LỜI LẼ VÀ THÁI ĐỘ NÓI CHUYỆN DỊU DÀNG ÊM ĐỀM NHƯ DÒNG NƯỚC CHẢY

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trong giao tiếp hàng ngày (Trang 73 - 76)

CHƯƠNG VI NGHỆ THUẬT NÓI CHUYỆN CỦA PHỤ NỮ

5. LỜI LẼ VÀ THÁI ĐỘ NÓI CHUYỆN DỊU DÀNG ÊM ĐỀM NHƯ DÒNG NƯỚC CHẢY

“Ngôn ngữ tồn tại nhằm nguỵ trang cho tư tưởng của con người”.

Tục ngữ có câu: “Một câu nói có thể làm cho mọi người vui vẻ nhưng cũng có thể làm cho mọi người nhảy dựng lên”. Trong các trường hợp ngôn ngữ làm cho mọi người vui vẻ đó là những lời nói dịu dàng, ngọt ngào.

Lời lẽ và thái độ dịu dàng được thể hiện ở “Giọng điệu nói chuyện thân thiết, ngữ điệu dịu dàng, ngôn ngữ kín đáo, từ ngữ uyển chuyển, nói năng tự nhiên”. Với cách nói năng như vậy dễ làm cho đối phương cảm thấy thân thiết, vui vẻ, dễ nghe, có hiệu quả chinh phục mạnh và thực tế là lấy nhu chế cương.

Làm thế nào để bạn nói năng dịu dàng êm đềm như nước chảy?

a. Nói năng vui vẻ, hòa nhã

Người ta đang bực tức trút giận lên bạn rất vô lý mà bạn nhường nhịn, nói năng dịu dàng thì sẽ dập tắt được cơn giận ấy và đổi lại được nụ cười của người ta. Như một nhân viên của cửa hàng đồ sứ phải tiếp một nữ khách hàng khó tính, sau hơn nửa tiếng đồng hồ giới thiệu rất nhiều mặt hàng mà cô khách hàng vẫn chưa chọn được một món hàng, do nhiều khách nên anh nhân viên vội đi giới thiệu sản phẩm cho một khách hàng khác. Nữ khách hàng cho rằng mình bị đối xử lạnh nhạt nên mặt nặng mày nhẹ lớn tiếng trách mắng “Anh

phục vụ kiểu gì đấy, anh không thấy tôi là người đến trước hay sao mà để mặc tôi thế này?”.

Nói rồi cô ấy vứt tiền lên quầy và ra lệnh: “Thanh toán nhanh cho tôi, tôi còn có việc khác”

câu nói ấy thật khó nghe. Nếu gặp phải nhân viên khó tính thì chắc sẽ cãi nhau to nhưng anh nhân viên kia đã không lên tiếng tranh chấp với người khách nọ, anh thu xếp cho các vị khách hàng khác xong thì tươi cười đến chỗ cô nói: “Xin lỗi chị, mong chị thông cảm, cửa hàng chúng tôi bận quá nên phục vụ chị không chu đáo, rất vui vì chị đã đóng góp ý kiến cho chúng tôi”. Những câu nói nhường nhịn và chân thành của anh nhân viên đã làm cho cô khách hàng đỏ mặt, xấu hổ nói “Mong anh thông cảm, vừa nãy tôi nói không được dễ nghe lắm”.

Bạn thấy đấy, anh nhân viên đã lấy “hòa khí” đối chọi với “tức giận”, bề ngoài thì có vẻ

“tình cảm dịu dàng như dòng nước êm đềm” nhưng thực tế lại “có sức mạnh thắng ngàn vạn đao kiếm”, tạo ra hiệu quả tích cực. “Có lý không phải ở lời lẽ to tiếng”. Với cách nói nhường nhịn như vậy mới thể hiện sự tôn trọng, khoan dung và thấu hiểu người khác, bản thân điều này đã tạo ra sự cảm hóa và từ đó làm cho tâm lý đối phương thay đổi. “Tức giận”

mà gặp “hòa khí” thì sẽ mất đi đối tượng trút giận nên tự nhiên sẽ hết giận. Bạn cũng biết, nhiều khi sự khoan dung khơi dậy và làm rung động đạo đức mạnh mẽ hơn sự trừng phạt.

