a, Bài tập hướng dẫn luyện tư thế đứng đọc, ngồi đọc
- Luyện tư thế đứng: thẳng người, cổ thẳng, hai chân rộng bằng vai theo tư thế nghỉ.
- Luyện tư thế ngồi: Thẳng người (giáo viên cần lưu ý phải đặt ghế hơi sát vào bàn thì học sinh mới ngồi thẳng được): hai chân rộng bằng vai, kê lên thanh ngang phía dưới của bàn học cho thoải mái, cổ thẳng.
- Sách không được gấp lại mà mở rộng, cấm bằng hai tay. Khi ngồi đọc, mặt ngoài bàn tay đặt tì lên bàn, hơi nâng phần trên của sách lên tạo một góc nhọn với mặt bàn.
- Đặc biệt lưu ý học sinh giữ khoảng cách giữa sách và mắt khoảng 35cm.
Giáo viên hướng dẫn học sinh tư thế đọc và cho những học sinh khác quan sát, nhận xét tư thế của bạn
b, Bài tập luyện thở lấy hơi
Thứ nhất: Đứng thẳng người, mặt nhìn thẳng. Hít vào thật sâu (đếm thầm
“một”) giữ hơi thở rồi thở ra thật đều trong khi đếm từ “một” đến “năm” thành tiếng.
Cũng vẫn tư thế trên, tăng dần lượng không khí hít vào (đếm thầm dài hơn “1,2,3,4…”) và khi thở ra cũng đếm tăng dần lên đến 10,15,20,…
Thứ hai: Hãy nhắm mắt lại, tưởng tượng bức tranh sau đây:
Các bạn đang ở trong rừng. Cơn dông vừa tạnh. Mưa ngừng rơi. Những chiếc lá xanh rời rợi loáng nước. Ở đầu mút lá, trên ngọn cỏ, những giọt nước long lanh như sương mai. Không khí thoáng mát, dịu ngọt, đậm hương cây. Ánh mặt trời
lọc qua vòm lá chiếu nhành phong lan trắng muốt… Hãy hít vào thật căng lồng ngực hương rừng… Hãy thở ra thật đều, thật chậm.
Thứ ba: Hít vào thật sâu, sau đó đọc chậm các câu tục ngữ:
Dốt đến đâu học lâu cũng biết.
Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học.
Người không học như ngọc không mài.
Ban đầu chỉ đọc 1 câu, sau nâng dần lên đọc 2 câu, 3 câu… cũng trong một lần lấy hơi.
Thứ tư: Hãy đọc thành tiếng đoạn văn sau, ban đầu theo sự chỉ dẫn về lấy hơi: hít thật sâu (HV) – hít vào bổ sung thêm khi đọc (BS). Sau đó tự mình đọc và lấy hơi theo ý muốn.
(HV) Khung cảnh xung quanh tôi bắt đầu mờ dần rồi trắng xóa, (BS) sương xuống dày đặc đến không còn trông rõ một cái gì nữa. (HV) Phảng phất trong không khí có thứ mùi quen thuộc, (BS) không hẳn là mùi nhang ngày tết, (BS) cũng không phải là thứ mùi nào khác có thể gọi tên được, (BS) có lẽ đã lâu lắm, (BS) nay tôi lại cảm thấy nó. (HV) Thôi tôi nhớ ra rồi… (HV) Đó là thứ mùi vị rất đặc biệt, (BS) mùi vị của quê hương.
3.4.2. Bài tập luyện giọng
Thứ nhất: Đứng (hoặc ngồi) thẳng người. Sau khi hít vào thật sâu, phát âm đều và ngân dài các phụ âm sau (lần lượt từng phụ âm): m.n.l.
Thứ hai: Tư thế như bài tập một. Phát âm đều và ngân dài các âm tiết sau (lần lượt từng âm tiết)
Mi … mê … ma … mo … mu … mư … Ni ... nê ... na ... no ... nu ... nư ...
Li ... lê ... la ... lo ... lu ... lư ...
Mỗi âm tiết kéo dài tùy ý muốn của người luyện tập hoặc hướng dẫn luyện tập (quy ước bằng cách đếm chậm từ một đến mười). Lần thứ nhất bắt
đầu đọc giọng đều đều. Lần thứ hai, âm thanh nhỏ sau đó to dần và to. Lần thứ ba, âm thanh to sau nhỏ dần và nhỏ.
Để rèn luyện nhịp độ, có thể đọc các ví dụ đó với sự ngắt hơi đều đặn.
Sau đó khi gần kết thúc đọc nhanh dần lên. Lần thứ ba ngược lại, khi gần kết thúc đọc chậm dần.
Thứ ba: Đếm từ một đến mười bằng giọng bình thường, sau đó bằng giọng trầm, lượt ba bằng giọng cao.
+ Đếm từ một đến mười. Bắt đầu chậm, sau đó nhanh dần và ngược lại, bắt đầu nhanh sau đó chậm dần.
+ Cũng đếm như thế vừa to dần vừa nhanh dần lên.
Thứ tư: Đọc một số câu tục ngữ và ca dao. Lần thứ nhất bằng giọng đều nhau. Lần thứ hai mạnh dần lên. Lần thứ ba yếu dần đi. Lần thứ tư bằng giọng vui. Lần thứ năm bằng giọng buồn.