Đặc điểm khu vực Tây Bắc và âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng ở Tây Bắc Việt Nam

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ vai trò bộ đội địa phương các tỉnh tây bắc trong đấu tranh với thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng việt nam hiện nay (Trang 29 - 47)

2.1.1. Đặc điểm khu vực Tây Bắc

Tây Bắc là vùng miền núi phía Tây của miền Bắc Việt Nam, có chung đường biên giới với Lào 612km, với Trung Quốc 512km [52, tr.41]. Vùng này có khi được gọi là Tây Bắc Bắc Bộ và là một trong 3 tiểu vùng của Bắc Bộ Việt Nam (2 tiểu vùng kia là vùng Đông Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng). Về mặt hành chính, vùng Tây Bắc bao gồm các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai.

Về điều kiện tự nhiên:

Đây là khu vực có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt. Địa hình các tỉnh Tây Bắc phần lớn là rừng, núi cao hiểm trở (chiếm trên 75% diện tích), có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Dãy Hoàng Liên Sơn cao 1500 m, dài tới 180 km, rộng 30 km, một số đỉnh núi cao trên 3000 m. Trong đó, khu vực biên giới chủ yếu là núi cao, vực sâu, rừng rậm, hiểm trở, nhiều sông, suối, thác, ghềnh, đường mòn nhỏ hẹp, nhiều nơi chưa có đường dân sinh, vận chuyển chủ yếu theo đường mòn do người gùi, ngựa thồ,... vào mùa mưa nhiều xã, bản giao thông bị chia cắt.

Khí hậu, thời tiết Tây Bắc rất khắc nghiệt. Mùa mưa thường có mưa to, mưa đá, kéo theo lũ lụt, đường sá sạt lở, giao thông chia cắt; mùa khô dẫn tới tình trạng cháy rừng, thiếu nước ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Tây Bắc vào mùa Đông, thời tiết rất giá lạnh, có nơi băng tuyết, sương mù dày đặc... ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống của cán bộ, chiến BĐĐP và nhân dân; gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với TLTĐ lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng trên địa bàn. Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Đây cũng là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên.

Về điều kiện kinh tế: Các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, như tiềm năng xây dựng thủy điện mang tầm cỡ quốc gia.

Nguồn đá vôi rất dồi dào có khả năng phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng.

Thảm thực vật rất phong phú, đa dạng, còn bảo tồn nhiều nguồn gien quý và hiếm, cho phép vốn rừng và nghề rừng, trồng cây dược liệu. Các cao nguyên và cánh đồng rộng lớn như Mộc Châu, Sơn La, Nà Sản, Mường Thanh,… cho phép phát triển cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Trên địa bàn Tây Bắc có nhiều di tích lịch sử (Điện Biên phủ, nhà tù Sơn La), nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, những thắng cảnh thiên nhiên cho phép kết hợp giữa phát triển du lịch sinh thái với du lịch văn hóa - lịch sử. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế các tỉnh Tây Bắc đã có những bước phát triển vượt bậc, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, các dự án lớn như: Thủy điện Sơn La, Huổi Quảng, Nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng, sắt Quý Sa (Lào Cai), xi măng Yên Bình (Yên Bái)… đang được thi công và vận hành có hiệu quả. Nhiều địa phương đã mạnh dạn đổi mới từ thế độc canh thuần túy nông nghiệp sang cây công nghiệp với cơ cấu đa dạng hơn, như mía, cao su, cà phê...

Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp lại đứng trước nhiều khó khăn thách thức, nên các tỉnh Tây Bắc vẫn là địa bàn có nền kinh tế phát triển chậm nhất cả nước. Nhiều tiềm năng, lợi thế vẫn chưa được khai thác, như đất đai, đồi rừng, thủy điện, khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu… Nên đời sống của đại đa số đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn, các xã vùng cao biên giới đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, có nhiều xã vẫn chưa có đường ô tô đến trung tâm hoặc đường ô tô có tới nhưng cũng chỉ đi lại được vào mùa khô. Có thể nói, đây là vùng dân cư có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất và tỷ lệ đói nghèo cao nhất so với các vùng khác trong cả nước;

trong khi đó, hiện tượng du canh, di cư tự do vẫn còn diễn ra. Sự khó khăn, chậm phát triển về kinh tế là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp mà TLTĐ có thể lợi dụng chống phá cách mạng trên địa bàn Tây Bắc.

