Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.2.2. Các yếu tố bên ngoài
4.2.2.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình chia cắt mạnh, dân cư phân tán.
Đường giao thông đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, sản xuất phát triển chậm, nhiều huyện nghèo, xã nghèo, đời sống nhân dân còn rất khó khăn.
Nhận thức và nhu cầu học tập của một bộ phận không nhỏ các gia đình dân tộc thiểu số chưa đầy đủ. Nhiều gia đình còn chưa quan tâm đến việc học tập của con em, nhất là ở bậc học trung học phổ thông. Thêm vào đó lứa tuổi này thường là lực lượng lao động chính trong các gia đình nên ít được các gia đình tạo điều kiện đến trường.
Phong tục tập quán, đặc điểm tâm lý, văn hóa của từng dân tộc cũng ảnh hưởng tới việc đến trường và chất lượng học tập của học sinh. Tập tục tảo hôn, tập quán du canh, du cư, nhiều sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội là những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh đi học không chuyên cần, bỏ học giữa chừng, hoặc học không hết cấp trung học phổ thông.
Những khó khăn, đặc thù về tự nhiên, kinh tế - xã hội trên đây có ảnh hưởng rất lớn tới thực hiện gắn giáo dục với đào tạo nghề. Trong đó đặc biệt là đời sống vật chất của người dân còn nhiều khó khăn tác động tới việc tham gia học văn hóa và học nghề của học sinh. Mặc dù đào tạo nghề đã được tuyên truyền tới từng thôn, xóm, các xã vùng sâu, vùng xa, nhưng do kinh tế thiếu thốn không đủ chi phí cho con em mình đi học, tiền trợ cấp không đủ giúp học sinh chi phí cho việc học tập, sinh hoạt nên tham gia học tập tại các trung tâm là một khó khăn đối với các gia đình.
Đồ thị đánh giá về khó khăn của học sinh dưới đây đã cho thấy điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của các huyện vùng cao thực sự là những trở ngại đối với tham gia học tập của học sinh với tỷ lệ khó khăn nhiều của giáo viên là 90,91% và của học sinh là 83,33% (Đồ thị 4.2).
Sau khi tốt nghiệp, nhiều người vẫn không tìm kiếm được việc làm từ đó ảnh hưởng tới tâm lý của phụ huynh và học sinh, trong khi đó quá trình đi học đã gây ra nhiều tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc, nhân lực nên nhiều gia đình cũng không muốn con em đi học.
Đồ thị 4.2. Khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của học sinh Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra (2015 ) 4.2.2.2. Chính sách của Nhà nước
Khó khăn trước hết đó là sự thể chế hoá chủ trương thành những chính sách cụ thể đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể là chưa có quy định về biên chế cho trung tâm giáo dục thường xuyên. Việc cử cán bộ giáo viên về trung tâm tuỳ thuộc vào từng đơn vị huyện.
Đội ngũ giáo viên về trung tâm chủ yếu là để thực hiện dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông và thực tế là đội ngũ này cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, số còn lại do giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng đảm nhận.
Các nhiệm vụ khác được quy định trong Quy chế của Bộ Giáo dục và đào tạo nhưng hầu hết các trung tâm không có lực lượng để triển khai thực hiện. Trong khi đó không có cơ chế tài chính cụ thể để trung tâm thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân như số lượng giáo viên hạn chế nhưng trung tâm có nhiều lớp, vì vậy phải hợp đồng giảng dạy. Số lớp tăng thêm nếu chỉ thu học phí theo quy định thì không thể hợp đồng được giáo viên, trong khi ngân sách nhà nước không hỗ trợ và thu đủ chi sẽ vi phạm quy định mặc dù có thoả thuận giữa trung tâm với người học.
