nề; tình trạng nghiện hút trên địa bàn xã còn xảy ra, việc chăm sóc, dạy dỗ con cái trong gia đình chưa được quan tâm chú trọng. Công tác y tế được phát triển một bước về cơ sở vật chất kỹ thuật.

Trạm xá có một y sĩ, một y tá là người địa phương. Đội ngũ cán bộ y tế xã đã phối hợp tốt với bệnh viện huyện Mèo Vạc tích cực tuyên truyền vận động nhân dân phòng, chống các dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, phát thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, phát hiện kịp thời dịch bệnh. Tủ thuốc của trạm xá đã cơ bản đầy đủ. Công tác tuyên truyền, vận động chữa bệnh bằng thuốc nam, xây dựng vườn thuốc tập thể và cá nhân được đẩy mạnh. Qua đó, tình trạng người dân tổ chức cúng bái khi ốm đau gây lãng phí, tốn kém đã giảm. Số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại trạm xá xã ngày càng tăng. Công tác giữ gìn vệ sinh “3 sạch” (ăn sạch, ở sạch, uống sạch) được thực hiện tương đối tốt. Việc di dời chuồng trại ra xa nhà ở tiếp tục được triển khai.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất của trạm xá còn thiếu thốn, giường nằm cho bệnh nhân sơ sài, sinh hoạt ăn uống của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn vì vậy người dân khi có ốm đau chủ yếu đến Bệnh viện huyện để khám và chữa trị.

Giao thông vận tải: Việc triển khai làm đường giao thông phục vụ nhu cầu sản xuất, chiến đấu được phát động thường xuyên, các HTX đã phân công xã viên phụ trách từng đoạn đường trên địa bàn, đồng thời huy động dân công tham gia mở rộng 6km đường, đoạn từ ngã ba Sủng Trái đến khu vực UBND xã Sủng Trái dài 4km. Bên cạnh đó, xã đã huy động được hàng ngàn ngày công thi công nâng cấp, mở rộng tuyến đường Lũng Phìn - Mậu Duệ, góp phần đảm bảo giao thông thông suốt từ xã Sủng Trái đến trung tâm xã Lũng Phìn, thường xuyên triển khai mở mới và tu sửa đường giao thôn từ xã đến thôn bản đảm bảo đi lại thuận lợi.

An ninh - trật tự: Công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, huyện chỉ đạo sơ kết công tác kiểm tra thực hiện Chỉ thị của Đảng theo chỉ thị 34/CT của Ban Bí

thư, đồng thời chọn cơ sở xã Sủng Trái làm điểm với phương châm “tự làm là chính”.

Nhiệm vụ chính là sản xuất nông nghiệp, bảo đảm và ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, chống người vượt biên buôn bán làm ăn phi pháp và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Các cấp ủy, chính quyền đã nắm vững nội dung cơ bản của Nghị quyết cấp trên và nhiệm vụ chính trị của cơ sở, tổ chức thực hiện và đạt kết quả nhất định như sản xuất nông nghiệp đảm bảo được diện tích gieo trồng theo kế hoạch huyện giao, đảm bảo kịp thời vụ, chăm sóc tốt các cây lương thực và màu, phát triển khá.

Ngày 21/10/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành Quyết định số 179-HĐBT [32] về việc tách 4 xã Phú Lũng, Tháng Mố, Sủng Cháng, Sủng Thài của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Tuyên sát nhập vào huyện Yên Minh.

Tách 3 xã Niêm Sơn, Nậm Ban, Tát Ngà của huyện Yên Minh vào huyện Mèo Vạc.

Phân vạch địa giới một số xã của các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn và Yên Minh. Xã Sủng Trái thuộc huyện Mèo Vạc được tách để sáp nhập vào huyện Đồng Văn. Tuy nhiên, Quyết định này không thể hiện 3 xã Lũng Phìn, Hố Quãng Phìn và Sủng Trái được sát nhập vào huyện Đồng Văn. Được sự chỉ đạo của tỉnh Hà Tuyên, huyện ủy Mèo Vạc, UBND huyện Mèo Vạc chính thức bàn giao các xã Lũng Phìn, Sủng Trái, Hố Quáng Phìn cho huyện Đồng Văn. Kể từ đây, tất cả các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… của xã Sủng Trái thực hiện dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện Đồng Văn theo luật định từ tháng 8/1984.

