Phương hướng bảo đảm xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (Trang 75 - 78)

CHƯƠNG 3. PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

3.1. Phương hướng bảo đảm xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng

- Tổ chức truy quét đối tượng vi phạm tại những khu rừng tự nhiên, rừng giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi, phát hiện và xử lý những phần tử cố ý không tuân thủ pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tiếp tay cho bọn lâm tặc phá rừng, hủy họa môi trường sống của nhiều loài động, thực vật, đặc biệt, ảnh hưởng nhiều mặt về kinh tế và an ninh - quốc phòng.

- Tổ chức huy động lực lượng tham gia vào công tác quản lý rừng ngày càng lớn mạnh, có sự phối hợp đồng bộ, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động, tiến hành truy quét, triệt phá những ổ, nhóm lâm tặc hung hãn chống đối người thi hành công vụ.

- Xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng, những người bao che cho các đối tượng vi phạm, những người cho phép khai thác rừng và cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp không đúng thẩm quyền, sai pháp luật; xử lý trách nhiệm hành chính và bắt bồi thường những thiệt hại về rừng do họ gây ra, nếu nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Chi cục Kiểm lâm tỉnh nên có Kế hoạch hỗ trợ chính quyền cấp huyện, xã kiểm tra phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp xâm hại rừng để khai thác gỗ và lâm sản quý hiếm trái phép, ngăn chặn hiện tượng đốt, phá rừng.

- Cấp chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp của mình về tài nguyên rừng thuộc địa bàn mình quản lý. Địa phương nào còn để xảy ra tình trạng lâm tặc phá rừng trên địa bàn, thì Chủ tịch xã/ huyện và những người lãnh đạo trực tiếp của địa phương đó phải bị xử lý kỷ luật.

- Các cây gỗ rừng, lâm sản bị chặt phá, khai thác trái phép, khi phát hiện, cần thu gom lại để xử lý kịp thời theo quy định pháp luật, tránh để tồn đọng kéo dài gây hư hỏng, tổn thất tài sản của nhà nước.

- Kiểm tra, xử lý, thu hồi giấy phép kinh doanh của các cửa hàng kinh doanh, chế biến gỗ trái phép và các cửa hàng ăn uống đặc sản chế biến từ thịt các loài động vật hoang dã, quý hiếm.

- Xây dựng các đề án, tổ chức phối hợp giữa các lực lượng kiểm tra, truy quét các đối tượng có hành vi vi phạm trên địa bàn trọng điểm, thường xuyên xảy ra phá rừng tại tỉnh Quảng Ngãi.

- Tiếp tục rà soát, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc hệ thống hành chính, nhằm khắc phục triệt để tình trạng trùng lặp, chồng chéo, ôm đồm về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong cùng hệ thống. Trên cơ sở đó, sắp xếp lại về tổ chức bộ máy cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng và xây dựng nhà nước pháp quyền, quản lý bằng pháp luật. Cần phải xác định rõ thẩm quyền XPVPHC giữa các cơ quan; nếu thuộc thẩm quyền xử phạt của người thi hành công vụ thì ra quyết định xử phạt VPHC;

trường hợp không thuộc thẩm quyền thì chuyển biên bản vi phạm đến người có thẩn quyền xử phạt để ra quyết định xử lý; trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính do nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt thì cơ quan thụ lý đầu tiên là cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Trong một số trường hợp XPVPHC do vị trí địa lý và tính gấp rút, cần có các hình thức xử phạt hợp lý và nhanh chóng như ủy quyền từ cấp trên xuống cấp dưới bằng miệng (điện thoại) dưới sự chứng kiến từ 02 người trở lên hay nhận thấy tính nguy hiểm của hành vi thì có thể tự mình xử lý trong khuông khổ cho phép, đúng quy định pháp luật, sau đó báo cáo lại cấp trên nhanh nhất có thể để có thể xử lý hành vi vi phạm kịp thời và có biện pháp khắc phục hiệu quả.

- Nên giao thêm biên chế cán bộ Kiểm lâm - lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý đặc biệt là Kiểm lâm cơ sở, bảo vệ rừng nhằm đảm bảo số lượng trong hoạt động quản lý, bảo vệ rừng đồng thời tăng cường về trang thiết bị, vật chất, các công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Hạn chế tối đa chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên, chủ yếu khai thác, phục vụ các nhu cầu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và cho việc phòng chống thiên tai. Khuyến khích sử dụng các nguyên liệu thay thế gỗ, nhằm tiết kiệm gỗ trong sản xuất và tiêu dùng.

- Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng hỗ trợ Kiểm lâm địa phương tham gia công tác quản lý và bảo vệ rừng, truy quét các đối tượng có hành vi vi phạm. Các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao, đặc biệt tại các khu ranh giới giữa các tỉnh với nhau; chủ động phối hợp với cơ quan chuyên ngành trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đặc biệt tại các huyện, xã có nhiều rừng (Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long,...)

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)