Chương 4: GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ
4.1. Những giải pháp chung đối với di sản văn hóa vật thể và di sản phi vật thể
4.1.1. Nhóm giải pháp về chính sách
Đây là nhóm giải pháp có tính tiền đề cho tất cả các giải pháp khác. Như đã phân tích ở chương 3, khi áp dụng hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật, Hà Tĩnh gặp một số khó khăn và bất cập vì thế cần phải có những giải pháp cụ thể để khắc phục hiện trạng đó. Các giải pháp này là:
- Giải pháp khắc phục khó khăn liên quan đến chứng chỉ hành nghề tu bổ, phục hồi di tích: Hà Tĩnh cần chủ động, tích cực phối hợp với Cục di sản để mở các lớp đào tạo chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ nghệ nhân và đội ngũ kỹ thuật để giải quyết vấn đề liên quan đến chứng chỉ hành nghề tu bổ, phục hồi di tích. Có chính sách thu hút, khuyến khích các nghệ nhân có chứng chỉ hành nghề tới làm việc tại tỉnh để công tác bảo tồn, phát huy di sản được làm tốt hơn và đúng quy định của luật pháp hơn.
- Giải pháp khắc phục mâu thuẫn giữa các văn bản pháp quy: Các ngôi chùa vừa là nơi thờ tự của Phật giáo, vừa là di sản văn hóa, nên việc sửa chữa, bảo tồn, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này đều liên quan đến Luật Di sản văn hóa, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật về xây dựng. Như đã phân tích tại mục 3.1.3, có mâu thuẫn giữa Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và Luật Đất đai. Trong khoản 4, điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ghi nhận quyền quản lý và sử dụng đất của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (đồng thời là Di tích lịch sử - văn hóa Phật giáo) qua việc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn tài sản bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, khoản 2, điều 181 Luật Đất đai, lại quy định cơ sở tôn giáo không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng, cho quyền sử dụng đất. Sự mâu thuẫn này chắc chắn sẽ làm nảy sinh những khó khăn
trong việc áp dụng luật vào xử lý, giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến đất đai xây dựng của các di tích lịch sử - văn hóa Phật giáo. Vì Luật Tín ngưỡng, tôn giáo mới ban hành, hiện chưa có hiệu lực, nhưng đã xây dựng dựa trên việc khắc phục các bất cập của pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là về vấn đề pháp nhân của tổ chức tôn giáo. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị, nên sửa đổi lại khoản 2, điều 181 Luật Đất đai cho đồng bộ và phù hợp với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
- Giải pháp về thủ tục hành chính: Để khắc phục hiện trạng thủ tục xin cấp phép tu sửa, phục hồi di sản còn rườm rà, chúng tôi khuyến nghị: 1.Nên thực hiện đúng quy định của quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 10/7/2013 về “Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”. Văn bản này đã quy định rõ trình tự, thủ tục của việc xin phép sửa chữa, tu bổ, phục hồi di tích chỉ giao việc thẩm định hồ sơ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời hạn 20 ngày (đối với di tích cấp tỉnh) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi hồ sơ lên Cục di sản văn hóa để thẩm định các di tích cấp quốc gia cũng trong thời hạn 20 ngày phải có ý kiến phản hồi. Vì thế cần bãi bỏ việc phải trình hồ sơ, xin ý kiến của Ban tôn giáo tỉnh, vì không đúng luật định.
2.Để đảm bảo thời gian thẩm định hồ sơ theo đúng luật định, Hà Tĩnh nên áp dụng mô hình quản lý hành chính một cửa, mà một số địa phương đang áp dụng thành công trong tiến trình cải cách hành chính hiện nay.
- Giải pháp mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền văn bản pháp luật: Để khắc phục hiện trạng một số sư trụ trì không muốn chùa của mình được xếp hạng di tích, hoặc việc tu bổ, xây dựng sửa chữa chùa tùy tiện làm mất đi giá trị quan trọng của di sản (chúng tôi đã phân tích tại mục 3.1.1 và 3.3.2), Hà Tĩnh cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa. Hiện nay, tỉnh mới chỉ quan tâm việc tập huấn về Luật Di sản văn hóa cho đội ngũ cán bộ quản lý của mình (dù việc tập huấn này, về cơ bản cũng chưa đạt yêu cầu). Do đó, chúng tôi cho rằng, Hà Tĩnh nên mở đều đặn các lớp tập huấn, về di sản văn hóa cho các cán bộ quản lý di sản, đồng thời mở rộng đối tượng tập huấn
bao gồm các sư trụ trì (đại diện cho chủ thể là giáo hội Phật giáo), các thành viên ban hộ tự, ban quản lý chùa (đại diện cho cộng đồng)
- Giải pháp tăng cường các văn bản hướng dẫn thực thi, luật, pháp lệnh tôn giáo tín ngưỡng, cụ thể:
+ Bổ sung văn bản quy định cơ chế, chính sách xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo, để giải quyết công tác xã hội hóa này có hiệu quả hơn và thống nhất ở mọi nơi hơn. Xuất phát từ đặc thù của Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, ngân sách hạn hẹp, nhưng người dân Hà Tĩnh lại rất gắn bó với quê hương.