Về chính trị - xã hội: Tây Bắc từng là địa bàn căn cứ cách mạng và an toàn khu của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc.

Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân các dân tộc Tây Bắc luôn đoàn kết, gắn bó với nhau đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Tây Bắc luôn chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Hệ thống chính trị ở Tây Bắc thường xuyên được củng cố, kiện toàn, cơ bản ổn định, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trình độ, năng lực điều hành của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở còn yếu, trình độ văn hóa thấp, cá biệt có trường hợp bị các TLTĐ lợi dụng, móc nối. Hoạt động của bộ máy chính quyền, đoàn thể chất lượng, hiệu quả thấp. Một số tổ chức đảng, chính quyền cơ sở chưa thực sự mạnh, các đoàn thể, tổ chức xã hội hoạt động không đều, hiệu quả chưa cao, một số nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, có địa phương vẫn còn những bản “trắng” không có đảng viên; phong trào quần chúng hoạt động yếu. Lợi dụng những hạn chế đó, các TLTĐ tiến hành các hoạt động chống phá, gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Mặt bằng dân trí ở các xã, bản các tỉnh Tây Bắc còn thấp, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hoá, xã hội vừa thiếu lại vừa yếu, cơ sở văn hoá, giáo dục, y tế còn nghèo nàn. Tuy ở trung tâm các xã đều đã có trường học, nhưng tỷ lệ trẻ em thất học cao, tình trạng mù chữ và tái mù chữ lại phát triển. Nhiều bản, làng, vùng cao chưa được xem truyền hình và hưởng thụ các hoạt động văn hoá, thông tin. Các thiết bị, thuốc men và trình độ chuyên môn của các cơ sở y tế còn yếu; hiệu quả khám, chữa bệnh rất thấp, trong đó tỷ lệ sinh đẻ lại cao. Phong tục tập quán còn lạc hậu và rất nặng nề, đặc biệt là tệ trồng và hút thuốc phiện, đây chính là một trong những nguyên nhân của nghèo đói, làm nảy sinh và phát triển các tệ nạn xã hội.

Về dân cư, dân tộc, văn hóa: Dân số các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái hiện nay khoảng 3 triệu người, với 34 dân tộc anh em cùng chung sống đan xen nhau, trong đó, phần đông là các dân tộc thiểu số (chiếm tới 63%). Mật độ dân số trung bình 85 người/km2, nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới mật độ rất thấp chỉ khoảng 9-12 người/km2.

Tây Bắc là địa bàn cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, có sự đa dạng về văn hóa. Thời gian qua, đã xảy ra tình trạng di cư ồ ạt của người Mông ở các huyện nội địa và một số tỉnh khác đến địa bàn huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), Mường Lay, Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) làm cho tỷ lệ cơ cấu dân cư của các dân tộc trên từng vùng có sự biến đổi lớn, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các dân tộc thiểu số, nhất là người Mông thường cư trú ở vùng núi cao, vùng sâu, khí hậu và thiên nhiên khắc nghiệt. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống bấp bênh, chịu cảnh nghèo đói mặc dù họ rất cần cù, chịu khó. Hầu hết các dân tộc thiểu số sống ở khu vực biên giới có quan hệ dòng tộc, dân tộc lâu đời, phong tục tập quán lạc hậu. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá truyền thống và phong tục tập quán riêng, nhưng coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ.

Các dân tộc có quan hệ tình cảm huyết thống rất sâu sắc cả trong và ngoài nước, nhất là với người Mông ở Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Pháp.

Về tôn giáo: Tây Bắc có 3 tôn giáo được công nhận là Công giáo, Phật giáo và Tin Lành, những năm gần đây, xuất hiện các tà đạo như: Giê Sùa, Bà Cơ Dợ, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Long Hoa Di Lặc, Tiên Rồng, Dương Văn Mình.

