CHƯƠNG 3. KỸ NĂNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VÀ THƯƠNG LƯỢNG
3.2. Những công việc cần chuẩn bị trước phỏng vấn
3.2.2. Các thông tin cần chuẩn bị
Để phỏng vấn xin việc thành công cần có sự chuẩn bị, nếu không, khả năng thành công của ứng viên sẽ không phải là điều chắc chắn. Khi bước vào một buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường sẽ hỏi ứng viên về khả năng đóng góp cho công ty, hay những thông tin về lợi nhuận năm trước và những sản phẩm mới nhất của họ là gì để chắc chắn ta đã biết rõ mọi thứ ở nhà. Không gì thất vọng hơn là khi một ứng viên cứ nói liên hồi về sự nhiệt tình nhưng lại thực sự không biết đến những thông tin và số liệu cơ bản nhất về công ty đang phỏng vấn.
Tìm kiếm thông tin online
Website của công ty là nơi tốt nhất để bắt đầu quá trình tìm kiếm. Tại đây,ta sẽ tìm thấy những thông tin chính thức, những sản phẩm cũng như những dịch vụ mà công ty hiện có. Ứng viên cũng có thể nhìn thấy phần nào phong cách và văn hóa công ty qua cách thức thể hiện website của họ. Hãy đọc thông tin đủ để hiểu về công việc của công ty đó, các khách hàng và mục tiêu chung của công ty như thế nào. Đừng thôi đọc trước khi có thể trả lời những câu hỏi sau đây: Công ty này làm công việc
gì? Mục tiêu của công ty hướng tới là gì? Công ty tuyên bố điều gì làm họ khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh?
Kiểm tra các báo cáo hàng năm, tìm kiếm các thông cáo báo chí và tham khảo thêm thông tin tại trang tin tức của công ty. Hãy lọc lại tất cả các thông tin này và nhận định về những gì mình có thể đáp ứng phù hợp với định hướng của công ty.
Ứng viên cũng có thể sử dụng các công cụ tìm kiếm trong trang web để khám phá thêm thông tin về những người có khả năng sẽ là người phỏng vấn mình.
Dành thời gian để tìm trên mạng những thông tin khác về công ty. Gõ tên của công ty trên Google để xem có những tin tức nào viết về công ty gần đây hay không.
Ứng viên cũng có thể tham khảo một số thông tin từ những người đang làm việc tại đó, chẳng hạn như lý do tại sao họ lại thích làm việc tại môi trường này.
Còn một điều nữa, ứng viên cũng nên thử tìm kiếm thông tin trên mạng từ chính tên của mình để xem có điều gì nên và không nên để nhà tuyển dụng nhìn thấy hay không. Vì rất có thể nhà tuyển dụng cũng làm những công việc tương tự như vậy trước khi phỏng vấn.
Các nguồn thông tin về ngành nghề
Không chỉ cần thông tin về công ty, ứng viên cũng nên chuẩn bị kiến thức nền tốt về lĩnh vực ngành nghề liên quan để có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Do đó, việc xem qua các ấn phẩm kinh doanh và các website để xem những thông tin về công việc tiềm năng và ngành nghề liên quan sẽ giúp ứng viên có thông tin nhiều hơn.
Nếu chuyên ngành của mình đã phù hợp với công việc ứng tuyển, ứng viên có thể hỏi thêm bạn bè để có thể hiểu rõ hơn về lĩnh vực mà công ty đó đang tham gia, hay những kiến thức nhóm ngành cần thiết,… nếu họ biết về công ty đó.
1. Ứng viên hãy dành một chút thời gian để tìm hiểu về công ty và vị trí ứng tuyển.
Hãy tìm những thông tin đặc biệt về công ty đó. Nếu có thể, có thể vào thư viện, tìm hiểu thông tin trên mạng để tìm kiếm về những điều thú vị và nói chuyện với những nhân viên đang làm việc hoặc ngay cả những người đã nghỉ việc về những kinh nghiệm và những ấn tượng của họ về công ty. Sau đó nghiên cứu về những sản phẩm dịch vụ, ngành nghề kinh doanh, thị trường, vị trí địa lý, kết cấu, lịch sử, nhân viên và những thông tin quan trọng khác của công ty. Và ắt hẳn công ty đang có những xu hướng mới để phát triển, nên tìm hiểu về điều đó.