Từ góc độ quản lý Nhà nước, cần có chính sách cụ thể, chi tiết, khuyến khích người dân và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp (trong và ngoài nước) tham gia các hoạt động tôn tạo, trùng tu, xây mới các di tích lịch sử -văn hóa Phật giáo. Nên nhân rộng mô hình vận động tài trợ linh hoạt của chùa Giai Lam và chùa Phổ Độ bằng việc thể chế hóa nguyên tắc vận động này bằng văn bản.
+ Bổ sung văn bản quy định về việc sử dụng, quản lý tiền công đức để khắc phục tình trạng thiếu thống nhất, và đôi khi gây bức xúc cho sư trụ trì chùa hiện nay (vì có khi chỉ cần chi một khoản tiền nhỏ để sửa chữa, tu bổ chùa cũng phải chờ ý kiến phê duyệt của ban quản lý di tích, có khi khá lâu, đối với chùa giao tiền công đức cho ban quản lý di tích xã quản lý). Văn bản này nên quy định rõ, ban quản lý chùa, hoặc sư trụ trì sẽ có quyền quản lý, sử dụng một khoản tiền nhất định chi cho các hoạt động nghi lễ, cho việc hỗ trợ đời sống của sư (nếu có), tiếp khách. Chủ thể Nhà nước (ban quản lý di tích) chỉ quản lý số tiền sửa chữa, tu bổ chùa.
+ Bổ sung văn bản quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị tham gia quản lý chùa Hương Tích để tránh tình trạng chồng chéo, giải quyết công việc mất thời gian. Văn bản này nên quy định rõ chức năng của ban quản lý khu du lịch chùa Hương Tích chỉ thực hiện công tác quản lý Nhà nước về di sản, còn việc quản lý kinh doanh, dịch vụ du lịch, nên giao cho các đơn vị khác. Cần quy hoạch rõ đất đai thuộc về khu du lịch chùa Hương, để ban quản lý khi tiến hành việc nâng cấp, tu sửa đường xá, không phải chờ ý kiến của ban quản lý rừng, hoặc công ty thủy nông.
+ Ban hành các quy định cụ thể, chi tiết về việc lập hồ sơ, thiết kế mẫu đối
với các di tích xây mới. Tránh tình trạng vi phạm Thông tư 18 của Bộ VHTTDL, xây lại chùa không nghiên cứu chút nào về ngôi chùa cũ, làm lại chùa như một quán ăn như đã phân tích thực trạng tại chương 3 trên đây.
+ Bổ sung các văn bản quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc tổ chức lễ hội tại di tích, trong đó quy định rõ việc thắp hương, dâng lễ vật, đặt tiền công đức khi thực hiện nghi lễ trong chùa. Quy định việc hướng dẫn tín đồ và khách thập phương hành lễ, quy định về việc viết tấu sớ, quy định về người được thực hành nghi lễ, về tổ chức các hàng quán, giữ vệ sinh chung, nghiêm cấm các hành vi có tính mê tín, buôn thần bán thánh như xin xăm, xem bói… tại di tích
4.1.2. Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý
Theo kết quả phân tích tại chương 3, hoạt động của bộ máy quản lý theo mô hình ba chủ thể chung với ba mô hình cụ thể hiện nay còn chưa hiệu quả. Nguyên nhân chính nằm ở chất lượng nhân sự và cơ chế phối hợp. Để nâng cao hiệu lực của bộ máy này cần thiết phải thực hiện những giải pháp cụ thể sau đây:
- Giải pháp nâng cao chất lƣợng nguồn nhân lực trong bộ máy quản lý Hiện nay, ở Hà Tĩnh, mỗi phòng văn hóa thông tin cấp huyện và tương đương chỉ có biên chế 4-5 người, họ lại phải đảm nhiệm nhiều mảng công tác khác nhau nên không có người chuyên trách đảm nhiệm mảng quản lý di sản văn hóa.
