Đọc diễn cảm là việc đọc thể hiện kĩ năng làm chủ ngữ điệu để đạt đúng ý nghĩa, tình cảm mà tác giả đã gửi gắm trong văn bản được đọc. Đọc diễn cảm phản ánh cách hiểu bài văn, bài thơ. Muốn rèn cho các em đọc đọc diễn cảm thì trước hết phải rèn cho các em đọc đúng, đọc ngắt giọng và nhấn giọng đã. Đọc diễn cảm là đọc văn bản sao cho giọng điệu phù hợp với tình huống miêu tả
trong văn bản, thể hiện được tình cảm, thái độ, đặc điểm của nhân vật hay tình cảm, thái độ của tác giả đối với nhân vật và nội dung miêu tả trong văn bản.
Đọc diễn cảm có nhiều mức độ:
- Biết nhấn mạnh các từ quan trọng trong câu
Ví dụ trong bài thơ “Vàm Cỏ Đông” của nhà thơ Hoại Vũ (Tiếng Việt 3, tập 1, trang106) có câu: “Vàm Cỏ Đông/ Ơi Vàm Cỏ Đông!”. Đây là câu cảm thể hiện tình yêu thương tha thiết của tác giả với Vàm Cỏ Đông – một nhánh sông Vàm Cỏ, chảy qua các tỉnh Tây Ninh, Long An. Vì thế đọc nhấn mạnh vào các ngữ điệu đó.
- Biết thể hiện ngữ điệu (Sự thay đổi cao độ, trường độ của giọng đọc) phù hợp với từng loại câu (câu kể, câu hỏi, câu cảm, câu khiến). Cần thay đổi giọng một cách linh hoạt phù hợp với dấu câu và lời của nhân vật chẳng hạn dạy học sinh đọc diễn cảm bài thơ “Chú ở bên Bác Hồ” (Tiếng Việt 3, tập 2, trang16).
Hai khổ thơ đầu đọc với giọng ngây thơ, hồn nhiên, thể hiện băn khoăn, thắc mắc rất đáng yêu của bé Nga
Chú Nga đi bộ đội/
Sao lâu quá là lâu!//
Nhớ chú,/ Nga thường nhắc://
Chú bây giờ ở đâu ?//...
Khổ cuối, đọc với nhịp chậm, trầm lắng, thể hiện sự xúc động nghẹn ngào của bố mẹ bé Nga khi nhớ đến người đã hi sinh.
Mẹ đỏ hoe đôi mắt/
Ba ngước lên bàn thờ:/
- Đất nước không còn giặc/
Chú ở bên Bác Hồ.//
- Biết đọc giọng phân biệt lời kể của tác giả và lời nhân vật.
Ví dụ trong bài “Cậu bé thông minh” (Tiếng Việt 3, tập 1, trang 4) cần phải phân biệt rõ lời của nhân vật và lời của tác giả nhất là lời của tác giả lọt vào
giữa lời nhân vật: “Muôn tâu đức vua – cậu bé đáp- bố con mới đẻ em bé, bắt con đi xin sữa cho em”.
- Biết đọc phân biệt lời của các nhân vật
Ví dụ trong bài “Mồ Côi xử kiện” (Tiếng Việt 3, tập 1, trang 139) cần phân biệt rõ lời và giọng của các nhân vật để phân vai cho tốt. Giọng kể của người dẫn truyện phải khách quan. Giọng chủ quán thì vu vạ, thiếu thật thà. Giọng bác nông dân vừa phân trần, thật thà khi kể lại câu chuyện, vừa ngạc nhiên, giãy nảy lên khi nghe lời phán của Mồ Côi đòi bác trả tiền cho chủ quán. Còn giọng của Mồ Côi lại nhẹ nhàng, thản nhiên đôi khi lại rất nghiêm nghị.
- Biết thể hiện ngữ điệu phù hợp với tình huống miêu tả trong đoạn văn hoặc văn bản.
*Biện pháp để luyện đọc diễn cảm
- Thứ nhất học sinh làm quen với toàn tác phẩm, xác định giọng đọc chung của toàn bài
- Thứ hai, giáo viên tổ chức cho học sinh đàm thoại, nhận ra thể loại văn bản, hiểu ý đồ của tác giả, thảo luận với học sinh để xác định giọng điệu chung của cả bài. Về thể loại, nếu đọc thơ phải chú ý tính nhịp điệu của ngôn ngữ thơ ca, tức là truyền đạt chất nhạc của thơ, thể hiện được sự luân chuyển nhịp nhàng giữa các dòng thơ. Đồng thời học sinh cần tránh cách đọc dừng lại máy móc ở cuối mỗi dòng thơ, không chú ý đến ý nghĩa tiếp nối của dòng trước và dòng sau. Có nhiều học sinh có thói quen đọc đều đều như đếm từng tiếng một. Đọc văn xuôi thì điều quan trọng là cho thấy sự vận động tư tưởng của tác giả.
- Thứ ba, phân tích thể hiện, lập dàn ý và xác định giọng đọc của từng đoạn.
- Thứ tư, học sinh tập luyện thể hiện giọng đọc của từng câu, đoạn, bài.
Tập luyện thể hiện là yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo cho học sinh thành công khi đọc trước người nghe. Khi luyện tập giáo viên cần chỉ ra những chỗ khó đọc, những “điểm nút” trong bài đòi hỏi học sinh phải hiểu được mới tìm
cách thể hiện điều đó trong giọng đọc. Cuối cùng học sinh phải luyện đọc cá nhân. Ở nhiều bài có thể cho học sinh phân vai để làm sống lại những nhân vật của tác phẩm, để đọc phân biệt lời tác giả và lời nhân vật, phân biệt lời của các nhân vật khác nhau.