Trong bối cảnh địch gia tăng đánh phá, ở các khu vực biên giới, thực hiện chỉ đạo của huyện Đồng Văn, xã Sủng Trái đã củng cố lực lượng dân quân đảm bảo 10%

dân số, định kỳ được tổ chức huấn luyện theo kế hoạch, đảm bảo luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn. Bên cạnh đó, xã Sủng Trái đã xây dựng, củng cố tổ an ninh nhân dân tới 100% thôn bản đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Chi bộ xã đã chỉ đạo chính quyền củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị. Bổ sung, kiện toàn Ban chỉ huy quân sự, tăng cường củng cố huấn luyện lực lượng dân quân thôn, bản. Mỗi HTX có một đến hai đồng chí công an viên. Lực lượng công an xã thường xuyên được huấn luyện nghiệp vụ nhằm đảm bảo chất lượng, sẵn sàng đập tan, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch.

Từ giữa tháng 7/1984, địch ngừng bắn phá, tập trung chuẩn bị cho âm mưu mới.

Chúng tăng cường hoạt động của các cơ sở ngầm đã cài cắm, móc nối trước đó, kích

động nhân dân bỏ trốn sang bên kia biên giới, kêu gọi dân ta vượt biên, mua bán hàng hóa tâm lý. Huyện ủy Đồng Văn đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp sẵn sàng chiến đấu cao, các lực lượng vũ trang vào vị trí chiến đấu, các ban, ngành, các xã tập trung lực lượng vũ trang cho tiền tuyến, huy động sức người, sức của cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Xã Sủng Trái đã huy động nhân dân đóng góp hàng ngàn ngày công xây dựng và sửa chữa hàng chục km đường ô tô, hàng ngàn cây gỗ làm hầm hào phục vụ chiến đấu.

Các HTX dựa vào nội lực là chính, tích cực trao đổi hàng hoá, phát triển sản xuất, nỗ lực phấn đấu sản xuất đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu đời sống của nhân dân, đảm bảo nhu cầu cung cấp cho lực lượng vũ trang chiến đấu. Do vậy thời gian này, kinh tế - xã hội của xã đã từng bước phát triển, quan hệ sản xuất XHCN được thiết lập, củng cố. Tổng sản lượng lương thực, thực phẩm tăng, nông sản hàng hóa ngày càng phong phú. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Tiểu kết chương 2

Trải qua giai đoạn lịch sử với hơn 40 năm hình thành, xây dựng và phát triển, nhất là từ khi thành lập năm 1961, nhân dân các dân tộc xã Sủng Trái đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo ra những bước chuyển biến đáng kể trong tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương. Thời kỳ 1944 - 1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh, nhân dân xã Sủng Trái ngày nay đã tích cực tham gia chuẩn bị, xây dựng lực lượng, vận động cách mạng, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thời kỳ 1946 - 1954, nhân dân xã Sủng Trái ngày nay đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một địa phương thuộc huyện biên giới phía Bắc của nước ta, trong bối cảnh, điều kiện vô cùng phức tạp, đẩy mạnh sản xuất, đấu tranh chống lại mọi âm mưu phá hoại của kẻ địch, tạo điều kiện phát triển, tăng cường lực lượng, góp phần đưa đến thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời kỳ 1954 - 1975, nhân dân xã Sủng Trái tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, phát huy đức tính cần cù, vượt khó để góp phần làm nên thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thời kỳ 1976 - 1986, nhân dân xã Sủng Trái vừa sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc vừa sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, ổn định, từng bước cải thiện đời sống. Những kết quả trên đã phản ánh truyền thống tốt đẹp và là tiền đề vững chắc để nhân dân tiếp tục tin tưởng, đi theo con đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng địa phương phát triển trên nhiều lĩnh vực trong những giai đoạn tiếp theo.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển xã sủng trái huyện đồng văn tỉnh hà giang (Trang 73 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)