Nhìn chung, hoạt động của các tôn giáo cơ bản chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện sống tốt đời đẹp đạo, “Kính Chúa yêu nước”, “Đạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Tín đồ và chức sắc các tôn giáo đều phấn khởi hưởng ứng công cuộc đối mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, đã xuất hiện những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định: Còn hệ, phái trong đạo Công giáo có chủ trương kích động giáo dân đòi lại đất đai, cơ sở thờ tự cũ; cơi nới, xây mới nhà thờ, nhà nguyện; hoạt động mục vụ của chức sắc tôn giáo không xin phép chính quyền địa phương có chiều hướng gia tăng; tổ chức các ngày lễ với quy mô lớn hơn gắn với các hoạt động từ thiện, xã hội nhằm khuyếch trương thanh thế, lôi kéo tín đồ, phát triển đạo lên vùng đồng bào dân tộc thiếu số, khôi phục lại các vùng đã khô nhạt đạo. Hoạt động

của một số hệ, phái trong đạo Tin Lành vẫn diễn biến phức tạp, gắn với di dịch cư tự do. Các TLTĐ lợi dụng tôn giáo để tập hợp quần chúng nhằm chống phá ta từ cơ sở. Đối tượng trưởng, phó nhóm được phong chui, hoặc tự tấn phong kích động quần chúng đòi chính quyền cho đăng ký hoạt động, xây dựng nhà nguyện.... Dưới danh nghĩa hoạt động từ thiện, nhân đạo, đại diện các tổ chức quốc tế, một số hệ phái Tin Lành trong nước tăng cường đến các vùng dân tộc thiểu số để hỗ trợ, chỉ đạo hoạt động truyền đạo; lựa chọn người Mông đi đào tạo tại các trường Thần học; cấu kết với nhau thực hiện ý đồ

“thành lập cộng đồng Tin Lành người Mông”. Trong Phật Giáo, một số chức sắc tiến hành vận động quyên góp để phục hồi, trùng tu, xây mới cơ sở thờ tự. Hoạt động của các “đạo lạ, tà đạo” cũng diễn ra sôi động, phức tạp, mang nặng tính mê tín dị đoan, động cơ vụ lợi, tác động xấu đến đời sống văn hóa xã hội.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu đánh giá tình hình tôn giáo trên địa bàn: “Hoạt động tôn giáo còn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp, các tổ chức tôn giáo tiếp tục thúc đẩy củng cố tổ chức, phát triển tín đồ, xây dựng nhà thờ, nhà nguyện, tăng cường tài trợ tài chính, cung cấp tài liệu; hoạt động của các điểm, nhóm gắn bó chặt chẽ với giáo hội ở các tỉnh; các tà đạo tiếp tục xâm nhập lôi kéo tín đồ” [24, tr.6]. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La chỉ ra: “Một số chức sắc tôn giáo tại Hà Nội, Hòa Bình thường xuyên lên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn, củng cố đức tin, chỉ đạo các điểm nhóm đạo mở rộng tín đồ, địa bàn hoạt động; một số cá nhân, trưởng nhóm tự xưng tham gia truyền học đạo tự phát, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với công tác tôn giáo” [31, tr.8].

2.1.2. Âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng ở Tây Bắc Việt Nam

* Tôn giáo và thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tôn giáo là hình thái ý thức xã hội phản ảnh hư ảo hiện thực khách quan vào trong đầu óc con người, biến sức mạnh tự nhiên, sức mạnh xã hội thành sức mạnh thần bí và biến con người ta trở thành nô lệ cho sức mạnh đó.

Trong tác phẩm “Phê phán triết học Pháp quyền Hêghen - lời nói đầu”

C.Mác đã luận bàn rất nhiều và tương đối rõ ràng về tôn giáo, đồng thời chỉ ra định nghĩa về tôn giáo. Theo C.Mác: “Tôn giáo là sự tự ý thức và tự cảm giác của con người chưa tìm được bản thân mình, hoặc đã lại để đánh mất bản thân mình một lần nữa” [95, tr.569]. Như vậy, tôn giáo thuộc hình thái ý thức xã hội, thuộc đời sống tinh thần do con người sáng tạo ra, “con người sáng tạo ra tôn giáo chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người” [95, tr.569]. Tôn giáo chỉ là “mặt trời ảo tưởng”, là những bông hoa giả vận động xung quanh bản thân con người. Như Ph.Ăngghen từng khẳng định: “Nhưng tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ, chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế” [2, tr.437].