Như vậy nói năng nhường nhịn bằng khoan dung là cách nói năng có nhiều sức chinh phục nhất.

b. Nói chuyện theo kiểu trong cái mềm dẻo ẩn chứa cứng rắn

Gặp phải người quấy rối vô lý bạn không nên quá tức giận, càng không nên lớn tiếng chửi bới, thái độ lý trí và lời lẽ uyển chuyển sẽ giúp bạn “chuyển nguy thành an”, chiến thắng đối phương.

Một cô gái đội mũ hoa đi trên đường bị mấy chàng trai trẻ tuổi trêu chọc giật mũ. Trước sự khiêu khích của mấy chàng trai, cô gái vừa tức giận, vừa lo lắng nhưng bình tĩnh và lịch sự nói “Mũ của tôi rất đẹp, đúng không?”. “Tất nhiên, mũ cô cũng giống như cô, rất đẹp”.

Một chàng trai cố ý chọc cô, cô gái nhẹ nhàng nói: “Chắc là anh muốn ngắm chiếc mũ ấy để còn mua tặng cho người yêu? Tôi nghĩ, anh chắc không phải là loại người hay trêu chọc người khác”.

Lời nói của cô ẩn chứa nhiều ý nghĩa, trong sự dịu dàng ấy có ẩn giấu những lời khuyên bảo, trong sự nhẹ nhàng có chứa nét sắc sảo. Tất nhiên là sau đó, chàng trai có phần lúng túng, chủ động xin lỗi và trả lại mũ cho cô gái rồi đi mất. Như vậy đã không xảy ra một trận cãi nhau.

Qua đó chúng ta không những thấy được sự nhanh trí, thông minh của cô gái mà còn có ấn tượng với khả năng xử lý của cô. Từ đầu đến cuối cô gái không hề nói một câu cứng rắn nào mà chỉ là những lời nhẹ nhàng có chứa “nhiều ý nghĩa”. Cô gái đã ứng phó rất giỏi, đã đánh trúng tâm lý tự ái và lòng tự trọng của đối phương. Với ngôn ngữ dịu dàng, cử chỉ bình tĩnh cô gái đã làm cho đối phương không thể làm càn. Chúng ta có thể thấy rằng, những lời

nói dịu dàng luôn có sự hấp dẫn độc đáo vì trong “nhu có cương”.

c. Nói chuyệ n với ý tứ sâu xa

Khi bạn bị đối phương trêu chọc thì bạn cũng không được hành động lỗ mãng, thái độ thành thục và lời nói nhẹ nhàng sẽ giúp bạn đạt được như ý muốn.

Một người đàn ông đứng tuổi nhân chuyến đi công tác trong nước liền đi mua vài món đồ để làm quà cho người thân, nhưng đến trước sạp hàng nọ ông đã sơ ý bị cô bán hàng lấy mất ví tiền. Sạp hàng khi đó chỉ có hai người, ông biết rõ cô bán hàng làm việc này nhưng khi nói ra thì cô ta lật mặt mắng ông “đến đồn công an mà báo”. Ông bình tĩnh nghĩ ngợi và thấy không cần thiết phải làm găng với cô bán hàng. Ông hạ thấp giọng cầu khẩn cô “Cô gái, tôi định mua vài món hàng của cô, sao cô lại đối xử với tôi như vậy? Tôi biết các cô làm ăn buôn bán trọng nhất là chữ tín”. Những câu nói cầu khẩn và khuyên bảo ấy đã làm cho cô bán hàng phải suy nghĩ. Ông nói thêm: “Tôi từ xa đến, trong ví còn có tiền của bạn bè gửi mua đồ, mất rồi tôi biết ăn nói với họ ra sao? Tôi phải lấy tiền ở đâu đây? Cô tìm lại giúp tôi được không, có thể nó lẫn ở trong đống quần áo? Tôi biết các cô là những người rất biết thông cảm mà”.

Cuối cùng cô gái đã bị thuyết phục và lấy ví tiền trong đống quần áo, xấu hổ trả lại cho ông khách.