Mặt khác các cán bộ phòng văn hóa thông tin cũng chủ yếu học các chuyên ngành khoa học cơ bản thuộc khoa học xã hội và nhân văn, không có kiến thức nền về quản lý di sản văn hóa nói chung, quản lý di sản văn hóa Phật giáo nói riêng. Do đó, vai trò của họ cũng không thực sự được phát huy. Những hoạt động cần kíp như thông tin, tuyên truyền, kiểm tra giám sát phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, văn hóa văn nghệ ...
đã chiếm hầu hết thời gian của họ, nên mảng di sản văn hóa chưa thực sự được quan tâm. Vì vậy, cần phải thực hiện các giải pháp sau đây để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bộ máy quản lý.
+ Cần có chiến lược bổ sung và sách lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chủ thể quản lý Nhà nước. Chiến lược này cần tập trung vào một số điểm sau đây: Cần
nhanh chóng bố trí đủ chỉ tiêu biên chế cho cấp tỉnh là 5-6 người theo quy hoạch (hiện đang chờ điều chuyển từ nơi khác về trong xu hướng tinh giản biên chế của tỉnh). Những cán bộ điều chuyển về cần cân nhắc cho đúng hoặc gần chuyên môn quản lý di sản văn hóa. Cấp huyện nên có cán bộ chuyên trách theo dõi mảng di sản nói chung, nên tuyển chọn những nhân lực được đào tạo đúng chuyên ngành về quản lý văn hóa hoặc quản lý di sản văn hóa, sao cho dần dần phổ cập 100% cán bộ có chuyên môn về quản lý di sản ở cấp huyện.
+ Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa Phật giáo nói riêng, để có đủ nhân lực nghiên cứu sâu sắc các giá trị văn hóa hàm chứa trong các di tích lịch sử này, nhằm tuyên truyền, giới thiệu với cộng đồng dân cư và tập huấn kiến thức về lịch sử văn hóa, giá trị di sản cho đội ngũ quản lý di sản địa phương.
+ Thường xuyên mở các lớp tập huấn ngắn hạn về quản lý, bảo tồn phát huy các giá trị của di sản văn hoá để cung cấp các kỹ năng nghiệp vụ quản lý Nhà nước và kỹ năng tác nghiệp, như: Lập kế hoạch, nghiên cứu Luật Di sản văn hóa, thống kê di sản địa phương, lập hồ sơ khoa học cho các di sản, các hình thức khai thác.
Phát huy giá trị di sản, xây dựng các dự án, đưa di sản địa phương vào quỹ đạo của ngành du lịch v.v. Nội dung các lớp học này cần phải bám sát với tình hình thực tế, học phải kết hợp với hành để mang lại những hiệu quả thiết thực
+ Chủ động đề xuất với Giáo hội Phật giáo cử sư trụ trì về các chùa, đặc biệt là những ngôi chùa đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
- Giải pháp về hoàn thiện cơ chế quản lý: Cần giảm tải trách nhiệm quản lý di sản văn hóa Phật giáo cho cấp xã. Vì cấp xã đảm nhiệm phần lớn công tác quản lý các từ di tích cấp quốc gia cho đến di tích chưa xếp hạng là chưa hợp lý. Điều này hạn chế rất lớn đến việc bảo tồn, khai thác và phát huy các di tích đã được xếp hạng. Chúng tôi cho rằng:
+ Cần chuyển các chùa thuộc diện di tích cấp quốc gia, như chùa Chân Tiên, chùa Diên Quang, chùa Yên Lạc lên cho cấp huyện trực tiếp quản lý. Vẫn nên duy trì mô hình quản lý Nhà nước giám sát cộng đồng chịu trách nhiệm chính, khuyến
khích doanh nghiệp quản lý khai thác theo hướng xã hội hóa nhưng để cấp huyện trực tiếp giám sát sẽ có nhiều khả năng tập trung nguồn lực hơn.
+ Tăng cường tuyên truyền, tập huấn các kiến thức về pháp luật di sản văn hóa, quản lý Nhà nước cho cán bộ văn hóa xã và Ban quản lý di tích xã có các ngôi chùa đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, để đảm bảo việc bảo tồn các di sản này không bị làm tùy tiện như hiện nay.