Những thay đổi về cơ chế tuyển sinh như được mở nhiều trường nghề trên cùng địa phương đã đưa các trung tâm giáo dục thường xuyên vào tình thế khó khăn. Tồn tại như thế nào để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội là điều không hề dễ đối với những trung tâm. Học sinh ở các trung tâm giáo dục thương xuyên mong muốn học nghề để có việc làm cũng giống như học nghề ở các trường nghề. Trong khi đó các trường đại học được thành lập nhiều, điểm chuẩn đầu vào đại học thấp vì vậy số lượng các thí sinh có nguyện vọng dự thi vào các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp giảm theo từng năm. Đối với các trường nghề còn khó khăn về tuyển sinh thì đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên việc thu hút học sinh học nghề lại càng khó khăn hơn. Tình trạng cạnh tranh, lôi kéo học sinh giữa các trung tâm với các trường nghề là điều không tránh khỏi và bất lợi bao giờ cũng thuộc về các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo quy định của Nhà nước ở các địa phương hiện đang tồn tại các trường trung học phổ thông công lập. Chỉ khi nào học sinh không thi được vào các trường công lập mới chuyển sang học tập hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Điều này gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trung tâm giáo dục thường xuyên. Các trường trung học phổ thông công lập cũng có chức năng dạy nghề phổ thông cho học sinh lớp 12 nên trường nào không có điều kiện dạy nghề tại chỗ mới không triển khai dạy nghề. Bên cạnh đó các trường trung cấp nghề hình thành ngày càng nhiều. Các trung tâm giáo dục thường xuyên đang hướng tới chức năng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng còn tùy vào từng địa phương có giao cho các trung tâm đảm nhiệm hay không. Việc quản lý, đào tạo nghề chồng chéo dẫn đến tình trạng trường, trung tâm xây dựng nhiều, nhưng người học nghề lúng túng trong lựa chọn, hiệu quả đào tạo không cao vì quá thiếu học sinh dẫn đến lãng phí rất lớn.
Để khắc phục những bất cập, chủ trương của Nhà nước là tiến hành sáp nhập hai hệ thống dạy nghề. Các tỉnh đã tổ chức họp để bàn việc sáp nhập hai hệ thống dạy nghề với nhau nhằm tránh lãng phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên việc sáp nhập này chưa thực hiện được vì còn thiếu hướng dẫn từ Trung ương.
Không có hướng dẫn liên bộ, các tỉnh cũng chậm triển khai vì cho rằng nếu chủ động sáp nhập hai hệ thống dạy nghề lại với nhau ngay thì tới đây nếu có hướng dẫn mới lại rắc rối, đặc biệt là giải quyết khâu cán bộ quản lý của các trường, trung tâm của hai ngành với nhau.
4.2.2.3. Chính sách của địa phương
Ngân sách dành cho đào tạo nghề còn hạn chế, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư thực hành còn thiếu, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên tham gia giảng dạy tại trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện tuy đã cải thiện xong vẫn còn thấp so với chi phí đi lại, sinh hoạt hàng ngày của giáo viên.
Thực hiện chế độ đối với học sinh chưa bảo đảm. Theo chính sách của nhà nước, tham gia các lớp đào tạo nghề, học sinh vừa được hưởng trợ cấp theo chế độ của trung tâm giáo dục thường xuyên, vừa được hưởng trợ cấp của trường nghề liên kết, từ đó giúp học sinh trang trải thêm chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên thực hiện định mức hỗ trợ nội trú đối với các học viên còn thấp.
Chính sách, cơ chế phối hợp, quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các cơ sở dạy nghề và các trung tâm giáo dục thường xuyên chưa cụ thể, chưa có hiệu lực và trong khi thực hiện, còn đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau.
Các lớp học mở tại trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện thường xa cơ sở dạy nghề nên công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh gặp nhiều khó khăn.
Trong thực tế các địa phương thường quan tâm, chú trọng hơn hệ đào tạo trung học phổ thông công lập so với hệ đào tạo trung học bổ túc văn hóa, quy định tỷ lệ học sinh vào lớp 10 trung học phổ thông cao. Một số cấp uỷ, chính quyền các cấp cũng chưa nhận thức đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm giáo dục thường xuyên. Bên cạnh đó tiềm lực kinh tế của các tỉnh nghèo như Hà Giang dẫn đến việc quan tâm về tuyển sinh, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất, trang bị cho các trung tâm giáo dục thường xuyên khó tránh khỏi những hạn chế.