2. Ứng viên hãy cố gắng tìm hiểu về những đối thủ cạnh tranh chính của công ty và có vài nghiên cứu sơ lược xem họ khác với công ty mà mình sắp phỏng vấn như thế nào?
3. Hãy chuẩn bị những ví dụ cụ thể về những kỹ năng và kinh nghiệm của mình cho thấy là rất cần thiết cho công ty. Luyện tập về cách trả lời những câu hỏi mà họ có thể hỏi tới như những kinh nghiệm, trình độ học vấn, những kỹ năng và chúng có mối liên quan như thế nào đến vị trí mà mình dự tuyển. Hãy chuẩn bị để “tô màu”
giữa kinh nghiệm và sự cần thiết của mình cho công ty là một trong những kỹ năng phỏng vấn quan trọng nhất mà bạn sẽ cần đến.
4. Tự nhận xét về những ưu điểm và khuyết điểm của mình. Hãy chuẩn bị để nói về những khuyết điểm của mình nhưng tìm một cách để điều chỉnh nó theo chiều hướng tốt. Ví dụ, "nhược điểm lớn nhất của tôi là tôi là một người cầu tòan. Điều đó nó luôn lấy của tôi thêm một ít thời gian để hòan thành công việc cho đúng như sự mong muốn của tôi nhưng tôi có thể đảm bảo rằng, công việc sẽ vượt qua cả những sự xem xét nghiêm ngặt nhất, chính xác 100%, và không có chi tiết nào bị bỏ sót”.
5. Hãy chuẩn bị một số câu hỏi thật thông minh để hỏi thăm về công ty và vị trí ứng tuyển. Điều đó sẽ chứng minh rằng những kiến thức của bạn về công ty và ứng viên thật sự quan tâm đến vị trí dự tuyển này. Nếu có một câu hỏi nào đó mà ứng viên cảm thấy đặc biệt lo ngại, đừng chỉ hy vọng nhà tuyển dụng sẽ không hỏi đến, hãy xác định đâu là câu hỏi mà mình sợ bị hỏi đến nhất trong cuộc phỏng vấn (chẳng hạn:
đâu là lý do khiến bạn từ bỏ công việc hiện tại hoặc trước đó). Sau đó, xác định chính xác mình sẽ trả lời như thế nào, và tập luyện câu trả lời đó, lặp đi lặp lại cho tới khi trơn tru. Bằng cách này, ứng viên sẽ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn nhiều nếu chủ đề mà mình ngại được nhà tuyển dụng đưa ra hỏi trong cuộc phỏng vấn. Đến cuối mỗi cuộc phỏng vấn, các nhà tuyển dụng thường đề nghị ứng viên đưa ra cho họ những câu hỏi mà mình có. Mục này cũng đòi hỏi ứng viên phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Những câu hỏi tốt ở giai đoạn này là những câu hỏi để làm rõ hơn về công việc mà mình đang phỏng vấn, cũng như những câu hỏi mở về văn hóa công ty.
Ngoài ra, ứng viên cũng nên hỏi về những bước tiếp theo mà nhà tuyển dụng dự định thực hiện nếu vượt qua vòng phỏng vấn, cũng như thời gian mà họ dự kiến liên lạc lại với mình.
6. Đọc kỹ bản mô tả công việc: Thông thường, các ứng viên chỉ đọc lướt qua mô tả công việc và bỏ lỡ những thông điệp quan trọng mà nhà tuyển dụng gửi đi trong đó. Đây là một sai lầm. Ứng viên cần đọc kỹ mô tả công việc cho tới khi hoàn toàn hiểu rõ về nội dung công việc cần làm nếu được nhận: công việc sẽ có những khó khăn như thế nào, và vì sao mình sẽ là người phù hợp. Trên thực tế, cách tốt nhất là ứng viên đọc từng dòng trong miêu tả công việc và nghĩ xem kinh nghiệm và các kỹ năng của mình sẽ phù hợp với mỗi dòng miêu tả đó như thế nào. Hãy dành thời gian
để nghĩ về những việc đã từng làm trước đây để có thể sử dụng như bằng chứng cho thấy mình sẽ hoàn thành tốt công việc này.