+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của chủ thể quản lý Nhà nước cho các chủ thể khác từ Giáo hội và cộng đồng để vừa phát huy được vai trò và thế mạnh của các chủ thể đó, vừa đảm bảo việc quản lý, bảo tồn di sản theo đúng quy định của pháp luật.
4.1.3. Nhóm giải nâng cao hiệu quả của công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Về thực chất xã hội hóa là một quá trình chia sẻ trách nhiệm quản lý của Nhà nước với toàn xã hội. Xã hội hoá là hoạt động có tính hai mặt, gắn bó hữu cơ với nhau. Thứ nhất, xã hội hóa chính là sự huy động mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội tích cực tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục dựng các giá trị của di sản văn hoá. Thứ hai, là cần khuyến khích, tạo điều kiện cao nhất cho mọi thành viên cộng đồng xã hội trực tiếp tham gia vào quá trình hưởng thụ, thưởng thức các giá trị đó. Chính vì vậy mà muốn nâng cao hiệu quả của xã hội hoá cần phải được thực hiện công tác này một cách toàn diện và hệ thống, bao gồm các mặt hoạt động sau đây:
- Giải pháp xã hội hoá công tác quản lý di sản liên quan đến Phật giáo. Để việc quản lý chùa có hiệu quả, bao gồm cả quản lý bảo vệ công trình di tích lẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội, cần phải có cơ chế huy động, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, như hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên tại cơ sở, với sự phân chia trách nhiệm rõ ràng. Việc huy động này cần phải kết hợp với việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về bảo tồn và phát huy di sản. Tỉnh cần xây dựng quy chế phối hợp, phân nhiệm cụ thể của các tổ chức tham gia vào việc bảo vệ tôn tạo di tích và tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, văn
hóa tại di tích, để tránh trường hợp “cha chung không ai khóc” vẫn còn khá phổ biến hiện nay.
+ Nên thành lập các hội di sản ở địa phương để có thể quy tụ được phong trào quần chúng nhân dân tham gia tu bổ di tích. Hội là một tập hợp nhiều quần chúng giàu lòng yêu mến di tích, có khả năng tham gia đóng góp tu bổ di tích. Hoạt động của các hội này sẽ tham gia vào việc chống vi phạm di tích, đấu tranh với các đối tượng vi phạm đất đai, làm hậu thuẫn giúp cơ quan bảo tồn bảo tàng giải quyết các vi phạm này. Hội sẽ quy tụ quần chúng nhân dân phối hợp với chính quyền và ngành văn hoá giải quyết những vấn đề lớn hơn ở các di tích sẽ mang lại hiệu quả đáng kể. Vì thế, việc thành lập Hội bảo vệ di tích cần được xem xét như là một biện pháp cơ bản để tập hợp quần chúng, quy tụ các nguồn lực cho bảo vệ, tu bổ di tích.
- Giải pháp tăng cường xã hội hoá nguồn lực bảo tồn di sản: Bảo tồn, tôn tạo và phục hồi di sản là một việc làm vô cùng tốn kém, hơn nữa với thực trạng phần lớn di tích đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí đã thành phế tích như phân tích ở hương 2, ngân sách của Hà Tĩnh không thể đáp ứng nổi nhu cầu này. Chính vì vậy, để chống hoang phế các chùa cổ cần phải có giải pháp xã hội hóa các nguồn lực cho hoạt động bảo tồn di sản, để hoạt động ấy không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước mà đó phải là sự nghiệp của toàn dân. Để việc huy động các nguồn lực bao gồm cả nhân lực, vật lực và tài lực cho hoạt động này, tỉnh cần phải có một cơ chế rành mạch và thông thoáng hơn nữa. Cơ chế này thể hiện rõ trong các quy chế hoạt động và quản lý của các ngôi chùa cụ thể. Trong đó thể hiện rõ với mức đóng góp như thế nào sẽ được ghi nhận bằng hình thức nào (ghi vào văn bia, ghi bảng vàng, ghi trên hiện vật). Đồng thời quy định rõ những vật như thế nào được phép cung tiến vào chùa, tránh hiện trạng như đã phân tích ở chương 3, mang cung tiến vào chùa những bức tượng không phải là tượng Phật và không rõ là tượng gì.
Cần nhân rộng mô hình vận động tài chính linh hoạt tại chùa Phổ Độ và Giai Lam để có thể tranh thủ được nguồn vốn xã hội hóa.
Ngoài việc huy động vốn trong cộng đồng dân cư, cũng nên có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đóng trên địa bàn địa phương, các tổ chức