CHỨC NĂNG TẠO LẬP ÁN LỆ CỦA TÕA ÁN Ở VIỆT NAM

Một phần của tài liệu CHỨC NĂNG TẠO LẬP VÀ ÁP DỤNG ÁN LỆ CỦA TÒA ÁN (Trang 25 - 30)

3.1. Thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam

3.1.1.Quan niệm về thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam

Tác giả luận án nhận thấy quan điểm về thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam khác với quan niệm ở các nước common law và civil law ở những điểm sau: (i) thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án được quy định chính thức trong văn bản pháp luật. Trong khi đó, ở các nước common law và civil law thường không có văn bản pháp luật quy định thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án: (ii) xác định rõ tòa án

nào có thẩm quyền tạo lập án lệ. Trong khi đó, thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án nên thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án ở các nước common law và civil law gắn liền với chức năng xét xử giải quyết vụ việc cụ thể. Sự khác biệt này chủ yếu bị ảnh hưởng bởi quan điểm thực chứng pháp lý.

3.1.2.Cơ sở pháp lý

Hiện nay, thẩm quyền ban hành án lệ được Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC năm 2015 chính thức ghi nhận.

3.1.3.Một số hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án

Theo tác giả luận án, các quy định về thẩm quyền có những bất cập, hạn chế như sau:

Thứ nhất, pháp luật quy định về thẩm quyền tạo lập án lệ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Thứ hai, pháp luật quy định thẩm quyền ban hành án lệ của TANDTC nhằm bảo đảm được chất lượng “đầu ra” của án lệ chứ không thể kiểm soát được chất lượng “đầu vào” vào của án lệ.

Thứ ba, pháp luật quy định thẩm quyền ban hành án lệ của TANDTC nhằm công nhận hiệu lực pháp lý của án lệ vô hình chung đã trao thêm cho TANDTC chức năng lập pháp tách khỏi chức năng xét xử - giải quyết vụ việc cụ thể của tòa án.

Thứ tư, pháp luật quy định thẩm quyền ban hành án lệ có thể dẫn đến tình trạng không thống nhất giữa giải pháp pháp lý của án lệ với quyết định giải quyết của tòa án trong quá trình tố tụng.

Thứ năm, pháp luật quy định thẩm quyền ban hành án lệ đã hạn chế đáng kể vai trò bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất của các bản án, quyết định có chứa các giải pháp pháp lý mới nhưng chưa được công bố làm án lệ.

3.1.4.Những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định hiện hành về thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án

Tác giả luận án có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, pháp luật hiện hành nên thay đổi theo hướng xác định thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án gắn liền với chức năng xét xử giải quyết vụ việc cụ thể.

Thứ hai, bước đầu pháp luật nên quy định theo hướng tập trung vào thẩm quyền tạo lập án lệ cho TANDTC và TAND cấp cao chứ không nên quy định đối tượng các bản án, quyết định của TAND tất cả các cấp đều có thể được lựa chọn làm án lệ như hiện nay.

3.2. Phạm vi tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam

3.2.1.Các trường hợp tòa án tạo lập án lệ trong thực tiễn tư pháp

Quan sát 16 án lệ đã được công bố trong thời gian qua có thể thấy rằng tòa án tạo lập án lệ trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, tòa án tạo lập án lệ trong trường hợp văn bản pháp luật có quy định nhưng ở dạng “khung” mang tính khái quát nên cần tòa án giải thích cụ thể quy định này.

Thứ hai, tòa án tạo lập án lệ trong trường hợp văn bản pháp luật không có quy định.

Thứ ba, tòa án tạo lập án trong trường hợp văn bản pháp luật có quy định nhưng quá cứng nhắc.

3.2.2.Những kiến nghị đối với vấn đề phạm vi tạo lập án lệ của tòa án Tác giả luận án có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, đối với trường hợp tòa án tạo lập án lệ nhằm giải thích các quy định mang tính khái quát. Trường hợp này đòi hỏi tòa án giải thích pháp luật dựa trên những nguyên tắc và phương pháp nhất định.