Cầu khẩn thường là ngôn ngữ của người đang đứng ở thế yếu. Tuy nhiên, đó không phải là những lời cầu khẩn thấp hèn mà là một kiểu đấu trí trong trận chiến tâm lý. Ông khách đã nắm được yếu điểm là “chữ tín” và với cách cầu khẩn, dẫn dắt, ngầm tăng áp lực để cố gắng khêu gợi sự cảm thông và lương tâm của cô gái để tính chính nghĩa, chữ tín chiến thắng ý muốn tham lam, xấu xa và cuối cùng cô gái đã trả lại ví tiền cho ông.

d. Nói chuyện bình tĩnh, hòa nhã

Khi muốn nhờ vả người khác, bạn không nên nói bằng giọng điệu ra lệnh, nếu không có thể sẽ làm cho bạn phải lâm vào hoàn cảnh khó xử. Nếu bạn nói chuyện bình tĩnh, hòa nhã thì sẽ đạt được mục đích.

Người vợ đi làm về nói với chồng đang ngồi đọc sách: “Hôm nay em muốn đi may thêm bộ quần áo, anh có thể đi đón con rồi làm cơm được không?” Nói theo kiểu bàn bạc và tôn trọng như vậy thì chắc chắn đối phương sẽ vui vẻ chấp nhận. Người chồng nói “Được thôi, để anh đi đón con”. Cách nói như vậy không những đạt được mục đích mà còn làm cho quan hệ của hai người hòa hợp thêm. Tuy nhiên, nếu áp dụng giọng điệu mệnh lệnh, ép buộc thì sẽ sao nhỉ?

Người vợ: “Này anh, hôm nay em phải làm thêm, anh nhớ đi đón con về rồi nấu cơm”.

Người chồng nghe vậy tức giận nói: “Em không thấy là anh đang bận sao?”. Người vợ bực mình cãi lại “Bận, mỗi mình anh bận, lẽ nào tôi phải lo hết gánh nặng của cái nhà này hay sao?”. Nói đi nói lại và hai người đã cãi nhau, giận nhau. Trong cuộc sống có rất nhiều những cặp vợ chồng như vậy. Về tâm lý chấp nhận của mọi người thì giọng điệu ra lệnh, sai khiến, ức hiếp người khác luôn làm đối phương có ác cảm, còn đề nghị chân thành, bàn bạc, bình đẳng lại là một cách thỏa hiệp rất tự nhiên. Do vậy bàn bạc sẽ làm thay đổi quan điểm của con người hơn là ra lệnh. Bạn nên cố áp dụng biện pháp bàn bạc với các đồng nghiệp, các thành viên trong gia đình.

Chúng ta đều biết ngôn ngữ đẹp là biểu hiện cụ thể của tâm hồn. “Có lòng thiện thì mới có những lời nói thiện”. Một người có tâm hồn ác độc thì ngôn ngữ tuyệt đối không thể tốt đẹp. Do đó, muốn nói năng dịu dàng trước hết bạn cần phải tăng cường rèn luyện tính cách và tư tưởng.

Trong lòng mà vô tư thì trời đất mới rộng rãi, bao la. Chỉ khi con người có trái tim trong sáng thì tấm lòng mới bao la, tính tình mới cởi mở. Khi nẩy sinh mâu thuẫn cần biết

nghiêm khắc với mình và đối xử khoan dung với người ta, biết nhường nhịn, không so đo, tính toán. Khi bị ấm ức thì có thể chịu đựng, không ăn miếng trả miếng.

Tất nhiên, kiềm chế tình cảm nhiều khi thật khổ sở. Nhưng để đạt được hiệu quả giao tiếp tốt nhất, chịu đựng được nỗi khổ này là hành động xứng đáng và có ích.

Nói năng nhẹ nhàng cần có những yêu cầu đặc biệt về giọng điệu, cách dùng từ, như cần dùng những từ ngữ lịch sự, kính trọng để thể hiện sự tôn trọng quan điểm, tình cảm của đối phương nhằm làm đối phương có thiện cảm với mình, tránh sử dụng những từ ngữ thô lỗ, xấu xa. Về câu cú, nên ít dùng câu phủ định, nên dùng nhiều câu khẳng định. Về cách dùng từ, cần chú ý những từ nghĩa đen mang nhiều màu sắc tình cảm, ít dùng từ nghĩa bóng để giảm bớt tính kích thích. Về giọng điệu, nên nhẹ nhàng, nho nhã. Đồng thời, khi nói

chuyện cần chú ý nở nụ cười chân thành. Nụ cười có sức hấp dẫn lạ kỳ trong giao tiếp, sẽ biến bạn thành người có sức hấp dẫn, ảnh hưởng đến người khác.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trong giao tiếp hàng ngày (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)