C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận giải rằng sự xuất hiện và tồn tại của tôn giáo xuất phát từ hiện thực khách quan, có nguồn gốc từ tự nhiên và kinh tế - xã hội. Ph.Ăngghen cho rằng: “Từ thời đại nguyên thuỷ, tôn giáo đã sinh ra từ những biểu tượng hết sức ngu muội tối tăm và nguyên thuỷ của con người về bản chất của chính họ và về tự nhiên, bên ngoài bao quanh họ” [2, tr.484].

Sau này trong tác phẩm “Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo”, V.I.Lênin chỉ rõ:

“. .. sự bất lực của con người dã man trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên đẻ ra lòng tin thần thánh, ma quỷ và những phép màu...” [84, tr.169]. Đó là nguồn gốc tự nhiên của tôn giáo. Cùng với nguồn gốc tự nhiên là nguồn gốc kinh tế - xã hội, C.Mác khẳng định: “Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy” [95, tr.570]. V.I.Lênin chỉ rõ: “Sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đấu tranh chống bọn bóc lột tất yếu đẻ ra lòng tin vào cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia” [84, tr.169].

C.Mác kết luận: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” [95, tr.570].

Luận điểm trên của C.Mác đã thể hiện rõ bản chất, chức năng của tôn giáo. Với luận điểm “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, C.Mác không chỉ muốn khẳng định tính chất “ru ngủ” hay độc hại của tôn giáo, mà còn nhấn mạnh đến sự tồn tại tất yếu của tôn giáo với tư cách một thứ thuốc giảm đau được dùng để xoa dịu những nỗi đau trần thế. Tôn giáo mặc dù là sự phản ánh hoang đường, hư ảo hiện thực, là một hiện tượng tiêu cực trong xã hội nhưng nó không phải không có những yếu tố tích cực. Mặc dù, tôn giáo chỉ là những “bông hoa giả” tô điểm cho một cuộc sống hiện thực đầy xiềng xích, nhưng nếu không có những “bông hoa giả” ấy thì cuộc sống của con người chỉ còn lại “xiềng xích” mà thôi.

Theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin việc phê phán tôn giáo không thể được tiến hành trực diện mà cần “làm cho con người thoát khỏi ảo tưởng, để con người tư duy, hành động, xây dựng tính hiện thực của mình với tư cách một con người vừa thoát khỏi ảo tưởng và đạt đến tuổi có lý trí; để con người vận động xung quanh bản thân mình, nghĩa là vận động xung quanh cái mặt trời thật sự của mình” [95, tr.570]. Vì vậy, tuyệt đối không được nóng vội, chủ quan trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo. Về vấn đề này, V.I.Lênin đã nhấn mạnh: “Những lời tuyên chiến ầm ĩ với chủ nghĩa duy tâm, những mệnh lệnh ngăn cấm tín ngưỡng, tôn giáo là những hành vi dại dột, vô chính phủ, làm cho kẻ thù lợi dụng để kích động tình cảm tôn giáo của tín đồ, làm cho họ ngày càng gắn bó với tôn giáo, xa lánh thậm chí đi đến chống lại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” [85, tr.511]. V.I.Lênin cũng đã nhiều lần nhắc nhở những người cách mạng phải xây dựng cho quần chúng thế giới quan vô thần khoa học, “phải lấy quan điểm duy vật mà giải thích nguồn gốc tín ngưỡng và nguồn gốc tôn giáo của quần chúng” [85, tr.514]. V.I.Lênin chỉ rõ: cần tìm mọi biện pháp để tập hợp quần chúng không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo; không tuyên chiến, xúc phạm tôn giáo; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của giai cấp thống trị; sử dụng sức mạnh tổng hợp để nâng cao giác ngộ, giáo dục vô thần; “…phải cung cấp cho quần chúng ấy đủ các thứ tài liệu tuyên truyền vô thần, giới thiệu cho họ những sự việc lấy trong mọi mặt sinh hoạt thực tế, dùng mọi cách để làm cho họ hứng thú, kéo họ ra khỏi sự mê muội tôn giáo, thức tỉnh họ từ mọi phía và bằng đủ mọi phương pháp” [87, tr.31-32].

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ vai trò bộ đội địa phương các tỉnh tây bắc trong đấu tranh với thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng việt nam hiện nay (Trang 29 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(209 trang)
w