Thứ hai, đối với trường hợp tòa án tạo lập án lệ khi văn bản pháp luật không có quy định, hoặc có quy định nhưng cứng nhắc cần bảo đảm tính “hợp lý” của các phán quyết tư pháp.

Thứ ba, pháp luật Việt Nam nên bổ sung trường hợp tòa án tạo án lệ thông qua hoạt động giải thích Hiến pháp.

3.3. Phương pháp lập luận tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam

3.3.1.Các phương pháp lập luận tạo lập án lệ của tòa án phổ biến hiện nay

Các phương pháp lập luận tạo lập án lệ của tòa án phổ biến ở Việt Nam hiện nay bao gồm:

Thứ nhất, phong cách lý lẽ tạo lập án lệ của tòa án Việt Nam không theo logic diễn dịch của tòa án ở các nước civil law mà gần giống với logic quy nạp của tòa án ở các nước common law.

Thứ hai, phong cách lý lẽ tạo lập án lệ của tòa án Việt Nam mang tính chất áp đặt chứ không mang tính tranh luận.

Thứ ba, lập luận trong các bản án, quyết định của tòa án Việt Nam thường không viện dẫn các điều khoản trong các văn bản pháp luật làm cơ sở để giải quyết vụ việc.

3.3.2.Những kiến nghị đối với phương pháp lập luận tạo lập án lệ của tòa án nhằm nâng cao chất lượng án lệ

Tác giả luận án có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, phần lập luận trong các bản án, quyết định của tòa án Việt Nam cần bổ sung thêm phương pháp lập luận tạo lập án lệ mang tính tranh luận và hợp lý thay cho phong cách lý lẽ tạo lập án lệ mang tính áp đặt như hiện nay.

Thứ hai, phần lập luận trong bản án, quyết định của tòa án ở Việt Nam cần bổ sung các căn cứ pháp lý là các điều khoản trong văn bản pháp luật trong các trường hợp tòa án tạo lập án lệ nhằm giải thích các quy định mang tính khái quát và văn bản pháp luật có quy định nhưng cứng nhắc.

Thứ ba, phần lập luận trong các bản án, quyết định của tòa án Việt Nam cần bổ sung thêm phong cách lý lẽ tạo lập án lệ theo logic diễn dịch nhằm tạo ra một quy phạm mang tính khái quát để áp dụng về sau.

3.4. Vấn đề công bố án lệ ở Việt Nam 3.4.1.Cơ sở pháp lý

Hiện nay, Nghị quyết số 03/2015/ NQ – HĐTP năm 2015 quy định quy trình lựa chọn các bản án, quyết định công bố làm án lệ đầy đủ về: hình thức công bố án lệ; cách thức công bố; nội dung công bố; phương thức công bố.

3.4.2.Một số hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về vấn đề công bố án lệ Theo tác giả luận án, các quy định của pháp luật đối với hoạt động công bố án lệ trong Nghị quyết số 03/2015/ NQ – HĐTP năm 2015 có những hạn chế như sau:

(i) quy định trình tự, thủ tục lựa chọn bản án, quyết định để công bố làm án lệ quá chặt chẽ, kéo dài và có quá nhiều chủ thể tham gia sẽ làm cho hoạt động tạo lập án lệ của tòa án trở nên kém hiệu quả; (ii) công bố án lệ theo mẫu có thể làm cho phần nội dung án lệ sai lệch với phần khái quát nội dung của án lệ gây ra khó khăn trong việc xác định yếu tố bắt buộc của án lệ khi áp dụng; (iii) về đối tượng được lựa chọn công bố làm án lệ không giới hạn các bản án, quyết định lựa chọn để công làm

án lệ nên công việc lựa chọn gặp rất nhiều khó khăn; (iv) công bố án lệ là hình thức nhằm xác định hiệu lực pháp lý của án lệ sẽ làm hạn chế vai trò bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất của các bản án, quyết định có giải pháp pháp lý mới nhưng chưa được công bố làm án lệ.

3.4.3.Những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề công bố án lệ

Tác giả luận án có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, thay vì dàn trải, pháp luật nên thay đổi theo hướng tập trung vào các bản án, quyết định của TANDTC và TAND cấp cao.

Thứ hai, về trình tự và thủ tục công bố án lệ, pháp luật nên thay đổi theo hướng đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho án lệ được hình thành nhanh chóng và kịp thời khắc phục lỗ hổng của văn bản pháp luật.

Thứ ba, pháp luật nên quy định công bố án lệ dưới hình thức bản án, quyết định của tòa án có thể kèm theo phần tóm tắt thay cho hình thức công bố án lệ mẫu như hiện nay nhưng cần phải cải cách viết phần lập luận trong bản án, quyết định

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3:

Tác giả luận án có một số kết luận trong chương này như sau:

Thứ nhất, hầu hết các vấn đề cơ bản về chức năng tạo lập án lệ của tòa án như thẩm quyền tạo lập án lệ, phạm vi tạo lập án lệ, công bố án lệ đều được pháp luật Việt Nam quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định của pháp luật hiện hành chưa phù hợp với bản chất của chức năng tạo lập án lệ của tòa án cũng như không dựa trên những nguyên tắc, xu hướng chung được thừa nhận rộng rãi ở các nước sử dụng án lệ trên thế giới. Cụ thể:

Một là, quy định TANDTC có quyền công bố án lệ dưới hình thức các quy phạm mang tính khái quát và xác định hiệu lực pháp lý của chúng. Điều này đã tách chức năng tạo lập án lệ của tòa án ra khỏi chức năng xét xử. Trong khi đó, ở hầu hết các quốc gia chức năng tạo lập án lệ của tòa án luôn gắn liền với chức năng xét xử - giải quyết vụ việc cụ thể của tòa án;

Hai là, các quy định pháp luật hiện hành chủ yếu chỉ nhằm tập trung kiểm soát chất lượng “đầu ra” của án lệ chứ không chú trọng chất lượng “đầu vào” của án lệ. Trong khi đó, ở hầu hết các quốc gia đều tập trung chất lượng “đầu vào” của án lệ - nâng cao chất lượng các bản án, quyết định, ví dụ như, Hà Lan.

Thứ hai, việc các phương pháp lập luận mang tính tranh luận, hợp lý nhằm tạo ra giá trị hay sức thuyết phục án lệ vẫn chưa được các tòa án quan tâm đúng mức trong hoạt động tạo lập án lệ.

Thứ ba, để khắc phục những hạn chế của các quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam trong thời gian tới, pháp luật hiện hành cần phải thay đổi theo các hướng sau:

Một là, không tách chức năng tạo lập án lệ của tòa án ra khỏi chức năng xét xử, nghĩa là tòa án ban hành bản án, quyết định giải quyết vụ việc cũng chính là tòa án có thẩm quyền tạo lập án lệ;

Hai là, tập trung lựa chọn các bản án, quyết định của TAND cấp cao và TANDTC;

Ba là, đơn giản hóa thủ tục lựa chọn các bản án, quyết định công bố làm án lệ nhằm phát huy tối đa vai trò của án lệ trong việc bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất, tạo điều kiện cho án lệ được hình thành nhanh chóng khắc phục kịp thời các lỗ hổng của văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ tư, các tòa án Việt Nam cần phải tích cực tiếp nhận các phương pháp lập luận tạo lập án lệ mới như phương pháp lập luận mang tính hợp lý, tính tranh luận nhằm nâng cao chất lượng của án lệ. Dĩ nhiên, để có thể có các án lệ có chiều sâu và sức thuyết phục cao thì nâng cao trình độ lý luận, kỹ thuật nghiệp vụ cho các thẩm phán phải được xem là điều kiện tiên quyết.

Một phần của tài liệu CHỨC NĂNG TẠO LẬP VÀ ÁP DỤNG ÁN LỆ CỦA TÒA ÁN (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(39 trang)